Ký sinh trùng giun xoắn (Trichinella spiralis): Triệu chứng, phương pháp điều trị và phòng ngừa hiện nay
Giun xoắn có tên gọi khoa học là giun Trichinella spiralis, là loại ký sinh trùng gây bệnh ở người nếu nhiễm phải. Người bị nhiễm giun xoắn tình cờ ăn thức ăn có chứa ấu trùng loài Trichinella chưa được nấu chín kỹ hoặc thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn. Thông thường, những người nhiễm bệnh sẽ không có biểu hiện triệu chứng mặc dù phơi nhiễm nặng, nhưng có thể sẽ biểu hiện triệu chứng khác nhau ở mỗi người.
Những dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm giun xoắn
Những người bị nhiễm giun xoắn Trichinella có mức độ biểu hiện nặng nhẹ khác nhau thông qua cường độ và tần suất nhiễm ấu trùng giun xoắn. Độ lây nhiễm được phân loại như sau:
- Nhẹ: Người bệnh ăn phải 1 - 10 ấu trùng.
- Vừa: Người bệnh ăn phải 50 - 500 ấu trùng.
- Nặng: Người bệnh ăn phải > 1000 ấu trùng.
Người nhiễm giun xoắn có thể tiến triển bệnh từ giai đoạn ở ruột đến giai đoạn ngoài ruột và đến giai đoạn hồi phục.
Giai đoạn ở ruột
Thường gây ra các triệu chứng bệnh vào tuần đầu, có thể bao gồm:
- Tiêu chảy hoặc táo bón, chán ăn và yếu người dần dần có thể xảy ra.
- Viêm ruột nặng nếu nhiễm phải một số lượng lớn ấu trùng giun xoắn.
- Buồn nôn và nôn.
- Khó thở khi gắng sức.
- Đau cơ là triệu chứng thường gặp, chủ yếu ở vùng bụng giữa, mặt (cơ cắn) và ngực (cơ liên sườn).
![Ký sinh trùng giun xoắn (Trichinella spiralis): Triệu chứng, phương pháp điều trị và phòng ngừa hiện nay 4](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/giun_xoan_4_88f36d4b7c.jpg)
Giai đoạn ở ngoài ruột
Giai đoạn này sẽ tương ứng với sự di chuyển của ấu trùng từ ruột đến hệ tuần hoàn và cuối cùng đến các cơ vân. Thời gian từ vài tuần đến vài tháng. Biểu hiện có thể bao gồm:
- Sốt cao.
- Đau cơ nặng và yếu cơ gặp ở đa số người bệnh với tỷ lệ khoảng hơn 80%.
- Phù quanh hốc mắt.
- Phát ban dạng dát hoặc chấm xuất huyết.
- Xuất huyết từng mảng dưới móng tay.
- Hệ thần kinh trung ương: Đau đầu, viêm màng não, mê sảng, điếc, rối loạn thị giác, yếu cơ vận nhãn,... Tỷ lệ khoảng 10 - 24%, tỷ lệ tử vong cao khoảng 50%.
- Hệ tim mạch: Xảy ra ở khoảng tuần thứ 4 đến tuần thứ 8, gồm tăng huyết áp, tăng áp lực tĩnh mạch, phù ngoại biên. Tử vong có thể do suy tim sung huyết và/hoặc rối loạn nhịp tim.
- Hệ hô hấp: Khoảng 33% người nhiễm giun xoắn với triệu chứng như khó thở, ho, khàn giọng.
Giai đoạn phục hồi
Tương ứng với hiện tượng đóng kén và tái tạo, có thể tồn tại nhiều tháng đến nhiều năm sau khi nhiễm ký sinh trùng. Dẫn đến việc cơ thể người nhiễm có thể bị suy mòn, phù nề, người yếu, dễ mệt, đau cơ và sụt cân.
Biến chứng có thể gặp khi nhiễm giun xoắn
Người nhiễm giun xoắn nặng có thể gặp các biến chứng nguy hiểm và thậm chí là tử vong, như:
- Tim mạch: Viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy tim sung huyết.
- Thần kinh: Viêm màng não, viêm não.
- Hô hấp: Hiếm gặp hơn, có thể do ấu trùng di chuyển trực tiếp đến nhu mô phổi, viêm các cơ hô hấp, viêm phổi thứ phát hay là hậu quả của tình trạng suy tim sung huyết.
- Thận: Gây tiểu máu, protein trong nước tiểu, suy thận.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Người bệnh khi nhiễm phải ấu trùng giun xoắn, tuỳ theo cường độ và tần suất nhiễm ấu trùng mà có biểu hiện triệu chứng ra ngoài hay không. Nếu bạn gặp phải vấn đề về tiêu hoá hoặc đau cơ, sưng tấy khoảng một tuần sau khi ăn thịt lợn hay thịt động vật hoang dã thì hãy đến ngay các cơ sở uy tín để được thăm khám và tư vấn tốt nhất.
Những ai có nguy cơ nhiễm giun xoắn?
Nhiễm giun xoắn liên quan đến cách chế biến thực phẩm, phương pháp bảo quản thức ăn ở mỗi vùng, mỗi nền văn hoá. Bệnh giun xoắn thường gặp ở khu vực có phong tục ăn thịt không nấu chín hoặc những người có thói quen ăn đồ sống. Ví dụ như: Thói quen ăn tiết canh heo, thịt heo chưa nấu chín, các món gỏi thịt tái từ thịt heo, thịt ngựa, thịt bò sát có chứa mầm bệnh.
Bệnh cũng có thể gặp ở những người đi du lịch hoặc sống trong môi trường dịch tễ có bệnh giun xoắn lưu hành.
Theo một báo cáo, số ca mắc bệnh cao nhất dường như là ở Trung Quốc, nơi có tỷ lệ tiêu thụ thịt lợn cao nhất thế giới.
Yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm giun xoắn
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ nhiễm giun xoắn cao có thể kể đến bao gồm:
- Chế biến thực phẩm không đúng cách: Thịt nấu chưa chín kỹ, ăn thịt sống hoặc có thể bị nhiễm từ việc xay thịt bởi máy xay hoặc thiết bị khác mà trước đó dùng để xay thịt có chứa mầm bệnh.
- Khu vực nông thôn: Bệnh phổ biến hơn ở các khu vực nông thôn trên thế giới. Tỷ lệ này cao hơn ở các vùng nuôi lợn.
- Ăn thịt hoang dã: Động vật hoang dã vẫn là nguồn lây nhiễm phổ biến.
- Tuổi: Trẻ em dường như có khả năng đề kháng với nhiễm giun xoắn. Trẻ em cũng có ít biến chứng và phục hồi nhanh hơn.
Nguyên nhân dẫn đến nhiễm giun xoắn
Giun xoắn không lây trực tiếp từ người này sang người khác. Giun xoắn có khả năng lây nhiễm trên nhiều loại động vật có vú bao gồm lợn, ngựa, bò sát nhưng chỉ gây bệnh ở người.
Người bị nhiễm bệnh giun xoắn là do ăn phải thịt lợn, thịt ngựa, thịt bò sát bị nhiễm ấu trùng giun xoắn nhưng không được nấu chín hoặc không đúng cách.
![Ký sinh trùng giun xoắn (Trichinella spiralis): Triệu chứng, phương pháp điều trị và phòng ngừa hiện nay 5](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/giun_xoan_5_bf7fbcd18d.jpg)
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của nhiễm giun xoắn
Chế độ sinh hoạt:
- Tuân thủ đầy đủ theo hướng dẫn trong quá trình điều trị mà bác sĩ đưa ra.
- Nấu chín kỹ thức ăn và dùng các phương pháp đông lạnh phù hợp để phòng bị nhiễm thêm ký sinh trùng.
- Hạn chế sử dụng thịt xông khói, thịt hun khói hay thịt các động vật hoang dã.
- Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ khi chế biến thức ăn.
- Nếu gia đình có nuôi gia súc thì nên tham khảo ý kiến của bác sĩ thú y trong việc vệ sinh chuồng trại đúng cách và thức ăn an toàn cho gia súc.
Chế độ dinh dưỡng:
- Nên ăn chín uống sôi, đồ ăn cần được lựa chọn sạch sẽ, an toàn vệ sinh và đun nấu đúng cách.
- Không nên ăn tiết canh, thịt sống.
- Ăn đủ các nhóm chất dinh dưỡng.
- Không nên dùng các thực phẩm thịt hư, thịt không rõ nguồn gốc.
![Ký sinh trùng giun xoắn (Trichinella spiralis): Triệu chứng, phương pháp điều trị và phòng ngừa hiện nay 8](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/giun_xoan_8_e3e9eb6a63.jpeg)
Phòng ngừa nhiễm giun xoắn
Để phòng ngừa nhiễm ấu trùng giun xoắn, bạn có thể tham khảo để thực hiện một số biện pháp sau, gồm có:
- Tuân thủ điều trị dứt điểm nếu bạn đã và đang nhiễm ấu trùng giun xoắn.
- Không ăn tiết canh heo, thịt heo, thịt ngựa và thịt động vật hoang dã. Thịt phải được nấu chín kỹ.
- Hạn chế sử dụng các loại thịt hun khói, thịt chỉ thui nóng.
- Động vật hoang dã sống trong môi trường không được chăn nuôi vệ sinh sạch sẽ. Do đó, nên tránh săn bắt và ăn thịt các loại động vật hoang dã vì sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm giun xoắn.
- Kiểm soát các trang trại chăn nuôi lợn, nguồn thức ăn gia súc với sự hỗ trợ của bác sĩ thú y.
- Ấu trùng giun xoắn trong thịt sẽ mất khả năng lây nhiễm khi được đun nấu ở nhiệt độ 63 - 77 độ C.
- Làm đông thịt ở nhiệt độ -15 độ C trong 3 tuần cũng có thể tiêu diệt ấu trùng, ngoại trừ một số nhóm giun xoắn chịu lạnh ở vùng Bắc Cực.
- Chiếu bức xạ cũng giúp bất hoạt ấu trùng giun xoắn.
Các câu hỏi thường gặp về nhiễm giun xoắn
Nhiễm giun xoắn bao lâu thì sẽ khỏi?
Bệnh giun xoắn thường diễn biến lành tính và tự giới hạn. Sự hồi phục hoàn toàn của người bệnh trong vòng 2 tháng đến 6 tháng sau khi bị phơi nhiễm là điều được mong đợi. Tuy nhiên không thể chủ quan, một số trường hợp có thể nghiêm trọng hơn hoặc thậm chí dẫn đến tử vong.
Thịt heo cần nấu chín ở nhiệt độ bao nhiêu để tiêu diệt ký sinh trùng?
Thịt heo cần được nấu chín ít nhất ở nhiệt độ là 77 độ C. Do đó, bạn không nên dùng thịt chưa chín hoặc còn nước đỏ trong thịt.
Nếu tôi nhiễm giun xoắn, tôi có lây bệnh cho người khác không?
Hiện tại chưa có ghi nhận bệnh lây truyền từ người này sang người khác. Người mắc bệnh là do ăn thức ăn chứa ấu trùng giun xoắn nhưng không được nấu chín kỹ. Ngoài ra, bạn không nên ăn tiết canh, hạn chế ăn thịt xông khói, hun khói.
Tôi nên làm gì nếu nghĩ mình mắc bệnh giun xoắn?
Nếu bạn đã ăn phải thịt sống hoặc thịt không đảm bảo chất lượng và sau đó xuất hiện các triệu chứng về tiêu hoá và đau cơ, bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín để được làm xét nghiệm cũng như được tư vấn chính xác hơn.
Nếu tôi ăn thịt không chất lượng cũng như thịt chưa nấu kỹ, tôi cần làm gì để phòng ngừa nhiễm giun xoắn?
Dự phòng sau phơi nhiễm bằng Mebendazole, nếu được dùng trong vòng 6 ngày kể từ khi phơi nhiễm có thể có hiệu quả. Tuy nhiên, bạn cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn và kê toa đúng nhất với tình trạng hiện tại của bạn.
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm giun xoắn
Việc chẩn đoán ban đầu có thể được thực hiện dựa trên các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng. Các cận lâm sàng có thể được sử dụng để hỗ trợ cho quá trình chẩn đoán như:
- Công thức máu toàn phần: Bạch cầu tăng và bạch cầu ái toan chiếm ưu thể.
- Xét nghiệm IgE huyết thanh tăng, creatine kinase, lactate dehydrogenase, aldolase và aminotransferase có thể tăng do ký sinh trùng xâm nhập vào cơ xương gây phá huỷ cơ. Tuy nhiên, chúng không đặc hiệu do có thể thấy trong các bệnh cảnh nhiễm ký sinh trùng khác.
- Xét nghiệm ELISA, IF gián tiếp và xét nghiệm ngưng latex đáng tin cậy hơn khi làm sau 3 tuần nhiễm ký sinh trùng.
- X-quang thường quy, CT scan để loại trừ các nguyên nhân gây rối loạn chức năng thần kinh khác.
- Điện tâm đồ (ECG): Cho thấy các đặc điểm của viêm màng ngoài tim, thiếu máu cục bộ hoặc viêm cơ tim.
- Phương pháp chẩn đoán xác định là sinh thiết cơ, độ nhạy cao nếu sinh thiết được thực hiện 4 tuần sau khi nhiễm ký sinh trùng.
![Ký sinh trùng giun xoắn (Trichinella spiralis): Triệu chứng, phương pháp điều trị và phòng ngừa hiện nay 6](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/giun_xoan_6_1d0467f6a8.jpg)
Điều trị nhiễm giun xoắn
Quá trình điều trị bệnh sẽ khác nhau giữa các cá nhân nhiễm bệnh, tuỳ thuộc vào mức độ nhiễm ấu trùng giun xoắn. Quá trình lâm sàng của bệnh giun xoắn thường tự giới hạn trong hầu hết các trường hợp và không có biến chứng.
- Đối với trường hợp nhiễm trùng nhẹ: Được điều trị triệu chứng bằng thuốc hạ sốt và thuốc chống viêm.
- Đối với trường hợp nhiễm giun xoắn có biến chứng toàn thân: Được điều trị bằng thuốc chống ký sinh trùng và corticosteroid. Trong đó, thuốc chống ký sinh trùng được dùng bao gồm Albendazole và Mebendazole. Những trường hợp nặng có thể cần dùng đồng thời với thuốc Prednisone.
Thuốc Albendazole và Mebendazole không được coi là an toàn ở phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 2 tuổi. Khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới là phụ nữ mang thai có thể dùng thuốc trị giun sán (Mebendazole, Albendazole, Pyrantel hoặc Levamisole) sau ba tháng đầu tiên.
Theo dõi bệnh nhân nội trú nếu có các biến chứng liên quan đến tim mạch, hệ thần kinh trung ương.
Dự phòng sau phơi nhiễm bằng Mebendazole nếu được dùng trong vòng 6 ngày kể từ khi phơi nhiễm có thể có hiệu quả.