Mất khứu giác có nguy hiểm không?
Mất khứu giác là trạng thái không thể cảm nhận mùi của các vật xung quanh. Thông thường, tình trạng này chỉ là triệu chứng tạm thời xuất hiện do cảm lạnh hoặc viêm xoang và sẽ phục hồi khi cơ thể hồi phục. Tuy nhiên, đôi khi, mất khứu giác cũng có thể chỉ ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như bệnh tiểu đường hoặc chấn thương ở vùng đầu.
Những dấu hiệu và triệu chứng của mất khứu giác
Các dấu hiệu của mất khứu giác có thể xuất hiện đột ngột hoặc tiến triển dần dần. Bạn có thể trải qua sự thay đổi về khứu giác trước khi mất hoàn toàn. Bạn có thể ngửi những mùi quen thuộc thành mùi khác, hoặc bạn có thể ngửi thấy những mùi thực sự không có.
Đối với một số người, một trong những triệu chứng đầu tiên của chứng mất khứu giác là mất vị giác. Bạn có thể nếm thấy thức ăn có vị nhạt hơn bình thường. Hoặc bạn không thể phân biệt được sự khác biệt giữa một số hương vị nhất định và phát hiện ra rằng khả năng ngửi của bạn đã giảm. Điều này xảy ra vì khứu giác và vị giác có mối liên hệ rất chặt chẽ với nhau.
Biến chứng có thể gặp khi mắc mất khứu giác
Mất khứu giác không chỉ đơn thuần là không thể ngửi được mùi ngọt hoặc mùi mặn. Các biến chứng bao gồm:
- Ngộ độc thực phẩm: Nếu bạn thiếu khứu giác và vị giác điều này có nguy cơ khiến bạn bị ngộ độc thực phẩm vì bạn không thể phát hiện khi nào thực phẩm bị hỏng.
- Tăng nguy cơ bị tổn thương do khói hoặc lửa: Mất khứu giác có thể khiến bạn không nhận ra có khói trong nhà hoặc nơi làm việc của mình.
- Tăng nguy cơ hít phải khí đốt tự nhiên hoặc hóa chất độc hại: Vì không thể ngửi nên bạn có thể không nhận ra mình đang tiếp xúc và hít phải khí hoặc hóa chất độc hại cho cơ thể.

Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn gặp bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào trong thời gian dài mà không thấy cải thiện, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Những ai có nguy cơ mắc phải mất khứu giác?
Mất khứu giác có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi và giới tính, nhưng thường gặp hơn ở nam giới.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải mất khứu giác
Sau 60 tuổi, bạn sẽ dễ bị giảm khứu giác, hiếm khi bị mất khứu giác hoàn toàn do tuổi tác.
Nguyên nhân dẫn đến mất khứu giác
Mất khứu giác thường do tình trạng sưng hoặc tắc nghẽn ở mũi khiến mùi không thể lên đến đỉnh mũi. Mất khứu giác đôi khi là do tín hiệu từ mũi đến não bị ngắt quãng. Các nguyên nhân chính gây mất khứu giác gồm:
Tình trạng viêm và tắc nghẽn (chiếm 50% đến 70% trường hợp mất khứu giác)
Các nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến mất khứu giác bao gồm bệnh xoang mũi và xoang cạnh mũi, như viêm mũi xoang, viêm mũi và polyp mũi. Những tình trạng này gây ảnh hưởng đến khả năng ngửi thông qua tình trạng viêm niêm mạc và tắc nghẽn khoang mũi.

Chấn thương đầu
Chấn thương đầu là một nguyên nhân phổ biến khác gây mất khứu giác vì chấn thương ở đầu có thể gây tổn thương mũi hoặc xoang dẫn đến tắc nghẽn mũi. Ngoài ra chấn thương có thể gây tổn thương các dây thần kinh khứu giác khiến chúng không thể truyền thông tin đến não để nhận biết mùi.
Lão hóa và thoái hóa thần kinh
Những quá trình này liên quan đến việc giảm khứu giác, cuối cùng có thể dẫn đến chứng mất khứu giác. Quá trình lão hóa có liên quan đến việc giảm độ nhạy của khứu giác. Khi bạn già đi, số lượng tế bào khứu giác giảm dần khiến việc cảm nhận mùi bị suy giảm. Tình trạng này thường gặp ở những người mắc bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson và chứng mất trí nhớ thể Lewy.
Tình trạng bẩm sinh
Các tình trạng bẩm sinh liên quan đến chứng mất khứu giác bao gồm hội chứng Kallmann và hội chứng Turner.
Nhiễm trùng
Người ta cho rằng mất khứu giác là một trong những triệu chứng ban đầu của bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Các nguyên nhân khác
Các nguyên nhân khác gây mất khứu giác bao gồm:
- Các tác nhân độc hại như thuốc lá, ma túy có thể gây rối loạn chức năng khứu giác.
- Rối loạn chức năng khứu giác sau nhiễm virus.
- Chấn thương mặt liên quan đến dị dạng mũi hoặc xoang.
- Khối u trong khoang mũi hoặc não ngăn cản đường dẫn tín hiệu khứu giác.
- Xuất huyết dưới nhện.
- Bệnh đái tháo đường hoặc suy giáp có thể gây giảm hoặc mất khứu giác.
- Thuốc đôi khi có thể dẫn đến khiếm khuyết khứu giác như một tác dụng phụ không mong muốn. Các loại thuốc này bao gồm thuốc chẹn beta, thuốc điều trị cường giáp, dihydropyridine, thuốc ức chế men chuyển và kẽm dạng xịt mũi.
- Xạ trị: Những người được xạ trị để điều trị ung thư đầu và cổ có thể bị mất khứu giác sau khi điều trị.
- Hút thuốc lá: Có thể làm suy giảm khả năng khứu giác, đặc biệt là ở những người có thói quen hút thuốc trong thời gian dài.
Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của mất khứu giác
Chế độ sinh hoạt:
- Tập thể dục thường xuyên như đi bộ, yoga để cải thiện sức khỏe chung và tâm trạng của bạn.
- Gặp gỡ mọi người và tạo động lực cho bản thân.
- Đảm bảo ngủ đủ giấc để cơ thể được phục hồi và sức khỏe tinh thần được duy trì.
- Không hút thuốc lá.
Chế độ dinh dưỡng:
Nếu bạn bị mất khứu giác, bạn có thể gặp khó khăn trong việc cảm nhận hương vị của thức ăn. Tuy nhiên hãy duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh và đa dạng:
- Có thể thêm gia vị như tỏi, ớt, gừng, và tiêu giúp tăng cường hương vị.
- Bổ sung đủ đạm, chất béo tốt.
- Ăn nhiều trái cây và rau củ.
- Đảm bảo thực phẩm luôn an toàn và tươi ngon, vì việc không thể ngửi thấy mùi có thể làm tăng nguy cơ tiêu thụ thực phẩm hỏng.
Phòng ngừa mất khứu giác
Bạn không thể phòng ngừa tình trạng mất khứu giác vì có rất nhiều nguyên nhân gây ra chứng bệnh này. Chú ý bảo vệ bản thân khỏi cảm lạnh và các bệnh về đường hô hấp khác có thể giúp bạn giảm nguy cơ mất khứu giác.

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm mất khứu giác
Bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng sẽ giúp xác định tình trạng mất khứu giác của bạn. Bác sĩ sẽ hỏi bạn khi nào bạn nhận thấy mình không thể phát hiện mùi và liệu vấn đề này phát triển từ từ theo thời gian hay đột ngột. Bác sĩ sẽ khám mũi bạn và kiểm tra mùi. Trong quá trình kiểm tra này, bác sĩ sẽ đóng từng bên mũi và yêu cầu bạn ngửi một số mùi nhất định, chẳng hạn như gia vị hoặc bã cà phê. Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn nhắm mắt, ngửi và xác định một số mùi nhất định.

Tùy thuộc vào những câu trả lời của bạn bác sĩ sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm để giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ra mất khứu giác:
- Nội soi mũi: Đối với xét nghiệm này, bác sĩ sẽ đưa một ống mỏng, mềm dẻo có gắn camera vào mũi bạn. Camera sẽ hiển thị các khoang mũi và xoang của bạn.
- Nếu nghi ngờ chấn thương sọ não, bệnh ở xoang hoặc khối u, bác sĩ có thể yêu cầu chụp MRI hoặc CT-scan.
- Nếu nghi ngờ bệnh viêm mũi dị ứng, bác sĩ khám có thể giới thiệu bạn đến bác sĩ chuyên khoa dị ứng và xét nghiệm dị ứng.
- Các xét nghiệm khác có thể được xem xét tùy thuộc vào nguyên nhân nghi ngờ bao gồm công thức máu, creatinin, chức năng gan, chức năng tuyến giáp, ANA, đo nồng độ kim loại nặng, chì và các chất độc khác.
Điều trị mất khứu giác
Phương pháp điều trị mất khứu giác tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra. Nếu mất khứu giác xảy ra do cảm lạnh, dị ứng hoặc viêm xoang, tình trạng này thường sẽ tự khỏi sau vài ngày. Bạn nên đến khám bác sĩ nếu tình trạng mất khứu giác không thuyên giảm sau khi các triệu chứng cảm lạnh hoặc dị ứng đã thuyên giảm.
Nội khoa
Một số phương pháp điều trị có thể giúp giải quyết tình trạng mất khứu giác do kích ứng niêm mạc mũi gồm:
- Thuốc thông mũi;
- Thuốc kháng histamin;
- Thuốc xịt mũi glucocorticoid;
- Thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm khuẩn;
- Giảm tiếp xúc với các chất gây kích ứng và dị ứng niêm mạc mũi;
- Ngưng hút thuốc lá.
Ngoại khoa
Đây là phương pháp được lựa chọn nếu mất khứu giác do mũi bị tắc nghẽn bằng cách loại bỏ những dị vật cản trở đường đi của không khí trong mũi bạn. Việc loại bỏ này bao gồm loại bỏ polyp mũi, làm thẳng vách ngăn mũi hoặc làm sạch xoang.