Đau tai: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị


Đau tai là một trong những triệu chứng phổ biến nhất khiến bố mẹ đưa con mình đến gặp bác sĩ để tìm nguyên nhân và điều trị tình trạng này. Đau tai có thể là triệu chứng của nhiễm trùng tai hoặc là dấu hiệu của một tình trạng bệnh tiềm ẩn. Đau tai nguyên phát phổ biến hơn ở trẻ em, trong khi đau tai thứ phát phổ biến hơn ở người lớn. Phương pháp điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân.

Những dấu hiệu và triệu chứng của đau tai

Một số triệu chứng cần phải lưu ý bao gồm:

  • Đau nhói trong tai;
  • Sốt cao;
  • Giảm hoặc mất thính lực;
  • Chảy dịch tai;
  • Quấy khóc nhiều hơn (ở trẻ em);
  • Cảm giác nặng tai;
  • Mệt mỏi.
Đau tai: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 1
Đau nhói trong tai là dấu hiệu của bệnh đau tai

Biến chứng của đau tai

Tùy thuộc vào nguyên nhân của đau tai sẽ có thể dẫn đến các biến chứng khác nhau. Nếu đau tai nguyên phát, đặc biệt do nhiễm trùng tai có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng tại tai như:

  • Suy giảm thính lực: Giảm thính lực nhẹ là tình trạng khá phổ biến khi bị nhiễm trùng tai, nhưng thường sẽ cải thiện sau khi hết nhiễm trùng. Nhiễm trùng tái đi tái lại hoặc có dịch trong tai giữa cũng có thể dẫn đến giảm thính lực đáng kể hơn. Nếu có tổn thương vĩnh viễn ở màng nhĩ hoặc các cấu trúc tai giữa khác, có thể bị mất thính lực vĩnh viễn.
  • Chậm nói hoặc chậm phát triển: Nếu thính lực bị suy giảm tạm thời hoặc vĩnh viễn ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi, trẻ có thể bị chậm nói, chậm phát triển kỹ năng xã hội và phát triển trí tuệ.
  • Nhiễm trùng lây lan sang các bộ phận khác: Nhiễm trùng không được điều trị hoặc nhiễm trùng không đáp ứng tốt với điều trị có thể lan sang các cơ quan lân cận. Nhiễm trùng xương chũm - phần xương nhô ra phía sau tai, được gọi là viêm tai xương chũm. Nhiễm trùng này có thể dẫn đến tổn thương xương và hình thành các nang chứa đầy mủ. Đôi khi, nhiễm trùng tai giữa nghiêm trọng lan sang các bộ phận khác trong hộp sọ, bao gồm não hoặc màng não.
  • Thủng màng nhĩ: Hầu hết các vết rách màng nhĩ sẽ lành trong vòng 72 giờ. Trong một số trường hợp, thủng màng nhĩ lớn cần phải phẫu thuật để sửa chữa.
Đau tai: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 2
Thủng màng nhĩ

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn nếu:

  • Con bạn bị sốt cao, đau dữ dội hoặc có vẻ ốm hơn bình thường khi bị nhiễm trùng tai.
  • Con bạn có các triệu chứng mới như chóng mặt, đau đầu, sưng quanh tai hoặc yếu cơ mặt.
  • Cơn đau dữ dội đột nhiên dừng lại (đây có thể là dấu hiệu của tình trạng thủng màng nhĩ).
  • Các triệu chứng (đau, sốt hoặc khó chịu) trở nên trầm trọng hơn hoặc không cải thiện trong vòng 24 đến 48 giờ.

Những ai có nguy cơ mắc phải đau tai?

Hầu như bất kỳ ai cũng có thể bị đau tai. Tuy nhiên, trẻ nhỏ có nhiều khả năng bị đau tai hơn trẻ lớn và người lớn. Một nghiên cứu cho thấy rằng đến sinh nhật thứ ba, 80% trẻ em sẽ bị nhiễm trùng tai giữa (viêm tai giữa cấp tính).

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải đau tai

Một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng đau tai:

  • Đi nhà trẻ: Trẻ em được chăm sóc theo nhóm có nhiều khả năng bị cảm cúm và nhiễm trùng tai hơn những trẻ không đi nhà trẻ. Trẻ em học tại các nhà trẻ dễ mắc các bệnh lây nhiễm hơn.
  • Cho trẻ bú bình: Trẻ bú bình, đặc biệt là khi nằm, có xu hướng bị nhiễm trùng tai nhiều hơn so với trẻ bú mẹ, vì sặc sữa có thể gây bít tắc vòi nhĩ.
  • Yếu tố theo mùa: Nhiễm trùng tai thường gặp nhất vào mùa thu và mùa đông. Những người bị dị ứng theo mùa có thể có nguy cơ nhiễm trùng tai cao hơn khi lượng phấn hoa cao.
  • Chất lượng không khí kém: Tiếp xúc với khói thuốc lá hoặc mức độ ô nhiễm không khí cao có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tai.
  • Hở vòm miệng: Sự khác biệt về cấu trúc xương và cơ ở trẻ em bị hở vòm miệng có thể khiến vòi nhĩ khó dẫn lưu hơn.
Đau tai: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 4
Ô nhiễm không khí

Nguyên nhân dẫn đến đau tai

Vòi nhĩ chạy từ tai giữa của mỗi bên tai đến thành sau họng. Vòi nhĩ giúp dẫn lưu chất lỏng được tạo ra ở tai giữa. Nếu vòi nhĩ bị tắc, chất lỏng có thể tích tụ. Điều này có thể dẫn đến áp lực phía sau màng nhĩ hoặc nhiễm trùng tai.

Đau tai ở người lớn ít có khả năng do nhiễm trùng tai. Cơn đau mà bạn cảm thấy ở tai có thể đến từ một bộ phận khác trên cơ thể, chẳng hạn như răng, khớp thái dương hàm hoặc họng. Đây được gọi là đau xuất chiếu.

Nguyên nhân chính phổ biến gây đau tai có thể bao gồm:

  • Viêm tai ngoài: Nhiễm trùng ống tai ngoài có thể do vi khuẩn hoặc vi nấm, thường được gọi là bệnh tai của người bơi lội vì đối tượng này hay mắc viêm ống tai ngoài do thường xuyên tiếp xúc trong nước hồ bơi. Hoặc cũng có thể do kích ứng ống tai do ngoáy tai bằng tăm bông, xà phòng hoặc dầu gội còn trong tai sau khi tắm.
  • Viêm tai giữa: Nhiễm trùng tai giữa thường xảy ra khi trẻ em bị nhiễm trùng đường hô hấp trên gây tắc nghẽn và sưng vòi nhĩ. Nếu trẻ rất nhỏ thường hay kéo tai, đó có thể là dấu hiệu trẻ bị nhiễm trùng tai.
  • Viêm tai trong: Các triệu chứng bao gồm chóng mặt, mất thính lực, buồn nôn, nôn và chuyển động mắt nhanh không tự chủ.
  • Chấn thương tai do thay đổi áp suất: Tai bạn bắt đầu bị đau hoặc cảm thấy đầy khi bạn đi trên máy bay hoặc lặn biển. Chấn thương do áp suất có thể gây thủng màng nhĩ.
  • Dị vật kẹt trong tai hoặc ráy tai tích tụ: Tai bạn bị đau và không thể nghe rõ. Trẻ nhỏ thường tò mò sau đó nhét những vật nhỏ như thức ăn, sỏi, đồ chơi hoặc các loại hạt vào tai.
  • Rối loạn chức năng vòi nhĩ: Tai bạn bị đau hoặc cảm thấy đầy. Bạn có thể bị ù tai hoặc nghe thấy tiếng nổ lách tách trong tai.
  • Lỗ thủng ở màng nhĩ.

Nguyên nhân thứ phát phổ biến gây đau tai có thể bao gồm:

  • Viêm amidan hoặc viêm họng: Bạn hoặc con bạn bị đau họng cấp tính hoặc mạn tính.
  • Hội chứng khớp thái dương hàm (TMJ): Tai của bạn bị đau khi bạn mở miệng, nhai thức ăn hoặc ngáp.
  • Viêm xoang: Mủ và dịch viêm xoang theo vòi nhĩ vào tai giữa, gây bít tắc và viêm tai giữa.
  • Nhiễm trùng răng: Sâu răng hoặc áp xe răng có thể gây đau lan lên tai.
  • Trào ngược dạ dày thực quản.
Đau tai: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 3
Viêm tai ngoài

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của đau tai

Chế độ sinh hoạt:

  • Giữ tai khô và sạch: Tránh nước hoặc các chất lỏng chảy vào tai, đặc biệt sau khi bơi hoặc tắm. Thấm khô tai khi tiếp xúc với nước để ngăn ngừa nhiễm trùng.
  • Không ngoáy tai bằng vật cứng: Việc sử dụng tăm bông hoặc các vật sắc nhọn để ngoáy tai có thể làm tổn thương da ống tai và gây nhiễm trùng tai ngoài.
  • Tránh tiếp xúc với tiếng ồn lớn: Tiếng ồn lớn hoặc kéo dài có thể gây hại cho tai, làm nặng thêm tình trạng đau tai hoặc gây mất thính lực. Sử dụng nút tai hoặc tai nghe cách âm khi cần.
  • Bảo vệ tai khi thời tiết lạnh: Không khí lạnh có thể làm tai dễ bị đau hơn, vì vậy hãy giữ ấm tai bằng cách đeo mũ hoặc băng đô trùm tai để bảo vệ tai.
  • Duy trì lối sống lành mạnh: Hạn chế hút thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc, vì điều này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tai và làm tình trạng bệnh tồi tệ hơn.
  • Đi khám bác sĩ định kỳ: Nếu bạn có tiền sử bị đau tai hoặc nhiễm trùng tai, hãy đi khám định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe và nhận được sự chăm sóc kịp thời từ bác sĩ.
  • Thận trọng khi sử dụng tai nghe: Không nên nghe nhạc quá to hoặc sử dụng tai nghe trong thời gian dài để tránh gây áp lực lên tai.
Đau tai: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 7
Giữ ấm tai

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị và phục hồi khi bị đau tai, đặc biệt là giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm viêm và ngăn ngừa nhiễm trùng.

  • Thực phẩm giàu vitamin C: Vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch và chống lại các vi khuẩn, virus gây nhiễm trùng tai. Các loại thực phẩm như cam, quýt, kiwi, dâu tây, ớt chuông, rau cải xanh, súp lơ,... giàu vitamin C.
  • Thực phẩm giàu vitamin A: Vitamin A giúp tăng cường chức năng niêm mạc và bảo vệ cơ thể khỏi các vi khuẩn gây viêm tai. Các loại thực phẩm như cà rốt, bí đỏ, khoai lang, rau bina, gan động vật,... giàu vitamin A.
  • Thực phẩm giàu kẽm: Kẽm giúp tăng cường sức đề kháng và thúc đẩy quá trình lành vết thương. Các loại thực phẩm như hàu, thịt gà, thịt bò, các loại hạt như hạt bí, hạt hướng dương, đậu lăng,... giàu kẽm.
  • Thực phẩm giàu magie: Magie giúp thư giãn cơ bắp và mạch máu, có thể giúp giảm đau và viêm trong tai. Các loại thực phẩm như rau lá xanh, hạt chia, hạt lanh, quả hạnh nhân, đậu xanh,... giàu magie.
  • Omega-3 và chất béo tốt: Omega-3 có tác dụng chống viêm, giúp giảm sưng và viêm trong tai. Cá hồi, cá thu, cá ngừ, hạt lanh, hạt chia, quả óc chó là những thực phẩm giàu chất béo tốt.
  • Uống đủ nước: Nước giúp làm loãng chất nhầy, giúp giảm viêm và đau trong tai.

Ngoài ra, cần tránh các thực phẩm như:

  • Đồ ăn chứa nhiều đường: Đường có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và tăng viêm.
  • Thực phẩm chế biến sẵn: Đồ ăn nhanh, thực phẩm nhiều chất béo xấu và dầu mỡ không lành mạnh có thể gây viêm.
  • Sản phẩm từ sữa: Một số người có thể thấy sữa làm tăng lượng chất nhầy, làm bệnh đau tai nặng hơn.

Phòng ngừa đau tai

Để ngăn ngừa đau tai xảy ra, bạn có thể áp dụng một số phương pháp sau đây:

  • Bảo vệ tai khi đi máy bay để tránh chấn thương do thay đổi áp suất;
  • Làm khô tai sau khi tắm hoặc đi bơi;
  • Vệ sinh tai cẩn thận, không dùng tăm bông để ngoáy tai, tránh ấn sâu ráy tai vào trong ống tai;
  • Tránh xa khói thuốc lá;
  • Giảm nguy cơ nhiễm trùng hô hấp trên bằng cách rửa tay bằng xà phòng, bỏ thói quen chạm tay vào mắt, mũi, miệng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh đang có nhiễm trùng hô hấp trên.

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm đau tai

Bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng sẽ tiến hành khám lâm sàng, kết hợp với nội soi tai để đánh giá vị trí tổn thương gây đau tai, mức độ nặng của tổn thương ấy, hoặc bác sĩ khám tổng trạng để tìm kiếm các vấn đề tiềm ẩn gây đau tai thứ phát.

Các cận lâm sàng khác có thể được chỉ định để tìm nguyên nhân đau tai thứ phát như:

  • Nội soi họng;
  • Nội soi thực quản - dạ dày;
  • Chụp X quang xoang;
  • Chụp X quang khớp thái dương hàm.
Đau tai: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 5
Nội soi tai

Điều trị đau tai

Các bác sĩ sẽ tập trung vào việc tìm ra và điều trị nguyên nhân cơ bản gây đau tai.

Nếu đau tai do bị nhiễm trùng tai, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc giảm đau không kê đơn để giảm đau tai. Một số thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol hoặc ibuprofen có thể giúp giảm đau tai cho cả trẻ em và người lớn. Nhiễm trùng tai giữa thường tự khỏi trong vòng 7 ngày và thường không cần dùng kháng sinh. Tuy nhiên, bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh nếu:

  • Nhiễm trùng tai không thuyên giảm triệu chứng sau 3 ngày;
  • Có dịch chảy ra từ tai.

Tương tự như trên, nếu đau họng gây đau tai, bác sĩ sẽ điều trị đau họng cho bạn, tùy vào đau họng do nguyên nhân gì.

Nếu đau tai do ráy tai tích tụ, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc làm mềm ráy tai, hoặc nếu ráy tai tạo thành nút to, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi lấy ráy tai.

Đau tai: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 6
Kháng sinh điều trị nhiễm trùng tai



Chat with Zalo