Viêm bờ trên mi mắt là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Viêm bờ trên mi mắt là tình trạng viêm ở bờ trên của mép mí mắt. Chẩn đoán viêm bờ trên mi mắt là một chẩn đoán lâm sàng dựa trên sự kích ứng ở mép trên mi mắt, sưng kèm với vảy và bong tróc của lông mi.
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm bờ trên mi mắt
Một số dấu hiệu và triệu chứng của viêm bờ trên mí mắt bao gồm:
- Sưng mí mắt và/hoặc mí mắt nhờn.
- Mắt đỏ, khó chịu, ngứa hoặc rát ở mắt.
- Bong tróc lông mi, có thể khiến mí mắt dính vào nhau.
- Các vảy da tích tụ xung quanh mắt và mí mắt.
- Khô mắt hoặc chảy nước mắt quá nhiều.
- Mắt bị chớp liên tục.
Các dấu hiệu khác có thể có như:
- Sợ ánh sáng (nhạy cảm ánh sáng);
- Nhìn mờ;
- Mất lông mi;
- Lông mi mọc ngược (hướng vào trong mắt).
![Viêm bờ trên mi mắt là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/viem_bo_mi_tren_mat4_ca79339bb4.png)
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm bờ trên mi mắt
Các biến chứng có thể gặp khi mắc viêm bờ trên mí mắt bao gồm:
- Lẹo: Vết sưng, đỏ, đau trên mí mắt do tuyến dầu bị tắc.
- Chắp: Chắp là một khối cứng, không đau trên mí mắt do tuyến dầu bị tắc. Thông thường, chắp là tình trạng xảy ra khi lẹo không khỏi.
- Khô mắt: Dầu và vảy có thể tích tụ và có thể khiến mắt bạn cảm thấy khô.
- Tổn thương giác mạc: Trong trường hợp nghiêm trọng, viêm bờ mi có thể làm tổn thương giác mạc của bạn, xảy ra do sưng hoặc kích ứng ở mí mắt hoặc do lông mi mọc sai hướng.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Mặc dù hiếm khi đe dọa thị lực, nhưng viêm bờ trên mi mắt có thể dẫn đến sẹo mí mắt, chảy nước mắt, hình thành chắp lẹo và viêm kết mạc mãn tính. Sự phát triển của viêm giác mạc và loét giác mạc có thể dẫn đến mất thị lực. Do đó, mặc dù không phải tình trạng nguy hiểm, nhưng bạn nên đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn cách chăm sóc mắt nếu có các triệu chứng của viêm bờ trên mi mắt.
Những ai có nguy cơ mắc phải viêm bờ trên mi mắt?
Viêm bờ trên mi mắt thường ảnh hưởng đến người lớn và trẻ em ở cả hai giới như nhau. Tuy nhiên, có một dạng viêm bờ mi, đó là viêm bờ mi do tụ cầu sẽ chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ, chiếm đến khoảng 80% trường hợp.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm bờ trên mi mắt
Các yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc viêm bờ trên mi mắt bao gồm:
- Đái tháo đường;
- Đeo kính áp tròng;
- Tiếp xúc với các chất kích thích như bụi và hóa chất;
- Làm việc hoặc sống ở môi trường khô ráo, bao gồm cả việc dành nhiều thời gian ngồi điều hoà (máy lạnh);
- Lượng vi khuẩn trên da nhiều;
- Không tẩy trang kỹ;
- Da dầu;
- Đang sử dụng một số loại thuốc như thuốc điều trị ung thư;
- Tiền mãn kinh, mãn kinh hoặc thay đổi nội tiết tố.
![Viêm bờ trên mi mắt là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 6](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/viem_bo_mi_tren_mat6_b4e8141a6a.png)
Nguyên nhân dẫn đến viêm bờ trên mi mắt khác nhau tùy thuộc vào đó là quá trình cấp tính hay mãn tính, và phụ thuộc vào vị trí ở phía trước hay phía sau mí mắt. Các nguyên nhân gây viêm bờ trên mi mắt cấp tính thường do nhiễm trùng, có thể do vi khuẩn (thường là tụ cầu trùng) hoặc di virus như Herpes simplex hay Varicella zoster.
Bên cạnh đó, nguyên nhân gây viêm bờ trên mi mắt phía trước thường bao gồm:
- Trứng cá đỏ: Trứng cá đỏ gây viêm da vùng mặt, có thể bao gồm cả mí mắt trên.
- Dị ứng: Dị ứng với dung dịch kính áp tròng, thuốc nhỏ mắt hoặc trang điểm có thể gây kích ứng.
- Gàu: Viêm da dầu tiết bã, gàu có thể gây kích ứng mí mắt và gây viêm.
- Khô mắt: Tình trạng khô mắt có thể làm thay đổi kháng khuẩn, dẫn đến nhiễm trùng.
- Chấy hoặc ve: Chấy hoặc ve Demodex có thể chặn các nang và tuyến tại mi mắt.
Nguyên nhân dẫn đến viêm bờ mi sau bao gồm:
- Rối loạn chức năng tuyến Meibomian;
- Trứng cá đỏ;
- Gàu.
![Viêm bờ trên mi mắt là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/viem_bo_mi_tren_mat5_8e2eb4cd95.png)
Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của viêm bờ trên mi mắt
Chế độ sinh hoạt:
Bạn có thể hạn chế diễn tiến của viêm bờ trên mi mắt bằng các cách vệ sinh mi mắt bị viêm như sau:
- Rửa tay với xà phòng và nước.
- Trộn nước ấm với loại nước rửa nhẹ nhàng, ví dụ như dầu gội cho trẻ em.
- Nhúng một miếng vải sạch, mềm hoặc tăm bông vào hỗn hợp.
- Đắp miếng vải vào mắt (nhắm mắt trước khi đắp) trong vài phút để làm bong lớp vỏ. Điều này cũng giúp cho tuyến dầu không bị tắc nghẽn.
- Chà xát nhẹ nhàng miếng vải hoặc tăm bông qua lại, tại bờ mi (vị trí lông mi tiếp xúc với mí mắt).
- Rửa mắt lại bằng nước sạch.
- Lặp lại các bước này trên mắt còn lại với miếng vải hoặc tăm bông mới.
Chế độ dinh dưỡng:
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, việc bổ sung omega-3 (có trong cá hoặc dầu hạt lanh) có thể giúp các tuyến ở mắt hoạt động tốt hơn. Ăn các loại rau lá xanh và tránh các thực phẩm giàu chất béo cũng có thể hữu ích.
Phòng ngừa viêm bờ trên mi mắt
Để ngăn ngừa cũng như hạn chế diễn tiến của viêm bờ trên mi mắt, bạn nên làm sạch mí mắt của mình 2 lần/ngày (nếu có triệu chứng), và chuyển sang mỗi ngày một lần khi các triệu chứng đã cải thiện. Tiếp tục làm sạch theo hướng dẫn ở phần thói quen sinh hoạt, dù cho đã không còn triệu chứng.
Bạn không nên đeo kính áp tròng, đặc biệt khi đang có các triệu chứng của viêm bờ trên mi mắt. Không trang điểm ở phần mắt, đặc biệt là chải mascara khi bạn có các triệu chứng của viêm mi mắt.
Bên cạnh đó, một số việc bạn có thể làm để ngăn ngừa viêm bờ trên mi mắt bao gồm:
- Giữ tay, mặt và da đầu sạch sẽ.
- Không dùng tay chạm vào mắt hay mặt của bạn, sử dụng khăn giấy sạch nếu bạn muốn chạm vào mặt.
- Tẩy trang sạch mỗi ngày trước khi đi ngủ.
- Sử dụng nước mắt nhân tạo dưới hướng dẫn của bác sĩ nếu bạn bị khô mắt.
Xem thêm thông tin:
Viêm bờ mi cần kiêng ăn gì để đôi mắt mau khỏi
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm viêm bờ trên mi mắt
Chẩn đoán viêm bờ trên mi mắt là một chẩn đoán dựa trên lâm sàng, không có xét nghiệm cụ thể, đặc hiệu cho viêm bờ trên mi mắt. Bác sĩ có thể thực hiện các bước sau để chẩn đoán viêm bờ trên mi mắt, bao gồm:
- Khai thác bệnh sử: Bao gồm hỏi về triệu chứng, tình trạng sức khỏe cũng như xác định các yếu tố nguy cơ của bạn.
- Khám mí mắt: Xác định tình trạng sưng, đỏ hay có mủ ở mí mắt, giúp đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh.
- Lấy mẫu dịch tiết: Nhằm xét nghiệm vi khuẩn.
- Khác: Bác sĩ có thể cho làm xét nghiệm nước mắt, kiểm tra lông mi hoặc thực hiện sinh thiết mí mắt nếu có nghi ngờ ung thư da.
Điều trị viêm bờ trên mi mắt
Viêm bờ trên mi mắt có thể được điều trị bằng cách tự chăm sóc tại nhà, phần này sẽ được đề cập ở chế độ sinh hoạt bên dưới.
Ngoài ra, bác sĩ có thể kê đơn thuốc điều trị viêm bờ trên mi mắt của bạn, tuỳ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Các điều trị có thể bao gồm:
- Thuốc kháng sinh: Các loại thuốc mỡ kháng sinh có thể được kê đơn như erythromycin, bacitracin hoặc thuốc nhỏ mắt kháng sinh có thể giúp điều trị các tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn kháng sinh uống, chẳng hạn như doxycycline hoặc azithromycin.
- Thuốc kháng viêm: Các loại thuốc nhỏ mắt hoặc kem chứa steroid có thể được sử dụng để giúp giảm viêm.
- Thuốc điều hoà miễn dịch: Trong một số trường, hợp, bác sĩ sẽ bổ sung thêm một loại thuốc điều hòa miễn dịch, như thuốc nhỏ mắt cyclosporine được chứng minh có hiệu quả trong viêm bờ mi phía sau.
![Viêm bờ trên mi mắt là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 7](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/viem_bo_mi_tren_mat7_b6805b9654.png)