Não úng thủy là gì? Phòng ngừa và điều trị ra sao?
Não úng thủy là một rối loạn thần kinh gây ra bởi sự tích tụ bất thường của dịch não tủy ở não thất. Việc này làm cho não thất bị giãn rộng gây áp lực lên các mô não. Bệnh có thể xuất hiện trong hoặc ngay sau khi sinh, hoặc có thể xảy ra do chấn thương. Sự tích tụ quá nhiều dịch não tủy có thể gây tổn thương não hoặc thậm chí tử vong. Do đó cần phát hiện và điều trị sớm để ngăn ngừa tổn thương não không hồi phục.
Những dấu hiệu và triệu chứng của não úng thủy
Não úng thủy có thể gây tổn thương não không hồi phục, vì vậy cần nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh để có thể được điều trị kịp thời. Tùy vào mỗi người bệnh và độ tuổi mà biểu hiện triệu chứng sẽ khác nhau
Trẻ sơ sinh
Dấu hiệu sớm của bệnh não úng thủy trên trẻ sơ sinh bao gồm:
- Thóp phồng: Do thóp ở vùng não của trẻ chưa được lấp kín.
- Vòng đầu tăng nhanh hơn bình thường: Trung bình mỗi tháng vòng đầu của trẻ sẽ to ra khoảng 1cm, nếu như vòng đầu to ra 2 đến 3 cm thì có thể trẻ đã bị não úng thủy.
- Mắt thường nhìn xuống.
- Co giật, dễ giật mình dù với âm thanh nhỏ.
- Thường xuyên quấy khóc.
- Chán ăn và nôn mửa.
- Ngủ quá nhiều.
- Trẻ bú kém, hay bị sặc sữa.
- Trương lực cơ và sức cơ yếu.
Trẻ mới biết đi và trẻ lớn
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh trên trẻ mới biết đi và trẻ lớn:
- Những tiếng khóc ngắn và the thé;
- Thay đổi tính cách, hay cáu gắt;
- Thay đổi cấu trúc khuôn mặt, vòng đầu to hơn bình thường;
- Mắt lác;
- Đau đầu, nhất là buổi sáng;
- Động kinh, co giật cơ;
- Tăng trưởng và phát triển chậm;
- Chán ăn, buồn nôn và nôn;
- Thường xuyên buồn ngủ;
- Giảm khả năng phối hợp khi vận động, thay đổi dáng đi;
- Giảm khả năng kiểm soát đi tiểu;
- Khó khăn trong việc giữ tỉnh táo hoặc khi thức dậy;
- Giảm khả năng tập trung, ảnh hưởng đến học tập và công việc.
Thanh niên và người lớn tuổi
Dấu hiệu não úng thủy ở thanh niên và người lớn tuổi là:
- Đau đầu dai dẳng, mạn tính;
- Mất khả năng phối hợp vận động, đi lại khó khăn, dáng đi bất thường;
- Không kiểm soát được việc đi tiểu, đi tiểu thường xuyên, rối loạn đại tiểu tiện;
- Tổn thương thị lực như nhìn mờ, nhìn đôi;
- Suy giảm trí nhớ;
- Sa sút trí tuệ;
- Giảm khả năng tập trung, ảnh hưởng đến học tập và công việc.
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh não úng thủy
Trẻ khi bị não úng thủy không được điều trị sớm thì dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của trẻ:
- Bại não;
- Suy giảm thị lực;
- Chậm phát triển;
- Khó khăn khi đi, nói, nhai, nuốt…
- Tử vong.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Hãy tìm kiếm hỗ trợ của y tế ngay lập tức nếu bạn hoặc con bạn có bất kỳ triệu chứng nào ở trên. Chẩn đoán và điều trị sớm não úng thủy giúp bảo tồn chức năng của não và hạn chế biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Một số dấu hiệu khác cần chú ý:
- Khó thức dậy hoặc tỉnh táo, cần chú ý xem có phải là hôn mê hay không;
- Sốt cao;
- Tĩnh mạch da đầu nổi rõ ở trẻ sơ sinh.
Những ai có nguy cơ mắc não úng thủy?
Não úng thủy có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu xảy ra ở trẻ em và người lớn trên 60 tuổi. Theo Viện Quốc gia về Rối loạn thần kinh và Đột quỵ ước tính, cứ 1.000 trẻ được sinh ra thì có 1 đến 2 trẻ sẽ mắc bệnh não úng thủy.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải não úng thủy
Bạn sẽ có nguy cơ cao mắc não úng thủy nếu có bất kỳ tình trạng nào dưới đây:
- Nhiễm trùng thần kinh trung ương;
- Chấn thương đầu;
- Xuất huyết mạch máu não;
- Phẫu thuật não;
- Khối u não hoặc tủy sống.
Nguyên nhân dẫn đến não úng thủy
Não úng thủy xảy ra khi dịch não tích tụ quá nhiều trong não thất làm tăng áp lực trong não. Trong một số trường hợp, lượng dịch não tủy sẽ tăng lên dẫn đến bệnh não úng thủy.
- Tắc nghẽn khiến dịch não tủy không thể lưu thông: Khối u, dị tật bẩm sinh, chấn thương hoặc nhồi máu não.
- Mạch máu giảm hấp thu dịch dư thừa: Viêm, chấn thương hoặc nhiễm trùng như viêm màng não do vi khuẩn khiến não không hấp thu dịch não tủy.
- Não tạo ra quá nhiều dịch dư thừa: Nhiễm trùng như viêm màng não làm cơ thể tạo ra nhiều dịch não tủy hơn bình thường.
Việc dư thừa quá nhiều dịch khiến não bạn phải chịu nhiều áp lực hơn, xuất hiện tình trạng phù não, dẫn đến tổn thương mô não. Từ đó gây ra bất thường về chức năng và nhận thức của người bệnh.
Bẩm sinh
Bệnh não úng thủy có thể xuất hiện trước khi trẻ chào đời.
- Bất thường khi sinh như cột sống không đóng lại khi sinh, nứt đốt sống;
- Bất thường di truyền;
- Nhiễm trùng trong thai kỳ như rubella.
Trẻ em/thanh thiếu niên
Đối với trường hợp này, não úng thủy thường do:
- Nhiễm trùng thần kinh trung ương như viêm màng não, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh;
- Xuất huyết não trong hoặc ngay sau khi sinh, đặc biệt ở trẻ sinh non;
- Chấn thương xảy ra trước, trong và sau khi sinh;
- Chấn thương vùng đầu;
- Khối u hệ thần kinh trung ương.
Người lớn tuổi
Khi não úng thủy xảy ra ở người lớn tuổi (thường là những người trên 60 tuổi), lượng dịch não tủy tăng lên nhưng áp lực trong não vẫn bình thường. Tuy nhiên, não vẫn phù lên và gây suy giảm chức năng. Nguyên nhân gây não úng thủy ở người lớn tuổi thường là do dịch não tủy bị tắc nghẽn không lưu thông.
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của não úng thủy
Chế độ sinh hoạt:
- Tuân thủ điều trị và theo dõi các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh;
- Vận động thể lực vừa phải;
- Bảo vệ đầu cho trẻ và cho bạn;
- Thái độ sống tích cực.
Chế độ dinh dưỡng: Ăn uống đủ chất và khoa học. Tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn cụ thể.
Phương pháp phòng ngừa não úng thủy hiệu quả
Bạn không thể ngăn ngừa bệnh não úng thủy, nhưng bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh cho bạn và con bạn bằng cách:
- Chăm sóc trước sinh: Hãy luôn theo dõi và tự chăm sóc bản thân trong thời gian mang thai. Điều này giúp giảm nguy cơ chuyển dạ sớm, một nguyên nhân gây não úng thủy.
- Tiêm ngừa vắc-xin: Tiêm ngừa vắc-xin có thể giúp ngăn ngừa bệnh nhiễm trùng của hệ thần kinh trung ương như viêm màng não.
- Mang nón bảo hiểm để ngăn ngừa chấn thương đầu khi đi xe đạp, xe máy; thắt dây an toàn khi đi xe hơi.
- Sử dụng các thiết bị an toàn và chất lượng cho con bạn như xe đẩy.
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán não úng thủy
Kiểm tra sức khỏe
Khi bạn nghi ngờ bản thân hoặc con của bạn bị não úng thủy, hãy đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán chính xác và điều trị sớm nhất có thể. Bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe toàn diện để tìm dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh.
Ở trẻ em, bác sĩ sẽ khám các dấu như mắt bị trũng; phản xạ chậm; thóp phồng không đóng, có thể là thóp trước, thóp giữa hoặc thóp sau; vòng đầu lớn hơn bình thường so với độ tuổi.
Khám thần kinh:
- Sức mạnh cơ, trương lực cơ và phản xạ cơ;
- Khả năng phối hợp khi vận động và giữ thăng bằng;
- Thị giác, chuyển động của mắt và thính giác;
- Hoạt động tâm thần và tâm trạng.
Siêu âm
Siêu âm sử dụng sóng âm thanh tần số cao để tạo ra hình ảnh của não. Siêu âm giúp bác sĩ xem xét kỹ hơn về não và được chỉ định ở những trẻ có thóp vẫn còn mở.
Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Đây là xét nghiệm đầu tay để chẩn đoán não úng thủy ở người lớn. Chụp cộng hưởng từ giúp xác định tình trạng dư dịch não tủy. MRI sử dụng sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh cắt ngang của não.
Chụp cắt lớp vi tính (CT)
CT-scan cũng giúp chẩn đoán bệnh não úng thủy ở trẻ em và người lớn. CT-scan sử dụng tia X để tạo thành hình ảnh cắt ngang của não. Trên phim CT có thể cho thấy não thất giãn rộng do chứa nhiều dịch não tủy.
Đo áp lực nội sọ
Một thiết bị giám sát được đưa vào não để đo áp lực bên trong đó, có thể theo dõi sự thay đổi của áp lực nội sọ. Ngoài ra, áp lực nội sọ cũng có thể đo được bằng bộ dẫn lưu não thất ra ngoài hoặc dẫn lưu tủy sống.
Phương pháp điều trị não úng thủy hiệu quả
Bạn có thể không cần điều trị nếu các triệu chứng biểu hiện nhẹ. Tuy nhiên, não úng thủy có thể gây tử vong cho người mắc bệnh nếu không được điều trị kịp thời. Các phương pháp điều trị không thể hồi phục được những tổn thương não đã xảy ra. Mục tiêu điều trị là khôi phục lại lưu thông của dịch não tủy và ngăn ngừa não bị tổn thương thêm. Hai lựa chọn điều trị phẫu thuật hiện nay:
Đặt shunt
Đây là phương pháp thường được chỉ định hiện nay. Shunt là một ống dài có van giúp dịch dư thừa thoát ra. Van sẽ giúp dịch não tủy chảy với một tốc độ bình thường và đúng hướng. Một đầu ống đưa vào não, đầu còn lại sẽ đưa vào khoang ngực hoặc khoang bụng. Phẫu thuật đặt shunt thường được sử dụng vĩnh viễn, bạn chỉ cần theo dõi thường xuyên tình trạng shunt này.
Hệ thống shunt có thể bị hỏng do lỗi cơ học hoặc nhiễm trùng khiến bạn mắc não úng thủy trở lại. Cần khôi phục lại hệ thống này để dịch não tủy thoát đi. Cần kiểm tra y tế thường xuyên để kịp thời sửa chữa hoặc thay thế shunt. Các dấu hiệu và triệu chứng báo động shunt không hoạt động:
- Đau đầu hoặc đau cổ vai;
- Tăng nhạy cảm với ánh sáng hoặc nhìn đôi;
- Buồn nôn và nôn;
- Co giật;
- Đỏ hoặc đau dọc đường đi của shunt;
- Sốt nhẹ;
- Tái phát triệu chứng của não úng thủy.
Phẫu thuật nội soi phá sàn não thất ba
Thay cho việc đặt shunt, bác sĩ sẽ lựa chọn phẫu thuật nội soi phá sàn não thất ba. Một lỗ ở dưới đáy não thất ba giúp dịch não tủy ra khỏi não và giảm áp lực cho não.
Điều trị hỗ trợ
Những người mắc bệnh não úng thủy sẽ được hưởng lợi khi được điều trị kết hợp với phục hồi chức năng và giáo dục trị liệu. Các liệu pháp hỗ trợ điều trị cho trẻ gồm:
- Dạy kỹ năng sống và hành vi xã hội;
- Giáo dục học tập;
- Hỗ trợ tinh thần;
- Chăm sóc tình trạng suy giảm trí nhớ.