Viêm thận bể thận là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Viêm thận bể thận là một loại nhiễm trùng đường tiết niệu, thường di chuyển từ bàng quang đến thận. Vi khuẩn là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra viêm thận bể thận. Các triệu chứng có thể gặp bao gồm sốt, khó đi tiểu, đau lưng dưới và đau khi đi tiểu. Viêm thận bể thận được điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm thận bể thận
Các triệu chứng có thể gặp của viêm thận bể thận bao gồm:
- Sốt.
- Ớn lạnh.
- Đau ở lưng dưới hoặc bên hông.
- Đau khi đi tiểu.
- Nước tiểu có máu hoặc đục (tiểu ra máu hoặc tiểu mủ), nước tiểu có thể có mùi hôi.
- Nhu cầu đi tiểu gấp hoặc thường xuyên.
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm thận bể thận
Đôi khi, viêm thận bể thận có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng. Đặc biệt ở những người có hệ miễn dịch suy yếu hoặc các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác. Các biến chứng có thể bao gồm:
- Viêm thận bể thận sinh hơi: Đây là tình trạng vi khuẩn bắt đầu phá hủy các bộ phận của thận và tạo ra khí. Tình trạng này phổ biến nhất ở những người bị đái tháo đường.
- Hoại tử nhú thận: Tình trạng viêm thận bể thận có thể gây tổn thương và hoại tử thận.
Các biến chứng khác có thể gặp bao gồm:
- Tổn thương thận cấp;
- Viêm thận khu trú cấp tính;
- Viêm thận bể thận mãn tính;
- Viêm thận bể thận tắc nghẽn;
- Áp xe thận;
- Áp xe quanh thận;
- Sẹo và teo thận;
- Huyết khối tĩnh mạch thận;
- Nhiễm khuẩn huyết.
![Viêm thận bể thận là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/viem_than_be_than4_d81f847fcd.png)
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu kèm theo sốt và đau ở hông lưng, đây có thể là biểu hiện của viêm thận bể thận. Bạn hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác tình trạng của mình và được điều trị phù hợp.
Những ai có nguy cơ mắc phải viêm thận bể thận?
Tỷ lệ mắc của viêm thận bể thận ở Mỹ là khoảng 1 trong 2000 người mỗi năm. Trong đó, viêm thận bể thận có tỷ lệ mắc cao hơn ở nữ giới. Đặc biệt ở phụ nữ trẻ, có hoạt động tình dục thường bị viêm thận bể thận do tỷ lệ mắc nhiễm trùng đường niệu cao hơn. Tuy nhiên ở nam giới có tỷ lệ tử vong cao hơn do viêm thận bể thận.
Phụ nữ mang thai cũng là một nhóm nguy cơ cao của viêm thận bể thận. Nhóm đối tượng như người già và trẻ sơ sinh cũng có nguy cơ mắc viêm thận bể thận cao hơn.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải Viêm thận bể thận
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm thận bể thận bao gồm:
- Tắc nghẽn: Bất cứ thứ gì ngăn cản dòng nước tiểu ra khỏi đường tiết niệu đều có thể khiến vi khuẩn phát triển và trào ngược vào thận. Các yếu tố bao gồm sỏi thận, phì đại tuyến tiền liệt và sa tử cung. Áp lực lên bàng quang trong thời kỳ mang thai cũng có thể làm tăng nguy cơ của bạn.
- Trào ngược bàng quang niệu quản: Đây là tình trạng nước tiểu đi ngược hướng và trào ngược từ bàng quang lên thận.
- Các tình trạng làm suy giảm miễn dịch: Bao gồm bệnh đái tháo đường, HIV và đang dùng thuốc ức chế miễn dịch.
- Cấu trúc giải phẫu: Phụ nữ sẽ có đường niệu đạo ngắn hơn, khiến vi khuẩn dễ di chuyển lên bàng quang và thận hơn so với nam giới.
![Viêm thận bể thận là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 6](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/viem_than_be_than6_f88b9e8fe3.png)
Nhiễm trùng do vi khuẩn là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra viêm thận bể thận. Virus cũng có thể gây ra tình trạng này, nhưng hiếm gặp ở những người khỏe mạnh.
Một số loại vi khuẩn gây viêm thận bể thận bao gồm:
- E. coli;
- Proteus mirabilis;
- Enterobacter;
- Staphylococcus.
![Viêm thận bể thận là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/viem_than_be_than5_b8baf6f149.png)
Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của viêm thận bể thận
Chế độ sinh hoạt:
- Nếu bạn đang mang thai, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ sản phụ khoa trong việc điều trị.
- Nếu bạn bị tắc nghẽn đường niệu (sỏi thận, thận ứ nước, bất thường đường tiểu), cần tham khảo bác sĩ ngoại niệu để có các điều trị phù hợp, hạn chế tái phát viêm thận bể thận.
- Vệ sinh đường niệu đúng cách để ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn.
- Làm rỗng bàng quang hoàn toàn bằng việc đi tiểu khi mắc, vì nhịn tiểu có thể khiến vi khuẩn phát triển.
- Sử dụng kháng sinh đúng theo chỉ định của bác sĩ để điều trị bệnh, hạn chế các tình trạng kháng kháng sinh.
Chế độ dinh dưỡng:
- Uống đủ nước: Việc uống đủ nước sẽ giúp tăng lượng nước tiểu, đi tiểu ngay khi mắc tiểu, để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng đường niệu.
- Tập trung vào chế độ ăn giàu vitamin bao gồm: Nước ép việt quất, men vi sinh, vitamin C, methenamine, D-mannose được nghiên cứu có lợi cho nhiễm trùng đường niệu.
Phòng ngừa viêm thận bể thận
Đối với phụ nữ trẻ, khỏe mạnh, tiền mãn kinh, cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm thận bể thận là tập trung vào việc phòng ngừa nhiễm khuẩn đường tiểu. Mặc dù có nhiều yếu tố có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiểu, nhưng có một số cách đơn giản để phòng ngừa bao gồm:
- Đi tiểu ngay trước và sau khi giao hợp.
- Tăng lượng nước tiểu bằng cách uống nhiều nước hơn.
- Lau từ trước ra sau (sau khi đi tiểu và sau khi đi đại tiện) bằng giấy hoặc khăn sạch, không gấp hoặc tái sử dụng giấy vệ sinh.
- Chế độ ăn giàu vitamin như nước ép việt quất, vitamin C cũng được chứng minh có lợi.
Xem thêm: Chăm sóc bệnh nhân viêm thận bể thận như thế nào?
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm viêm thận bể thận
Chẩn đoán viêm thận bao gồm việc bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử, tiền căn và thăm khám lâm sàng. Sau khi thực hiện việc thăm khám, bác sĩ sẽ yêu cầu các xét nghiệm, kiểm tra hình ảnh học để chẩn đoán xác định bệnh và các biến chứng (nếu có) của viêm thận bể thận.
Các xét nghiệm có thể bao gồm:
- Tổng phân tích nước tiểu: Nhằm phân tích và đánh giá nhiễm trùng nước tiểu.
- Xét nghiệm máu: Để đánh giá tình trạng nhiễm trùng và đánh giá chức năng thận.
- Nuôi cấy nước tiểu: Đôi khi cần thiết để tìm tác nhân gây nhiễm trùng.
- Chụp CT-scan hoặc MRI: Hữu ích trong các trường hợp cần đánh giá cấu trúc giải phẫu đường niệu và thận, nhằm xác định các biến chứng như viêm bể thận sinh hơi.
- Siêu âm: Có thể được sử dụng để đánh giá người bệnh có viêm thận bể thận. Siêu âm được thực hiện nhanh chóng và đơn giản, có thể đánh giá được các tình trạng như sỏi thận, thận ứ nước, áp xe thận.
Điều trị viêm thận bể thận
Việc điều trị viêm thận bể thận sẽ tuỳ thuộc và tình trạng bệnh của bạn. Đối với phụ nữ trẻ, khỏe mạnh, không mang thai, bị viêm thận bể thận không biến chứng có thể được điều trị ngoại trú. Bạn sẽ phải dùng thuốc kháng sinh trong ít nhất 14 ngày. Nếu bạn bị bệnh nặng hoặc không thuyên giảm khi dùng thuốc kháng sinh, bạn có thể cần phải điều trị tại bệnh viện hoặc dùng thuốc kháng sinh lâu hơn.
Các thuốc kháng sinh sẽ được lựa chọn tuỳ vào tác nhân gây ra viêm thận bể thận, chúng có thể bao gồm:
- Trimethoprim-sulfamethoxazole (TMP-SMX);
- Amoxicillin hoặc augmentin;
- Ceftriaxone hoặc cephalexin;
- Ciprofloxacin hoặc levofloxacin.
Các thuốc giảm đau và hạ sốt cũng sẽ được kê để giúp giảm triệu chứng cho bạn. Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) có hiệu quả trong việc điều trị đau và sốt liên quan đến viêm thận bể thận.
![Viêm thận bể thận là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 7](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/viem_than_be_than7_9d9feea165.png)