Rối loạn dạng cơ thể là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Rối loạn dạng cơ thể (Somatoform disorder) hay rối loạn cơ thể là một thuật ngữ cũ, hiện tại thuật ngữ đang được sử dụng là rối loạn triệu chứng cơ thể (Somatic symptom disorder). Rối loạn triệu chứng cơ thể là tình trạng có một hoặc nhiều triệu chứng thực thể, dẫn đến việc một người cảm thấy đau khổ hay có những hành vi bất thường để đáp lại triệu chứng đó. Những phản ứng này có thể cản trở hoạt động hằng ngày của người bệnh.
Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn dạng cơ thể
Các triệu chứng thực thể mà người bị rối loạn dạng cơ thể có thể gặp phải bao gồm:
- Đau (triệu chứng được báo cáo phổ biến nhất);
- Mệt mỏi hoặc yếu đuối;
- Khó thở.
Các triệu chứng thực thể có thể từ nhẹ đến nặng, và có thể có một hoặc nhiều triệu chứng. Những triệu chứng này có thể do tình trạng bệnh lý gây ra, hoặc không có nguyên nhân rõ ràng.
Đối với người rối loạn triệu chứng cơ thể, những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi phản ứng lại với các triệu chứng thực thể trên bao gồm:
- Cảm thấy lo lắng tột độ về các triệu chứng thể chất mà họ mắc phải.
- Cảm thấy lo ngại rằng các triệu chứng thể chất nhẹ là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng nào đó.
- Thường xuyên đến gặp bác sĩ, cơ sở y tế để thực hiện nhiều xét nghiệm chẩn đoán và kiểm tra nhưng không tin vào kết quả.
- Cảm thấy bác sĩ không coi trọng các triệu chứng thể chất của mình.
- Đi khám từ bác sĩ này đến bác sĩ khác, hoặc tìm cách điều trị từ nhiều bác sĩ cùng một lúc.
- Dành quá nhiều thời gian và sức lực để giải quyết các vấn đề về sức khỏe.
- Thường nhạy cảm với tác dụng phụ của thuốc.
- Phụ thuộc vào người khác, đòi hỏi sự hỗ trợ về mặt tinh thần và cảm thấy tức giận nếu nhu cầu của mình không được đáp ứng.
- Gặp khó khăn trong các hoạt động hàng ngày vì những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của mình.
Khoảng 30% người bệnh rối loạn dạng cơ thể cũng mắc chứng lo âu và trầm cảm.
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh rối loạn dạng cơ thể
Rối loạn dạng cơ thể có thể dẫn đến các biến chứng khác nhau. Lạm dụng rượu và chất gây nghiện thường xuyên được quan sát thấy, đôi khi, việc sử dụng nhằm mục đích để giảm các triệu chứng của bản thân. Nếu không được điều trị, rối loạn triệu chứng cơ thể có thể dẫn đến:
- Hạn chế sinh hoạt hàng ngày;
- Thất nghiệp hoặc hiệu suất làm việc kém;
- Khuyết tật tâm lý;
- Chất lượng cuộc sống suy giảm.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn gặp bất kỳ dấu hiệu nào trong các triệu chứng đã kể trên. Hãy nói chuyện với bác sĩ, thảo luận về các triệu chứng của mình để được chẩn đoán và điều trị. Nếu bạn gặp các vấn đề lo lắng quá mức về triệu chứng nào đó (ví dụ như đau, khó thở, mệt mỏi) gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, hoặc hãy đến gặp bác sĩ khi có các triệu chứng của lo âu hoặc trầm cảm.
Những ai có nguy cơ mắc phải rối loạn dạng cơ thể?
Rối loạn dạng cơ thể có thể xảy ra ở trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn. Tuy nhiên, độ tuổi thường chẩn đoán rối loạn triệu chứng cơ thể là bắt đầu ở tuổi 30. Bên cạnh đó, phụ nữ có nguy cơ mắc rối loạn triệu chứng cơ thể gấp 10 lần so với nam giới.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải rối loạn dạng cơ thể
Các yếu tố nguy cơ nhất định có liên quan đến rối loạn triệu chứng cơ thể đã được nghiên cứu bao gồm:
- Nâng cao sự chú ý đến cảm giác cơ thể;
- Rối loạn sử dụng chất gây nghiện;
- Lạm dụng rượu;
- Bị lạm dụng thể chất và tình dục;
- Bị bỏ bê trong thời thơ ấu;
- Lối sống hỗn loạn, sang chấn tâm lý;
- Bệnh mạn tính trong thời thơ ấu;
- Sự hiện diện của tình trạng tâm thần khác đặc biệt là lo âu hoặc trầm cảm;
- Các rối loạn nhân cách như rối loạn nhân cách né tránh, rối loạn nhân cách hoang tưởng hay ám ảnh cưỡng chế.
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn dạng cơ thể
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn dạng cơ thể vẫn chưa được biết rõ. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau như bị bỏ rơi khi còn nhỏ, lạm dụng tình dục, lối sống hỗn loạn, tiền sử lạm dụng rượu hoặc chất gây nghiện.
Đặc biệt rối loạn dạng cơ thể còn liên quan đến một số tình trạng khác như hoang tưởng, ám ảnh cưỡng chế. Các yếu tố căng thẳng tâm lý xã hội cũng góp phần vào tình trạng rối loạn triệu chứng cơ thể.
Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của rối loạn dạng cơ thể
Chế độ sinh hoạt:
Nếu bạn mắc rối loạn dạng cơ thể, các việc sau có thể giúp ích cho bạn, bao gồm:
- Phát triển mối quan hệ hỗ trợ giữa người bệnh và bác sĩ chính của bạn.
- Chỉ cần một bác sĩ chính chăm sóc cho bạn, điều này giúp hạn chế các xét nghiệm cũng như thủ tục không cần thiết.
- Tái khám đúng hẹn để được bác sĩ theo dõi các triệu chứng và hướng dẫn cách bạn đối phó với chúng.
- Đến gặp bác sĩ nếu bạn nhận thấy các triệu chứng tâm lý của bạn trở nên trầm trọng hơn.
- Duy trì giao lưu và hoạt động hàng ngày, ngay cả khi bạn gặp các triệu chứng thực thể như đau, mệt mỏi.
- Nhận biết các dấu hiệu làm cho triệu chứng nặng nề hơn để báo với bác sĩ và tìm cách đối phó.
- Không tập trung quá nhiều vào các triệu chứng thể chất của bạn.
Chế độ dinh dưỡng:
Bổ sung đầy đủ dưỡng chất thiết yếu theo hướng dẫn từ chuyên gia y tế.
Phòng ngừa rối loạn dạng cơ thể
Không có cách phòng ngừa rối loạn dạng cơ thể, việc tư vấn có thể giúp những đối tượng dễ mắc rối loạn triệu chứng cơ thể học được nhiều cách để đối phó với căng thẳng. Điều này có thể giúp giảm cường độ của các triệu chứng.
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm rối loạn dạng cơ thể
Bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử, thực hiện khám bệnh và thực hiện một số xét nghiệm để loại trừ các tình trạng bệnh lý có thể dẫn đến triệu chứng thực thể ở bạn.
Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy bạn không mắc bệnh, hoặc có bệnh nhưng tình trạng bệnh không phù hợp với mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, bạn sẽ được giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần để đánh giá.
Chẩn đoán xác định rối loạn triệu chứng cơ thể dựa vào một số tiêu chí nhất định, bao gồm suy nghĩ, lo lắng, tốn quá nhiều thời gian và năng lượng tập trung vào các triệu chứng thể chất hay các mối quan tâm quá mức về sức khỏe.
Điều trị rối loạn dạng cơ thể
Mục tiêu chính của điều trị rối loạn dạng cơ thể là giúp bạn đối phó với các triệu chứng thực thể mà bạn gặp phải, bao gồm các tình trạng lo lắng quá mức về sức khỏe, các hành vi phản ứng thái quá, thay vì cố gắng loại bỏ triệu chứng thực thể cho bạn.
Bạn cũng cần tái khám thường xuyên để bác sĩ theo dõi chắc chắn rằng các triệu chứng thực thể không phải do bệnh lý nghiêm trọng nào khác.
Các thủ tục chẩn đoán và điều trị phẫu thuật xâm lấn không được khuyến khích. Các thuốc an thần, giảm đau, gây mê cũng tránh được sử dụng.
Điều trị tâm thần sớm được khuyến khích, bao gồm liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) giúp cải thiện các triệu chứng cơ thể, giảm chi phí chăm sóc sức khỏe và giảm triệu chứng trầm cảm. Thuốc thường được hạn chế sử dụng, nhưng đôi khi, có thể bắt đầu bằng thuốc chống trầm cảm để điều trị các tình trạng đi kèm (như rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế).