U tuyến yên là bệnh gì? Có nguy hiểm không?


U tuyến yên là khối u lành tính ở tuyến yên, hầu hết nằm ở thùy trước của tuyến yên. Đây chưa phải là ung thư nhưng vẫn ảnh hưởng đến chức năng bình thường của tuyến yên và gây ra một số bệnh lý nhất định. Bác sĩ có thể điều trị u tuyến yên bằng phẫu thuật, xạ trị hoặc kết hợp phẫu thuật với xạ trị.

Những dấu hiệu và triệu chứng của u tuyến yên

U tuyến yên thường biểu hiện bằng tình trạng tăng kích thước tuyến yên. Điều này có thể gây tăng áp lực hoặc làm tổn thương các cơ quan gần đó, bao gồm:

Vấn đề về thị lực

Khoảng 40% đến 60% số người bị u tuyến yên có dấu hiệu suy giảm thị lực (mờ hoặc nhìn đôi). U tuyến yên sẽ chèn ép giao thoa thị giác (nơi hai thần kinh thị giác giao nhau) của bạn, dẫn đến khiếm khuyết về trường thị giác như mất thị lực ngoại vi (mất thị lực khi nhìn nghiêng).

Đau đầu

Những người bị u tuyến yên thường than phiền tình trạng đau đầu. Điều này có thể là do u tuyến yên lớn gây áp lực lên các mô gần đó, nhưng đau đầu là một triệu chứng phổ biến do đó mọi người cũng có thể bị đau đầu vì những nguyên nhân khác.

Thiếu hụt hormone

U tuyến yên có thể gây ra tình trạng thiếu hụt một hoặc nhiều hormone do tổn thương mô tuyến yên. Điều này có thể gây ra hoạt động kém của tuyến yên, còn được gọi là suy tuyến yên.

Tùy vào hormone nào của tuyến yên bị thiếu hụt sẽ gây ra các triệu chứng khác nhau.

  • Thiếu hụt hormone LH và FSH dẫn đến nồng độ testosterone (LH) và estrogen (FSH) thấp, tình trạng này còn được gọi là suy sinh dục. Các triệu chứng của suy sinh dục bao gồm bốc hỏa và khô âm đạo ở nữ giới, rối loạn cương dương và giảm sự phát triển của lông trên mặt/cơ thể ở nam giới, thay đổi tâm trạng, giảm ham muốn tình dục và mệt mỏi.
  • Thiếu hụt hormone TSH sẽ dẫn đến tình trạng giảm sản xuất hormone tuyến giáp, hay gọi là suy giáp. Các triệu chứng của suy giáp bao gồm mệt mỏi, táo bón, nhịp tim chậm, da khô, sưng chân tay và giảm phản xạ.
  • Thiếu hụt hormone ACTH có nghĩa là bạn không sản xuất đủ cortisol, hay suy tuyến thượng thận. Các triệu chứng của suy tuyến thượng thận bao gồm huyết áp thấp, buồn nôn, nôn, đau bụng và chán ăn.
  • Thiếu hụt hormone GH dẫn đến thiếu hụt hormone tăng trưởng. Bạn sẽ có các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi của bạn. Ở người lớn, thiếu GH dẫn đến mệt mỏi và giảm khối lượng cơ.

Tăng tiết hormone

Ngoài làm thiếu hụt hormone, một số trường hợp u tuyến yên có thể gây ra tình trạng tăng tiết hormone, gây dư thừa. Tình trạng này có thể gây ra các bệnh lý sau:

U tuyến prolactin: Đây là loại u tuyến yên thường gặp nhất. Tình trạng này sẽ tạo ra nhiều hormone prolactin còn gọi là tăng prolactin máu. Nồng độ prolactin cao làm ảnh hưởng chức năng sinh sản bình thường gây triệu chứng vô sinh, tiết dịch sữa từ núm vú khi không mang thai.

U tuyến yên có nguy hiểm không? 1.jpg
U tuyến prolactin gây tình trạng vô sinh

U tuyến somatotroph: U tuyến somatotroph sẽ làm tăng sản xuất hormone tăng trưởng (còn gọi là somatotropin). Đây là nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh to đầu chi, một tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng do cơ thể có quá nhiều hormone tăng trưởng.

U tuyến corticotroph: U tuyến corticotroph sẽ tăng sản xuất hormone vỏ thượng thận (ACTH). ACTH kích thích tuyến thượng thận của bạn tạo ra hormone steroid, bao gồm cả cortisol. U tuyến corticotroph gây ra hội chứng Cushing, gồm các triệu chứng dễ bị bầm tím, yếu cơ, vết rạn da rộng ở bụng, huyết áp cao, đái tháo đường tuýp 2…

U tuyến thyrotroph: U tuyến thyrotroph gây tình trạng sản xuất quá nhiều hormone kích thích tuyến giáp (TSH) và rất hiếm gặp. TSH kích thích tuyến giáp sản xuất và giải phóng hormone tuyến giáp. TSH dư thừa sẽ dẫn đến dư thừa hormone tuyến giáp, gây ra bệnh cường giáp và làm tăng quá trình trao đổi chất của bạn.

U tuyến gonadotroph: U tuyến gonadotroph sản xuất quá nhiều gonadotropin, là hormone hoàng thể (LH) và hormone kích thích nang trứng (FSH). Những khối u tuyến này có thể gây ra kinh nguyệt không đều, hội chứng quá kích buồng trứng ở nữ giới, ở nam giới nó có thể gây ra tinh hoàn to, giọng nói trầm hơn, hói ở thái dương và mọc lông mặt nhanh.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh u tuyến yên (nếu có)

Nếu không được điều trị, một số u tuyến yên (chủ yếu là u tuyến yên kích thước lớn và u tuyến yên tăng tiết hormone) có thể gây ra các tình trạng bệnh lý nghiêm trọng.

Một biến chứng rất hiếm gặp của u tuyến yên khi không được điều trị là xuất huyết tuyến yên. Xuất huyết tuyến yên thường do chảy máu bên trong u tuyến yên. Tuyến yên của bạn bị tổn thương khi khối u đột nhiên to ra, gây chảy máu vào tuyến yên hoặc chặn nguồn cung cấp máu cho tuyến yên. U tuyến càng lớn thì nguy cơ xuất huyết tuyến yên càng cao.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi bạn có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng dưới đây, hãy gọi cấp cứu và đến bệnh viện ngay lập tức:

  • Đau đầu dữ dội.
  • Liệt cơ mắt, gây ra hiện tượng nhìn đôi hoặc khó mở mí mắt.
  • Mất thị lực ngoại vi hoặc mất toàn bộ thị lực ở một hoặc cả hai mắt.
  • Huyết áp thấp, buồn nôn và nôn do suy tuyến thượng thận cấp.
  • Thay đổi tính cách do một trong các động mạch ở não (động mạch não trước) đột nhiên bị hẹp lại. 

Những ai có nguy cơ mắc phải u tuyến yên?

U tuyến yên có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở những người trong độ tuổi từ 30 đến 40. Nữ giới có nhiều nguy cơ mắc u tuyến yên hơn nam giới.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải u tuyến yên

Một số nghiên cứu cho thấy rằng tiếp xúc với bức xạ vùng đầu hoặc cổ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh u tuyến yên.

Các rối loạn hoặc bệnh lý liên quan đến tuyến nội tiết làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Nguyên nhân dẫn đến u tuyến yên

Đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa chắc chắn về nguyên nhân chính xác gây u tuyến yên. Nhưng một số u tuyến yên được thấy có liên quan đến những thay đổi ngẫu nhiên hoặc đột biến trong gen. Những thay đổi này khiến các tế bào trong tuyến yên của bạn phát triển ngoài tầm kiểm soát, tạo thành khối u (tăng trưởng).

U tuyến yên cũng liên quan đến một số bệnh lý di truyền nhất định, bao gồm:

  • Đa u tuyến nội tiết type 1 (Multiple Endocrine Neoplasia Type 1, MEN1): MEN1 là gen ức chế khối u. Đột biến mất chức năng ở gen này dẫn đến hình thành khối u ở tuyến cận giáp, tuyến tụy và tuyến yên.
  • Đa u tuyến nội tiết type 4 (Multiple Endocrine Neoplasia Type 4, MEN4): MEN 4 có đột biến ở gen ức chế kinase phụ thuộc cyclin 1B (CDKN1B) biểu hiện bằng khối u tuyến yên, cường cận giáp, khối u thần kinh nội tiết ở tinh hoàn và cổ tử cung.
  • Phức hợp Carney (Carney complex).
  • Hội chứng X-LAG (X-LAG syndrome).
  • U tuyến yên gia đình liên quan đến succinate dehydrogenase.
  • U sợi thần kinh type 1 (Neurofibromatosis type 1).
  • Hội chứng Von Hippel–Lindau (Von Hippel–Lindau syndrome).
U tuyến yên có nguy hiểm không? 2.jpg
Nguyên nhân gây ra u tuyến yên có thể do một số bệnh lý di truyền

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của u tuyến yên

Chế độ sinh hoạt:

  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ để theo dõi tình trạng và điều chỉnh phương pháp điều trị nếu cần.
  • Hoạt động thể chất nhẹ nhàng như đi bộ, yoga hoặc bơi lội để cải thiện sức khỏe và tâm trạng.
  • Ngủ đủ giấc, từ 7-9 giờ mỗi đêm, để hỗ trợ hệ thống miễn dịch và phục hồi cơ thể.
  • Tránh xa các chất gây nghiện và rượu.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Tăng cường rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, và protein nạc.
  • Giảm thiểu tiêu thụ thực phẩm chứa đường cao và carbohydrate tinh chế để duy trì mức đường huyết ổn định.
  • Hạn chế muối để giảm nguy cơ tăng huyết áp, đặc biệt nếu có triệu chứng liên quan đến hormone.
  • Cung cấp đủ nước cho cơ thể để hỗ trợ chức năng nội tiết và tuần hoàn.
U tuyến yên có nguy hiểm không? 4.jpg
Ngủ đủ giấc để giúp cơ thể phụ hồi tránh mệt mỏi

Phòng ngừa u tuyến yên

Hiện nay chưa có cách nào bạn có thể làm để ngăn ngừa sự phát triển của u tuyến yên. Hầu hết các u tuyến yên xảy ra ngẫu nhiên, nhưng chúng cũng liên quan đến một số tình trạng di truyền hiếm gặp. Nếu bạn có người thân như anh chị em ruột hoặc cha mẹ mắc một trong những bệnh di truyền hiếm gặp, bạn nên làm xét nghiệm di truyền để kiểm tra xem bạn có mắc bệnh này không.

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm u tuyến yên

Nếu bác sĩ nghi ngờ rằng bạn bị u tuyến yên, họ sẽ xem xét toàn bộ các triệu chứng và tiền sử bệnh lý của bạn và tiến hành khám sức khỏe. Khám mắt nếu bạn gặp vấn đề về thị lực.

Các xét nghiệm có thể được chỉ định bao gồm:

  • Xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ hormone.
  • Hình ảnh học: Chụp MRI (chụp cộng hưởng từ) hoặc CT (chụp cắt lớp vi tính) đầu có thể cung cấp hình ảnh các cấu trúc bên trong đầu bạn. Các xét nghiệm này có thể giúp chẩn đoán xác định u tuyến yên.

Điều trị u tuyến yên

Nội khoa

Thuốc

Một số loại thuốc có khả năng thu nhỏ khối u và làm giảm các triệu chứng do u tuyến yên gây ra.Nếu bạn bị u tiết prolactin (loại u tuyến yên phổ biến nhất), bạn có thể sẽ được dùng thuốc điều trị bằng thuốc chủ vận dopamine, chẳng hạn như cabergoline hoặc bromocriptine. Trong 80% trường hợp, các loại thuốc này làm nhỏ khối u prolactin và giúp nồng độ prolactin trở lại bình thường.

Ngoài ra bạn có thể cần bổ sung các hormone nếu u tuyến yên làm giảm sản xuất hormone cho cơ thể hoặc nếu nồng độ hormone bị suy giảm sau phẫu thuật.

Xạ trị

Xạ trị sử dụng tia X năng lượng cao để thu nhỏ u tuyến hoặc khối u tuyến yên. Hiện nay còn có một phương pháp xạ trị đặc biệt gọi là phẫu thuật xạ trị định vị cho u tuyến yên bằng cách sử dụng liều bức xạ cao nhắm chính xác vào u tuyến yên từ nhiều hướng để ngăn u phát triển.

Ngoại khoa

Nếu bạn bị u tuyến yên gây mất cân bằng hormone cơ thể, bác sĩ có thể xem xét phẫu thuật cho bạn. Tùy thuộc vào kích thước của u tuyến yên và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng bạn có thể phải cắt bỏ một phần hay toàn bộ tuyến yên.

Phẫu thuật u tuyến yên thường được thực hiện qua nội soi mũi, tuy nhiên nếu khối u quá lớn bác sĩ sẽ phải mở hộp sọ để phẫu thuật cắt bỏ tuyến yên.

U tuyến yên có nguy hiểm không? 3.jpg
Phẫu thuật thông qua nội soi đường mũi có thể giúp cắt bỏ u tuyến yên



Chat with Zalo