Nhiễm khuẩn Listeria là gì? Nguyên nhân và cách điều trị nhiễm khuẩn Listeria
Nhiễm khuẩn Listeria là một bệnh gây ra bởi vi khuẩn Listeria. Các triệu chứng bao gồm sốt, ớn lạnh và nhức đầu, nôn ói, tiêu chảy. Người mang thai và những người có hệ miễn dịch yếu có nguy cơ bị nhiễm trùng nặng cao nhất. Điều trị thường là dùng thuốc kháng sinh. Nhiễm khuẩn Listeria có thể ngăn ngừa bằng cách rửa và nấu kỹ thực phẩm.
Những dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm khuẩn Listeria
Nếu bị nhiễm Listeria, có thể có các triệu chứng của nhiễm trùng như:
- Sốt;
- Ớn lạnh;
- Đau cơ;
- Buồn nôn;
- Tiêu chảy.
Các triệu chứng có thể bắt đầu vài ngày sau khi ăn thực phẩm bị ô nhiễm. Nếu nhiễm trùng Listeria lây lan đến hệ thần kinh thì các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm:
- Đau đầu;
- Cổ cứng;
- Lú lẫn;
- Mất thăng bằng;
- Co giật.
![nhiễm khuẩn listeria 4.jpg](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nhiem_khuan_listeria_4_f657cb6ace.jpg)
Các triệu chứng khi mang thai và ở trẻ sơ sinh:
Khi mang thai, nhiễm trùng Listeria có thể chỉ gây ra các dấu hiệu và triệu chứng nhẹ ở người mẹ. Tuy nhiên, hậu quả đối với em bé có thể nguy hiểm, em bé có thể chết trong bụng mẹ hoặc bị nhiễm trùng đe dọa tính mạng trong vòng vài ngày sau khi sinh. Các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng Listeria ở trẻ sơ sinh có thể khó phát hiện nhưng có thể bao gồm:
- Chán ăn;
- Cáu gắt;
- Sốt;
- Nôn mửa;
- Khó thở.
Biến chứng có thể gặp phải khi bị nhiễm khuẩn Listeria
Hầu hết các trường hợp nhiễm khuẩn Listeria đều nhẹ đến mức có thể không được chú ý. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nhiễm khuẩn Listeria có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng, bao gồm:
- Nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn;
- Viêm màng não.
Phụ nữ mang thai dễ bị nhiễm khuẩn Listeria hơn nhiều so với những người lớn khỏe mạnh khác. Mặc dù nhiễm trùng Listeria có thể chỉ gây bệnh nhẹ ở phụ nữ mang thai nhưng hậu quả có thể bao gồm:
- Sảy thai;
- Thai chết lưu;
- Sinh non;
- Gây tử vong sau khi sinh.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn đã ăn thực phẩm bị thu hồi do nghi nhiễm vi khuẩn Listeria, thực phẩm làm bằng sữa chưa tiệt trùng hoặc xúc xích hoặc thịt nguội, hãy theo dõi các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh. Nếu bạn bị sốt, đau cơ, buồn nôn hoặc tiêu chảy, hãy liên hệ với bác sĩ.
Nếu bạn bị sốt cao, nhức đầu dữ dội, cứng cổ, lú lẫn hoặc nhạy cảm với ánh sáng, hãy liên hệ ngay đến các cơ sở y tế. Những dấu hiệu và triệu chứng này có thể chỉ ra bệnh viêm màng não do vi khuẩn, một biến chứng đe dọa tính mạng của nhiễm trùng Listeria.
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Những ai có nguy cơ mắc phải nhiễm khuẩn Listeria?
Phụ nữ mang thai và những người có hệ miễn dịch yếu có nguy cơ nhiễm khuẩn Listeria cao nhất.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải nhiễm khuẩn Listeria
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc nhiễm khuẩn Listeria, bao gồm:
- Lớn hơn 65 tuổi;
- Đã mắc phải hội chứng suy giảm miễn dịch (AIDS);
- Đang được hóa trị;
- Mắc bệnh đái tháo đường hoặc bệnh thận;
- Dùng prednisone liều cao hoặc một số loại thuốc trị viêm khớp dạng thấp;
- Dùng thuốc để ngăn chặn sự đào thải của cơ quan cấy ghép.
Nguyên nhân dẫn đến nhiễm khuẩn Listeria
Vi khuẩn Listeria có thể được tìm thấy trong đất, nước và phân động vật. Nguy cơ nhiễm bệnh có thể do:
- Rau sống bị ô nhiễm từ đất hoặc từ phân bị ô nhiễm dùng làm phân bón;
- Thịt nhiễm khuẩn;
- Sữa chưa tiệt trùng hoặc thực phẩm làm từ sữa chưa tiệt trùng;
- Một số thực phẩm đã qua chế biến như xúc xích và thịt nguội đã bị ô nhiễm sau khi chế biến;
- Thai nhi có thể bị nhiễm khuẩn Listeria từ mẹ.
![nhiễm khuẩn listeria 3.png](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nhiem_khuan_listeria_3_7a24a33ad8.png)
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của nhiễm khuẩn Listeria
Chế độ sinh hoạt:
- Giữ vệ sinh cá nhân và vệ sinh ăn uống vì vi khuẩn có thể lây nhiễm từ người sang người và từ nguồn thực phẩm không hợp vệ sinh.
Chế độ dinh dưỡng:
Nếu bạn đang mang thai hoặc có hệ miễn dịch yếu, hãy đặc biệt thận trọng với vi khuẩn Listeria. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa đối với các loại thực phẩm này:
- Phô mai mềm và phô mai kiểu Mexico: Không ăn các loại phô mai mềm như feta, brie, camembert hoặc phô mai xanh hoặc các loại phô mai kiểu Mexico như queso blanco và queso fresco, trừ khi trên bao bì ghi rõ rằng sản phẩm được làm bằng sữa tiệt trùng.
- Xúc xích và thịt nguội: Chỉ nên dùng khi các loại này được hâm nóng hoàn toàn.
- Không nên ăn thịt đông lạnh, hải sản xông khói trừ khi các món này được đóng hộp hoặc bảo quản ổn định và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên bao bì.
Phương pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn Listeria hiệu quả
Để ngăn ngừa nhiễm trùng Listeria, nên giữ vệ sinh cá nhân và vệ sinh an toàn thực phẩm:
- Rửa tay kỹ bằng nước ấm, xà phòng trước và sau khi xử lý hoặc chuẩn bị thức ăn. Sau khi nấu nướng, dùng nước xà phòng nóng để rửa sạch đồ dùng, thớt và các bề mặt chế biến thực phẩm khác.
- Rửa sạch nguyên liệu thực phẩm, có thể rửa bằng nước muối loãng, sau đó rửa lại nhiều lần bằng nước sạch.
- Nấu chín kỹ thức ăn để đảm bảo các món thịt, gia cầm và trứng chín hoàn toàn.
- Bọc thực phẩm trong màng bọc thực phẩm hoặc giấy bạc, hoặc cho vào túi nhựa hoặc hộp đựng sạch, có nắp đậy trước khi cho vào tủ lạnh. Đảm bảo rằng thực phẩm như thịt sống không rò rỉ nước vào các thực phẩm khác.
![nhiễm khuẩn listeria 6.jpg](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nhiem_khuan_listeria_6_6db0dc673a.jpg)
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm khuẩn Listeria
Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh listeriosis sau khi đánh giá các triệu chứng lâm sàng và tiến hành các xét nghiệm. Các xét nghiệm có thể bao gồm:
- Máu;
- Dịch não tủy;
- Phân su;
- Dịch nôn;
- Thức ăn nghi ngờ nhiễm khuẩn;
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định nuôi cấy vi khuẩn từ mẫu máu hoặc nhau thai nếu bạn đang mang thai.
Phương pháp điều trị nhiễm khuẩn Listeria hiệu quả
Việc điều trị nhiễm khuẩn Listeria khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các dấu hiệu và triệu chứng. Hầu hết những người có triệu chứng nhẹ không cần điều trị. Nhiễm trùng nghiêm trọng hơn có thể được điều trị bằng kháng sinh. Khi mang thai, điều trị bằng kháng sinh kịp thời có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng ảnh hưởng đến em bé.
Thuốc kháng sinh thường được sử dụng để điều trị nhiễm khuẩn Listeria là sulfamethoxazole và ampicillin. Tác dụng phụ của kháng sinh có thể bao gồm:
- Phản ứng dị ứng: Bao gồm từ phát ban nhẹ và ngứa đến phồng rộp da, sưng mặt, cổ họng và khó thở.
- Clostridioides difficile: Sử dụng kháng sinh có thể làm rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột và nguy cơ nhiễm vi khuẩn Clostridioides difficile là một loại vi khuẩn gây tiêu chảy.
- Đề kháng kháng sinh: Xảy ra khi vi khuẩn biến đổi và trở nên kháng lại kháng sinh đang sử dụng, tức là kháng sinh sẽ không còn hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn đó nữa.
Ngoài ra, bác sĩ có thể kê thêm các thuốc điều trị triệu chứng như paracetamol để hạ sốt, thuốc trị buồn nôn và nôn. Nếu bạn có các triệu chứng nhẹ thì có thể không cần điều trị.
![nhiễm khuẩn listeria 5.jpg](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nhiem_khuan_listeria_5_b8bc4e6700.jpg)
Bao lâu sau khi điều trị thì sẽ cải thiện sức khỏe?
Hầu hết những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ cảm thấy cải thiện sau vài ngày không cần điều trị. Nếu bị nhiễm khuẩn Listeria nặng, tình trạng sức khỏe có thể cải thiện 3 đến 5 ngày sau khi bắt đầu dùng thuốc kháng sinh.
Điều quan trọng là phải uống đủ liều kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ ngay cả khi bắt đầu cảm thấy khỏe hơn. Nếu không dùng đủ liều lượng kháng sinh, tình trạng nhiễm trùng có thể quay trở lại và khó điều trị hơn.