Ối vỡ non là gì? Bệnh gây nguy hiểm ra sao cho mẹ và bé?


Ối vỡ non là tình trạng ối vỡ sớm trước khi chuyển dạ. Bệnh gây ra nhiều biến chứng cho cả mẹ và trẻ như nhiễm trùng, sinh non và có thể gây tử vong. Ối vỡ non là nguyên nhân hàng đầu và chiếm khoảng 30 đến 40% trường hợp sinh non. Chẩn đoán chính xác và xác định tuổi thai là quan trọng nhất để xác định phương pháp điều trị. Thai phụ cần nhập viện để được theo dõi các biến chứng có thể xảy ra.

Những dấu hiệu và triệu chứng của ối vỡ non

Dấu hiệu rõ nhất của ối vỡ non là có tình trạng rỉ dịch ở âm đạo, dịch có thể rỉ chậm hoặc rỉ ồ ạt. Đôi khi có thể nhầm lẫn với tình trạng són tiểu. Do đó khi bạn thấy có tình trạng dịch, hãy sử dụng băng vệ sinh hoặc giấy thấm chất dịch này. Nhìn và ngửi nó để xác định xem dịch này là nước tiểu hay nước ối, vì nước ối không có mùi như nước tiểu.

Các dấu hiệu khác bao gồm:

  • Xuất huyết âm đạo;
  • Âm đạo tiết dịch hoặc ẩm ướt hơn bình thường;
  • Cảm giác không thể ngừng đi tiểu.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh ối vỡ non

Nhiễm trùng

Biến chứng thường gặp nhất của ối vỡ sớm là nhiễm trùng. Nếu tử cung bị viêm nhiễm (Viêm màng ối) thì trẻ cần được sinh ngay lập tức. Nhiễm trùng có thể gây những tác động có hại cho trẻ.

Sinh non

Sinh non là một biến chứng thường gặp ở ối vỡ non, làm tăng nguy cơ biến chứng cho trẻ như:

  • Khuyết tật khả năng học tập;
  • Các vấn đề về thần kinh;
  • Hội chứng suy hô hấp tiến triển.

Chèn ép dây rốn

Một biến chứng khác là chèn ép dây rốn. Nếu không có nước ối, dây rốn rất dễ bị tổn thương. Dây rốn cung cấp chất dinh dưỡng và oxy cho thai nhi và được bảo vệ bởi nước ối. 

Nếu ối vỡ, dây rốn sẽ bị chèn ép bởi tử cung và thai nhi hoặc nghiêm trọng hơn dây rốn có thể rơi ra khỏi tử cung vào âm đạo. Điều này có thể dẫn đến tổn thương não nghiêm trọng và thậm chí là tử vong.

ỐI VỠ NON 4.png
Chèn ép dây rốn có thể gây tổn thương não và tử vong cho trẻ

Khác

Ối vỡ non trước tuần thứ 24 của thai kỳ hiếm gặp. Tuy nhiên nếu tình trạng này xảy ra thì thường gây tử vong cho thai nhi vì lúc này phổi của trẻ chưa phát triển hoàn thiện. Nếu trẻ sống sót, chúng thường gặp những vấn đề:

  • Bệnh phổi mạn tính;
  • Vấn đề phát triển tâm thần;
  • Não úng thủy;
  • Bại não.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi bạn có dấu hiệu rỉ dịch từ âm đạo nghi ngờ là nước ối hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được xét nghiệm và chẩn đoán sớm. 

Những ai có nguy cơ mắc phải ối vỡ non?

Sản phụ có các bệnh lý nhiễm trùng đường sinh dục dưới như viêm cổ tử cung, viêm âm đạo, âm hộ… có nguy cơ bị các vi khuẩn tấn công gây viêm màng ối, dẫn đến vỡ ối.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải ối vỡ non

Bạn có nguy cơ mắc ối vỡ non cao hơn nếu bạn có bất kỳ tình trạng nào dưới đây:

  • Tiền sử ối vỡ non hoặc vỡ ối sớm;
  • Tiền sử phẫu thuật cổ tử cung hoặc chọc ối;
  • Xuất huyết âm đạo trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba;
  • Tử cung giãn quá mức;
  • Thiếu hụt đồng và vitamin C;
  • Bệnh mô liên kết như lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì,...
  • Chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp;
  • Tình trạng kinh tế xã hội kém;
  • Hút thuốc lá;
  • Sử dụng ma túy.

Nguyên nhân dẫn đến ối vỡ non

  • Nhiễm trùng đường sinh dục dưới như viêm âm đạo, viêm cổ tử cung,... làm tăng nguy cơ vi khuẩn tấn công màng ối gây viêm dẫn đến vỡ ối.
  • Bệnh lây truyền qua đường tình dục như giang mai, lậu…
  • Ngôi thai bất thường như ngôi mông, ngôi ngang hoặc đa thai, đa ối.
  • Các nguyên nhân khác hiếm gặp như chiều dài cổ tử cung ngắn, dinh dưỡng kém,…

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ối vỡ non

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
  • Phòng tránh và điều trị các bệnh nhiễm trùng đường sinh dục hoặc bệnh lây truyền qua đường tình dục.
  • Tránh khói thuốc và hút thuốc lá.
  • Nghỉ ngơi và vận động hợp lý.

Chế độ dinh dưỡng:

Xây dựng khẩu phần dinh dưỡng đầy đủ các chất, tránh tình trạng dinh dưỡng kém cho mẹ và bé.

Phương pháp phòng ngừa ối vỡ non hiệu quả

Ối vỡ non có thể ngăn ngừa bằng cách thay đổi lối sống trong thời gian mang thai để giảm nguy cơ:

  • Lựa chọn cơ sở ý tế có khoa sản tốt, khám thai đúng lịch và đầy đủ.
  • Quan hệ tình dục an toàn, tránh nhiễm bệnh lây qua đường tình dục.
  • Phòng tránh và điều trị tốt (nếu có) các bệnh nhiễm trùng đường sinh dục trong quá trình mang thai.
  • Không hút thuốc lá, tránh môi trường khói thuốc.
  • Nghỉ ngơi hợp lý và vận động mức độ vừa phải.
  • Giữ vệ sinh cá nhân.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho người mẹ.
ỐI VỠ NON 7.png
Khám thai đúng lịch giúp bạn theo dõi và phát hiện sớm bất thường

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ối vỡ non

Kiểm tra sức khỏe

Bác sĩ sẽ khai thác kỹ bệnh sử khi thai phụ có tình trạng rỉ dịch ở âm đạo gồm các cơn co thắt, chuyển động của thai nhi, lượng dịch rò rỉ, màu sắc và mùi. Tiền sử sản khoa, tiền sử bệnh phụ khoa, các cuộc phẫu thuật đã thực hiện, tiền sử gia đình cũng cần được báo cho bác sĩ.

Khám mỏ vịt sẽ được tiến hành xem có dấu hiệu của viêm cổ tử cung, sa dây rốn, xuất huyết âm đạo hay không; ngoài ra đánh giá sự giãn và xóa mờ cổ tử cung cũng có thể phát hiện khi khám. Tránh khám bằng tay để tránh nhiễm trùng trừ khi thai phụ có dấu hiệu chuyển dạ. 

ỐI VỠ NON 5.png
Khám phụ khoa bằng mỏ vịt và lấy dịch từ âm đạo xét nghiệm

Siêu âm thai

Là xét nghiệm thường quy nhằm xác định tuổi thai, ước tính cân nặng, chỉ số nước ối và tình trạng thai nhi.

Kiểm tra độ pH

Xét nghiệm này kiểm tra độ pH của dịch lấy từ âm đạo được lấy khi khám mỏ vịt. Nước ối có tính kiềm nên độ pH sẽ cao hơn so với dịch âm đạo hoặc nước tiểu có tính acid.

Nitrazine test

Cơ chế tương tự kiểm tra độ Ph, nhỏ dịch lấy từ âm đạo lên giấy có chứa Nitrazine. Nước ối có tính kiềm sẽ làm đổi màu giấy từ màu vàng sang màu xanh. 

Tuy nhiên nếu dịch xét nghiệm nhiễm máu hoặc nếu bạn đang có tình trạng nhiễm trùng có thể làm dịch âm đạo kiềm hóa làm dương tính giả.

Test lá dương xỉ

Nếu nước ối, dịch sẽ xen lẫn với estrogen, lấy dịch từ âm đạo phết lên lam kính rồi phơi khô sẽ thấy xuất hiện hình dạng giống cây dương xỉ do kết tinh muối.

Sau khi được chẩn đoán là ối vỡ non, các xét nghiệm khác được chỉ định thêm gồm:

  • Xét nghiệm dịch ối: Tìm dấu hiệu nhiễm trùng;
  • Mức độ phát triển của phổi trẻ;
  • Tình trạng và sức khỏe của thai nhi bao gồm cả nghe tim thai.

Phương pháp điều trị ối vỡ non hiệu quả

Thai phụ ối vỡ non nên được nhập viện để theo dõi và đánh giá vấn đề nhiễm trùng, nhau bong non, chèn ép dây rốn, tình trạng thai nhi và chuyển dạ. Siêu âm định kỳ để theo dõi phát triển của thai nhi cũng như theo dõi tim thai. Dấu hiệu sinh tồn như mạch, huyết áp, nhiệt độ của thai phụ cũng cần được theo dõi sát để phát hiện sớm nhiễm trùng.

Phương pháp điều trị vỡ ối non sẽ được lựa chọn dựa theo tuổi thai nhi:

  • Thai đủ tháng sớm và đủ tháng (từ đủ 37 tuần trở lên): Khoảng 90% thai phụ sẽ chuyển dạ trong vòng 24 giờ, do đó bác sĩ có thể khuyến cáo theo dõi tiếp đợi chuyển dạ vì nguy cơ nhiễm trùng trong 24 giờ đầu sau vỡ ối là thấp. Hoặc sử dụng thuốc kích thích chuyển dạ nếu quá 24 giờ vẫn chưa chuyển dạ hay bạn muốn sinh ngay lập tức. Kèm theo dùng thuốc kháng sinh dự phòng Streptococcus Nhóm B.
  • Sinh hơi non (từ đủ 34 tuần đến 36 tuần 6 ngày): Tiến hành sinh và dùng thuốc dự phòng Streptococcus Nhóm B.
  • Sinh non (từ đủ 24 tuần đến 33 tuần 6 ngày): Theo dõi, dùng kháng sinh phòng ngừa, dùng corticosteroid, điều trị dự phòng Streptococcus Nhóm B.
  • Thai kỳ dưới 24 tuần: Tư vấn thai phụ, chờ đợi hoặc khởi phát chuyển dạ sớm, có thể cân nhắc sử dụng kháng sinh ngay từ tuần thứ 20 của thai kỳ, không khuyến cáo điều trị dự phòng Streptococcus Nhóm B/corticosteroid/giảm co thắt/magie sulfat trước khi xác định khả năng sống sót của thai nhi.
ỐI VỠ NON 6.png
Kháng sinh thường được chỉ định để ngăn ngừa và điều trị nhiễm trùng ở mẹ và bé

Thuốc

  • Thuốc kháng sinh phổ rộng trong 7 ngày được chứng minh giúp kéo dài thời gian mang thai, giảm nguy cơ nhiễm trùng cho cả mẹ và thai nhi, đồng thời giảm tỷ lệ mắc bệnh cho trẻ sơ sinh.
  • Corticosteroid trước sinh trên thai phụ ối vỡ non được chứng minh là làm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh; giảm nguy cơ mắc hội chứng suy hô hấp tiến triển, viêm ruột hoại tử và xuất huyết não thất. Dùng 1 liều duy nhất cho tất cả thai phụ từ đủ 24 tuần đến đủ 34 tuần của thai kỳ nếu có nguy cơ sinh non trong 7 ngày tới.
  • Magie sulfat được sử dụng khi dự kiến sinh trước tuần thứ 32 của thai kỳ để phòng ngừa bại não.

Thuốc giảm co thắt chỉ nên được sử dụng khi lợi ích rõ ràng. 



Chat with Zalo