Viêm phụ khoa: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay có đến 90% phụ nữ Việt Nam mắc các bệnh phụ khoa. Quan trọng hơn, số ca mắc bệnh phụ khoa mỗi năm tăng 15% - 27%. Viêm nhiễm lây truyền qua quan hệ tình dục thường là nguyên nhân chính gây ra tình trạng này. Điều trị các bệnh lý viêm phụ khoa kịp thời giúp tránh các biến chứng, trong đó có vô sinh hiếm muộn.
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm phụ khoa
- Ngứa, rát hoặc kích ứng ở vùng âm đạo: Cảm giác khó chịu hoặc đau rát ở vùng âm đạo và âm hộ, thường gặp nhất trong viêm âm đạo do nấm hoặc vi khuẩn.
- Tiết dịch âm đạo bất thường: Dịch âm đạo thay đổi về màu sắc, độ đặc và mùi, có thể có màu trắng, vàng, xanh hoặc xám, kèm theo mùi khó chịu.
- Xuất huyết âm đạo bất thường: Xuất huyết âm đạo bất thường ngoài ngày kinh hoặc sau khi quan hệ tình dục.
- Đau hoặc khó chịu khi quan hệ tình dục: Cảm giác đau, rát hoặc khó chịu khi giao hợp là một dấu hiệu viêm nhiễm ở vùng sinh dục.
- Đau khi tiểu tiện: Cảm giác đau, rát hoặc nóng khi tiểu tiện có thể xảy ra khi vùng âm đạo bị viêm hoặc nhiễm trùng.
- Sưng tấy hoặc đỏ ở vùng âm hộ hoặc âm đạo: Vùng âm hộ hoặc âm đạo có thể sưng, đỏ hoặc có cảm giác nóng rát.
- Đau bụng dưới hoặc vùng chậu: Đau ở vùng bụng dưới, đặc biệt là khi viêm nhiễm lan rộng đến các cơ quan sinh sản như tử cung, ống dẫn trứng hoặc buồng trứng (thường gặp trong viêm vùng chậu).
- Rối loạn kinh nguyệt: Chu kỳ kinh nguyệt có thể trở nên không đều, kèm theo hiện tượng ra máu bất thường giữa các kỳ kinh.
- Sốt hoặc mệt mỏi: Trong trường hợp viêm nhiễm nghiêm trọng, người bệnh có thể gặp sốt, ớn lạnh hoặc cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm phụ khoa
Nếu không được điều trị kịp thời, viêm phụ khoa có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như:
- Thai ngoài tử cung;
- Đau vùng chậu mãn tính;
- Áp xe vòi trứng - buồng trứng;
- Nguy cơ nhiễm trùng lan rộng ra các cơ quan khác;
- Vô sinh do tổn thương ống dẫn trứng hoặc buồng trứng (đặc biệt trong trường hợp viêm vùng chậu).
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa Sản phụ khoa nếu bạn gặp phải:
- Đau dữ dội ở vùng bụng dưới;
- Đau khi quan hệ tình dục;
- Xuất huyết âm đạo bất thường, ngoài ngày kinh;
- Buồn nôn và nôn mửa;
- Sốt cao từ 38,3 độ C trở lên;
- Âm đạo có mùi khó chịu, khí hư màu bất thường hoặc ngứa;
- Đã dùng hết đợt thuốc điều trị nhưng các triệu chứng vẫn không thuyên giảm.
Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng của viêm phụ khoa, hãy ngừng quan hệ tình dục và đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm phụ khoa?
- Phụ nữ trong độ tuổi hoạt động tình dục và sinh sản;
- Phụ nữ sau mãn kinh hoặc phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng;
- Người bệnh tiểu đường không kiểm soát tốt;
- Người bệnh suy giảm miễn dịch.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm phụ khoa
- Thay đổi nội tiết tố do mang thai, sử dụng thuốc tránh thai hoặc mãn kinh, có thể làm mất cân bằng môi trường âm đạo.
- Quan hệ tình dục, đặc biệt là với nhiều bạn tình hoặc bạn tình có nhiều mối quan hệ, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường tình dục và viêm nhiễm phụ khoa.
- Nhiễm trùng lây qua đường tình dục như Chlamydia hoặc Gonorrhea có nguy cơ cao bị viêm phụ khoa.
- Sử dụng thuốc kháng sinh và steroid có thể làm thay đổi hệ vi khuẩn tự nhiên trong âm đạo.
- Sử dụng các sản phẩm tránh thai có chứa chất diệt tinh trùng.
- Sử dụng sản phẩm vệ sinh có chất tẩy rửa mạnh như xà phòng có bọt, xịt thơm vùng kín hoặc chất khử mùi âm đạo có thể gây kích ứng.
- Thụt rửa âm đạo thường xuyên gây rối loạn hệ vi khuẩn tự nhiên trong âm đạo.
- Mặc quần áo ẩm hoặc quá chật, tạo môi trường ẩm ướt và không thoáng khí, dễ gây viêm nhiễm.
- Sử dụng vòng tránh thai, đặc biệt trong 3 tuần đầu sau khi đặt.

Nguyên nhân gây bệnh
Dưới đây là các nguyên nhân gây viêm phụ khoa dựa trên từng loại viêm nhiễm:
Viêm âm đạo do vi khuẩn
Gây ra bởi sự mất cân bằng vi khuẩn tự nhiên trong âm đạo. Mặc dù nguyên nhân cụ thể gây mất cân bằng vẫn chưa được xác định, viêm âm đạo do vi khuẩn có thể liên quan đến quan hệ tình dục với nhiều bạn tình hoặc bạn tình mới, nhưng cũng có thể xảy ra ở phụ nữ không quan hệ tình dục.
Nhiễm nấm âm đạo
Do sự phát triển quá mức của nấm Candida albicans trong âm đạo. Loại nấm này cũng có thể gây nhiễm trùng ở các vùng ẩm khác của cơ thể như miệng, nếp gấp da, móng tay và gây hăm tã.
Nhiễm trùng roi Trichomonas
Gây ra bởi ký sinh trùng Trichomonas vaginalis, lây lan qua quan hệ tình dục. Ở nam giới, ký sinh trùng thường nhiễm vào đường tiết niệu nhưng ít khi gây triệu chứng. Ở phụ nữ, Trichomonas vaginalis thường nhiễm vào âm đạo và có thể gây triệu chứng, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
Viêm âm đạo không do nhiễm trùng
Do các tác nhân kích thích như xịt thơm vùng kín, thụt rửa âm đạo, xà phòng có mùi hương, chất tẩy rửa hoặc các sản phẩm diệt tinh trùng. Các vật thể lạ như giấy vệ sinh hoặc băng vệ sinh bị quên trong âm đạo cũng có thể gây kích ứng.
Hội chứng tiết niệu sinh dục sau mãn kinh
Giảm estrogen sau mãn kinh hoặc sau phẫu thuật cắt buồng trứng có thể khiến lớp niêm mạc âm đạo mỏng đi, gây kích ứng, bỏng rát và khô rát vùng âm đạo.
Viêm vùng chậu
Thường do vi khuẩn lậu (Gonorrhea) hoặc Chlamydia gây ra, lây lan qua quan hệ tình dục không an toàn. Bệnh cũng có thể xảy ra khi hàng rào bảo vệ tự nhiên của cổ tử cung bị suy yếu, ví dụ trong thời kỳ kinh nguyệt, sau sinh, sau sảy thai, hoặc sau các thủ thuật y tế như đặt vòng tránh thai.

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm phụ khoa
Chế độ sinh hoạt:
- Giữ vệ sinh vùng kín đúng cách, ưu tiên dùng nước sạch hoặc dung dịch vệ sinh phù hợp có pH cân bằng.
- Tránh thụt rửa âm đạo làm mất cân bằng vi khuẩn tự nhiên trong âm đạo, gây viêm nhiễm hoặc làm tình trạng viêm phụ khoa nặng hơn.
- Sử dụng quần lót thoáng khí: Chọn quần lót bằng cotton, tránh mặc quần lót chật hoặc quần ẩm ướt để giảm thiểu nguy cơ nhiễm nấm và vi khuẩn.
- Tạm ngừng quan hệ tình dục trong thời gian điều trị viêm phụ khoa.
- Tránh sử dụng băng vệ sinh, tampon hoặc khăn lau chứa hương liệu có thể gây kích ứng. Đảm bảo thay băng vệ sinh và tampon thường xuyên trong kỳ kinh.
- Tránh căng thẳng vì stress làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến cơ thể khó chống lại vi khuẩn và nấm gây bệnh.

Chế độ dinh dưỡng:
- Tăng cường thực phẩm giàu probiotic như sữa chua, kefir, miso và kim chi chứa lợi khuẩn giúp cân bằng hệ vi sinh trong cơ thể, đặc biệt là trong âm đạo.
- Bổ sung thực phẩm chứa chất chống viêm như cá hồi, dầu ô liu, quả óc chó và hạt chia giàu omega-3 có tác dụng giảm viêm, hỗ trợ cơ thể chống lại các tác nhân gây viêm nhiễm.
- Hạn chế chất bột đường vì có thể thúc đẩy sự phát triển của nấm Candida gây nhiễm nấm âm đạo. Tránh đồ ngọt, bánh mì trắng và thực phẩm chế biến sẵn.
- Uống đủ nước giúp cơ thể thanh lọc và loại bỏ các độc tố, đồng thời duy trì độ ẩm tự nhiên của vùng kín, ngăn ngừa tình trạng khô và kích ứng âm đạo.
- Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ cơ thể trong việc phòng ngừa và điều trị viêm phụ khoa. Các thực phẩm giàu vitamin C bao gồm cam, chanh, kiwi và dâu tây.
- Bổ sung tỏi và thực phẩm kháng khuẩn tự nhiên, có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng âm đạo.
Phòng ngừa viêm phụ khoa
Để phòng ngừa viêm phụ khoa, các chị em cần chú ý một số điểm sau:
- Giữ vệ sinh vùng kín đúng cách: Rửa nhẹ nhàng vùng kín bằng nước sạch hoặc dung dịch vệ sinh phù hợp có pH cân bằng. Lau từ trước ra sau sau khi đi vệ sinh để tránh vi khuẩn từ hậu môn lây lan lên âm đạo.
- Tránh thụt rửa âm đạo: Thụt rửa có thể làm mất cân bằng vi khuẩn tự nhiên trong âm đạo, gây viêm nhiễm hoặc làm tình trạng viêm phụ khoa nặng hơn.
- Sử dụng quần lót thoáng khí: Chọn quần lót bằng cotton, tránh mặc quần lót chật hoặc quần ẩm ướt để giảm thiểu nguy cơ nhiễm nấm và vi khuẩn.
- Quan hệ tình dục an toàn: Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục và tránh quan hệ với nhiều bạn tình để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh qua đường tình dục.
- Tránh sử dụng băng vệ sinh, tampon hoặc khăn lau chứa hương liệu có thể gây kích ứng. Đảm bảo thay băng vệ sinh và tampon thường xuyên trong kỳ kinh.
- Tránh căng thẳng: Thực hành các kỹ thuật giảm căng thẳng như thiền, yoga, hoặc tập thể dục thường xuyên.
- Chế độ ăn uống cân bằng, giảm đường và thực phẩm chế biến sẵn, tăng cường bổ sung probiotic, giữ tinh thần thoải mái, và tránh căng thẳng.

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm viêm phụ khoa
Phương pháp chẩn đoán viêm phụ khoa và các xét nghiệm cần thực hiện bao gồm:
- Khám lâm sàng và hỏi bệnh: Bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử và tiền căn viêm nhiễm âm đạo hoặc bệnh lây truyền qua đường tình dục, cùng với các triệu chứng hiện tại và thăm khám bên ngoài âm hộ.
- Khám vùng chậu: Bác sĩ sẽ sử dụng một dụng cụ gọi là mỏ vịt để quan sát bên trong âm đạo, kiểm tra xem có hiện tượng viêm, sưng hoặc dịch tiết bất thường hay không. Việc khám này giúp bác sĩ đánh giá trực tiếp các dấu hiệu của viêm phụ khoa.
- Lấy mẫu dịch tiết để xét nghiệm: Bác sĩ có thể lấy mẫu dịch từ âm đạo hoặc cổ tử cung để xét nghiệm, xác định loại viêm phụ khoa bạn mắc phải (viêm do vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng).
- Xét nghiệm máu và nước tiểu: Những xét nghiệm này có thể được thực hiện để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng, đo lượng bạch cầu, kiểm tra HIV, các bệnh lây qua đường tình dục hoặc kiểm tra mang thai.
- Siêu âm bụng hoặc siêu âm qua ngã âm đạo: Giúp bác sĩ phát hiện các vấn đề như viêm nhiễm hoặc tổn thương trong vùng chậu.
- Nội soi ổ bụng: Nếu chẩn đoán chưa rõ ràng, bác sĩ có thể thực hiện nội soi ổ bụng. Thủ thuật này cho phép bác sĩ xem trực tiếp các cơ quan sinh sản qua camera nội soi được đưa vào ổ bụng qua một vết rạch nhỏ.
- Sinh thiết niêm mạc cổ tử cung: Trong quy trình này, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ từ niêm mạc cổ tử cung để kiểm tra xem có dấu hiệu viêm nhiễm hoặc để tầm soát ung thư cổ tử cung.

Điều trị viêm phụ khoa
Phương pháp điều trị viêm phụ khoa dựa trên nguyên nhân gây bệnh bao gồm:
Kháng sinh
- Viêm vùng chậu: Bác sĩ sẽ kê đơn kháng sinh phối hợp để điều trị ngay lập tức. Sau khi có kết quả kháng sinh đồ, bác sĩ có thể điều chỉnh thuốc cho phù hợp. Điều quan trọng là phải uống đủ liều dù bạn đã cảm thấy khỏe hơn sau vài ngày.
- Điều trị cho bạn tình: Để tránh tái nhiễm, bạn tình cũng nên được kiểm tra và điều trị nếu viêm phụ khoa liên quan đến bệnh lây qua đường tình dục.
- Tránh quan hệ tình dục tạm thời: Tránh quan hệ tình dục cho đến khi hoàn thành liệu trình điều trị và các triệu chứng đã hết.
Điều trị cho từng loại viêm âm đạo
- Viêm âm đạo do vi khuẩn: Điều trị bằng thuốc kháng sinh hoặc kem bôi chứa kháng sinh.
- Nhiễm nấm: Điều trị bằng thuốc kháng nấm hoặc kem bôi chứa kháng nấm.
- Trichomoniasis: Điều trị bằng thuốc kháng ký sinh trùng chuyên biệt.
- Hội chứng niệu dục của sau mãn kinh: Dùng estrogen dạng kem, viên nén hoặc vòng đặt âm đạo.
Điều trị viêm âm đạo không do nhiễm trùng
Tránh những tác nhân gây kích ứng như xà phòng, băng vệ sinh hoặc dung dịch vệ sinh không đạt chuẩn pH.
Nhập viện
Nếu bạn có tình trạng nghiêm trọng, bị áp xe, mang thai hoặc không đáp ứng với thuốc kháng sinh dạng uống, bạn có thể cần nhập viện để được điều trị bằng kháng sinh đường truyền tĩnh mạch.
Phẫu thuật (hiếm khi cần thiết)
Nếu có áp xe vỡ hoặc có nguy cơ vỡ hoặc nếu không đáp ứng với kháng sinh, bác sĩ có thể yêu cầu phẫu thuật để dẫn lưu hoặc xử lý.