Lymphoma là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa bệnh


Lymphoma là thuật ngữ chỉ một nhóm bệnh ung thư của hệ thống bạch huyết. Có hai loại lymphoma chính là u lympho Hodgkin và u lympho không Hodgkin. Vì ung thư này thuộc hệ thống bạch huyết, do đó nó có thể dễ dàng di căn đến các mô và cơ quan trên khắp cơ thể. Lymphoma thường di căn đến gan, xương hoặc phổi. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh này, nhưng đây là một trong những loại ung thư thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên. Bệnh thường có thể điều trị được.

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lymphoma

Nhiều triệu chứng của lymphoma giống như triệu chứng của các bệnh thông thường khác. Các triệu chứng thường gặp đối với u lympho Hodgkin và u lympho không Hodgkin có thể bao gồm:

  • Nổi hạch không đau ở một hoặc nhiều vị trí như cổ, nách hoặc háng và tình trạng này kéo dài trong vòng vài tuần mà không biến mất.
  • Mệt mỏi kéo dài, mệt mỏi kéo dài nhiều ngày mặc dù đã ngủ đủ giấc.
  • Sốt liên tục trên 39.5 độ C trong hơn hai ngày hoặc sốt tái đi tái lại.
  • Đổ mồ hôi về đêm, đổ mồ hôi nhiều đến mức khi bạn thức dậy sẽ thấy đồ ngủ và ga trải giường của mình ướt sũng.
  • Khó thở, bạn cảm thấy như không thể hít đủ không khí vào phổi.
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân, bạn giảm từ hơn 10% tổng trọng lượng cơ thể trong vòng 6 tháng mà không ăn kiêng hay tập thể dục.
Lymphoma là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa bệnh lymphoma 4.png
Sụt cân không rõ nguyên nhân có thể là triệu chứng của bệnh lymphoma

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán nếu có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào nêu trên xuất hiện dai dẳng khiến bạn lo lắng.

Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh lymphoma?

Bệnh u lympho không Hodgkin thường ảnh hưởng đến độ tuổi từ 60 đến 80. Bệnh này thường gặp ở nam hơn so với nữ.

Bệnh u lympho Hodgkin có thể ảnh hưởng đến những người trong độ tuổi từ 20 đến 39 và ở độ tuổi từ 65 trở lên. Nam giới có nguy cơ mắc bệnh u lympho Hodgkin cao hơn một chút so với nữ giới.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh lymphoma

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh lymphoma bao gồm:

  • Tuổi: Tuỳ thuộc vào loại bệnh lymphoma, một số loại lymphoma thường gặp hơn ở người trẻ tuổi, trong khi một số loại khác thường được chẩn đoán ở những người trên 55 tuổi.
  • Giới tính nam: Nam giới có nhiều khả năng mắc bệnh lymphoma hơn so với nữ giới.
  • Hệ thống miễn dịch suy yếu: Bệnh lymphoma thường gặp hơn ở những người mắc bệnh về hệ thống miễn dịch hoặc ở những người dùng thuốc ức chế miễn dịch.
  • Mắc một số bệnh nhiễm trùng: Một số bệnh nhiễm trùng có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh lymphoma, bao gồm nhiễm virus Epstein-Barr và nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori.
Lymphoma là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa bệnh lymphoma 5.png
Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori là một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh lymphoma

Nguyên nhân dẫn đến bệnh lymphoma

Một số yếu tố môi trường, truyền nhiễm và di truyền đã được xác định có nguy cơ dẫn đến lymphoma:

  • Phơi nhiễm nghề nghiệp: Thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu.
  • Các sinh vật truyền nhiễm: 
    • Helicobacter pylori (u lympho MALT).
    • Borrelia burgdorferi, Chlamydia psittaci, Campylobacter jejuni.
    • Virus T-cell lymphotropic ở người (adult T- cell leukemia/lymphoma).
    • Viêm gan C: U lympho tương bào lympho - lymphoplasmacytic lymphoma, u lympho tế bào B lớn lan tỏa và u lympho không Hodgkin tế bào B vùng rìa (marginal zone lymphoma).
    • Herpesvirus 8 ở người (u lympho tràn dịch nguyên phát(primary effusion lymphoma) và bệnh Castleman).
    • Sự kích thích mạn tính của mô bạch huyết cũng làm tăng nguy cơ hình thành bệnh lymphoma.
    • Nhiễm trùng dai dẳng với các loại virus như virus Epstein Barrcytomegalovirus cũng có nguy cơ dẫn đến sự hình thành của bệnh lymphoma.
  • Suy giảm miễn dịch: Nhiễm HIV, người được ghép tạng và những người bị rối loạn suy giảm miễn dịch di truyền (suy giảm miễn dịch kết hợp trầm trọng (severe combined immunodeficiency) và suy giảm miễn dịch biến thiên phổ biến (common variable immunodeficiency)).
  • Thuốc: Thuốc ức chế yếu tố hoại tử khối u có liên quan đặc biệt đến u lympho tế bào T. Thuốc ức chế miễn dịch mạn tính ở người bệnh sau ghép tạng (cả người nhận ghép tạng đặc và ghép tủy xương) làm tăng nguy cơ mắc bệnh lymphoma.
  • Bệnh tự miễn: Bệnh viêm ruột (u lympho liên quan đến bệnh đường ruột), viêm khớp dạng thấp và hội chứng Sjögren (u lympho tế bào B lớn lan tỏa).
  • Vị trí địa lý: Tỷ lệ mắc u lympho tế bào NK/T ngoài hạch cao ở Nam Á và một số vùng ở Mỹ Latinh.

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh lymphoma

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ chỉ định điều trị: Thực hiện đúng các phương pháp điều trị do bác sĩ chỉ định. Điều này đảm bảo rằng bệnh sẽ được kiểm soát tốt nhất có thể.
  • Tập thể dục đều đặn: Nếu tình trạng sức khỏe của bạn cho phép, hãy tham gia vào hoạt động thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội hoặc yoga. Điều này giúp duy trì sức khỏe và giảm căng thẳng.
  • Nghỉ ngơi đủ: Giấc ngủ đủ và nghỉ ngơi đầy đủ giúp cơ thể hồi phục và tăng cường hệ miễn dịch.
  • Tránh tiếp xúc với nguồn nhiễm trùng: Người bệnh lymphoma thường có hệ miễn dịch yếu, vì vậy cần tránh tiếp xúc với các nguồn nhiễm trùng như người bị cúm, người nhiễm vi rút hoặc vi khuẩn.
  • Hạn chế tiếp xúc với chất kích thích: Tránh hút thuốc lá, uống rượu bia và tiếp xúc với hóa chất độc hại có thể gây kích ứng và làm suy yếu hệ miễn dịch.
  • Hỗ trợ tâm lý: Bệnh lymphoma có thể gây áp lực tâm lý. Hãy tìm sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè hoặc các nhóm hỗ trợ. Nếu cần, hãy đến chuyên gia tư vấn tâm lý.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Thường xuyên đi khám và kiểm tra sức khỏe để theo dõi tiến triển của bệnh và hiệu quả của điều trị.

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ dinh dưỡng chính cho người bệnh lymphoma nên tập trung vào việc cung cấp đủ dưỡng chất để hỗ trợ sức khỏe và tăng cường hệ miễn dịch. Dưới đây là một số lời khuyên chung về chế độ dinh dưỡng cho người bệnh lymphoma:

  • Ăn nhiều rau và trái cây: Rau và trái cây tươi cung cấp nhiều chất chống oxy hóa, vitamin, khoáng chất và chất xơ. Hãy ăn đa dạng loại rau và trái cây được nhận đầy đủ các dưỡng chất.
  • Chọn nguồn protein lành mạnh: Các loại hạt, đậu, đậu phụ, cá, gia cầm và thịt không mỡ là những nguồn protein tốt. Hạn chế tiêu thụ thịt đỏ nhiều chất béo và thực phẩm chế biến sẵn.
  • Cung cấp các nguồn chất béo lành mạnh: Chọn các nguồn chất béo tốt như dầu ô liu, dầu hạnh nhân, cá hồi, hạt chia và hạt lanh. Tránh chất béo bão hòa và chất béo no có trong thực phẩm chế biến sẵn và thực phẩm nhanh.
  • Tăng cường lượng chất xơ: Chất xơ giúp duy trì hệ tiêu hóa và hỗ trợ hệ miễn dịch.
  • Uống đủ nước: Hãy đảm bảo bạn uống đủ nước hàng ngày để duy trì sự cân bằng nước trong cơ thể và tăng cường hoạt động chức năng của các cơ quan.
  • Tránh thực phẩm không lành mạnh: Hạn chế tiêu thụ thực phẩm có nhiều đường, muối, chất bảo quản và chất phụ gia. Đồ uống có cồn cũng nên được hạn chế.
  • Tham khảo ý kiến ​​chuyên gia dinh dưỡng: Hãy thảo luận với chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ để tìm hiểu về chế độ ăn phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của bạn.

Phòng ngừa bệnh lymphoma

Bạn có thể phòng ngừa bệnh lymphoma bằng cách giảm các yếu tố nguy cơ mắc bệnh như:

  • Duy trì chỉ số BMR (Basal Metabolic Rate);
  • Tránh các hành vi làm tăng nguy cơ bị nhiễm AIDS và viêm gan C;
  • Tránh tiếp xúc không cần thiết với các hóa chất và phóng xạ có hại;
  • Thăm khám và sàng lọc thường xuyên sau 50 tuổi;
  • Bỏ hút thuốc lá;
  • Ăn uống lành mạnh;
  • Tập thể dục đều đặn.
Lymphoma là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa bệnh lymphoma 7.png
Tập thể dục đều đặn giúp phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh lymphoma

Các câu hỏi thường gặp về bệnh lymphoma

Tác dụng phụ thường gặp của điều trị bệnh lymphoma là gì?

Phương pháp điều trị bệnh lymphoma có thể có những tác dụng phụ khác nhau vì mỗi người sẽ có những phản ứng khác nhau với cùng một phương pháp điều trị. Hãy hỏi bác sĩ của bạn về các tác dụng phụ của việc điều trị và những gì bạn nên làm để kiểm soát tác dụng phụ đó.

Tỷ lệ sống sót của người bệnh lymphoma là bao nhiêu?

Bằng chứng khoa học cho thấy nếu được điều trị, hơn 74.3% số người mắc bệnh u lympho không Hodgkin sẽ sống được ít nhất 5 năm. Với bệnh u lympho Hodgkin thì 88.9% số người được điều trị sẽ sống được ít nhất 5 năm.

Khi nào tôi nên đến phòng cấp cứu?

Nhiều phương pháp điều trị ung thư sẽ ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của bạn. Điều đó có nghĩa là việc điều trị ung thư có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng. Các triệu chứng có thể cần đến phòng cấp cứu là:

  • Sốt từ 39.5 độ C trở lên;
  • Ớn lạnh;
  • Ho có đờm;
  • Đau bụng;
  • Tiêu chảy kéo dài hơn hai tuần.

Bệnh lymphoma có phải là bệnh ung thư nghiêm trọng không?

Điều đó phụ thuộc vào loại bệnh lymphoma. Ví dụ, u lympho không Hodgkin có thể khiến cơ thể bạn dễ bị nhiễm trùng đe dọa tính mạng, các loại ung thư hoặc bệnh tim khác.

Bệnh lymphoma có thể được phát hiện khi xét nghiệm máu không?

Xét nghiệm máu có thể phát hiện các vấn đề như số lượng bạch cầu cao có thể là dấu hiệu của bệnh lymphoma, bệnh leukemia hoặc các bệnh ung thư máu khác. Nhưng không giúp chẩn đoán xác định bệnh lymphoma. Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh lymphoma dựa trên kết quả sinh thiết và hình ảnh học.

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm bệnh lymphoma

Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh lymphoma bằng cách thăm khám để đánh giá các triệu chứng và sinh thiết nhằm phân tích mẫu mô. Nếu các kết quả xét nghiệm cho thấy dấu hiệu của bệnh lymphoma, bác sĩ có thể đề nghị thêm một số xét nghiệm máu và hình ảnh học để đánh giá thêm về tình trạng bệnh của bạn và lập kế hoạch điều trị.

Xét nghiệm máu:

  • Công thức máu để phân tích các loại tế bào bạch cầu.
  • Tốc độ lắng máu để phát hiện tình trạng viêm, có thể là dấu hiệu của lymphoma.
  • Lactate dehydrogenase (LDH) để phát hiện các tế bào bị “chuyển hóa” hoặc tăng trưởng/chết.
  • Xét nghiệm chức năng gan và thận.
  • Điện di protein huyết thanh để đánh giá protein đơn dòng (protein M), là những protein bất thường mà tế bào plasma tạo ra.

Hình ảnh học:

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) để tìm các dấu hiệu của bệnh lymphoma như ở hạch, lách hoặc các cơ quan khác.
  • Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) để phát hiện các dấu hiệu ung thư. Chụp PET thường được kết hợp với CT scan và đôi khi được sử dụng cùng với chụp cộng hưởng từ (MRI).
Lymphoma là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa bệnh lymphoma 6.png
Chụp PET giúp hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh lymphoma

Điều trị bệnh lymphoma

Các phương pháp điều trị sẽ khác nhau tùy theo loại bệnh lymphoma. Ví dụ: Nếu loại bệnh lymphoma của bạn có diễn tiến chậm, bác sĩ có thể đề nghị theo dõi sát trước khi bắt đầu điều trị. Khi theo dõi, bác sĩ sẽ thường xuyên kiểm tra sức khỏe tổng thể của bạn và các triệu chứng của bệnh.

Các phương pháp điều trị bệnh lymphoma thường gặp, bao gồm:

  • Hóa trị;
  • Xạ trị;
  • Liệu pháp nhắm trúng đích;
  • Liệu pháp miễn dịch;
  • Liệu pháp tế bào CAR-T;
  • Ghép tế bào gốc (tủy xương).

Bác sĩ có thể đề nghị chăm sóc giảm nhẹ trong phác đồ điều trị của bạn. Chăm sóc giảm nhẹ tập trung vào việc giúp bạn giảm các triệu chứng và tác dụng phụ của phương pháp điều trị chính. Điều trị chăm sóc giảm nhẹ có thể bao gồm dùng thuốc, các phương pháp giúp kiểm soát stress và hỗ trợ về mặt cảm xúc và tinh thần.



Chat with Zalo