Tràn dịch tinh mạc: Bệnh lý thường gặp ở trẻ nam
Tràn dịch tinh mạc là tình trạng dịch tích tụ trong bìu khiến nó sưng lên. Bệnh phổ biến ở trẻ sơ sinh nam hơn nam giới lớn tuổi. Chẩn đoán bệnh thường đơn giản và thường không cần điều trị. Chỉ khi nào dịch tích tụ nhiều, gây đau hoặc ảnh hưởng đến sinh hoạt của bệnh nhân thì mới cần can thiệp điều trị.
Những dấu hiệu và triệu chứng của tràn dịch tinh mạc
Tràn dịch tinh mạc thường không gây đau. Triệu chứng phổ biến nhất là bìu bị sưng, sưng có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai bìu. Tuy nhiên, tùy thuộc vào mức độ nặng của tình trạng sưng, cảm giác đau hoặc khó chịu có thể xảy ra. Ở người lớn nếu dịch tụ trong bìu càng nhiều thì có thể có cảm giác nặng nề ở bìu. Trong một số trường hợp, tình trạng sưng bìu có thể nặng hơn vào buổi sáng so với buổi tối.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh tràn dịch tinh mạc
Mặc dù hiếm gặp nhưng thoát vị bẹn có thể phát triển nếu lỗ âm đạo quá lớn và không được điều trị. Thoát vị bẹn khiến một phần ruột hoặc mỡ trong ruột đẩy qua ống bẹn ở háng. Nó có thể gây đau đớn và trong một số trường hợp, nguy hiểm.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Hãy đến khám bác sĩ khi con bạn hoặc bạn có tình trạng sưng bìu. Mặc dù hầu hết tràn dịch tinh mạc ở trẻ sơ sinh đều tự khỏi nhưng điều quan trọng là phải loại trừ các bệnh lý tiềm ẩn nào khác cũng có thể gây sưng bìu.
Hoặc nếu con bạn hoặc bạn có tình trạng đau dữ dội, đột ngột ở bìu, hãy đi khám ngay. Đây có thể là dấu hiệu báo động bạn hoặc con bạn đang bị xoắn tinh hoàn, một cấp cứu y tế.
Những ai có nguy cơ mắc phải tràn dịch tinh mạc?
Tràn dịch tinh mạc thường gặp ở trẻ sơ sinh, tuy nhiên bệnh cũng có thể xảy ra ở thanh thiếu niên và người lớn. Khoảng 10% trẻ sơ sinh bị tràn dịch tinh mạc, bệnh thường khỏi mà không cần điều trị trong năm đầu tiên.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải tràn dịch tinh mạc
- Trẻ sinh non thường có hệ thống miễn dịch và hệ thống bạch huyết chưa hoàn thiện, dễ bị nhiễm trùng và tràn dịch tinh mạc.
- Chấn thương vùng bìu, như vỡ bao quy đầu hoặc tổn thương tinh hoàn, có thể dẫn đến tràn dịch tinh mạc.
- Các nhiễm trùng như viêm tinh hoàn, viêm phúc mạc tinh hoàn hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể gây viêm và tràn dịch tinh mạc.
- Nam giới trên 40 tuổi: Khi tuổi tác tăng, các mạch máu và cấu trúc ở bìu dễ bị hư hỏng, dẫn đến tràn dịch tinh mạc.
Nguyên nhân dẫn đến tràn dịch tinh mạc
Tràn dịch tinh mạc có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường phổ biến hơn ở trẻ sơ sinh. Bệnh có thể xảy ra mà không có bất kỳ nguyên nhân nào, tuy nhiên chấn thương hoặc tình trạng viêm cũng có thể góp phần gây ra bệnh.

Đối với trẻ sơ sinh
Tinh hoàn của trẻ đi từ bụng xuống bìu vào cuối thai kỳ. Bìu là túi da giữ tinh hoàn khi chúng đi xuống. Trong quá trình phát triển của trẻ, mỗi tinh hoàn có một túi tự nhiên xung quanh chứa dịch.
Thông thường, túi này sẽ tự đóng lại và cơ thể sẽ hấp thu dịch bên trong trong năm đầu tiên của trẻ. Tuy nhiên, điều này không xảy ra với trẻ sơ sinh bị tràn dịch tinh mạc. Trẻ sinh non có nguy cơ mắc bệnh tràn dịch tinh mạc cao hơn. Tình trạng này thường chỉ là tạm thời và biến mất mà không cần điều trị.
Đối với nam giới
Tràn dịch tinh mạc cũng có thể xảy ra sau khi trẻ trai trưởng thành, thường ở nam giới trên 40 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng viêm hoặc màng tinh mạc không tái hấp thu dịch.
Tràn dịch tinh mạc cũng có thể xảy ra do viêm hoặc chấn thương ở bìu. Tình trạng viêm có thể do nhiễm trùng (viêm mào tinh hoàn) hoặc các tình trạng khác.
Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của tràn dịch tinh mạc
Chế độ sinh hoạt:
- Tập luyện thể dục, thể thao nhẹ nhàng, tránh các hoạt động gây chấn thương vùng bìu.
- Tránh các hoạt động thể lực nặng, nhất là kéo, đẩy vật nặng.
- Hạn chế quá nhiều ngồi, nằm, tránh gây ứ trệ tuần hoàn vùng bìu.
- Giữ vùng bìu sạch sẽ, thoáng mát.
- Không mặc quần áo quá chật, tránh ấm nóng kéo dài vùng bìu.

Chế độ dinh dưỡng:
- Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất hỗ trợ sức khỏe nam giới.
- Hạn chế các chất kích thích như rượu, thuốc lá.
Phòng ngừa tràn dịch tinh mạc
Không thể phòng ngừa cho trẻ khỏi tràn dịch tinh mạc. Đối với người lớn, cách tốt nhất để ngăn ngừa tràn dịch tinh mạc là bảo vệ tinh hoàn và bìu khỏi bị chấn thương. Một số cách bạn có thể tham khảo để bảo vệ tinh hoàn và bìu của minh:
- Tập luyện thể dục, thể thao nhẹ nhàng, tránh các hoạt động gây chấn thương vùng bìu.
- Hạn chế các hoạt động thể lực nặng, nhất là kéo, đẩy vật nặng.
- Giữ vùng bìu sạch sẽ, thoáng mát, tránh mặc quần áo quá chật.
- Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất hỗ trợ sức khỏe nam giới.
- Hạn chế rượu, thuốc lá.
- Điều trị kịp thời các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Với nam giới trên 40 tuổi, nên thực hiện khám sức khỏe định kỳ.
Các câu hỏi thường gặp về tràn dịch tinh mạc
Tôi có thể tự điều trị tràn dịch tinh mạch tại nhà?
Trong hầu hết các trường hợp, tràn dịch tinh mạch có thể tự khỏi. Trừ khi có tình trạng bệnh lý đi kèm như thoát vị bẹn, bạn cần được điều trị tại cơ sở y tế. Tuy nhiên, nếu người lớn đã hơn 6 tháng hoặc trẻ hơn 12 tháng mà tình trạng này vẫn còn hiện diện thì hãy đến khám bác sĩ.
Tràn dịch tinh mạc có gây ung thư không?
Mặc dù bệnh có thể gây khó chịu hoặc xấu hổ nhưng phần lớn trường hợp tràn dịch tinh mạc đều vô hại. Tuy nhiên, bất cứ khi nào bạn cảm thấy sưng tấy hoặc khó chịu bất thường bạn nên đi kiểm tra để đề phòng.
Tràn dịch tinh mạc có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hay không?
Tràn dịch tinh mạc là bệnh lành tính và thường không gây vô sinh. Nếu nghi ngờ mình bị vô sinh hãy tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được tìm nguyên nhân chính xác.
Nếu tôi mắc bệnh tràn dịch tinh mạc thì có nguy hiểm hay không?
Tiên lượng của tràn dịch tinh mạc rất tốt. Hầu hết các trường hợp đều tự khỏi và những trường hợp cần phẫu thuật có tỷ lệ thành công cao.
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm tràn dịch tinh mạc
Để chẩn đoán tràn dịch tinh mạc, bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra toàn diện cơ thể. Nếu bạn bị tràn dịch tinh mạc, bìu của bạn sẽ sưng lên nhưng bạn sẽ không bị đau. Bác sĩ sẽ không thể cảm nhận rõ tinh hoàn của bạn do túi chứa đầy dịch.
Bác sĩ sẽ kiểm tra độ mềm ở bìu và chiếu đèn qua bìu. Điều này cho phép bác sĩ xác định xem có dịch trong bìu hay không. Nếu có dịch, bìu sẽ cho phép ánh sáng truyền qua và bìu sẽ sáng lên khi ánh sáng đi qua. Tuy nhiên, nếu bìu sưng tấy là do khối u (ung thư) thì ánh sáng sẽ không chiếu qua bìu được. Kiểm tra này không giúp chẩn đoán xác định bệnh nhưng có thể giúp bác sĩ loại trừ.
Nếu bìu bị sưng tấy đáng kể và kéo dài, bác sĩ có thể sẽ chỉ định siêu âm bìu để giúp xác định nguyên nhân. Xét nghiệm máu hoặc nước tiểu giúp đánh giá tình trạng nhiễm trùng.
Điều trị tràn dịch tinh mạc
Nội khoa
Đối với trẻ sơ sinh, tràn dịch tinh mạc có thể tự biến mất sau khoảng một năm. Nếu không biến mất hoặc phát triển càng ngày càng lớn thì có thể trẻ sẽ cần được phẫu thuật.
Đối với người lớn, tràn dịch tinh mạc có thể biến mất, nhưng chỉ khi nguyên nhân gây ra là viêm hoặc nhiễm trùng được điều trị khỏi. Sử dụng thuốc kháng sinh, chống viêm, giảm đau để điều trị cho tình trạng nhiễm trùng. Khi tràn dịch phát triển lớn hơn, bác sĩ sẽ đề nghị bạn điều trị bằng phẫu thuật.
Ngoại khoa
Phẫu thuật
Đối với trẻ sơ sinh: Nếu tràn dịch tinh mạc không tự khỏi sau khi bé tròn 1 tuổi hoặc kích thước càng ngày càng tăng, trẻ có thể cần được phẫu thuật. Bác sĩ sẽ rạch một vết ở háng và hút dịch ra khỏi túi tinh kèm theo loại bỏ ống nối khoang bụng với bìu nhằm tránh tái phát.
Đối với trẻ lớn hơn: Phẫu thuật nhằm sửa chữa chỗ sai thông qua một vết mổ ở bìu.
Đối với nam trưởng thành: Phẫu thuật được chỉ định khi tình trạng tràn dịch tinh mạc của bạn khiến bìu sưng lớn khiến bạn khó chịu. Bác sĩ sẽ rạch một vết nhỏ ở bìu hoặc thành bụng dưới sau đó dẫn lưu dịch ra ngoài. Sau đó bác sĩ sẽ tiến hành khâu lỗ thông giữa bìu và bụng để ngăn sự tích tụ thêm.
Chọc hút
Là một phương pháp để điều trị tràn dịch tinh mạc. Một cây kim dài được đưa vào túi tinh hoàn để rút dịch ra. Chọc hút bằng kim thường được thực hiện trên những người có nguy cơ cao bị biến chứng trong quá trình phẫu thuật.
Tác dụng phụ thường gặp nhất của chọc hút bằng kim là đau tạm thời ở bìu và nguy cơ nhiễm trùng.

Liệu pháp xơ hóa
Liệu pháp xơ hóa là phương pháp mà bác sĩ sẽ tiêm một dung dịch để ngăn chặn tràn dịch tinh mạc tái phát sau khi đã rút hết dịch ra khỏi bìu.