Đậu mùa: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Bệnh đậu mùa, một bệnh truyền nhiễm cực kỳ dễ lây, được gây ra bởi virus đậu mùa thuộc nhóm orthopoxvirus. Đây là một trong những căn bệnh tàn khốc nhất mà nhân loại biết đến, gây ra hàng triệu ca tử vong và đã tồn tại ít nhất 3000 năm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra một kế hoạch tăng cường nhằm loại trừ bệnh đậu mùa và đến năm 1980, WHO tuyên bố đã loại trừ bệnh đậu mùa.
Những dấu hiệu và triệu chứng của đậu mùa
Các triệu chứng của bệnh đậu mùa có nhiều giai đoạn và bao gồm:
- Sốt cao 40 độ C;
- Đau đầu dữ dội;
- Đau lưng;
- Đau bụng;
- Mệt mỏi và suy nhược cơ thể;
- Nôn mửa;
- Phát ban;
- Mụn mủ cứng hình thành từ ban, sau đó đóng vảy và hình thành sẹo lõm.
Các triệu chứng như sốt, nhức đầu và mệt mỏi xuất hiện đầu tiên. Chúng kéo dài từ 2 - 4 ngày, mặc dù cơn sốt có thể liên tục hoặc tái lại sau khi phát ban.
Phát ban đặc trưng của đậu mùa bắt đầu ở miệng rồi lan hết mặt và nhanh chóng bao phủ hầu hết cơ thể. Trong loại bệnh đậu mùa phổ biến nhất (bệnh đậu mùa thông thường), phát ban trải qua nhiều giai đoạn:
- Phát ban sớm: Sau các triệu chứng ban đầu, phát ban sẽ phát triển trên lưỡi, bên trong miệng và cổ họng. Những đốm ban đỏ trong miệng của bạn trở thành vết loét và vỡ ra.
- Phát ban lan rộng: Phát ban lan đến mặt và sau đó là tay, chân và thân mình. Trong khoảng một ngày, nó lây lan khắp cơ thể, bao gồm cả lòng bàn tay và lòng bàn chân.
- Phát ban mủ và vảy: Các vết sưng tấy biến thành mụn mủ cứng, tròn. Trong 10 ngày tiếp theo, các mụn mủ này sẽ đóng vảy.
- Khoảng một tuần sau, vảy sẽ bong ra, để lại sẹo lõm.
![Đậu mùa: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/dau_mua_1_8ba93d2a9d.png)
Các biến thể của bệnh đậu mùa gây ra các triệu chứng hơi khác nhau:
- Bệnh đậu mùa thông thường: Bệnh đậu mùa thông thường là loại bệnh đậu mùa phổ biến nhất và gây ra các triệu chứng được mô tả ở trên. Nó gây ra khoảng 85% trường hợp. Khoảng 1 trong 3 người mắc bệnh đậu mùa thông thường đã chết.
- Bệnh đậu mùa có biến đổi dạng: Những người đã được chủng ngừa đôi khi mắc dạng đậu mùa có biến đổi loại. Các triệu chứng tương tự bệnh đậu mùa thông thường nhưng phát ban ít nghiêm trọng hơn và không kéo dài. Hầu hết người bệnh đều sống sót sau mắc dạng này.
- Bệnh đậu mùa dạng phẳng (ác tính): Bệnh đậu mùa dạng phẳng gây ra các triệu chứng ban đầu nghiêm trọng hơn bệnh đậu mùa thông thường. Các vết sưng do phát ban hợp nhất với nhau, chúng không cứng lại hoặc chuyển sang dạng mủ. Điều này tạo ra vết phát ban dạng phẳng, mềm và không tạo thành vảy. Bệnh đậu mùa dạng phẳng xảy ra thường xuyên hơn ở trẻ em. Nó gần như luôn luôn gây tử vong.
- Bệnh đậu mùa xuất huyết: Bệnh đậu mùa xuất huyết phổ biến hơn ở phụ nữ mang thai. Nó gây ra các triệu chứng ban đầu nghiêm trọng. Phát ban thường không cứng và chứa dịch mủ mà bị xuất huyết dưới da, khiến da trông bầm tím và sậm màu. Nó cũng gây xuất huyết nội và suy đa cơ quan. Bệnh đậu mùa xuất huyết hầu như luôn gây tử vong.
Biến chứng có thể gặp phải khi mắc đậu mùa
Sẹo lõm nặng là biến chứng phổ biến nhất của bệnh đậu mùa. Các biến chứng khác bao gồm:
- Giảm thị lực thậm chí mù;
- Viêm não;
- Viêm phế quản phổi;
- Bội nhiễm các vết thương (nhiễm vi khuẩn);
- Viêm khớp.
Các chuyên gia không chắc chắn rằng bệnh đậu mùa gây tử vong theo cơ chế cụ thể nào nhưng có thể đó là sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm:
- Tải lượng lớn virus gây tổn hại và tiêu diệt tế bào (gây độc tế bào);
- Suy thận cấp;
- Tổn thương phổi do viêm phổi, có thể dẫn đến khó thở và suy hô hấp;
- Sốc giảm thể tích;
- Mất máu và suy nội tạng do bệnh đậu mùa xuất huyết.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có các triệu chứng kể trên, đã từng tiếp xúc với người bệnh đậu mùa hoặc từ vùng dịch tễ đậu mùa trở về, bạn cần lập tức được cách ly và đưa đến cơ sở y tế uy tín có điều trị các bệnh truyền nhiễm để được khám, điều trị và theo dõi kịp thời tránh các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh đậu mùa?
Bạn có thể nhiễm virus gây đậu mùa nếu:
- Bạn ở gần người mắc bệnh này. Người bị nhiễm bệnh có thể lây lan virus khi họ ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Tiếp xúc với vết loét trên da cũng có thể khiến bạn mắc bệnh đậu mùa.
- Nhiễm gián tiếp từ người bị nhiễm bệnh qua các vật dụng họ tiếp xúc. Nhưng mắc bệnh đậu mùa theo cách này ít có khả năng xảy ra hơn.
- Virus đậu mùa có khả năng là một loại vũ khí sinh học khủng bố. Việc phát tán virus có thể khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng nên các chính phủ luôn sẵn sàng đối phó cho cho tình huống này.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải đậu mùa
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải đậu mùa bao gồm:
- Tiếp xúc với người đang mắc bệnh hoặc đang trong thời kỳ ủ bệnh đậu mùa.
- Tiếp xúc với các vật dụng có dính dịch tiết của người nhiễm bệnh đậu mùa.
- Đi tới vùng dịch tễ của bệnh đậu mùa.
Virus variola gây bệnh đậu mùa. Có hai biến thể của variola: Variola major và Variola minor (hoặc variola alastrim). Variola major gây ra hầu hết các trường hợp mắc bệnh đậu mùa và gây tử vong nhiều nhất. Variola minor gây ra các triệu chứng tương tự nhưng ít nghiêm trọng hơn, chỉ gây tử vong ở 1% trường hợp, so với hơn 30% trường hợp mắc Variola major.
![Đậu mùa: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/dau_mua_2_7600741fcf.png)
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của đậu mùa
Chế độ sinh hoạt: Trong quá trình nhiễm bệnh, bạn cần thay đổi một số thói quen sinh hoạt, bao gồm:
- Không tiếp xúc với mọi người xung quanh để phòng ngừa lây nhiễm.
- Cách ly trong phòng riêng, có không khí lưu thông tốt và đón ánh nắng mặt trời. Thời gian cách ly là 7 - 10 ngày kể từ khi phát hiện bệnh đến khi các vết mụn mủ khô đóng vảy hoàn toàn.
- Sử dụng riêng đồ dùng cá nhân như ga giường, gối, mền, khăn, quần áo, chén đũa,...
- Thường xuyên vệ sinh cá nhân, thay quần áo sạch, thoáng mát và tắm nước ấm.
Chế độ dinh dưỡng: Một chế độ dinh dưỡng đầy đủ nhưng nhẹ nhàng và đơn giản là cần thiết cho người bệnh đậu mùa:
- Uống nhiều nước, từ 1,5 - 2 lít nước lọc mỗi ngày. Có thể bổ sung thêm một số loại nước chứa nhiều vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch như nước cam, nước bưởi, nước sơ ri,...
- Ăn các loại thức ăn được nấu chín kĩ, mềm và hơi loãng như cháo, súp, canh hầm,...
![Đậu mùa: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/dau_mua_5_d09dc5890d.png)
Phòng ngừa đậu mùa
Hiện có hai loại vắc xin phòng ngừa đậu mùa:
- Vắc xin ACAM2000 sử dụng virus sống giảm độc lực. Một số tác dụng phụ của vắc xin này như nhiễm trùng ở tim hoặc não. Đó là lý do tại sao vắc xin không được tiêm cho tất cả mọi người vì rủi ro của vắc xin sẽ lớn hơn lợi ích, trừ khi có dịch bệnh đậu mùa bùng phát.
- Vắc xin JYNNEOST sử dụng chủng virus rất yếu và an toàn hơn ACAM2000. Nó có thể được sử dụng ở những người không thể dùng ACAM2000 do hệ thống miễn dịch bị tổn hại hoặc có bệnh lý da.
Nếu dịch bệnh đậu mùa bùng phát, những người mắc bệnh đậu mùa sẽ bị cô lập để cố gắng ngăn chặn sự lây lan của virus. Bất cứ ai tiếp xúc với người mắc bệnh đậu mùa đều cần tiêm vắc xin đậu mùa. Thuốc chủng ngừa có thể bảo vệ bạn khỏi bị bệnh hoặc làm cho bạn đỡ bệnh nặng hơn nếu bạn nhiễm virus. Nên tiêm vắc xin trước hoặc một tuần sau khi tiếp xúc với virus.
Các câu hỏi thường gặp về đậu mùa
Bệnh đậu mùa lây lan như thế nào?
Bệnh đậu mùa lây lan qua tiếp xúc gần gũi, mặt đối mặt. Ví dụ, người mắc bệnh đậu mùa có thể truyền bệnh bằng cách ho hoặc nói chuyện với người ở gần. Nó cũng có thể lây lan qua tiếp xúc với các vật dụng bị nhiễm bệnh (như ga trải giường hoặc quần áo).
Bệnh đậu mùa còn tồn tại không?
Cho đến nay, bệnh đậu mùa không còn tồn tại ở người hoặc lây lan một cách tự nhiên nữa. Không có trường hợp mắc bệnh đậu mùa nào trong 45 năm qua. Hai phòng thí nghiệm (một ở Mỹ và một ở Nga) có trữ lượng virus gây bệnh đậu mùa chỉ nhằm mục đích nghiên cứu.
Vắc xin ngừa đậu mùa có tác dụng suốt đời không?
Một số nghiên cứu cho thấy vắc xin đậu mùa có thể bảo vệ trong nhiều thập kỷ. Đối với những người cần tiêm vắc xin bệnh đậu mùa để làm việc trong các phòng nghiên cứu, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến nghị tiêm vắc xin tăng cường ba năm một lần.
![Đậu mùa: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 7](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/dau_mua_7_853ab820d3.png)
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm đậu mùa
Để chẩn đoán bệnh đậu mùa, các bác sĩ lâm sàng chuyên khoa Nhiễm sẽ đánh giá bệnh sử, quá trình phát ban và các triệu chứng thực thể trên người bệnh. Ngoài ra, các bác sĩ có thể kiểm tra mẫu máu hoặc mô từ da của bạn, để tìm kiếm DNA của virus hoặc kháng thể đối với bệnh đậu mùa.
Trường hợp bệnh đậu mùa được chẩn đoán cuối cùng là vào năm 1978.
![Đậu mùa: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/dau_mua_4_20616a9792.png)
Điều trị bệnh đậu mùa
Có một số loại thuốc kháng virus được phê duyệt cho bệnh đậu mùa, bao gồm:
- Tecovirimat: Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt loại thuốc này để sử dụng ở Hoa Kỳ vào năm 2018. Nghiên cứu cho thấy nó có tác dụng trên động vật và trong các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, nó chưa được thử nghiệm ở những người mắc bệnh đậu mùa. Vì vậy, người ta không biết liệu đó có phải là một lựa chọn thuốc hiệu quả hay không. Một nghiên cứu đã thử nghiệm nó ở những người khỏe mạnh và thấy nó an toàn.
- Brincidofovir: FDA đã phê duyệt loại thuốc này vào năm 2021 để sử dụng ở Mỹ. Giống như tecovirmat, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm brincidofovir trên động vật và trong phòng thí nghiệm. Nghiên cứu chưa thử nghiệm nó ở những người mắc bệnh đậu mùa. Thuốc này đã được sử dụng một cách an toàn cho những người khỏe mạnh và những người nhiễm các loại virus khác.
Các loại thuốc trên được phát triển sau khi bệnh đậu mùa bị loại bỏ, vì vậy chúng chưa được thử nghiệm ở những người bị nhiễm bệnh đậu mùa. Nhưng dựa trên các loại xét nghiệm khác, các chuyên gia cho rằng chúng có thể là một lựa chọn để điều trị bệnh đậu mùa nếu có một đợt bùng phát khác.