Oxybenzone
Phân loại:
Dược chất
Mô tả:
Tên thuốc gốc (Hoạt chất)
Oxybenzone (Oxybenzon).
Loại thuốc
Thuốc chắn nắng.
Dạng thuốc và hàm lượng
Eucerin Plus dùng bôi mặt có SPF 15 (SPF: Yếu tố bảo vệ chống nắng) chứa những thành phần hoạt tính: Octyl methoxycinamat, oxybenzone, octyl salicylat và những thành phần khác: glycerin, urê, glyceryl stearat, octydodecanol, cyclomethicon, vitamin E, methylcloroisothiazolinon, methylisothiazolinon và chất khác.
Kem bôi da Solbar PF có SPF 50 chứa: Oxybenzone, octyl methoxycinamat, octocrylen.
Dịch lỏng Solbar PF có SPF 30 chứa: Oxybenzone, octyl methoxycinamat, octocrylen và cồn SD 40.
Kem dioxybenzone và oxybenzone.
Dược động học:
Hấp thu
Hiện có ít thông tin về hấp thu qua da, phân bố và thải trừ của phần lớn những thuốc chắn nắng dùng bôi ngoài.
Sự hấp thu qua da mặt gấp 2 - 13 lần qua da cẳng tay, sử dụng mỹ phẩm có chứa thuốc chắn nắng có thể thấy dấu hiệu hấp thu thuốc chắn nắng.
Phân bố
Không có thông tin.
Chuyển hóa
Không có thông tin.
Thải trừ
Oxybenzone có chứa trong một thuốc chắn nắng SPF-15 đã tìm thấy trong nước tiểu sau khi bôi thuốc lên cẳng tay của 9 bệnh nhân. Theo tính toán khoảng 1 - 2 % lượng thuốc bôi được hấp thu trong vòng trên 10 giờ.
Dược lực học:
Oxybenzone là dẫn chất thế của benzophenon, hầu như không hòa tan trong nước nhưng hòa tan trong rượu và toluen. Oxybenzone dùng để bôi ngoài như một thuốc chắn nắng. Oxybenzone thuộc nhóm benzophenon hấp thu tốt bức xạ tử ngoại B (UVB) (bước sóng 290 - 320 nm) và cũng hấp thu một phần bức xạ tử ngoại A (UVA - bước sóng 320 - 360 nm) và một số bức xạ tử ngoại C (UVC - bước sóng 250 - 290 nm).
Tác dụng ở da do phơi nắng liên quan trực tiếp đến bước sóng và tổng liều bức xạ tia cực tím (UV). UVB gây cháy nắng, ung thư, rám nắng. UVA gây rám nắng và có thể hiệp đồng với UVB để gây ung thư da, làm da lão hóa sớm. UVC gây hồng ban nhưng không gây rám nắng. Do đó, benzophenon, trong đó có oxybenzone, được dùng để ngăn cháy nắng và cũng có thể bảo vệ một phần các phản ứng mẫn cảm với ánh sáng do thuốc hoặc nguyên nhân khác do UVA.
Nếu dùng đơn độc, benzophenon ít có tác dụng kéo dài, do đó thường dùng phối hợp với các thuốc chống nắng ở nhóm khác. Khi benzophenon phối hợp với các thuốc khác như PABA, ester PABA và/hoặc cinamat, thuốc phối hợp tỏ ra hiệu quả hơn bất cứ thuốc nào dùng đơn độc. Viêm da dị ứng do tiếp xúc ánh sáng có thể xảy ra khi bôi tại chỗ thuốc chống nắng benzophenon.
Khi bôi ngoài, thuốc chắn nắng benzophenon có thể xảy ra viêm da dị ứng do tiếp xúc với ánh sáng. Oxybenzone được dùng rộng rãi và đã thấy gây phản ứng dị ứng với ánh sáng (quang dị nguyên). Hiệu quả của thuốc chắn nắng được xác định bằng tính kéo dài tác dụng thuốc chống nắng và yếu tố bảo vệ chống nắng (SPF) của sản phẩm.
Tác dụng điều trị kéo dài của thuốc được quyết định bởi đặc tính lý hóa của thuốc trong công thức và phản ánh thuốc xâm nhập như thế nào vào hạ bì và gắn vào protein của lớp sừng như thế nào. SPF được thực hiện trong nhà, dùng thiết bị mô phỏng mặt trời chiếu sáng. SPF có được bằng cánh chia liều tối thiểu UVB cần thiết để gây hồng ban trên da được bảo vệ chống ánh sáng cho liều UVB cần thiết để gây hồng ban trên da không được bảo vệ. SPF phải được dùng theo tính cách so sánh, không có giá trị tuyệt đối.
Chọn lựa SPF:
Giá trị SPF chứng tỏ mức độ bảo vệ cháy nắng và chỉ chứng tỏ bảo vệ của thuốc đối với UVB. Thuốc chắn nắng phổ rộng (bảo vệ chắn UVA, UVB) có SPF 15 hoặc cao hơn không những bảo vệ được cháy nắng mà còn làm giảm nguy cơ ung thư da và lão hóa da sớm nếu dùng theo hướng dẫn.
Thuốc chắn nắng phổ rộng có SPF càng cao (cho tới 50), mức độ bảo vệ toàn bộ càng cao.
Bất cứ thuốc chắn nắng nào có SPF từ 2 đến 14 chỉ ngăn được cháy nắng.
SPF lớn hơn hoặc bằng 15 được dùng cho da typ I và II, SPF 10 - 15 cho da typ III, SPF 6 - 10 cho da typ IV, SPF 4 - 6 cho da typ V. Không cần dùng thuốc chắn nắng cho da typ VI.
Các loại typ da:
Typ I: Bao giờ cũng dễ bị cháy nắng, hiếm khi bị rám nắng. Typ II: Bao giờ cũng dễ bị cháy nắng, rám nắng tối thiểu.
Typ III: Cháy nắng mức độ vừa, rám nắng dần dần (nâu nhạt - bình thường).
Týp IV: Cháy nắng tối thiểu, rám nắng mạnh (nâu vừa - bình thường).
Typ V: Hiếm khi cháy nắng, rám nắng nhiều (nâu sẫm - không nhạy cảm với ánh nắng).
Typ VI: Không bao giờ cháy nắng, nhuốm sắc tố nhiều (không nhạy cảm với ánh nắng).