Xuất huyết võng mạc là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Xuất huyết võng mạc là một triệu chứng thường gặp ở người bệnh đến khám tại phòng khám mắt. Xuất huyết võng mạc có thể xảy ra do bất cứ nguyên nhân nào làm tổn thương mắt hoặc mạch máu ở mắt của bạn. Khi có xuất huyết võng mạc, người bệnh có thể không có triệu chứng, hoặc một số người sẽ giảm hay mất thị lực.
Những dấu hiệu và triệu chứng của xuất huyết võng mạc
Nhiều người không gặp bất kỳ triệu chứng nào khi mắc xuất huyết võng mạc. Nếu gặp các triệu chứng, có thể bạn sẽ nhận thấy những thay đổi về thị lực của mình. Các triệu chứng phổ biến nhất của xuất huyết võng mạc bao gồm:
- Mất thị lực đột ngột;
- Nhìn mờ (tầm nhìn trở nên xấu đi hoặc mờ đi rõ rệt);
- Điểm mù;
- Thấy ruồi bay hoặc ánh sáng nhấp nháy;
- Thấy các mảng hoặc đốm tối trong tầm nhìn của bạn.
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh xuất huyết võng mạc
Những biến chứng có thể có của xuất huyết võng mạc hay của các bệnh lý dẫn đến xuất huyết võng mạc bao gồm:
- Mất thị lực vĩnh viễn;
- Tăng nhãn áp;
- Xuất huyết thuỷ tinh thể;
- Tân mạch võng mạc;
- Tăng sinh mạch máu võng mạc;
- Xơ hoá dưới điểm vàng.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn nhận thấy bất cứ sự thay đổi nào về mắt của mình, bao gồm cả suy giảm hay mất thị lực. Hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị, đặc biệt, hãy đến cấp cứu ngay nếu bạn đột ngột bị mất thị lực, đau mắt dữ dội hay thấy những đốm sáng hoặc hình ảnh ruồi bay lơ lửng trước mắt.
![Xuất huyết võng mạc là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/xuat_huyet_vong_mac4_09e4e591b5.png)
Những ai có nguy cơ mắc phải xuất huyết võng mạc?
Bất cứ ai cũng có thể có nguy cơ mắc phải xuất huyết võng mạc, đặc biệt ở các đối tượng nguy cơ có các bệnh lý mạch máu nhất định. Ở trẻ em, một số trẻ được sinh ra bằng phương pháp hỗ trợ sinh bị xuất huyết võng mạc khi mới sinh (khoảng 50%). Người lớn trên 40 tuổi thường bị xuất huyết võng mạc hơn vì phát triển các vấn đề về mắt liên quan đến tuổi tác.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải xuất huyết võng mạc
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc xuất huyết võng mạc bao gồm:
- Tăng cholesterol máu (tăng mỡ máu);
- Tăng huyết áp;
- Xơ vữa động mạch;
- Bệnh đái tháo đường;
- Thoái hoá điểm vàng;
- Sử dụng các thuốc chống đông như aspirin hoặc warfarin.
![Xuất huyết võng mạc là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 6](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/xuat_huyet_vong_mac6_261f1e0e21.png)
Nguyên nhân dẫn đến xuất huyết võng mạc
Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến triệu chứng xuất huyết võng mạc, sau đây là các nhóm nguyên nhân có thể có:
- Các bệnh về mắt: Thoái hoá điểm vàng liên quan đến tuổi tác, xuất huyết đĩa thị.
- Bệnh võng mạc do đái tháo đường: Xuất huyết võng mạc dạng chấm, hai bên và phân bố rải rác ở cực sau.
- Bệnh võng mạc do tăng huyết áp: Xuất huyết lan toả, hai bên và phân bố rải rác ở cực sau.
- Tắc tĩnh mạch võng mạc: Xuất huyết lan toả trong võng mạc ở tắc tĩnh mạch trung tâm, phân bố theo khu vực ở tắc tĩnh mạch võng mạc phân nhánh.
- Chấn thương: Xuất huyết nhiều lớp, có thể một hoặc hai bên, chấn thương khi sinh là nguyên nhân hàng đầu gây xuất huyết võng mạc ở trẻ sơ sinh.
- Thiếu máu: Xuất huyết nhiều lớp, đốm Roth, xuất huyết dưới màng cứng và xuất huyết thuỷ tinh thể.
Các tình trạng khác có thể dẫn đến xuất huyết võng mạc như thiếu máu hồng cầu hình liềm, bệnh bạch cầu, thiếu máu cục bộ ở mắt, rối loạn mô liên kết như trong bệnh lupus, tiền sản giật, bệnh võng mạc do độ cao hoặc viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn cấp tính.
![Xuất huyết võng mạc là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/xuat_huyet_vong_mac5_6b34b1ac87.png)
Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của xuất huyết võng mạc
Để hạn chế diễn tiến của xuất huyết võng mạc, điều quan trọng là bạn cần tuân thủ theo hướng dẫn và điều trị của bác sĩ. Các việc bạn có thể làm để giảm diễn tiến bệnh bao gồm:
- Tái khám theo đúng hẹn của bác sĩ để được theo dõi, đảm bảo tình trạng xuất huyết võng mạc đang hồi phục.
- Đến gặp bác sĩ ngay khi có bất kỳ dấu hiệu nào ở mắt như giảm thị lực.
- Nếu bạn được chẩn đoán xuất huyết thể thuỷ tinh, ngoài việc điều trị, bạn cần nghỉ ngơi tại giường với tư thế đầu cao theo hướng dẫn của bác sĩ để giảm chảy máu.
Phòng ngừa xuất huyết võng mạc
Cách tốt nhất để ngăn ngừa xuất huyết võng mạc là phòng ngừa các nguyên nhân gây ra chúng, một số bước bạn có thể thực hiện bao gồm:
- Duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ít chất béo bão hoà, muối và đường.
- Thường xuyên tập luyện thể dục.
- Duy trì cân nặng khoẻ mạnh cho cơ thể.
- Kiểm soát tốt các bệnh lý nền, đặc biệt như đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng cholesterol máu.
- Ngưng hút thuốc lá.
- Khám mắt định kỳ.
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm xuất huyết võng mạc
Bên cạnh việc hỏi bệnh và khám bệnh cho bạn, bác sĩ sẽ lấy các chỉ số bao gồm huyết áp, đường huyết, chỉ số khối cơ thể trước khi thực hiện thêm bất cứ đánh giá nào khác.
Bác sĩ chuyên khoa mắt sẽ chẩn đoán xuất huyết võng mạc bằng cách khám mắt và kiểm tra thị lực. Các xét nghiệm để bác sĩ định hướng được nguyên nhân dẫn đến xuất huyết võng mạc bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Đánh giá đường huyết, chỉ số mỡ máu, nhiễm trùng, tình trạng đông máu hoặc các xét nghiệm tìm bệnh hệ thống tự miễn.
- Hình ảnh học: Chụp động mạch hoặc chụp cộng hưởng từ có thể được thực hiện để chẩn đoán.
Điều trị xuất huyết võng mạc
Nội khoa
Xuất huyết võng mạc đơn độc có thể được quan sát và theo dõi tiến triển. Trong trường hợp xuất huyết không đe dọa thị lực thì không cần điều trị ngay lập tức. Nhiều người hầu như không cần điều trị gì, chỉ cần khám mắt theo dõi theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo xuất huyết sẽ tự lành.
Nếu có, các điều trị có thể bao gồm:
- Laser hoặc liệu pháp áp lạnh;
- Tiêm thuốc như chất chống yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF) hoặc corticosteroid để giảm viêm.
Ngoại khoa
Đôi khi, bạn cần phải thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật để điều trị tình trạng xuất huyết võng mạc. Can thiệp phẫu thuật được chỉ định trong các trường hợp xuất huyết dưới điểm vàng, dưới màng thuỷ tinh và thuỷ tinh thể, vì chúng có khả năng gây tổn hại thị lực không thể hồi phục. Phẫu thuật nhằm mục đích giải áp hoặc gắn lại võng mạc cho bạn.
![Xuất huyết võng mạc là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 7](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/xuat_huyet_vong_mac7_44715c3cdf.png)