Thuốc Erythromycin 500mg Vidipha điều trị nhiễm khuẩn (10 vỉ x 10 viên)
Danh mục
Thuốc kháng sinh
Quy cách
Viên nén bao phim - Hộp 10 Vỉ x 10 Viên
Thành phần
Erythromycin
Thương hiệu
Vidipha - VIDIPHA
Xuất xứ
Việt Nam
Thuốc cần kê toa
Có
Số đăng kí
VD-25787-16
0 ₫/Hộp
(giá tham khảo)Thuốc Erythromycin là sản phẩm của Công ty Cổ phần Dược phẩm T.Ư Vidipha, có thành phần chính erythromycin, đây là thuốc dùng để điều trị các nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn tai, nhiễm khuẩn răng miệng, nhiễm khuẩn mắt, nhiễm khuẩn da và mô mềm, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa. Dự phòng trước và sau phẫu thuật chấn thương, bỏng, sốt thấp khớp; và điều trị các nhiễm khuẩn khác.
Cách dùng
Thuốc có thể uống với thức ăn để giảm kích ứng dạ dày nhưng không được uống với sữa hoặc đồ uống có tính acid.
Liều dùng
Người lớn và trẻ em trên 8 tuổi:
- Nhiễm khuẩn mức độ nhẹ đến trung bình 1- 2 g/ngày chia thành 2 - 4 lần uống.
- Nhiễm trùng nặng: 4 g/ngày, chia làm nhiều lần uống. Liều cao hơn 1g/ngày nên chia ra nhiều hơn hai lần uống.
Trẻ em dưới 8 tuổi: Dùng dạng bào chế khác có hàm lượng phù hợp.
Điều chỉnh liều cho người suy thận: Liều Erythromycin tối đa là 1,5 g/ngày được khuyến cáo cho người bị suy thận nặng.
Lưu ý: Liều dùng trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh. Để có liều dùng phù hợp, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế.
Làm gì khi quá liều?
Triệu chứng:
Mất thính giác, buồn nôn nặng, nôn mửa và tiêu chảy.
Xử trí:
Cho dùng epinephrin, corticosteroid và thuốc kháng histamin để xử trí các phản ứng dị ứng, thụt rửa dạ dày để loại trừ thuốc chưa hấp thu ra khỏi cơ thể; và khi cần dùng các biện pháp hỗ trợ.
Nếu trường hợp quá liều xảy ra, đề nghị đến ngay cơ sở y tế gần nhất để nhân viên y tế có phương pháp xử lý.
Làm gì khi quên liều?
Nếu bạn quên một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.
Khi sử dụng thuốc Erythromycin, bạn có thể gặp các tác dụng không mong muốn (ADR). Một số tác dụng phụ được ghi nhận trong các nghiên cứu trên người dùng thuốc này là:
Erythromycin dạng muối thường được dung nạp tốt và hiếm có các phản ứng không mong muốn nặng. Tần suất không rõ ràng và tỉ lệ có thể khác nhau tuỳ theo công thức thuốc. Khoảng 5 - 15% người bệnh dùng erythromycin có ADR. Phổ biến nhất là các tác dụng về tiêu hoá. Tác dụng trên đường tiêu hoá liên quan đến liều và xuất hiện nhiều ở trẻ hơn người cao tuổi.
Rối loạn máu và hệ bạch huyết: Tăng bạch cầu ưa eosin.
Tuần hoàn: Kéo dài thời gian QT, xoắn đỉnh, loạn nhịp thất và chứng tim đập nhanh.
Rối loạn tai và mê đạo: Điếc, ù tai, đã có báo cáo mất thính lực có hồi phục xảy ra chủ yếu ở bệnh nhân suy thận hoặc dùng liều cao.
Rối loạn tiêu hoá: Đau bụng vùng thượng vị, chán ăn, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau dạ dày, chứng khó tiêu. Chứng hẹp môn vị phì đại ở trẻ em, viêm đại tràng màng giả, viêm tụy.
Những rối loạn chung liên quan đến đường dùng của thuốc: Đau ngực, sốt, khó chịu.
Rối loạn gan, mật: Viêm gan ở mặt, vàng da, rối loạn chức năng gan, gan to, viêm gan, xét nghiệm chức năng gan bất thường (transaminase tăng, bilirubin huyết tăng).
Rối loạn hệ miễn dịch: Phản ứng dị ứng khác nhau đã xảy ra từ nổi mề đay và phát ban nhẹ đến phản vệ.
Rối loạn hệ thần kinh: Đã có báo cáo về rối loạn hệ thần kinh trung ương thoảng qua gồm lú lẫn, co giật và chóng mặt.
Rối loạn tâm thần: Ảo giác.
Rối loạn thận và tiết niệu: Viêm thận kẽ.
Da: Phát ban, ngứa, nổi mề đay, ngoại ban, phù mạch, hội chứng Stevens - Johnson, hoại tử biểu bì nhiễm độc, hồng ban đa dạng.
Rối loạn mạch máu: Hạ huyết áp.
Ghi chú: Thông báo cho bác sỹ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.
Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn gặp phải bất kỳ tác dụng không mong muốn nào, hãy ngưng dùng thuốc và thông báo ngay cho bác sĩ hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.