Viêm cơ tim: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Viêm cơ tim là tình trạng các tế bào cơ tim bị tổn thương do nhiều nguyên nhân khác nhau, dẫn đến hiện tượng viêm, hoại tử tế bào cơ tim, ảnh hưởng đến chức năng co bóp của cơ tim. Viêm cơ tim là một trong những bệnh lý tim mạch vô cùng nguy hiểm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng của người bệnh.
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm cơ tim
Triệu chứng của viêm cơ tim biến thiên từ nhẹ đến rất nghiêm trọng, phụ thuộc vào mức độ và vị trí tổn thương trong cơ tim. Các triệu chứng có thể không rõ ràng hoặc phát triển thành suy tim nghiêm trọng và rối loạn nhịp tim nguy hiểm. Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp:
- Sốt và dấu hiệu nhiễm trùng: Bao gồm cảm giác sốt cao, ớn lạnh, mệt mỏi và đau nhức cơ thể, tương tự như triệu chứng cúm.
- Đau ngực: Cảm giác đau hoặc khó chịu ở vùng ngực, đặc biệt khi vận động hoặc nằm xuống.
- Khó thở: Biểu hiện tùy theo mức độ suy tim, có thể xảy ra cả khi nghỉ ngơi hoặc khi gắng sức.
- Rối loạn nhịp tim: Bao gồm những cơn ngoại tâm thu, tăng nhịp tim, hoặc nhịp thất nhanh, gây cảm giác tim đập không đều hoặc quá nhanh.
- Biểu hiện của sốc tim trong trường hợp nghiêm trọng: Đây là tình trạng cấp cứu bao gồm huyết áp tụt, cảm giác lạnh ở chân tay, tiểu ít, khó thở liên tục, và có thể kèm theo dấu hiệu của phù phổi cấp.
- Đau cơ: Người bệnh có thể cảm thấy đau cơ, không chỉ ở vùng ngực mà còn ở các bộ phận khác của cơ thể.
Việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời có thể cải thiện đáng kể kết quả và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.
Biến chứng có thể gặp khi mắc viêm cơ tim
Viêm cơ tim có thể không gây ảnh hưởng gì đến người bệnh hoặc có thể dẫn đến hàng loạt các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh như:
- Suy tim: Viêm cơ tim có thể làm tổn thương cơ tim nhanh chóng, từ đó dẫn đến suy tim khiến cho tim không còn chức năng bơm máu đi nuôi cơ thể.
- Nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ: Tình trạng cơ tim thường dễ hình thành cục máu đông, gây tắc động mạch.
- Nhịp tim nhanh hoặc rối loạn nhịp tim.
- Đột tử.
![Viêm cơ tim 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/viem_co_tim_1_2d8a05171e.jpg)
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nhận thấy sự xuất hiện của bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào thì tốt nhất nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám, xét nghiệm và được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn điều trị.
Tuyệt đối không được thờ ơ trước các bất thường của cơ thể, vì có thể khiến bệnh tiến triển đến mức trầm trọng, việc chữa trị vô cùng khó khăn và gặp không ít rủi ro, biến chứng.
Những ai có nguy cơ mắc phải viêm cơ tim
Viêm cơ tim có thể xảy ra ở bất cứ ai, bất cứ độ tuổi nào tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm cơ tim
Có rất nhiều yếu tố có thể khiến tăng nguy cơ mắc bệnh này, như:
- Suy giảm hệ miễn dịch;
- Nhiễm nấm, vi khuẩn hay virus;
- Sử dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài;
- Hút thuốc lá;
- Uống nhiều rượu, bia hoặc lạm dụng chất kích thích.
![Viêm cơ tim 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/viem_co_tim_2_54ff8f01c4.jpg)
Viêm cơ tim do tác nhân nhiễm trùng:
- Nhiễm virus gây viêm cơ tim: Virus viêm gan B, C, virus herpes (HSV), virus Epstein-Barr (EBV), virus cúm, virus Coxsackie B, Parvovirus B19, HIV,… Viêm cơ tim do virus là nguyên nhân thường gặp nhất.
- Nhiễm khuẩn: Trực khuẩn gram âm, liên cầu nhóm A, tụ cầu khuẩn, bệnh lao,…
- Nhiễm nấm: Balstomycosis, nấm Candida,…
- Nhiễm ký sinh trùng: Toxoplasmosis, nhiễm amip, bệnh Chagas,…
- Viêm cơ tim không do tác nhân nhiễm trùng:
- Thuốc: Clozapine, penicillin, thuốc lợi tiểu thiazide, một số thuốc điều trị ung thư,…
- Các chất độc cho tim: Rượu, cocaine,…
- Bệnh tự miễn hoặc rối loạn khả năng miễn dịch của cơ thể: Viêm động mạch tế bào khổng lồ, lupus ban đỏ toàn thân, bệnh viêm mạch Takayasu,…
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp hạn chế diễn tiến của viêm cơ tim
Chế độ sinh hoạt:
Chế độ sinh hoạt lành mạnh, đặc biệt ở người bệnh đã có suy tim.
Kiểm tra đúng lịch hẹn bác sĩ để quá trình theo dõi điều trị được liên tục.
Tuân thủ đúng mọi hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ; tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc hoặc mua thuốc không có trong đơn thuốc của bác sĩ.
Viêm cơ tim nguyên nhân từ nhiều bệnh khác nên việc điều trị càng sớm càng tốt.
Chế độ dinh dưỡng:
Dưới đây là những khuyến nghị về chế độ ăn uống để phòng ngừa viêm cơ tim:
- Ăn nhiều trái cây và rau quả: Chúng giàu chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất, giúp giảm viêm và bảo vệ cơ thể. Hãy chọn các loại rau lá xanh đậm, trái cây họ cam quýt, và các loại quả mọng.
- Giảm tiêu thụ chất béo bão hòa và chất béo trans: Các loại chất béo này có thể làm tăng mức cholesterol xấu, từ đó gây hại cho tim. Hạn chế các sản phẩm từ sữa nguyên kem, thịt mỡ, và các loại bánh kẹo chế biến sẵn.
- Tăng cường chất béo lành mạnh: Bao gồm chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa từ cá, hạt, và dầu thực vật như dầu ô liu và dầu hạt cải. Các loại dầu này giúp cải thiện mức cholesterol tốt và giảm viêm.
- Chọn ngũ cốc nguyên hạt: Ngũ cốc nguyên hạt như lúa mì đen, yến mạch và gạo lứt chứa nhiều chất xơ, giúp kiểm soát cân nặng và cải thiện sức khỏe tim mạch.
- Hạn chế muối và đường: Quá nhiều natri có thể dẫn đến tăng huyết áp, trong khi đường dư thừa có thể góp phần vào béo phì, cả hai đều là các yếu tố nguy cơ đối với bệnh tim mạch.
- Uống đủ nước: Giữ cho cơ thể được hydrat hóa đầy đủ là cần thiết cho các chức năng tim và giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.
- Hạn chế rượu và tránh thuốc lá: Rượu và thuốc lá có thể gây tổn thương trực tiếp đến cơ tim và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
![Viêm cơ tim 4](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/viem_co_tim_4_9d3f78dbc0.jpg)
Phương pháp phòng ngừa viêm cơ tim
Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
- Tiêm vaccine phòng bệnh: Vaccine cúm, viêm gan siêu vi B,…
- Hạn chế tiếp xúc với những người nhiễm các virus kể trên.
- Thường xuyên giữ vệ sinh, rửa tay thường xuyên.
- Tập luyện thể dục và duy trì lối sống lành mạnh.
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm cơ tim
Để chẩn đoán viêm cơ tim, bác sĩ dựa vào tiền sử mắc bệnh, dấu hiệu lâm sàng kết hợp với kiểm tra thể chất. Bên cạnh đó, xét nghiệm cận lâm sàng được thực hiện để đưa ra kết luận chính xác nhất. Bao gồm:
- Điện tâm đồ: Điện tâm đồ ở bệnh nhân mắc viêm cơ tim có thể bình thường hoặc bất thường. Thường thấy ST bất thường giống thiếu máu cơ tim; đôi khi thấy ST chênh lên, nhưng phổ biến hơn là sự thay đổi sóng ST-T không đặc hiệu trên điện tâm đồ, cần tránh nhầm lẫn với biến đổi ST chênh lênh trong nhồi máu cơ tim.
- Men tim: Troponin tim và CK-MB có thể tăng cao. Troponin T hoặc Troponin I là dấu hiệu của hoại tử cơ tim. Đánh giá mức độ suy tim, tưới máu cơ quan dựa vào NT-proBNP, lactat máu.
- Chẩn đoán hình ảnh tim: Đánh giá chức năng tim và các rối loạn vận động gây ra do viêm cơ tim.
- Sinh thiết nội tâm mạc (nếu cần): Sinh thiết cơ tim khi xuất hiện dấu hiệu cơ tim thâm nhiễm viêm kèm hoại tử các tế bào cơ lân cận là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán viêm cơ tim.
- Xét nghiệm máu: Tìm các marker nhiễm trùng.
- Chụp động mạch vành qua da: Để loại trừ nhồi máu cơ tim, đặc biệt ở người bệnh có đau ngực kèm các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành.
Phương pháp điều trị viêm cơ tim
Nguyên tắc điều trị:
Bác sĩ sẽ đưa ra các phác đồ điều trị riêng biệt cho từng người bệnh, tùy thuộc vào nguyên nhân và tình trạng của người bệnh. Tuy nhiên, phương pháp điều trị phổ biến hiện nay là điều trị triệu chứng, chủ yếu là tăng cường sức co bóp cơ tim, chống rối loạn nhịp tim và chống sốc tim,… và điều trị bệnh nền.
Phương pháp điều trị:
Bệnh nhân được xét nghiệm, phân tích kỹ càng, xác định rõ giai đoạn của bệnh; sau đó bác sĩ sẽ lựa chọn phương án điều trị tối ưu. Một số cách điều trị bệnh hiệu quả:
Điều trị bằng thuốc: Chủ yếu là điều trị suy tim và rối loạn nhịp tim. Bao gồm các thuốc điều trị suy tim như lợi tiểu, chẹn kênh canxi, chẹn beta giao cảm, kháng aldosterone,… Điều trị rối loạn nhịp nhĩ và nhịp thất bằng các thuốc chống loạn nhịp. Có thể sử dụng các thiết bị hỗ trợ cho người bệnh khi cần thiết.
![Viêm cơ tim 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/viem_co_tim_3_5b4b8714bb.jpg)
Đối với viêm cơ tim do nhiễm trùng có thể sử dụng thêm kháng sinh để điều trị các tác nhân gây viêm cơ tim do vi khuẩn, đặc biệt trong giai đoạn nhiễm khuẩn cấp tính. Đối với viêm cơ tim do nguyên nhân virus, liệu pháp kháng virus không cho thấy sự hữu ích trong điều trị. Thuốc chống ký sinh trùng được sử dụng trong trường hợp người bệnh viêm cơ tim do nhiễm ký sinh trùng.
Viêm cơ tim quá mẫn được điều trị bằng cách ngưng sử dụng các chất gây độc cho tim hoặc các chất gây nghiện và sử dụng liệu pháp corticoid.