Viêm phổi do nấm là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa


Viêm phổi do nấm là một bệnh nhiễm trùng phổi. Để phòng ngừa viêm phổi do nấm cần có biện pháp dự phòng với từng đối tượng người bệnh, chẳng hạn như: Bệnh nhân nhiễm HIV, bệnh nhân ghép tạng, bệnh nhân bị giảm bạch cầu kéo dài nên tránh các hoạt động có nhiều khả năng tiếp xúc với các bào tử nấm trong môi trường như: Làm vườn, chăm sóc cây trồng, xử lý các loại rau chưa được nấu chín, làm việc trong môi trường xây dựng...

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm phổi do nấm

Các dấu hiệu và triệu chứng thông thường có thể gặp của viêm phổi do nấm là:

  • Sốt dai dẳng có thể là dấu hiệu sớm của nhiễm nấm đối với những người bị giảm bạch cầu trung tính hoặc suy giảm miễn dịch. 

  • Khó thở khi gắng sức, có thể tiến triển dẫn đến suy hô hấp.

  • Đau và khó chịu ở ngực.

  • Suy giảm nhận thức hoặc lú lẫn.

  • Đối với trường hợp bị Aspergillosis hoặc Mucormycosis có triệu chứng ho ra máu.

Ở những người bị suy giảm miễn dịch có thể bị nhiễm nấm ở các cơ quan ngoài phổi như:

  • Viêm khớp và đau khớp, viêm màng ngoài tim và phát ban.

  • Nhiễm nấm lan tỏa.

  • Phản ứng quá mẫn hoặc dị ứng khi bị nhiễm Aspergillus, Candida spp. và các loại nấm cơ hội khác.

  • Ở bệnh nhân HIV/AIDS, cryptococcosis gây viêm màng não.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm phổi do nấm

Nếu tình trạng viêm phổi do nấm tiến triển, một số biến chứng có thể xảy ra rất nguy hiểm. Các biến chứng của viêm phổi do nấm bao gồm bệnh lây lan sang các vị trí khác như: Não, màng não, da, gan, lá lách, thận, tuyến thượng thận, tim, mắt và hội chứng nhiễm trùng huyết và xâm lấn mạch máu, có thể dẫn đến ho ra máu, nhồi máu phổi, nhồi máu cơ tim, thuyên tắc nhiễm khuẩn não, nhồi máu não, hoặc mù lòa.

Áp xe phổi: Các trường hợp viêm phổi do nấm tiến triển gây ra mủ - dịch nhớt, màu vàng hoặc xanh lá cây - tích tụ trong các khoang của phổi.

Rối loạn màng phổi: Màng phổi có thể bị viêm.

Phù phổi: Tình trạng này do sự tích tụ của chất lỏng trong phổi, gây ra tình trạng khó thở nghiêm trọng.

Suy hô hấp: Tình trạng viêm nghiêm trọng trong phổi có thể khiến phổi không thể thực hiện chức năng vận chuyển oxy và loại bỏ carbon dioxide, cản trở quá trình hô hấp.

Nếu nhiễm trùng lan từ phổi vào máu, các bộ phận khác của cơ thể sẽ dễ bị tổn thương dẫn đến một số tình trạng nghiêm trọng, bao gồm:

Viêm màng não do nấm: Nếu nhiễm trùng lan đến dịch não tủy xung quanh não và cột sống, viêm màng não do nấm sẽ phát sinh. Các triệu chứng này bao gồm: Nhức đầu, sốt và cứng cổ. Viêm màng não do nấm có thể gây tử vong.

Suy thận: Viêm phổi do nấm có thể làm hư thận, thận là cơ quan có chức năng lọc và làm sạch máu. Khi bị suy thận, các chất thải độc hại có thể tích tụ trong cơ thể.

Suy các cơ quan khác: Gan và lá lách cũng có thể bị tổn thương khi quá trình nhiễm trùng tiến triển trong cơ thể.

Ảnh hưởng đến tim: Các trường hợp viêm phổi nặng có thể dẫn đến các vấn đề về tim và các vấn đề về tuần hoàn, làm gia tăng nguy cơ đột quỵ, suy tim hoặc đau tim.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ ngay khi bạn có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh viêm phổi do nấm như trên. Chẩn đoán và và điều trị sớm, giảm tình trạng tăng nặng của bệnh, giúp người bệnh mau chóng phục hồi sức khỏe.

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) viêm phổi do nấm?

Những người làm việc với hoặc thường xuyên tiếp xúc với phân của chim, dơi hoặc động vật gặm nhấm ở những vùng lưu hành bệnh có nguy cơ mắc bệnh viêm phổi do nấm. Ngoài ra, những người làm cảnh, nông dân, người làm vườn hoặc những người khác thường xuyên làm việc với đất có nguy cơ nhiễm các loại nấm đặc hữu cụ thể cao hơn do khả năng bị cắt / thủng vết thương trong khi làm việc với đất có sự hiện diện của các loại nấm này.

Ở người có bệnh nền và có hệ miễn dịch suy giảm là những đối tượng có nguy cơ cao nhiễm nấm gây viêm phổi do nấm cơ hội, bao gồm:

  • Bệnh bạch cầu cấp tính, ung thư hạch bạch huyết trong quá trình hóa trị liệu myeloablative (hóa trị liệu liều cao nhắm vào các tế bào ung thư trong tủy xương).

  • Ghép tủy xương, tế bào gốc máu ngoại vi.

  • Sử dụng lâu dài với corticosteroid.

  • Các hội chứng suy giảm miễn dịch bẩm sinh (các hội chứng này có từ khi sinh ra).

  • Các hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (như HIV / AIDS).

  • Cấy ghép nội tạng.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) viêm phổi do nấm

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi do nấm, bao gồm:

  • Bất kỳ nguyên nhân nào gây suy giảm miễn dịch, đối với các bệnh nhiễm trùng cơ hội.

  • Đi du lịch đến khu vực lưu hành các tác nhân gây bệnh viêm phổi do nấm.

  • Tiếp xúc thường xuyên với phân chim, dơi hoặc động vật gặm nhấm trong các khu vực lưu hành.

  • Nhiễm nấm đặc hữu dường như phổ biến hơn ở nam giới so với phụ nữ, vì estrogen được cho là có tác dụng ức chế chu kỳ phát triển của nấm.

Nguyên nhân dẫn đến viêm phổi do nấm

Nguyên nhân chủ yếu của viêm phổi do nấm khi hít phải bào tử nấm. Bệnh viêm phổi do nấm thường xảy ra ở những người suy giảm hệ miễn dịch, đặc biệt là ở các bệnh nhân HIV/AIDS. Một số loại nấm gây viêm phổi chẳng hạn như:

  • Bệnh nấm Coccidioidomycosis (còn gọi là sốt thung lũng hay sốt San Joaquin) là bệnh lý ở phổi gây ra bởi nấm Coccidioides immitisC. posadasii.

  • Nấm Histoplasma phát triển từ phân của một số loài chim và dơi được tìm thấy ở miền trung và miền đông Hoa Kỳ, thường lây qua đường máu gây viêm phổi nguyên phát.

  • Cryptococcus neoformans được tìm thấy trong đất và phân chim ở mọi nơi trên thế giới, thường gây viêm phổi ở những người bị suy giảm hệ miễn dịch như HIV/AIDS giai đoạn cuối.

  • Khi hít phải bào tử nấm lưỡng tính Blastomyces dermatitidis gây ra bệnh Blastomycosis thường gây viêm phổi mãn tính. Các triệu chứng có thể bao gồm: Ho kèm theo đờm đặc, đau ngực, khó thở và / hoặc tim đập nhanh.

  • Sporothrix schenckii là loại nấm lưỡng hình thường gây bệnh về da như các tổn thương dạng nốt lan theo hệ bạch huyết, vỡ ra tạo thành áp-xe và loét. Thường ít gặp nhiễm trùng vào máu hoặc vào phổi.

  • Nhiễm nấm Aspergillus, gây ra xâm lấn aspergillosis ở phổi, thường mắc phải trong bệnh viện ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch nặng.

  • Nhiễm nấm Candida albicans có thể gây viêm phổi ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch nhưng hiếm gặp.

  • Bệnh phổi Scedosporiosis, gây ra bởi Allescheria boydii, cũng là một nguyên nhân hiếm gặp gây ra nhiễm nấm ở phổi.

  • Mucormycosis là bệnh lý gây nhiễm trùng do các loài trong các chi Rhizopus, Rhizomucor Mucor, gây viêm phổi ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch nặng, tỉ lệ tử vong cao.

  • Candida, Aspergillus Pneumocystis jirovecii là những loại nấm cơ hội có khả năng gây viêm phổi mắc phải tại bệnh viện.

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm phổi do nấm

Chế độ sinh hoạt:

  • Bệnh nhân tránh đi lại và tiếp xúc với các khu vực lưu hành bệnh.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị mới nếu bệnh của bạn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân đang được cấy ghép tủy xương hoặc bất kỳ giai đoạn giảm bạch cầu trung tính kéo dài nào được khuyến cáo nên tránh các hoạt động (ví dụ: Làm vườn, dọn dẹp…) hoặc các đồ vật (ví dụ: Cây trồng trong chậu, hoa, trái cây tươi và rau chưa nấu chín) có thể gây phơi nhiễm quá mức bào tử của các loài Aspergillus hoặc các loại nấm phổ biến khác.

  • Sử dụng liệu pháp kháng nấm dự phòng (tức là điều trị bằng amphotericin B đặt trong mũi hoặc tiêm tĩnh mạch …) ở những bệnh nhân có nguy cơ cao bị nhiễm nấm cơ hội, bao gồm cả những bệnh nhân có tiền sử nhiễm nấm. 

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị về chế độ dinh dưỡng, tuân thủ trong việc sử dụng thuốc.

  • Bệnh nhân cần nghỉ ngơi đầy đủ là điều quan trọng để duy trì tiến trình hồi phục hoàn toàn và tránh tái phát. 

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị như sốt, có nhiều đờm, tăng thở gấp hoặc đau ngực, buồn nôn, nôn…

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ ăn uống lành mạnh, có vai trò quan trọng đối với hệ thống miễn dịch của cơ thể bạn. Các loại rau củ quả có chứa nhiều vitamin và khoáng chất, rất tốt cho cơ thể. Những thực phẩm chống oxy hóa, thực phẩm giàu omega - 3 có tác dụng kháng viêm, hỗ trợ chữa lành những tổn thương ở mô và tế bào. 

Bạn nên lựa chọn những loại rau màu xanh đậm, các loại củ có nhiều màu sắc chứa nhiều vitamin như beta-caroten, vitamin C… để bổ sung cho cơ thể những chất chống viêm tự nhiên, chẳng hạn như: Cà chua, rau cải, rau chân vịt, súp lơ xanh, ớt chuông, cam, dứa, táo… … Bổ sung những thực phẩm có chứa chất chống oxy hóa như: Nghệ, tỏi, trà xanh, các loại đậu và các loại hạt (hạt hướng dương, đậu lăng,…), yến mạch, lúa mì… Thực phẩm giàu omega-3 như các loại cá (cá thu, cà hồi, cá ngừ,…), quả óc chó…

Người bị viêm phổi nên ăn những thức ăn mềm, dạng lỏng như súp, cháo,… giúp người bệnh dễ tiêu hóa, tăng khả năng hấp thu dưỡng chất cho cơ thể.

Phòng ngừa viêm phổi do nấm

Bệnh nhân cấy ghép tạng sử dụng thuốc kháng nấm dự phòng chống lại nhiễm nấm xâm lấn như Fluconazole.

Bệnh nhân HIV được điều trị thường quy bằng thuốc kháng nấm dự phòng để cố gắng tránh nhiễm các tác nhân gây bệnh cơ hội, đặc biệt là Cryptococcus neoformans.

Những bệnh nhân có khả năng bị giảm bạch cầu kéo dài nên tránh các hoạt động làm tăng tiếp xúc với bào tử nấm trong môi trường, chẳng hạn như làm vườn hoặc chăm sóc các chậu cây cảnh, hoa tươi hay xử lý rau củ chưa nấu chín.

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm phổi do nấm

Nếu nghi ngờ bị viêm phổi do nấm, bác sĩ có thể hỏi những câu hỏi có thể giúp chẩn đoán, chẳng hạn như sau:

  • Nơi đã đi du lịch và nơi sống để xác định xem liệu họ có thể đã tiếp xúc với một số loại nấm hay không.

  • Có đang dùng bất kỳ loại thuốc nào có thể ức chế miễn dịch hay không.

  • Có đang mắc phải những bệnh lý làm suy yếu hệ thống miễn dịch hay không.

Chẩn đoán viêm phổi do nấm có thể khó khăn do các triệu chứng ban đầu có thể nhầm lẫn với bệnh cảm cúm thông thường. Các phương pháp hiệu quả nhất để xét nghiệm viêm phổi do nấm bao gồm:

  • Kiểm tra bằng kính hiển vi.

  • Cấy nấm (thu thập một mẫu dịch hô hấp, bệnh phẩm rửa phế quản phế quản (BAL) và xét nghiệm).

  • Kháng nguyên (độc tố hoặc chất lạ khác gây ra phản ứng miễn dịch trong cơ thể) và xét nghiệm kháng thể.

  • Kiểm tra phân tử để phát hiện vật chất di truyền của nấm gây nhiễm trùng.

  • Đôi khi, chụp X-quang và chụp CT ngực sẽ được chỉ định để hỗ trợ phát hiện các khối nấm có thể phát triển trong phổi.

  • Nếu chẩn đoán không rõ ràng, xét nghiệm máu có thể được thực hiện. Các xét nghiệm này kiểm tra các kháng thể (được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch của người đó để phản ứng với các chất lạ, bao gồm cả nấm), kháng nguyên (các phân tử từ các chất lạ có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch trong cơ thể) hoặc các bằng chứng khác về nấm.

Phương pháp điều trị viêm phổi do nấm hiệu quả

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp.

Viêm phổi do nấm là một tình trạng nghiêm trọng cần được điều trị ngay lập tức.

Thông thường, viêm phổi do nấm có thể được điều trị bằng thuốc kháng nấm. Loại thuốc chống nấm được sử dụng phải được lựa chọn dựa trên tác nhân gây bệnh cụ thể được phân lập hoặc nghi ngờ về mặt lâm sàng.

  • Blastomycosis: Điều trị bằng itraconazole, fluconazole, hoặc amphotericin B.

  • Bệnh nấm coccidioidomycosis: Điều trị, nếu cần, thường dùng fluconazole, itraconazole, các triazoles mới hơn, hoặc amphotericin B.

  • Sporotrichosis: Điều trị bằng itraconazole hoặc amphotericin B.

  • Mucormycosis: Điều trị với amphotericin B truyền tĩnh mạch và phẫu thuật để loại bỏ mô hoại tử. Ngay cả khi điều trị tích cực, tỷ lệ tử vong cũng cao. 

  • Aspergillosis: Điều trị bằng voriconazole, isavuconazole, amphotericin B (bao gồm cả công thức dạng lipid), echinocandins…

  • Trong những trường hợp viêm phổi do nấm bị biến chứng, phẫu thuật có thể cần thiết. Đây là phẫu thuật loại bỏ mô chết, bị hư hỏng hoặc bị nhiễm trùng.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn cũa bác sĩ.



Chat with Zalo