Viêm amidan hốc mủ: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị


Viêm amidan hốc mủ là một bệnh lý viêm cấp hoặc mạn tính amidan. Bệnh lý này khá phổ biến, chiếm 0,4% số ca khám ngoại trú tại Hoa Kỳ mỗi năm. Nguyên nhân của bệnh thường do nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Viêm amidan hốc mủ có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như viêm cầu thận, viêm khớp, bệnh van tim hậu nhiễm liên cầu, áp xe họng.

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm amidan hốc mủ

Viêm amidan thường gặp ở trẻ em, đặc biệt ở trẻ trong độ tuổi mẫu giáo và người lớn trong độ tuổi trung niên. Các triệu chứng phổ biến của viêm amidan hốc mủ bao gồm:

  • Nuốt đau, đau họng đặc biệt là khi ăn uống;
  • Sốt cao hoặc có thể không sốt;
  • Amidan đỏ, sưng tấy;
  • Có nhiều mảng trắng hoặc vàng trên bề mặt amidan, có nhiều khối mủ trong các hốc của amidan;
  • Khô miệng, hôi miệng, hơi thở hôi do mủ tích tụ lâu ngày;
  • Đau đầu, đau bụng, đau nhức cơ thể;
  • Ho khan hoặc ho có đờm;
  • Đôi khi khi ho, hắt hơi, khạc ra những hạt nhỏ như hạt gạo, màu trắng xanh hoặc vàng, mùi rất hôi;
  • Đờm dính ở cổ, khó khạc nhổ, khó nuốt xuống;
  • Nổi hạch ở dưới hàm hoặc ở cổ;
  • Ở trẻ nhỏ có thể xuất hiện thêm: Chảy nước bọt do nuốt khó hoặc nuốt đau, chán ăn, quấy khóc nhiều,...
Viêm amidan hốc mủ: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 1
Đau họng là triệu chứng phổ biến của viêm amidan hốc mủ

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm amidan hốc mủ

Người bệnh viêm amidan hốc mủ nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. Những biến chứng của bệnh bao gồm:

  • Áp xe quanh amidan;
  • Viêm họng, viêm mũi xoang, viêm tai giữa do tai - mũi - họng có các đường thông nối với nhau;
  • Viêm thanh quản, khàn tiếng hoặc mất tiếng;
  • Viêm phế quản, viêm phổi;
  • Hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn;
  • Khó thở do bít tắc đường hô hấp;
  • Sốt thấp khớp (tình trạng viêm do nhiễm liên cầu khuẩn gây tổn thương tim, khớp, da và hệ thần kinh), viêm cầu thận, viêm khớp, bệnh van tim sau nhiễm liên cầu khuẩn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ ngay khi có các triệu chứng điển hình của viêm amidan hốc mủ như:

  • Đau họng kèm theo sốt;
  • Đau họng không thuyên giảm hoặc đau họng tăng dần trong vòng 24 đến 48 giờ;
  • Nuốt đau hoặc nuốt khó;
  • Khó thở, đặc biệt là hội chứng ngưng thở khi ngủ;
  • Mệt mỏi, đuối sức hoặc quấy khóc nhiều.

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm amidan hốc mủ?

  • Người bệnh chưa điều trị dứt điểm hoặc chưa điều trị đúng cách một đợt viêm amidan cấp tính hoặc các bệnh lý viêm tai - mũi - họng;
  • Người có sức đề kháng yếu.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm amidan hốc mủ

  • Vệ sinh răng miệng không thường xuyên, không vệ sinh họng miệng kĩ lưỡng sau khi ăn;
  • Sống và làm việc trong môi trường kém vệ sinh, nhiều khói bụi, ô nhiễm nước và không khí;
  • Thường xuyên sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, chất gây nghiện dạng xịt hoặc hít khác,...
  • Tiếp xúc với người bệnh có triệu chứng viêm amidan.

Nguyên nhân dẫn đến viêm amidan hốc mủ 

Amidan là hàng rào phòng thủ đầu tiên chống lại các tác nhân gây bệnh, vì thế đây là nơi dễ bị nhiễm trùng. Viêm amidan hốc mủ do virus hoặc vi khuẩn đều có thể lây truyền từ người này sang người khác. Tuy nhiên, đối với một số dạng viêm amidan do bệnh thứ phát như viêm mũi xoang hoặc viêm mũi dị ứng thì không có khả năng lây nhiễm.

Viêm amidan do virus: Là nguyên nhân phổ biến nhất. Những loại virus phổ biến nhất gây viêm amidan hốc mủ bao gồm:

  • Adenovirus, có thể gây cảm lạnh thông thường và đau họng;
  • Rhinovirus, là nguyên nhân phổ biến nhất gây cảm lạnh thông thường;
  • Influenza, gọi là bệnh cúm;
  • Virus hợp bào hô hấp (RSV - Respiratory syncytial virus), thường gây nhiễm trùng đường hô hấp cấp;
  • Hai loại coronavirus, trong đó một loại gây SARS;
  • Một số loại tác nhân hiếm gặp hơn như Epstein-Barr virus (EBV), Herpes simplex virus (HSV), Cytomegalovirus (CMV).

Viêm amidan do vi khuẩn: Loại vi khuẩn phổ biến nhất gây ra viêm amidan hốc mủ là Streptococcus pyogenes. Một số loại vi khuẩn khác ít gặp hơn gồm:

  • Staphylococcus aureus;
  • Mycoplasma pneumonia;
  • Chlamydia pneumonia;
  • Bordetella pertussis;
  • Fusobacterium;
  • Neisseria gonorrhoeae.
Viêm amidan hốc mủ: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 2
Hình minh họa Streptococcus pyogenes

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm amidan hốc mủ

Chế độ sinh hoạt:

  • Nghỉ ngơi nhiều, tránh tiêu tốn năng lượng;
  • Súc miệng và vệ sinh răng miệng thường xuyên;
  • Tránh quạt khó hoặc máy lạnh vì không khí lạnh khô cũng gây kích ứng vùng hầu họng;
  • Tránh khói thuốc lá.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Uống nhiều nước giúp giảm triệu chứng khô và đau họng. Sử dụng các loại đồ uống ấm, không chứa caffein, ưu tiên nước lọc;
  • Sử dụng các loại viên ngậm giúp giảm đau họng hoặc một số loại thảo dược có tác dụng kháng khuẩn tốt như lá húng chanh, gừng, mật ong, chanh.

Phương pháp phòng ngừa viêm amidan hốc mủ hiệu quả

Để phòng ngừa viêm amidan hốc mủ, bạn cần phải có chế độ sinh hoạt hợp lý và khoa học. Bạn có thể tham khảo một số phương pháp sau:

  • Giữ vệ sinh môi trường sống, thường xuyên giặt giũ chăn mền, dọn dẹp nhà cửa;
  • Bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân dẫn đến dịch bệnh (virus cúm, phế cầu,...), thời tiết khi giao mùa;
  • Điều trị triệt để các bệnh lý vùng tai - mũi - họng như viêm VA, viêm mũi xoang, viêm tai, viêm răng miệng,...
  • Mang khẩu trang khi đến nơi đông người, khi tiếp xúc môi trường bên ngoài để bảo vệ mũi họng;
  • Bổ sung đủ nước cho cơ thể mỗi ngày, hạn chế nước đá lạnh;
  • Hạn chế la hét làm tổn thương niêm mạc vùng hầu họng;
  • Tập thể dục thể thao đều đặn giúp cơ thể dẻo dai, nâng cao sức khỏe.

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm amidan hốc mủ

Để chẩn đoán viêm amidan hốc mủ, bác sĩ sẽ tiến hành khai thác bệnh sử, tiền căn bệnh lý của bản thân và các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Sau đó, bác sĩ tiến hành khám tổng quát và khám khu trú tại vùng họng, kiểm tra một số triệu chứng thực thể như:

  • Lưỡi có rêu dơ, miệng họng khô, niêm mạc hầu họng đỏ.
  • Amidan sưng to và đỏ, đôi lúc sưng to gần sát lưỡi gà, có những khối mủ trắng trong các hốc, dần trở thành một lớp mủ trắng ngà hoặc vàng xanh phủ lên bề mặt amidan, dễ tróc, không chảy máu.
  • Đôi khi tình trạng viêm amidan mạn tính có thể tạo thành các hốc chứa bã đậu có hình dạng như viên sỏi, chất bở và có mùi hôi.
Viêm amidan hốc mủ: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 3
Bác sĩ chuyên khoa khám và chẩn đoán

Một số xét nghiệm có thể được bác sĩ yêu cầu thực hiện như sau:

  • Công thức máu: Có tình trạng tăng bạch cầu cao trên 10 G/L, ưu thế bạch cầu đa nhân trung tính;
  • Một số xét nghiệm dành cho viêm amidan mạn tính như test Viggo - Schmidt, test Le Mée (nếu amidan viêm đã gây ra biến chứng), nồng độ ASO trong máu (bình thường khoảng 200 đơn vị, khi bị nhiễm liên cầu khuẩn sẽ tăng cao lên đến 500 - 1000 đơn vị).
Viêm amidan hốc mủ: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 4
Một số xét nghiệm có thể được bác sĩ yêu cầu thực hiện

Phương pháp điều trị viêm amidan hốc mủ hiệu quả

Nếu bạn đang có các triệu chứng của viêm amidan hốc mủ, bạn cần tích cực điều trị bệnh dưới sự thăm khám và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Thuốc điều trị

  • Nghỉ ngơi, ăn nhẹ với các loại thức ăn lỏng, uống nhiều nước, bổ sung các yếu tố vi lượng, calci hoặc các vitamin giúp nâng đỡ cơ thể, tăng sức đề kháng.
  • Thuốc giảm đau không cần đơn (OTC) để làm giảm các triệu chứng tại chỗ của viêm amidan và hạ sốt.
  • Nếu nguyên nhân của viêm amidan do vi khuẩn, bác sĩ thường sẽ kê đơn thuốc kháng sinh. Khi dùng kháng sinh, người bệnh phải tuân thủ toàn bộ liệu trình bác sĩ đưa ra và tiếp tục sử dụng đủ ngày thuốc ngay cả khi triệu chứng đã giảm đi. Dừng kháng sinh khi chưa đủ thời gian có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng lan rộng hoặc tăng khả năng tái phát bệnh. Nếu không được điều trị, một số loại vi khuẩn có thể gây sốt thấp khớp và viêm cầu thận.
  • Đối với viêm amidan do virus kháng sinh không hiệu quả, chủ yếu người bệnh cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
  • Súc miệng bằng các dung dịch ấm như natri bicarbonat, natri borat,...(pha nửa thìa cà phê trong một cốc nước ấm).
Viêm amidan hốc mủ: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 5
Điều trị kháng sinh khi viêm amidan do vi khuẩn

Phẫu thuật

Trước đây, bác sĩ thường khuyến nghị phẫu thuật để điều trị viêm amidan. Hiện nay, bác sĩ sẽ không đề xuất việc phẫu thuật cắt bỏ amidan trừ khi tình trạng viêm amidan này là mạn tính và thường xuyên tái phát.

Bác sĩ có thể yêu cầu phẫu thuật cắt bỏ amidan khi có các chỉ định sau:

  • Viêm amidan mạn tính có đợt cấp nhiều lần (5 - 6 lần trong một năm).
  • Viêm amidan mạn tính gây biến chứng áp xe quanh amidan, viêm mũi xoang, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi, viêm hạch dưới hàm hoặc hạch cổ, viêm nội tâm mạc, viêm cầu thận, viêm khớp,...
  • Viêm amidan gây biến chứng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn.
  • Hội chứng ngưng thở khi ngủ.
  • Khó thở hoặc khó nuốt.

Nếu cần thiết phải phẫu thuật cắt bỏ amidan, bác sĩ có thể lựa chọn từ nhiều phương pháp khác nhau. Các phương pháp đang được áp dụng gồm sử dụng Laser, Coblator, dao siêu âm,...



Chat with Zalo