Loạn dưỡng móng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Loạn dưỡng móng (Nail Dystrophy) là móng tay hoặc móng chân bị biến dạng, dày lên hoặc đổi màu. Chúng có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, từ nấm móng đến biến chứng của bệnh da liễu chẳng hạn như bệnh vảy nến.
Những dấu hiệu và triệu chứng của loạn dưỡng móng
Một số người có một móng bị loạn dưỡng, trong khi những người khác có nhiều móng. Móng loạn dưỡng có thể có các triệu chứng như:
- Bị nứt nhiều chỗ;
- Bong tróc móng;
- Bị biến dạng hoặc cong một cách bất thường, sần gợn sóng;
- Kéo ra hoặc bong ra khỏi vùng da dưới móng của bạn;
- Dày hơn bình thường;
- Có màu vàng, trắng hoặc nâu.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng loạn dưỡng móng nào kể trên, hãy liên hệ ngay với bác sĩ da liễu để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Những ai có nguy cơ mắc phải loạn dưỡng móng?
Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể mắc loạn dưỡng móng nhưng những bệnh này thường phổ biến hơn ở phụ nữ lớn tuổi.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải loạn dưỡng móng
Một số yếu tố dường như làm tăng nguy cơ phát triển chứng loạn dưỡng móng, bao gồm:
- Thiếu dinh dưỡng;
- Người cao tuổi;
- Nghề nghiệp tiếp xúc tay với hóa chất;
- Tiếp xúc môi trường quá ẩm mốc;
- Vệ sinh tay chân không sạch sẽ.
Nguyên nhân dẫn đến loạn dưỡng móng
Nguyên nhân gây ra chứng loạn dưỡng móng bao gồm:
- Chấn thương móng: Chấn thương móng, chẳng hạn như đập ngón tay vào cửa hoặc làm rơi vật nặng xuống chân. Khi bị thương ở móng, bạn có thể bị chảy máu hoặc bầm tím dưới móng. Nhiễm trùng do chấn thương móng tay hoặc móng mọc ngược gây ra tình trạng loạn dưỡng móng.
- Nấm móng: Nhiễm nấm móng là nguyên nhân phổ biến. Với loại nhiễm nấm này, tấm móng của bạn có thể dày lên, bong ra khỏi giường móng. Nó cũng có thể gây đổi màu móng, rỗ hoặc bong tróc.
- Bệnh vảy nến: Bệnh vảy nến là một tình trạng da mãn tính khiến cơ thể bạn sản xuất quá nhiều tế bào da. Một số người mắc bệnh vảy nến phát triển chứng loạn dưỡng móng do sản xuất keratin bất thường, đây là loại protein tạo nên tấm móng của bạn. Loại loạn dưỡng móng này có thể gây ra nhiều lỗ nhỏ trên nền móng, làm đổi màu nền móng và khiến móng dày lên.
- Bệnh chàm: Bệnh chàm hay còn gọi là viêm da dị ứng, là một tình trạng da mãn tính gây phát ban ngứa. Với chứng loạn dưỡng móng liên quan đến bệnh chàm, bạn có thể có các vết rỗ hoặc rãnh trên móng tay.

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của loạn dưỡng móng
Chế độ sinh hoạt:
- Tái khám đầy đủ và tuân thủ điều trị của bác sĩ.
- Uống thuốc và bôi thuốc theo toa của bác sĩ.
- Điều trị ổn định các bệnh lý kèm theo.
- Tự theo dõi các triệu chứng, nếu có bất kỳ triệu chứng mới hoặc nặng lên của các triệu chứng cũ cần liên hệ ngay với bác sĩ điều trị.
Chế độ dinh dưỡng:
Móng khô, nứt và dễ gãy có thể là dấu hiệu cho thấy bạn không nhận đủ chất dinh dưỡng. Dưới đây là những thực phẩm giúp cho móng chắc khỏe:
- Trứng: Trứng thực sự là một trong số ít thực phẩm mà các chuyên gia dinh dưỡng coi là nguồn cung cấp vitamin D. Bằng cách điều chỉnh lượng canxi, vitamin D sẽ giúp móng (và xương) của bạn phát triển chắc khỏe. Những lòng đỏ trong trứng cũng cung cấp biotin và chất béo lành mạnh.
- Cá hồi: Tiêu thụ chất béo lành mạnh có trong cá hồi và các loại cá béo khác sẽ giúp bạn phát triển móng chắc khỏe, sáng bóng, chưa kể omega-3 rất tốt cho não của bạn.
- Các loại đậu: Đậu đặc biệt chứa rất nhiều biotin. Biotin, còn được gọi là vitamin B7, thường được tìm thấy trong các loại vitamin phổ biến dành cho tóc, da và móng.
- Rau củ màu cam và vàng: Các loại rau có màu cam hoặc vàng như cà rốt, khoai lang, ớt chuông, bí, ngô, củ cải vàng có xu hướng chứa hàm lượng beta-carotene cao hơn. Beta carotene được biết đến là tiền chất của vitamin A. Vitamin A là một trong những vitamin cần thiết cho sự phát triển móng.
- Nước: Nước là phần quan trọng nhất để giữ cho cơ thể hoạt động tốt. Thiếu nước cũng dẫn đến móng khô, giòn dễ gãy. Hãy uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày.
- Rau xanh: Cải xoăn, rau arugula, cải xoong, rau bina và cải rổ có thể cung cấp cho bạn đủ chất sắt, folate và canxi để giữ cho móng tay chắc khỏe.

Mặc dù bạn có thể làm móng phát triển khỏe mạnh bằng cách tiêu thụ các vitamin, khoáng chất và vi chất dinh dưỡng thích hợp, nhưng chỉ chế độ ăn uống thôi có thể là không đủ. Có vô số tình trạng có thể ảnh hưởng đến móng bao gồm nhiễm nấm, bệnh vảy nến, chấn thương. Tùy vào nguyên nhân mà có chế độ ăn và phương pháp điều trị phù hợp.
Phòng ngừa loạn dưỡng móng
Không có cách nào đảm bảo để ngăn ngừa chứng loạn dưỡng móng. Nhưng bạn có thể giúp ngăn ngừa nấm móng nếu bạn:
- Thay tất sạch ít nhất một lần một ngày và bất cứ khi nào chân bạn bị ướt. Nếu giày của bạn bị ướt, hãy thay một đôi khô ngay khi có thể.
- Không dùng chung giày dép, đồ cắt móng tay hoặc khăn tắm với người khác.
- Cắt móng thẳng ngang. Nấm có thể phát triển dưới móng tay dài hơn và việc cắt móng tay theo hình cong có thể khiến móng mọc ngược.
- Mang dép xỏ ngón hoặc các loại giày khác trong phòng thay đồ và phòng tắm công cộng. Đừng đi chân trần ở những nơi công cộng.
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm loạn dưỡng móng
Bác sĩ có thể xác định bạn bị loạn dưỡng móng sau khi đánh giá tình trạng móng tay của bạn. Bước tiếp theo là chẩn đoán nguyên nhân hoặc loại trừ bệnh lý nguy hiểm. Các xét nghiệm có thể giúp xác định nguyên nhân gây ra chứng loạn dưỡng móng bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Bác sĩ có thể xét nghiệm máu của bạn để tìm dấu hiệu của một số tình trạng sức khỏe như nhiễm trùng. Họ sẽ lấy mẫu máu của bạn và gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích.
- Sinh thiết móng: Bác sĩ lấy một mẫu nhỏ móng tay của bạn. Họ gửi mẫu đến phòng thí nghiệm, nơi kỹ thuật viên phòng thí nghiệm xem xét nó dưới kính hiển vi. Bác sĩ có thể thực hiện xét nghiệm này để kiểm tra bệnh vảy nến hoặc các tình trạng da khác ảnh hưởng đến móng.
- Khám sức khỏe: Trong khi khám sức khỏe, bác sĩ sẽ kiểm tra và đánh giá sức khỏe tổng thể của bạn. Bạn có thể nói với bác sĩ về các triệu chứng kèm theo và bất kỳ tình trạng sức khỏe nào bạn có.

Điều trị loạn dưỡng móng
Nội khoa
Các phương pháp điều trị nội khoa cho loạn dưỡng móng bao gồm:
- Bổ sung chất dinh dưỡng: Móng tay giòn có thể được điều trị bằng cách bổ sung vitamin. Biotin, kẽm và sắt được biết là có tác dụng cải thiện độ chắc khỏe của móng.
- Kem dưỡng: Các loại kem dưỡng ẩm có chứa Glycerin, Petrolatum và dầu khoáng thường có tác dụng điều trị bong tróc da móng.
- Thuốc kháng sinh: Điều trị bằng kháng sinh nếu bạn bị nhiễm vi khuẩn do móng chân mọc ngược hoặc chấn thương móng.
- Thuốc kháng nấm: Nếu bị nhiễm nấm có thể sử dụng các thuốc như Ciclopirox hoặc Amorolfine.
- Corticosteroid: Trong trường hợp bệnh vảy nến ảnh hưởng đến móng, bác sĩ có thể chỉ định thêm Corticosteroid bôi tại chỗ.
- Liệu pháp ánh sáng: Quang trị liệu trong trường hợp bạn mắc bệnh vảy nến.
Đối với những trường hợp nhiễm nấm nặng hoặc kháng thuốc, có thể kê đơn thuốc chống nấm đường uống như Terbinafine hoặc Itraconazole. Đối với bệnh vảy nến gây loạn dưỡng móng, có thể sử dụng thuốc uống như Methotrexate hoặc Acitretin.

Ngoại khoa
Trong một số ít trường hợp, nếu chứng loạn dưỡng móng nghiêm trọng và gây đau đớn hoặc khó chịu, có thể cân nhắc phẫu thuật cắt bỏ móng.