Giãn tĩnh mạch thừng tinh là gì? Những vấn đề cần biết về giãn tĩnh mạch thừng tinh
Giãn tĩnh mạch thừng tinh (varicocele) là hiện tượng giãn tĩnh mạch bên trong bìu. Những tĩnh mạch này vận chuyển máu thiếu oxy từ tinh hoàn về tĩnh mạch chủ rồi về phổi tham gia hệ thống tuần phổi tạo máu giàu oxy. Giãn tĩnh mạch thừng tinh xảy ra khi máu dồn vào tĩnh mạch thay vì lưu thông hiệu quả ra khỏi bìu. Giãn tĩnh mạch thừng tinh thường hình thành ở tuổi dậy thì và phát triển theo thời gian. Chúng thường không gây ra triệu chứng hoặc biến chứng gì, nhưng đôi lúc cũng gây khó chịu thậm chí vô sinh.
Những triệu chứng của giãn tĩnh mạch thừng tinh
Giãn tĩnh mạch tinh thường xảy ra ở bìu bên trái (khoảng 90% trường hợp) và thường không có dấu hiệu hoặc triệu chứng gì ở giai đoạn đầu. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể xảy ra có thể bao gồm:
Đau tinh hoàn: Cảm giác đau nhức hoặc khó chịu âm ỉ thường xảy ra hơn khi đứng, nằm xuống thường giảm đau.
Một khối ở bìu: Nếu giãn tĩnh mạch tinh đủ lớn, có thể nhìn thấy một khối tĩnh mạch nổi giống như những con giun phía trên tinh hoàn. Nếu tĩnh mạch thừng tinh giãn ít hơn có thể khó để nhìn thấy nhưng cũng có thể nhận ra khi chạm vào.
Tinh hoàn có kích thước khác nhau: Tinh hoàn bị ảnh hưởng có thể nhỏ hơn đáng kể so với tinh hoàn còn lại.
Vô sinh: Giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể gây khó khăn cho việc sinh con, nhưng không phải tất cả các trường hợp mắc chứng giãn tĩnh mạch thừng tinh đều vô sinh. Giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể góp phần gây ra khoảng 40% tổng số trường hợp vô sinh ở nam giới. Cơ chế của việc này có thể do nhiệt độ bên trong bìu của bạn tăng lên khi máu tích tụ trong tĩnh mạch. Nhiệt độ cao hơn ảnh hưởng đến cả hai tinh hoàn có thể ảnh hưởng đến sản xuất tinh trùng và sự hoạt động bình thường của tinh trùng.
Tác động của giãn tĩnh mạch thừng tinh đối với sức khỏe
Hầu hết các trường hợp giãn tĩnh mạch thừng tinh không gây ra vấn đề gì và vô hại. Trong một số ít trường hợp giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể gây đau ảnh hưởng đến sinh hoạt hay khả năng sinh sản.
Biến chứng có thể gặp giãn tĩnh mạch thừng tinh
Tĩnh mạch thừng tinh giãn lớn có thể làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng bao gồm:
Suy sinh dục: Testosterone là hormone khởi tạo các đặc điểm nam giới ở tuổi dậy thì, tăng cường ham muốn tình dục và giúp xương và cơ chắc khỏe. Testosterone thấp có thể làm tinh hoàn nhỏ, giảm ham muốn tình dục, giảm khối lượng cơ bắp và gây trầm cảm.
Không có tinh trùng trong tinh dịch: Không có tinh trùng là một trong những nguyên nhân gây vô sinh nam.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn gặp phải bất kỳ vấn đề nào như đau, kích thước tinh hoàn 2 bên không đều hay khó có con sau nhiều năm kết hôn không dùng biện pháp tránh thai,… hãy đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán kịp thời và chính xác.
Những ai có nguy cơ mắc phải giãn tĩnh mạch thừng tinh?
Giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai có tinh hoàn ở mọi lứa tuổi. Một số trường hợp giãn thừng tinh được phát hiện ngay lúc sinh, một số khác được phát hiện lúc dậy thì. Các chuyên gia y tế nghi ngờ giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể liên quan đến tuổi dậy thì vì khi đó lưu lượng máu đến bộ phận sinh dục tăng lên.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh thường xảy ra chủ yếu ở bên trái của bìu. Điều này là do cơ thể nam giới được tổ chức cho lưu lượng máu ở bên bìu trái nhiều hơn, do đó giãn tĩnh mạch thừng tinh xảy ra thường xuyên hơn ở tinh hoàn bên trái so với bên phải. Mặc dù ít phổ biến hơn nhưng đôi khi chúng có thể xảy ra ở cả hai bên.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải giãn tĩnh mạch thừng tinh
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gồm: Tập luyện thể dục thể thao cường độ mạnh, mặc quần quá chật, đứng lâu,...
Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch thừng tinh
Nguyên nhân gây ra bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh không được khẳng định rõ ràng. Một số người nghĩ rằng do sự suy giảm chức năng van trong một số tĩnh mạch ở thừng tinh tương tự cơ chế gây nên giãn tĩnh mạch chi dưới. Khi van không hoạt động bình thường, máu có thể tích tụ bên trong các tĩnh mạch ở tinh và theo thời gian các tĩnh mạch giãn ra.
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến giãn tĩnh mạch thừng tinh
Chế độ sinh hoạt:
Không mặc quần quá chật, không đứng quá lâu, không quan hệ tình dục quá mạnh bạo,... giúp hạn chế diễn tiến xấu của bệnh
Chế độ dinh dưỡng:
Chế độ ăn giàu chất xơ và vitamin, hạn chế chất béo xấu giúp cơ thể khỏe mạnh.
Phương pháp phòng ngừa giãn tĩnh mạch thừng tinh
Các chuyên gia y tế không chắc chắn nguyên nhân gây ra chứng giãn tĩnh mạch tinh nên không chắc chắn làm thế nào có thể ngăn chặn chúng xảy ra.
Xem thêm:
- Giãn tĩnh mạch thừng tinh nên kiêng gì để kiểm soát bệnh?
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán giãn tĩnh mạch thừng tinh
Để chẩn đoán các bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử, khai thác thêm một số đặc điểm triệu chứng và thực hiện một số nghiệm pháp. Nghiệm pháp Valsalva được thực hiện như sau: Người nghi ngờ mắc bệnh đứng hít một hơi thật sâu, sau đó bịt mũi, miệng trong khi cố để đẩy không khí ra ngoài nghiệm pháp làm tăng áp lực lên tĩnh mạch và bác sĩ có thể xác định xem tĩnh mạch thừng tinh có giãn không.
Các bác sĩ cũng có thể yêu cầu các xét nghiệm để xác nhận chẩn đoán:
- Siêu âm vùng chậu: Siêu âm vùng chậu là một cận lâm sàng hình ảnh không xâm lấn giúp bác sĩ có thể biết các thông tin chi tiết về các tĩnh mạch trong tinh hoàn.
- Phân tích tinh dịch đồ: Phân tích tinh dịch giúp tìm kiếm sự hiện diện của những tinh trùng khỏe mạnh có khả năng tham gia thụ tinh và đánh giá nguy cơ vô sinh của người mắc bệnh.
- Xét nghiệm máu: Cần kiểm tra nồng độ hormone sinh dục như testosterone vì hoocmon ảnh hưởng đến nguy cơ vô sinh của bạn.
Sau khi xác nhận có giãn tĩnh mạch thừng tinh, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ nghiêm trọng của nó.
Phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh
Điều trị Varicocele phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của varicocele của bạn. Đối với varicocele mức độ thấp, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể đề xuất các lựa chọn điều trị tại nhà, bao gồm:
- Không điều trị: Bạn có thể không cần điều trị nếu giãn tĩnh mạch thừng tinh không làm gây khó chịu gì hoặc ảnh hưởng về sinh sản.
- Thay đổi thói quen hàng ngày: Bạn có thể cần tránh một số hoạt động gây khó chịu như đi đứng lâu, mặc quần lót co giãn tốt trong khi tập thể dục hoặc đứng trong thời gian dài có thể làm giảm các triệu chứng.
- Chườm lạnh: Chườm túi lạnh vào bìu có thể giúp giảm sưng đau và khó chịu. Đừng chườm đá trực tiếp lên da hoặc chườm quá 15 phút mỗi lần vì có thể tổn thương bìu.
- Thuốc: Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như naproxen, ibuprofen,… có thể giúp giảm sưng đau ở bìu hoặc tinh hoàn.
- Phẫu thuật: Phẫu thuật cắt bỏ tĩnh mạch thừng tinh bị giãn là một thủ thuật phẫu thuật điều trị các chứng giãn tĩnh mạch thừng tinh nghiêm trọng gây đau đớn hoặc ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.