Bệnh sán lá gan: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Sán lá gan là một loại giun ký sinh. Nhiễm trùng ở người thường xảy ra sau khi ăn cá hoặc cải xoong nước ngọt sống hoặc nấu chưa chín. Sau khi ăn phải sán lá gan, chúng sẽ di chuyển từ ruột đến ống mật trong gan, nơi chúng sinh sống và phát triển. Bệnh diễn tiến âm thầm, thường không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Trong một số trường hợp hiếm hoi, các biến chứng lâu dài cũng có thể phát triển.
Những triệu chứng sán lá gan ở người
Các triệu chứng phổ biến của bệnh sán lá gan ờ người bao gồm:
- Đau âm ỉ vùng gan, lan ra lưng hoặc thượng vị, đầy bụng, buồn nôn.
- Rối loạn tiêu hóa.
- Sốt cao hoặc thoáng qua, kèm rét run.
- Chóng mặt, đổ mồ hôi.
- Da xanh xao, vàng da, nổi mề đay.
- Gan phình to, xơ gan.
- Có dịch trong bụng.
- Mệt mỏi, chán ăn, sụt cân.
Sán lá gan nhỏ Clonorchis/ Opisthorchis
Giai đoạn sớm: Đa số không có triệu chứng lâm sàng, một số trường hợp có rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, ăn chậm tiêu.
Giai đoạn muộn:
- Rối loạn tiêu hóa như: Phân sống, đầy bụng, khó tiêu, ậm ạch, cảm giác như đau dạ dày,…
- Đau tức hạ sườn phải vùng gan, xuất hiện nhiều khi lao động nặng hoặc đi lại hoặc khi sức khỏe giảm sút. Đôi khi có cơn đau gan điển hình và kèm theo vàng da, nước tiểu vàng, xuất hiện từng đợt. Một số trường hợp bị sạm da.
- Một số trường hợp có viêm đường mật hoặc viêm tụy, xơ gan cổ trướng.
Sán lá gan lớn Fasciola
- Chủ yếu là triệu chứng đau tức vùng gan, khó tiêu, đau thượng vị hoặc nhiễm trùng nhiễm độc.
- Một số trường hợp kém ăn, sụt cân, rối loạn tiêu hóa, mẩn ngứa.
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh nhiễm sán lá gan
Các loại sán lá ký sinh đều gây tác hại rất lớn đối với sức khỏe vật chủ đặc biệt có nhiều tai biến nguy hiểm bao gồm:
- Tác hại về dinh dưỡng: Chiếm thức ăn và gây suy yếu cơ thể, đồng thời làm ảnh hưởng chức năng như: Sán lá gan nhỏ gây giảm chất lượng mật, gây rối loạn tiêu hóa.
- Tác hại tại nơi ký sinh: Đây là tác hại quan trọng của sán lá ký sinh đối với cơ thể người. Ví dụ: Sán lá gan nhỏ gây dày đường mật, kém đàn hồi, tắc mật, xơ gan cổ trướng và có liên quan đến ung thư đường mật. Sán lá gan lớn gây áp xe cấp tính, hủy hoại tế bào gan và sán có thể di chuyển đi nhiều nơi gây tai biến nguy hiểm.
- Tác hại do nhiễm các chất độc: Sán lá ký sinh cũng như giun sán khác, trong khi ký sinh đều tiết ra nhiều chất gây độc cho cơ thể, các chất độc này tùy loại sán, chúng có tác động gây mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, mất ngủ, nhức đầu, có khi rối loạn tâm thần, có thể bị nhiễm độc nặng như nhiễm sán lá gan lớn.
Xem thêm: Bệnh sán lá gan có nguy hiểm không?
![Sán lá gan 4](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/san_la_gan_4_086235b4cf.png)
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Những ai có nguy cơ nhiễm sán lá gan?
Người bị nhiễm bệnh do ăn sống các loại rau mọc dưới nước (rau ngổ, rau rút, rau cần, cải xoong,...) hoặc uống nước có nhiễm ấu trùng sán.
Bệnh sán lá gan có lây không?
Sán lá gan không lây từ người sang người. Bệnh này lây qua việc ăn thực phẩm hoặc uống nước bị nhiễm ký sinh trùng, như thịt sống hoặc chưa nấu chín, đặc biệt là cá và các loại thủy sản khác.
![Sán lá gan 5](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/san_la_gan_5_2e389470f2.png)
Trứng các loài sán lá gan đều qua môi trường nước và vào ốc thích hợp (vật chủ trung gian thứ nhất) để hình thành ấu trùng đuôi sau đó chuyển sang ký sinh ở vật chủ trung gian thứ 2 tùy từng loại sán. Ví dụ: Sán lá gan nhỏ ký sinh ở cá; sán lá gan lớn ký sinh ở thực vật thủy sinh.
Mầm bệnh của các loại sán lá truyền qua thức ăn xâm nhập vào người qua đường ăn uống một cách thụ động do vật chủ ăn phải thức ăn (cá, tôm, cua, thực vật thủy sinh,…) có ấu trùng sán.
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh nhiễm sán lá gan
Chế độ sinh hoạt:
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị;
- Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng;
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị;
- Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Phương pháp phòng ngừa bệnh nhiễm sán lá gan hiệu quả
- Không ăn gỏi cá hoặc cá chưa nấu chín, đồng thời tiến hành điều trị đặc hiệu cho bệnh nhân sán lá gan kết hợp với vệ sinh môi trường (quản lý phân và không cho cá ăn phân người);
- Không ăn sống thực vật thủy sinh và uống nước đun sôi, để nguội;
- Rửa tay trước khi ăn, chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, tiếp xúc với phân, rác thải,…;
- Tẩy giun định kỳ 6 tháng/ lần.
![Sán lá gan 7](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/san_la_gan_7_0f920d21b2.png)
Xem thêm chi tiết: Cách phòng bệnh sán lá gan hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh sán lá gan
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhiễm sán lá gan dựa vào các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân khai và các xét nghiệm cận lâm sàng:
- Xét nghiệm tìm trứng trong dịch mật hay phân;
- Chẩn đoán huyết thanh học bằng ELISA;
- Xét nghiệm công thức bạch cầu;
- Chẩn đoán hình ảnh bằng siêu âm và chụp cắt lớp vi tính gan hoặc cộng hưởng từ MRI.
Xem thêm: Xét nghiệm sán lá gan và những điều bạn cần biết
Phương pháp điều trị bệnh nhiễm sán lá gan hiệu quả
Sán lá gan có thể chữa được. Điều trị thường bao gồm thuốc chống ký sinh trùng như triclabendazole hoặc praziquantel, tùy thuộc vào loại sán. Việc phát hiện và điều trị sớm giúp ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.
Sán lá gan nhỏ Clonorchis/ Opisthorchis
Hiện nay, thuốc đặc hiệu điều trị bệnh sán lá gan nhỏ là Praziquantel. Praziquantel có các biệt dược Billtricid, Distocid, Cestocide, Trematodicid, Cysticid, Cesol, Cestox, Pyquiton. Thuốc ngấm vào sán nhanh, làm tăng tính thấm của tế bào sán gây vỡ tế bào và làm sán chết. Ngoài ra, Praziquantel còn làm giảm nồng độ glycogen nội sinh và làm giảm giải phóng lactat của ký sinh trùng.
Tác dụng không mong muốn của thuốc là chóng mặt, nhức đầu, ngủ gà, buồn nôn, khó chịu vùng hạ vị, mẩn ngứa và có thể sốt.
Sán lá gan lớn Fasciola
Thuốc đặc hiệu điều trị sán lá gan lớn là Triclabendazol.
- Người lớn: 10 mg/ kg liều duy nhất. Nếu không khỏi có thể tăng lên 20 mg/ kg chia 2 lần cách nhau 12 – 24 giờ (uống sau khi ăn no).
- Trẻ em ≥ 6 tuổi sử dụng an toàn như người lớn.
Lưu ý: Các loại thuốc tẩy giun, sán, ký sinh trùng khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
![Sán lá gan 6](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/san_la_gan_6_7003616ff7.png)