Viêm cầu thận cấp: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Viêm cầu thận cấp (Acute Glomerulonephritis, Acute Nephritis Syndrome) là một hội chứng viêm và tổn thương của các cầu thận. Diễn tiến bệnh cấp tính với triệu chứng khởi phát đột ngột bao gồm: Tiểu máu, protein niệu và tăng ure huyết. Điển hình của viêm cầu thận cấp tính gồm có: Viêm cầu thận sau nhiễm trùng (PIGN) và viêm cầu thận tiến triển nhanh (RPGN).
Những triệu chứng của viêm cầu thận cấp
Các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh viêm cầu thận cấp tính bao gồm:
Viêm cầu thận cấp sau nhiễm khuẩn:
- Đái máu (chiếm khoảng 50%).
- Protein niệu (protein trong nước tiểu) nhẹ.
- Đái máu vi thể hoặc đại thể (nước tiểu có màu nâu, màu coca, màu ám khói hoặc màu đỏ tươi).
- Thiểu niệu (đi tiểu ít hơn bình thường tính trong vòng 24 giờ).
- Phù, tăng huyết áp, giữ muối và nước, suy thận.
- Sốt (ít gặp), nếu có thường gợi ý tình trạng nhiễm trùng kéo dài.
- Suy thận gây quá tải dịch kèm theo suy tim và tăng huyết áp nặng cần lọc máu (chiếm khoảng 1 - 2% bệnh nhân).
Viêm cầu thận tiến triển nhanh:
Các triệu chứng thường âm thầm gồm:
- Mệt mỏi, sốt, chán ăn, nôn mửa, đau bụng, đau khớp.
- Đái máu khởi phát đột ngột.
- Trước khi khởi phát suy thận, khoảng 50% bênh nhân có tiền sử mắc bệnh giống cúm cấp tính trong vòng 4 tuần hoặc bệnh nhân có phù.
- Thiểu niệu nặng.
- Khoảng 10 - 30% bệnh nhân gặp hội chứng thận hư như: Chán ăn, mệt mỏi, nước tiểu sủi bọt (do nồng độ protein cao), phù ngoại biên và cổ trướng.
- Bệnh nhân có thể ho ra máu do có kháng thể kháng màng đáy cầu thận có thể chảy máu phổi. Chụp X - quang ngực có thể phát hiện được các dấu hiệu thâm nhiễm phế nang lan tỏa.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Hãy đến gặp bác sĩ ngay khi bạn có các dấu hiệu hoặc có nguy cơ cao của bệnh viêm cầu thận như: Suy nhược, đau bụng, khó chịu, mệt mỏi, sốt nhẹ, da xanh, phù nhẹ mi mắt, đái ít... Chẩn đoán và điều trị sớm, giảm tình trạng tăng nặng của bệnh, giúp người bệnh mau chóng phục hồi sức khỏe.
Những ai có nguy cơ mắc phải viêm cầu thận cấp
Những người có khả năng cao mắc bệnh bao gồm:
- Sau nhiễm liên cầu tan huyết beta nhóm A do nhiễm khuẩn ngoài da, viêm họng cấp.
- Tăng huyết áp không kiểm soát, đái tháo đường, lupus ban đỏ hệ thống.
- Người mắc bệnh thủy đậu, viêm gan B, sởi, quai bị…
- Dùng một số loại thuốc, hóa chất làm suy giảm chức năng của cầu thận.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm cầu thận cấp
Những yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh việm cầu thận cấp bao gồm:
- Các bệnh nhiễm trùng: Nhiễm khuẩn liên cầu, nhiễm trùng do virus, viêm nội tâm mạc do vi khuẩn…
- Các bệnh miễn dịch: Lupus ban đỏ hệ thống, bệnh lý thận lgA, hội chứng phổi thận.
- Viêm mạch máu: U hạt Wegener, viêm đa động mạch...
- Các tình trạng có thể gây sẹo cho các cầu thận: Tăng huyết áp không kiểm soát, bệnh đái tháo đường, xơ hóa cầu thận ổ - cục bộ.
- Người bị tích lũy đạm, người bị mắc các bệnh như: Kháng thể kháng màng đáy cầu thận, bệnh mạch máu, viêm thành mạch dị ứng, bệnh thận lgA, viêm cầu thận màng tăng sinh, hội chứng Goodpasture…
- Bệnh nhân sử dụng nhiều thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs).
Nguyên nhân dẫn đến viêm cầu thận cấp
Viêm cầu thận cấp sau nhiễm khuẩn:
Vi khuẩn thường gây bệnh nhất là liên cầu tan huyết beta nhóm A (group A) được coi là điển hình của viêm cầu thận cấp. Tùy chủng vi khuẩn gây bệnh mà có thể gây nhiễm khuẩn ở họng (chủng 12) hoặc là nhiễm khuẩn ngoài da gây bệnh chốc lở (chủng 49).
Một số vi khuẩn khác hiếm gặp hơn cũng có thể gây viêm cầu thận cấp như: Thương hàn, não mô cầu, Klebsiella Pneumoniae, tụ cầu, phế cầu...
Bình thường thời gian ủ bệnh từ 6 đến 21 ngày kể từ khi nhiễm khuẩn đến khi khởi phát bệnh viêm cầu thận, nhưng cũng có thể kéo dài đến 6 tuần.
Nhiễm trùng dẫn lưu não thất với buồng tim và viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn đóng vai trò quan trọng trong cơ chế gây bệnh viêm cầu thận sau nhiễm trùng (PIGN).
Viêm cầu thận tiến triển nhanh (RPGN):
Bệnh kháng thể kháng màng đáy cầu thận
Chiếm tới 10% số trường hợp RPGN, là viêm cầu thận tự miễn. Bệnh có thể khởi phát khi tiếp xúc các tác nhân đường hô hấp như: Khói thuốc lá, nhiễm virus đường hô hấp trên hoặc các bệnh mạch máu collagen (ví dụ lupus ban đỏ hệ thống [SLE]).
Bệnh này gây ra viêm cầu thận do lắng đọng các phức hợp miễn dịch ở thận. Viêm cầu thận có kháng thể kháng màng đáy cầu thận là viêm cầu thận không kèm xuất huyết phế nang với sự có mặt của kháng thể kháng màng đáy cầu thận.
RPGN do phức hợp miễn dịch
Làm tăng nặng thêm tình trạng nhiễm trùng và bệnh mô liên kết.
RPGN không lắng đọng phức hợp miễn dịch
Chiếm đến 50% các trường hợp RPGN.
Bệnh kháng thể đôi (RPGN type 4)
Rất ít gặp, với sự có mặt của các kháng thể màng đáy cầu thận và kháng thể ANCA.
Các bệnh cầu thận nguyên phát
Nguyên nhân gây bệnh không rõ ràng như nhiễm khuẩn, bệnh mô liên kết…
Bệnh kháng thể kháng bào tương của bạch cầu đa nhân (bệnh ANCA - Anti-Neutrophil Cytoplasmic Antibody)
Thường gặp trong các bệnh viêm vi mạch máu như hội chứng Churg-Strauss, bệnh viêm đa vi động mạch (microscopic polyangiitis) hoặc bệnh u hạt Wegener và gây ra viêm cầu thận tiến triển nhanh.
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm cầu thận cấp
Chế độ sinh hoạt:
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị về chế độ dinh dưỡng, cũng như trong việc sử dụng thuốc.
- Duy trì lối sống tích cực, ngủ đủ giấc từ 6 - 8 giờ, bệnh nhân cần nghỉ ngơi đầy đủ.
- Tránh xa khói thuốc thụ động, bỏ hút thuốc lá. Không uống rượu bia.
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị như: Sốt, đau thắt lưng, huyết áp cao, tiểu đêm thường xuyên, phù nề…
- Bổ sung calcium từ thức ăn, sữa hay các thực phẩm chức năng có chứa calcium.
- Tích cực kiểm soát tình trạng thiếu máu và loạn dưỡng xương, kiểm soát tốt các bệnh đang mắc phải như tim mạch, đái tháo đường (bằng thuốc uống/ thuốc tiêm theo toa của bác sĩ và tái khám định kỳ).
Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh viêm cầu thận thường âm thầm ít hoặc không có triệu chứng vì vậy có thể làm chậm lại sự tiến triển của bệnh nếu được phát hiện và điều trị sớm hoặc để bác sĩ tìm hướng điều trị mới nếu bệnh của bạn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Chế độ dinh dưỡng cho người viêm cầu thận:
- Ít muối và Natri: Giúp kiểm soát huyết áp và ngăn ngừa phù nề. Chế độ ăn nên bao gồm 2g natri, 2g kali và 40-60g đạm/kg/ngày. Nên luộc hoặc hấp thực phẩm, tránh thức ăn nhanh và thực phẩm đóng hộp.
- Đạm (Protein): Giảm đạm để giảm gánh nặng cho thận, chọn thực phẩm như cá, thịt gà, thịt nạc heo. Tránh nội tạng động vật.
- Giảm Kali: Tăng kali có thể gây rối loạn nhịp tim. Tránh thực phẩm giàu kali như chuối, cam, cà chua, khoai tây.
- Chất lỏng: Hạn chế uống nước và các loại nước ép để giảm gánh nặng cho thận.
- Chất béo: Sử dụng chất béo không bão hòa từ đậu nành, bơ, dầu ô liu, dầu cá. Tránh chất béo động vật.
- Phốt pho: Hạn chế thực phẩm chứa phốt pho như đậu Hà Lan, bơ đậu phộng, sữa chua. Tránh chất phụ gia có phốt pho.
Vitamin và khoáng chất: Đảm bảo cung cấp đủ vitamin từ thực phẩm hoặc vitamin tổng hợp. Ưu tiên rau xanh và trái cây như bầu, bí xanh, táo, nho.
Phương pháp phòng ngừa viêm cầu thận cấp hiệu quả
Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:
- Điều trị kháng sinh cho nhiễm trùng liên cầu khuẩn ở họng hoặc da.
- Kiểm soát tăng huyết áp bằng chế độ ăn giảm muối hoặc dùng thuốc.
- Kiểm soát đường huyết cho bệnh nhân đái tháo đường để giảm nguy cơ bệnh tim và suy thận.
- Ngăn ngừa nhiễm trùng như HIV và viêm gan bằng cách tuân thủ các hướng dẫn về sinh hoạt tình dục an toàn và tránh dùng chung kim tiêm.
- Duy trì cân nặng hợp lý để giảm nguy cơ đái tháo đường và huyết áp cao.
- Ăn uống lành mạnh: ít đường, cholesterol, nhiều chất xơ, trái cây và rau củ.
- Uống đủ nước, hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá.
- Hạn chế thuốc giảm đau không kê đơn như NSAID để tránh tổn thương thận.
- Giảm căng thẳng để ổn định huyết áp.
- Tập thể dục thường xuyên như bơi lội, đi bộ, chạy bộ để giảm căng thẳng, duy trì cân nặng hợp lý, kiểm soát tiểu đường và huyết áp cao.
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm cầu thận cấp
Viêm cầu thận cấp sau nhiễm trùng:
- Có bằng chứng lâm sàng của nhiễm trùng gần đây như tiền sử bị viêm họng hoặc chốc lở.
- Xét nghiệm nước tiểu: Có hồng cầu biến dạng, protein niệu, bạch cầu, trụ hồng cầu và tế bào ống thận.
- Có giảm bổ thể máu.
- Sinh thiết giúp xác định chẩn đoán nhưng hiếm khi làm.
Viêm cầu thận cấp tiến triển nhanh:
- Chẩn đoán dựa vào các xét nghiệm như: Nước tiểu, huyết thanh học.
- Xét nghiệm nước tiểu: Có cặn niệu gồm nhiều thành phần như: Bạch cầu, hồng cầu biến dạng và trụ bạch cầu, trụ hồng cầu…
- Xét nghiệm huyết thanh học: Creatinin huyết thanh thường luôn tăng. Xét nghiệm huyết thanh học nên bao gồm xét nghiệm kháng thể kháng màng đáy cầu thận, kháng thể kháng DNA hoặc cryoglobulins (RPGN do phức hợp miễn dịch), kháng thể kháng streptolysin O, và hiệu giá ANCA.
- Định lượng nồng độ bổ thể trong huyết thanh.
- Công thức máu: Thường tăng bạch cầu, thiếu máu.
- Sinh thiết thận: Cần thực hiện sớm.
Phương pháp điều trị viêm cầu thận cấp hiệu quả
Việc lựa chọn phương pháp điều trị viêm cầu thận cấp tùy thuộc vào loại và nguyên nhân gây bệnh. Đối với trường hợp viêm cầu thận cấp sau nhiễm trùng liên cầu là phổ biến nhất cần được theo dõi và điều trị kịp thời
Viêm cầu thận cấp sau nhiễm trùng:
Điều trị chăm sóc hỗ trợ bao gồm: Nghỉ ngơi, cùng với chế độ ăn hạn chế protein, muối (natri) và nước trong chế độ ăn.
Điều trị phù và tăng huyết áp.
Lọc máu đôi khi cần thiết.
Bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc kháng sinh và liều dùng phù hợp tùy vào mức độ đáp ứng của bệnh nhân, kháng sinh chỉ có tác dụng dự phòng khi được dùng trong vòng 36 giờ sau nhiễm trùng và trước khi xuất hiện viêm cầu thận. Một số loại thuốc kháng sinh có thể được chỉ định bao gồm: Penicillin V, Azithromycin.
Viêm cầu thận cấp tiến triển nhanh:
- Corticosteroid (methylprednisolone, prednisone);
- Cyclophosphamide;
- Rituximab;
- Bắt đầu điều trị sớm với cyclophosphamide, corticosteroid và thường được chỉ định liệu pháp trao đổi huyết tương (thay huyết tương);
- Ghép thận.
Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Xem thêm: Điều trị viêm cầu thận ngăn ngừa biến chứng xảy ra