Ốm nghén là gì ? Nguyên nhân và cách điều trị
Ốm nghén (morning sickness) đặc trưng bởi tình trạng buồn nôn và nôn khi mang thai. Ốm nghén thường bắt đầu từ tuần thứ 4 đến tuần thứ 8 thai kỳ và giảm bớt vào giữa tam cá nguyệt thứ hai, thường là từ 14 đến 16 tuần. Vì vậy ốm nghén đa phần không làm tăng nguy cơ cho sản phụ và thai nhi.
Những dấu hiệu và triệu chứng của ốm nghén
Ngoài triệu chứng điển hình là buồn nôn và nôn ói, các triệu chứng khác có thể bao gồm mệt mỏi, chóng mặt, suy nhược, tiết nước bọt quá mức. Phụ nữ có thai cũng có thể trải qua các tình trạng khác như: Rối loạn giấc ngủ, nhạy cảm mùi quá mức, rối loạn vị giác, giảm sự phân biệt vị giác, trầm cảm, lo lắng, cáu gắt, tính khí thất thường, giảm tập trung.
Tác động của ốm nghén đối với sức khỏe
Triệu chứng ốm nghén thường sẽ giảm sau 14 hoặc 16 tuần thai kỳ và không làm tăng nguy cơ cho sản phụ và thai nhi.
Biến chứng có thể gặp khi có ốm nghén
Thể ốm nghén nặng (nôn nghén - hyperemesis gravidarum) hiếm gặp và có thể gây ra nhiễm ceton và sụt cân (> 5% trọng lượng trước khi mang thai), suy giảm thể tích tuần hoàn, mất cân bằng điện giải và kiềm toan, thiếu hụt dinh dưỡng, thậm chí tử vong. Tình trạng nôn nhiều phải nhập viện xảy ra ở 0,3 - 2% các trường hợp mang thai.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải ốm nghén nặng
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ốm nghén, bao gồm:
Sản phụ song thai;
Bị ốm nghén nặng và nôn mửa trong lần mang thai trước;
Có tiền sử bị say tàu xe;
Có tiền sử đau nửa đầu;
Tiền căn ốm nghén trong gia đình;
Từng cảm thấy buồn nôn khi dùng các biện pháp tránh thai có chứa estrogen;
Lần mang thai đầu tiên;
Béo phì (BMI trên 30);
Đang gặp các vấn đề gây stress.
Ốm nghén đặc trưng bởi buồn nôn và nôn thông thường có thể là một cơ chế bảo vệ qua quá trình tiến hóa — nó có thể bảo vệ thai phụ và phôi thai khỏi các chất có hại trong thực phẩm, chẳng hạn như vi sinh vật gây bệnh trong các sản phẩm thịt và độc tố trong thực vật có thể gây hại nghiêm trọng trong quá trình hình thành phôi thai (giai đoạn dễ bị tổn thương nhất của thai kỳ). Một số các nghiên cứu cho thấy rằng những phụ nữ bị buồn nôn và nôn ít có khả năng bị sẩy thai và thai chết lưu.
Nguyên nhân của cảm giác buồn nôn này vẫn chưa được biết rõ, mặc dù nó có vẻ liên quan đến mức độ tăng cao của nồng độ progesterone, hormone hCG và sự giãn của cơ trơn dạ dày.
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ốm nghén
Chế độ sinh hoạt:
Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.
Chế độ dinh dưỡng:
Chọn thực phẩm phù hợp, giàu đạm, ít dầu mỡ, dễ tiêu hóa, tránh đồ ăn nhiều dầu mỡ, gia vị cay nóng. Thức ăn nhạt, chẳng hạn như chuối, gạo, nước sốt táo và bánh mì nướng có thể dễ tiêu hóa.
Uống nhiều chất lỏng, nước hoặc nước gừng.
Chú ý tránh các thực phẩm có thể gây buồn nôn, nôn.
Phương pháp phòng ngừa ốm nghén hiệu quả
Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
Không có cách nào để ngăn ngừa hoàn toàn tình trạng ốm nghén. Tuy nhiên, tránh các tác nhân như các mùi mạnh, tình trạng mệt mỏi quá mức, thức ăn cay và thức ăn nhiều đường có thể hữu ích.
Phương pháp điều trị ốm nghén hiệu quả
Nếu tình trạng ốm nghén của bạn không quá nặng, bác sĩ ban đầu sẽ khuyên bạn thử một số thay đổi về lối sống:
Nghỉ ngơi nhiều (mệt mỏi có thể làm cho cảm giác buồn nôn tồi tệ hơn).
Tránh thức ăn hoặc mùi khiến bạn cảm thấy buồn nôn.
Ăn một ít bánh nhẹ (bánh mì nướng khô hoặc bánh quy) đơn giản trước khi bạn rời khỏi giường.
Chia nhỏ các bữa ăn đặc biệt nếu khẩu phần ăn hằng ngày gồm các loại thực phẩm có nhiều carbohydrate và ít chất béo (chẳng hạn như bánh mì, cơm...).
Ăn thức ăn lạnh hơn là thức ăn nóng nếu mùi của bữa ăn nóng khiến bạn cảm thấy buồn nôn.
Uống nhiều chất lỏng, chẳng hạn như nước (uống từ từ và thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa nôn mửa).
Ăn thực phẩm hoặc đồ uống có chứa gừng - có một số bằng chứng cho thấy gừng có thể giúp giảm buồn nôn và nôn.
Thử bấm huyệt - có một số bằng chứng cho thấy việc tạo áp lực lên cổ tay, sử dụng dây hoặc vòng đeo tay đặc biệt trên cẳng tay, có thể giúp giảm các triệu chứng.
Nếu các triệu chứng ốm nghén vẫn còn, bác sĩ có thể đề nghị bổ sung vitamin B6 (pyridoxine), gừng và các thuốc không kê đơn như thuốc kháng histamin H1 (doxylamine) để kiểm soát.
Buồn nôn và nôn ở mức độ trung bình đến nặng hoặc nôn nghén nặng có thể gây mất nước và chất điện giải, cần phải nhập viện và điều trị bù dịch đường tĩnh mạch và các thuốc chống nôn khác.