Giãn tĩnh mạch thực quản là gì? Nguyên nhân gây bệnh và phương pháp điều trị
Giãn tĩnh mạch thực quản thường gặp ở đoạn xa tĩnh mạch thực quản do tăng áp lực tĩnh mạch cửa, thường thấy trong xơ gan. Chúng có thể gây chảy máu số lượng rất nhiều nhưng không gây ra các triệu chứng khác. Chẩn đoán qua nội soi thực quản – dạ dày. Điều trị chủ yếu bằng thắt vòng cao su và tiêm tĩnh mạch octreotide. Đôi khi cần phải thực hiện phẫu thuật nối thông 2 hệ tĩnh mạch cửa.
Những dấu hiệu và triệu chứng của giãn tĩnh mạch thực quản
Giãn tĩnh mạch thực quản thường không gây ra các dấu hiệu và triệu chứng trừ khi xuất huyết, bao gồm:
- Nôn ra nhiều máu;
- Phân đen, đen hoặc phân có máu;
- Cảm giác lâng lâng;
- Mất ý thức trong trường hợp nghiêm trọng.
Bác sĩ có thể nghi ngờ giãn tĩnh mạch thực quản nếu bệnh nhân có dấu hiệu của bệnh gan, như:
- Vàng da, vàng mắt;
- Dễ chảy máu hoặc bầm tím;
- Tích tụ chất lỏng trong bụng (cổ trướng).
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh giãn tĩnh mạch thực quản
Biến chứng nghiêm trọng nhất của giãn tĩnh mạch thực quản là xuất huyết. Khi đã từng bị đợt xuất huyết, nguy cơ tái phát sẽ tăng lên rất nhiều. Nếu mất quá nhiều máu, bệnh nhân có thể bị sốc, dẫn đến tử vong.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
![Giãn tĩnh mạch thực quản là gì? Nguyên nhân gây bệnh và phương pháp điều trị 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/gian_tinh_mach_thuc_quan_1_9c81227063.png)
Những ai có nguy cơ mắc phải giãn tĩnh mạch thực quản?
Bệnh nhân đã hoặc đang mắc các bệnh lý gan tiến triển có nguy cơ cao bị giãn tĩnh mạch thực quản.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải giãn tĩnh mạch thực quản
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Giãn tĩnh mạch thực quản, bao gồm:
- Áp lực tĩnh mạch cửa cao: Nguy cơ chảy máu tăng khi áp lực trong tĩnh mạch cửa tăng lên (tăng áp lực tĩnh mạch cửa).
- Giãn tĩnh mạch: Các tĩnh mạch thực quản càng bị giãn thì khả năng xuất huyết càng cao.
- Vết đỏ trên các tĩnh mạch giãn: Khi quan sát bằng nội soi thực quản, có thể thấy những vệt màu đỏ dài trên một số tĩnh mạch thực quản bị giãn. Những vết này cho thấy nguy cơ chảy máu cao.
- Xơ gan hoặc suy gan nặng: Thông thường, bệnh gan càng nặng thì càng có nhiều khả năng xuất huyết tĩnh mạch thực quản.
- Tiếp tục sử dụng rượu: Nguy cơ chảy máu tĩnh mạch cao hơn nhiều tiếp tục uống rượu so với khi dừng lại, đặc biệt nếu bệnh liên quan đến rượu.
![Giãn tĩnh mạch thực quản là gì? Nguyên nhân gây bệnh và phương pháp điều trị 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/gian_tinh_mach_thuc_quan_2_fb15d2a4df.png)
Nguyên nhân dẫn đến giãn tĩnh mạch thực quản
Giãn tĩnh mạch thực quản đôi khi do dòng máu đến gan bị tắc nghẽn, thường là do mô sẹo ở gan trong bệnh gan gây ra. Lưu lượng máu bắt đầu chảy ngược, làm tăng áp lực trong tĩnh mạch lớn (tĩnh mạch cửa) mang máu đến gan.
Sự gia tăng áp lực này (tăng áp lực tĩnh mạch cửa) buộc máu phải đi qua các con đường khác qua là tĩnh mạch nhỏ hơn, như tĩnh mạch ở phần thấp nhất của thực quản. Những tĩnh mạch có thành mỏng này căng phồng do lượng máu dồn về tăng lên, có thể dẫn đến bị vỡ và chảy máu.
Nguyên nhân của giãn tĩnh mạch thực quản bao gồm:
- Sẹo gan nặng (xơ gan): Một số bệnh gan - bao gồm viêm gan do virus, bệnh gan do rượu, gan nhiễm mỡ và rối loạn ống mật được gọi là xơ gan mật nguyên phát - có thể dẫn đến xơ gan.
- Cục máu đông (huyết khối): Cục máu đông trong tĩnh mạch cửa hoặc trong tĩnh mạch cấp vào tĩnh mạch cửa (tĩnh mạch lách) có thể gây ra giãn tĩnh mạch thực quản.
- Nhiễm ký sinh trùng: Sán máng là một bệnh nhiễm ký sinh trùng được tìm thấy ở các vùng của Châu Phi, Nam Mỹ, Caribe, Trung Đông và Đông Á. Ký sinh trùng có thể làm hỏng gan, cũng như phổi, ruột, bàng quang và các cơ quan khác.
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của giãn tĩnh mạch thực quản
Chế độ sinh hoạt:
Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Bệnh nhân cần lạc quan: Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.
Không được uống rượu: Điều này sẽ giúp ngăn ngừa tổn thương nhiều hơn cho thực quản và gan. Tham khảo ý kiến bác sĩ về các phương pháp cai rượu.
Uống nước theo chỉ dẫn: Uống quá nhiều nước có thể làm tăng áp lực trong tĩnh mạch. Hỏi bác sĩ nên uống bao nhiêu nước mỗi ngày và loại nước nào là tốt nhất.
Chế độ dinh dưỡng:
Ăn đồ ăn có lợi cho sức khỏe: Thực phẩm lành mạnh bao gồm trái cây, rau, bánh mì nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo, đậu, thịt nạc và cá. Có thể cần ăn các loại thực phẩm làm giảm acid trong dạ dày. Axit trong dạ dày xâm nhập vào thực quản và khiến các tĩnh mạch giãn nở gây chảy máu.
Hạn chế natri (muối): Cần giảm lượng natri ăn vào nếu bị phù do tích nước. Sự tích tụ dịch có thể làm tăng áp lực trong tĩnh mạch, natri có trong muối ăn và thức ăn mặn như đồ hộp, đồ đông lạnh và khoai tây chiên.
![Giãn tĩnh mạch thực quản là gì? Nguyên nhân gây bệnh và phương pháp điều trị 5](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/gian_tinh_mach_thuc_quan_5_32c056de58.png)
Phương pháp phòng ngừa giãn tĩnh mạch thực quản hiệu quả
Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
Hiện nay, không có phương pháp điều trị nào có thể ngăn chặn sự phát triển của giãn tĩnh mạch thực quản ở những người bị xơ gan. Mặc dù các loại thuốc chẹn beta có hiệu quả trong việc ngăn ngừa chảy máu ở nhiều người bị giãn tĩnh mạch thực quản, nhưng chúng không ngăn được sự hình thành của giãn tĩnh mạch thực quản.
Nếu đã được chẩn đoán mắc bệnh gan, hãy hỏi bác sĩ về các chiến lược để tránh các biến chứng bệnh gan. Để giữ cho gan khỏe mạnh:
Đừng uống rượu: Những người bị bệnh gan thường được khuyên ngừng uống rượu, vì gan xử lý rượu. Uống rượu có thể gây căng thẳng cho lá gan vốn đã dễ bị tổn thương.
Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh: Chọn một chế độ ăn uống dựa trên thực vật với nhiều trái cây và rau quả. Chọn ngũ cốc nguyên hạt và các nguồn protein nạc. Giảm lượng thức ăn chứa nhiều chất béo bão hoà.
Duy trì cân nặng hợp lý: Một lượng chất béo dư thừa trong cơ thể có thể làm hỏng gan. Béo phì có liên quan đến nguy cơ biến chứng xơ gan cao hơn. Giảm cân nếu bị béo phì hoặc thừa cân.
Sử dụng hóa chất hạn chế và cẩn thận: Thực hiện theo các hướng dẫn về hóa chất gia dụng, chẳng hạn như vật dụng làm sạch và thuốc xịt côn trùng. Nếu làm việc với hóa chất, hãy tuân theo tất cả các biện pháp phòng ngừa an toàn. Gan loại bỏ chất độc khỏi cơ thể, vì vậy hãy cho gan nghỉ ngơi bằng cách hạn chế lượng chất độc mà nó phải xử lý.
Giảm nguy cơ mắc bệnh viêm gan: Dùng chung kim tiêm và quan hệ tình dục không an toàn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm gan B và C. Hãy tự bảo vệ mình bằng cách kiêng quan hệ tình dục hoặc sử dụng bao cao su. Đi xét nghiệm xem có bị nhiễm viêm gan A, B và C, vì nhiễm siêu vi có thể làm cho bệnh gan trở nên trầm trọng hơn. Đồng thời hỏi bác sĩ xem có nên tiêm phòng viêm gan A và viêm gan B hay không.
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán giãn tĩnh mạch thực quản
Nếu bệnh nhân bị xơ gan, bác sĩ nên khám sàng lọc giãn tĩnh mạch thực quản. Tần suất thực hiện xét nghiệm sàng lọc tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Các xét nghiệm chính được sử dụng để chẩn đoán giãn tĩnh mạch thực quản là:
Nội soi
Là phương pháp thường được chỉ định để sàng lọc giãn tĩnh mạch thực quản. Bác sĩ đưa một ống nội soi mỏng, linh hoạt, có đèn soi qua miệng, vào thực quản, dạ dày, phần đầu của ruột non (tá tràng); tìm các tĩnh mạch bị giãn, đo kích thước (nếu có); kiểm tra các vệt đỏ và đốm đỏ, thường là dấu hiệu cho thấy nguy cơ chảy máu cao. Có thể thực hiện các thủ thuật điều trị trong khi nội soi.
Hình ảnh học
Chụp CT bụng và siêu âm Doppler của lách và tĩnh mạch cửa đều có thể gợi ý sự hiện diện của giãn tĩnh mạch thực quản. Siêu âm đánh giá độ đàn hồi nhu mô gan để đo sẹo trong gan có thể giúp bác sĩ xác định bệnh nhân có bị tăng áp lực tĩnh mạch cửa hay không, dẫn đến giãn tĩnh mạch thực quản.
Nội soi bằng viên nang
Bệnh nhân nuốt một viên nang có kích thước bằng viên vitamin chứa một camera nhỏ, camera này sẽ chụp ảnh thực quản khi nó đi qua đường tiêu hóa. Đây là một lựa chọn cho những người không thể hoặc không muốn nội soi thông thường. Công nghệ này đắt hơn nội soi thông thường và không có sẵn. Nội soi bằng viên nang chỉ giúp tìm ra vị trí giãn tĩnh mạch nhưng không kết hợp điều trị được.
Xét nghiệm
Vì giãn tĩnh mạch thường đi kèm với bệnh lý về gan nên cần đánh giá tình trạng đông máu. Xét nghiệm bao gồm công thức máu toàn bộ (CBC) với tiểu cầu, thời gian prothrombin (PT), thời gian thromboplastin (PTT) và xét nghiệm men gan. Bệnh nhân đang chảy máu cần xét nghiệm nhóm máu và chéo máu cho 6 đơn vị khối hồng cầu.
![Giãn tĩnh mạch thực quản là gì? Nguyên nhân gây bệnh và phương pháp điều trị 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/gian_tinh_mach_thuc_quan_3_11fd24beb3.png)
Phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch thực quản hiệu quả
Mục đích chính trong điều trị giãn tĩnh mạch thực quản là ngăn ngừa chảy máu đây là tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Nếu xảy ra xuất huyết, cần cố gắng cầm máu bằng các phương pháp có sẵn.
Ngăn ngừa xuất huyết
Các phương pháp điều trị để giảm áp lực trong tĩnh mạch cửa có thể làm giảm nguy cơ chảy máu tĩnh mạch thực quản, bao gồm:
- Thuốc giảm áp lực trong tĩnh mạch cửa: Thuốc chẹn beta có thể giúp giảm huyết áp trong tĩnh mạch cửa, giảm khả năng chảy máu như propranolol và nadolol.
- Thắt tĩnh mạch có nguy cơ xuất huyết bằng vòng cao su: Nếu giãn tĩnh mạch thực quản có nguy cơ chảy máu cao hoặc nếu đã từng bị chảy máu do giãn tĩnh mạch thực quản trước đó, bác sĩ thực hiện thủ thuật thắt tĩnh mạch qua nội soi. Thủ thuật này có nguy cơ biến chứng nhỏ, như chảy máu và sẹo thực quản.
Điều trị xuất huyết
Chảy máu giãn tĩnh mạch thực quản đe dọa đến tính mạng cần được điều trị ngay lập tức. Các phương pháp điều trị được sử dụng để cầm máu và đảo ngược hậu quả mất máu bao gồm:
Thắt tĩnh mạch đang xuất huyết bằng vòng cao su:
Bác sĩ quấn vòng cao su quanh các tĩnh mạch thực quản trong quá trình nội soi.
Thuốc làm chậm lưu lượng máu vào tĩnh mạch cửa:
Octreotide và vasopressin (thuốc co mạch) làm chậm dòng chảy của máu đến tĩnh mạch cửa. Tiếp tục dùng thuốc cho đến năm ngày sau một đợt xuất huyết.
Chuyển hướng dòng máu ra khỏi tĩnh mạch cửa:
Nếu các phương pháp điều trị bằng thuốc và nội soi không cầm máu được, bác sĩ thực hiện thủ thuật tạo đường thông cửa chủ trong gan qua tĩnh mạch cảnh (TIPS).
Shunt là một lỗ mở được tạo ra giữa tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch gan, mang máu từ gan đến tim. Shunt làm giảm áp lực trong tĩnh mạch cửa và thường làm ngừng chảy máu do giãn tĩnh mạch thực quản.
Phương pháp TIPS có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm suy gan và rối loạn tâm thần, phát triển khi các chất độc mà gan thường lọc được truyền trực tiếp qua shunt vào máu.
TIPS chủ yếu được sử dụng khi tất cả các phương pháp điều trị khác không thành công hoặc như một biện pháp tạm thời ở những người đang chờ ghép gan.
Tạo áp lực lên tĩnh mạch bị giãn để cầm máu:
Nếu các phương pháp điều trị bằng thuốc và nội soi không hiệu quả, bác sĩ cố gắng cầm máu bằng cách tạo áp lực lên các tĩnh mạch thực quản. Thủ thuật chèn ép bằng bóng là làm phồng một quả bóng để tạo áp lực lên các tĩnh mạch thực quản trong tối đa 24 giờ. Đây chỉ là một biện pháp tạm thời trước khi thực hiện các phương pháp điều trị khác, như TIPS .
Thủ thuật này có nguy cơ tái phát chảy máu cao sau khi bóng bị xì hơi. Chèn ép bóng cũng gây ra các biến chứng nghiêm trọng, như vỡ thực quản, có thể dẫn đến tử vong.
Phục hồi lượng máu:
Bệnh nhân được truyền máu để thay thế lượng máu đã mất và yếu tố đông máu để cầm máu.
Ngăn ngừa nhiễm trùng:
Tăng nguy cơ nhiễm trùng khi chảy máu, vì vậy bác sĩ chỉ định thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Thay thế lá gan bị bệnh bằng lá gan khỏe mạnh:
Ghép gan là một lựa chọn cho những người bị bệnh gan nặng hoặc những người bị chảy máu tĩnh mạch thực quản tái phát. Mặc dù việc ghép gan thường thành công, nhưng số người đang chờ được cấy ghép đông hơn rất nhiều so với số nội tạng sẵn có.
Điều trị tái xuất huyết
Có nhiều nguy cơ tái xuất huyết ở những người đã từng bị chảy máu do giãn tĩnh mạch thực quản. Thuốc chẹn beta và thắt tĩnh mạch nội soi là những phương pháp điều trị được khuyến nghị để giúp ngăn ngừa tái xuất huyết.
Sau khi điều trị bằng ban đầu, bác sĩ sẽ lặp lại nội soi trên đều đặn và thắt nhiều vị trí hơn nếu cần thiết cho đến khi các tĩnh mạch thực quản biến mất hoặc đủ nhỏ để giảm nguy cơ tái xuất huyết.
![gian-tinh-mach-thuc-quan-4.png](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/gian_tinh_mach_thuc_quan_4_c0d1f95528.png)
Điều trị nguy cơ
Liệu pháp khẩn cấp đang được thử nghiệm để cầm máu do giãn tĩnh mạch thực quản là phun bột kết dính. Bột cầm máu được đưa qua ống thông trong quá trình nội soi. Khi xịt vào thực quản, bột dính vào các tĩnh mạch và giúp cầm máu.
Khi tất cả các biện pháp khác không thành công, có thể sử dụng stent kim loại tự giãn nở (SEMS). SEMS có thể được đặt vào khi nội soi và cầm máu bằng cách tạo áp lực lên các tĩnh mạch thực quản đang chảy máu.
Tuy nhiên, SEMS có thể làm hỏng mô và di chuyển sau khi được đặt. Nên loại bỏ STENT trong vòng bảy ngày và chảy máu có thể tái phát. Đây vẫn còn là thử nghiệm và chưa có sẵn rộng rãi.