Ngón tay lò xo là gì? Nguyên nhân và cách điều trị ngón tay lò xo
Ngón tay lò xo hay còn gọi là ngón tay cò súng, là tình trạng ảnh hưởng đến một hoặc nhiều gân của bàn tay, gây khó khăn khi cử động ngón tay hoặc ngón cái bị ảnh hưởng.
Những dấu hiệu và triệu chứng của ngón tay lò xo
Các triệu chứng của ngón tay lò xo có thể bao gồm đau ở gốc ngón tay hoặc ngón tay cái bị ảnh hưởng khi vận động hoặc bị tác động vào (ấn vào ngón tay), ngón tay bị cứng hoặc kêu lách cách khi vận động ngón tay, đặc biệt là vào buổi sáng.
Nếu tình trạng nghiêm trọng hơn, có thể bị đau ở tay ngay cả khi tay không vận động. Bạn cũng có thể bị nổi cục ở lòng bàn tay và ngón tay có thể bị kẹt ở tư thế cong rồi đột ngột bật thẳng, ngón tay có thể không uốn cong hoặc duỗi thẳng hoàn toàn.
Vậy bệnh ngón tay lò xo có nguy hiểm không? Bệnh ngón tay lò xo không nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên ảnh hưởng bất lợi đến sinh hoạt hằng ngày, công việc và tâm lý người bệnh.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Những ai có nguy cơ mắc phải ngón tay lò xo?
Phụ nữ trên 40 tuổi và những người mắc một số bệnh lý nhất định như đái tháo đường, từng bị chấn thương ở ngón tay hoặc lòng bàn tay trước đó sẽ có nguy cơ mắc ngón tay lò xo.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải ngón tay lò xo
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ngón tay lò xo, bao gồm:
- Bệnh co thắt Dupuytren, mô liên kết ở lòng bàn tay dày lên khiến 1 hoặc nhiều ngón tay bị cong vào lòng bàn tay.
- Bệnh đái tháo đường.
- Viêm khớp dạng thấp: Bệnh liên quan đến rối loạn hệ miễn dịch, dẫn đến đau và cứng khớp.
- Bệnh gút: Bệnh viêm khớp với các tinh thể natri urat hình thành bên trong và xung quanh khớp khiến khớp bị viêm (sưng).
- Bệnh amyloidosis là tình trạng một loại protein bất thường gọi là amyloid tích tụ trong các cơ quan trong cơ thể (ví dụ như gan).
- Tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp).
- Hội chứng ống cổ tay là tình trạng ảnh hưởng đến dây thần kinh ở cổ tay, gây đau và ngứa ran.
- Bệnh De Quervain ảnh hưởng đến gân ở ngón tay cái, gây đau ở cổ tay.

Nguyên nhân dẫn đến ngón tay lò xo
Nguyên nhân dẫn đến ngón tay lò xo vẫn chưa được xác định.
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ngón tay lò xo
Chế độ sinh hoạt:
- Người bệnh nên có tinh thần lạc quan, hạn chế căng thẳng vì tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công của điều trị.
- Để điều trị hiệu quả và giảm khả năng tái phát, người bệnh nên tuân thủ điều trị, đặc biệt trong điều trị các bệnh lý nguyên nhân, ví dụ bệnh gút, đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp…
- Nếu công việc hàng ngày có ảnh hưởng trực tiếp đến ngón tay, bàn tay thì nên điều chỉnh hoặc thay đổi công việc phù hợp hơn.
- Một số cách để giảm căng thẳng: Tập thể dục nhẹ nhàng, áp dụng các phương pháp vật lý trị liệu hoặc bài tập dành cho ngón tay, thiền định, nuôi thú cưng, chia sẻ tâm sự với người thân, bạn bè…
Chế độ dinh dưỡng: Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

Phương pháp phòng ngừa ngón tay lò xo hiệu quả
Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
- Thay đổi công việc hoặc điều chỉnh tư thế làm việc để ngón tay, bàn tay có thời gian nghỉ, tránh vận động tay quá mức.
- Tái khám và điều trị các bệnh lý mắc kèm, đặc biệt là đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp, gút…
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ngón tay lò xo
Trong quá trình thăm khám, bác sĩ có thể xét nghiệm máu, chụp X-quang xương bàn tay và một số xét nghiệm loại trừ các bệnh lý khác như bệnh gút, hội chứng ống cổ tay… Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ khám lâm sàng như quan sát khả năng mở và đóng bàn tay của bệnh nhân, kiểm tra các vùng đau cũng như khả năng chuyển động linh hoạt của ngón tay.
Phương pháp điều trị ngón tay lò xo hiệu quả
Việc điều trị ngón tay lò xo phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và thời gian mắc bệnh. Một số trường hợp, ngón tay lò xo có thể tự giảm bớt mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, ngón tay bị ảnh hưởng có khả năng bị cong vĩnh viễn, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.
Thuốc
Dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) để giúp giảm đau trong trường hợp sưng viêm, có thể dùng uống hoặc tiêm.
Trong trường hợp nặng, corticosteroid dạng dung dịch sẽ được tiêm vào ngón tay lò xo. Corticosteroid có tác dụng giảm sưng tấy, giúp gân cử động linh hoạt trở lại. Sự phục hồi này có thể xảy ra trong vòng vài ngày đến vài tuần sau khi tiêm.
Người ta ước tính rằng tiêm corticosteroid là phương pháp điều trị hiệu quả cho 50 đến 70% số người bị ngón tay lò xo. Tuy nhiên, chúng thường kém hiệu quả hơn ở những người có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nhất định, chẳng hạn như bệnh đái tháo đường và viêm khớp dạng thấp.
Tiêm corticosteroid có thể phục hồi lâu dài ngón tay lò xo nhưng trong một số trường hợp, vấn đề có thể quay trở lại sau khi điều trị. Có thể tiêm lặp lại lần hai corticosteroid nhưng thường kém hiệu quả hơn mũi tiêm đầu tiên. Rủi ro khi tiêm corticosteroid vào ngón tay lò xo khá hiếm, nếu có thường là tác dụng phụ làm da mỏng hoặc thay đổi màu sắc ở chỗ tiêm.

Nẹp cố định
Nẹp cố định ngón tay lò xo để giảm cử động. Trong những trường hợp nhẹ, nẹp nhựa có thể làm giảm các triệu chứng bằng cách hạn chế sự cử động của ngón tay. Nếu ngón tay hay bị cứng vào buổi sáng, có thể sử dụng nẹp qua đêm. Thời gian đeo nẹp phụ thuộc vào chỉ định của bác sĩ và mức độ của bệnh.
Phẫu thuật
Phẫu thuật bàn tay bị ảnh hưởng giúp ngón tay có thể di chuyển linh hoạt trở lại. Phẫu thuật thường chỉ được sử dụng khi các phương pháp điều trị khác không thành công. Phẫu thuật có thể đạt hiệu quả lên tới 100%, tuy nhiên bệnh nhân cần phải nghỉ ngơi, hạn chế vận động tay từ 2 đến 4 tuần để hồi phục hoàn toàn. Có 2 loại phẫu thuật cho ngón tay lò xo là:
- Phẫu thuật giải phóng ngón tay lò xo mở: Phẫu thuật này thường được thực hiện ở gốc ngón tay hoặc ngón cái bị ảnh hưởng để mở rộng phần trên của vỏ gân, giảm cọ xát và giúp gân di chuyển linh hoạt hơn.
- Phẫu thuật giải phóng ngón tay lò xo qua da: Phẫu thuật này sẽ đưa cây kim vào gốc ngón tay bị ảnh hưởng và dùng để cắt qua dây chằng để đến gân. Vì phẫu thuật qua da không liên quan đến việc rạch da nên sẽ không có vết thương hoặc sẹo. Tuy nhiên, thủ thuật này có nhiều rủi ro hơn so với phẫu thuật mở và có thể kém hiệu quả hơn. Các dây thần kinh và động mạch quan trọng nằm rất gần vỏ gân và có thể dễ dàng bị ảnh hưởng. Do đó, phẫu thuật mở thường là phương pháp thường dùng.
Trị liệu bằng tay
Các loại trị liệu giúp ngón tay giảm tình trạng cứng bao gồm:
- Vật lý trị liệu: Sử dụng các thao tác xoa bóp và bài tập để cải thiện chuyển động và chức năng của bàn tay.
- Thay đổi nghề nghiệp: Nếu công việc hiện tại có liên quan trực tiếp đến hoạt động của bàn tay (gõ máy tính, công việc nặng cần khuân vác…) thì nên cân nhắc thay đổi công việc phù hợp hơn.
Ngón tay cò súng ở trẻ em
Ngón tay cò súng không phổ biến ở trẻ em nhưng đôi khi trẻ nhỏ cũng mắc bệnh này. Nó có thể ảnh hưởng đến khả năng duỗi thẳng ngón tay cái của trẻ, nhưng hiếm khi gây đau và thường thuyên giảm khi trẻ được 3 tuổi mà không cần điều trị.