Cứng khớp: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị
Cứng khớp là triệu chứng mà nhiều người gặp phải, đặc biệt là ở người cao tuổi. Đây là triệu chứng không nguy hiểm đến tính mạng nhưng sẽ gây hạn chế hoạt động hằng ngày của bạn. Hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và tư vấn phương pháp khắc phục triệu chứng này và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Những dấu hiệu và triệu chứng của cứng khớp
Cứng khớp cũng có thể gây ra các triệu chứng như:
- Đau khớp;
- Hạn chế tầm vận động của khớp;
- Đau tăng khi vận động;
- Sưng khớp;
- Biến dạng khớp;
- Âm thanh nứt hoặc lục cục khi chuyển động.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bạn nên lên lịch đến gặp bác sĩ để kiểm tra các dấu hiệu chấn thương hoặc nhiễm trùng nếu bạn đột ngột bị đau và cứng khớp. Nếu bạn bị cứng và sưng mãn tính ở khớp trong vài tuần hoặc vài tháng hãy gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân và tư vấn phương pháp điều trị thích hợp.
Những ai có nguy cơ mắc phải cứng khớp?
Những đối tượng có nguy cơ mắc cứng khớp bao gồm:
- Phụ nữ sau mãn kinh;
- Tuổi trên 40;
- Béo phì;
- Mắc các bệnh lý phải bất động kéo dài;
- Chấn thương khớp.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải cứng khớp
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc cứng khớp bao gồm:
- Lão hóa;
- Mãn kinh;
- Lao động nặng;
- Vận động sai tư thế;
- Thừa cân, béo phì;
- Thay đổi thời tiết đột ngột.
![Cứng khớp: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 5](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/cung_khop_5_761e3acedf.jpg)
Tuổi tác là nguyên nhân phổ biến gây cứng khớp, chủ yếu do hiện tượng lão hóa các cơ, sụn khớp, dây chằng, xương khớp. Ngoài quá trình lão hóa thông thường, một số bệnh hoặc tình trạng nhất định có thể gây cứng khớp bao gồm:
- Ít vận động: Một trong những nguyên nhân phổ biến gây cứng khớp là ít vận động, có thể xảy ra do giữ một tư thế trong thời gian dài, chẳng hạn như ngồi hoặc ngủ, hoặc do bất động, chẳng hạn như đeo dây đeo, bó bột hoặc nẹp.
- Chấn thương: Chấn thương ở khớp, xương, sụn, gân, dây chằng và cơ có thể gây sưng tấy tích tụ trong và xung quanh khớp, gây cứng khớp, hạn chế phạm vi chuyển động của khớp.
- Thoái hóa khớp: Là kết quả của sự phá hủy sụn và các mô xung quanh sụn, khiến khớp trở nên cứng, đau và sưng. Thoái hóa khớp thường ảnh hưởng đến đến cổ, lưng, ngón tay và bàn tay, đầu gối và khớp háng.
- Viêm khớp dạng thấp: Viêm khớp dạng thấp là một tình trạng tự miễn khiến cơ thể tạo ra các kháng thể tấn công các khớp của chính nó, gây viêm khớp dẫn đến khớp đau, đỏ, cứng và sưng. Viêm khớp dạng thấp thường ảnh hưởng đến các khớp bàn tay, cổ tay và đầu gối, đối xứng hai bên và thời gian cứng khớp vào buổi sáng kéo dài hơn 30 phút.
- Viêm khớp vảy nến: Viêm khớp vảy nến là một tình trạng tự miễn thường là một biến chứng của bệnh vảy nến, một tình trạng viêm da gây ra các mảng da đỏ, khô, ngứa. Viêm khớp vẩy nến thường ảnh hưởng đến ngón tay và ngón chân, dẫn đến cứng và sưng đỏ đau các khớp.
- Viêm cột sống dính khớp: Viêm cột sống dính khớp là một tình trạng tự miễn gây viêm cột sống, thường gây đau thắt lưng. Viêm cột sống dính khớp cũng có thể ảnh hưởng đến khớp gối, khớp háng và khớp vai, gây đau khớp, cứng và sưng khớp.
- Bệnh gout: Bệnh gout là một tình trạng viêm do nồng độ axit uric trong máu tăng cao, khiến các tinh thể lắng đọng trong khớp, thường ảnh hưởng nhất đến ngón chân cái, gây đau khớp, sưng và cứng khớp.
- Nhiễm trùng (Viêm khớp nhiễm khuẩn): Nhiễm vi khuẩn có thể lây nhiễm sang các khớp, phổ biến nhất là khớp gối và khớp háng, dẫn đến sưng khớp, cứng khớp, sốt và ớn lạnh.
![Cứng khớp: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 4](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/cung_khop_4_8b73f0a596.jpg)
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của cứng khớp
Chế độ sinh hoạt:
- Uống nhiều nước ít nhất 1,5 lít nước/ngày;
- Bỏ rượu bia, thuốc lá;
- Duy trì cân nặng bình thường;
- Giảm căng thẳng bằng tập thiền, tập yoga và dành thời gian với bạn bè;
- Tập thể dục mỗi ngày;
- Làm việc, nghỉ ngơi hợp lý.
Chế độ dinh dưỡng:
Vì cứng khớp có liên quan chặt chẽ đến tình trạng viêm nên ăn thực phẩm chống viêm có thể giúp giảm cứng khớp. Thực phẩm có xu hướng chống viêm bao gồm:
- Rau xanh;
- Cá hồi, cá thu hoặc cá ngừ;
- Dâu tây, quả việt quất, quả mâm xôi;
- Quả óc chó hoặc hạnh nhân;
- Dầu ô liu;
- Nghệ.
Thực phẩm cần hạn chế khi bị cứng khớp bao gồm:
- Đường, nước ngọt, nước uống có ga;
- Thịt đỏ;
- Thức ăn nhanh.
Phương pháp phòng ngừa cứng khớp hiệu quả
Để phòng ngừa cứng khớp hiệu quả bạn cần phải:
- Quản lý cân nặng của bạn;
- Hoạt động thường xuyên trong ngày;
- Tập thể dục phù hợp với sức khỏe và tình trạng khớp của bạn;
- Nhẹ nhàng kéo giãn các khớp của bạn mỗi ngày.
![Cứng khớp: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 7](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/cung_khop_7_76538f019a.jpg)
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán cứng khớp
Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử, tiền căn và khám bệnh đầy đủ cho bạn. Cứng khớp thường được chẩn đoán dựa trên lâm sàng. Nhưng để tìm ra nguyên nhân của cứng khớp bác sĩ sẽ đề nghị một số xét nghiệm cần thiết như sau:
- X-quang: Trước tiên, bác sĩ có thể khuyên bạn nên chụp X-quang để phát hiện gãy xương và bệnh thoái hóa khớp.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp CT có thể giúp chẩn đoán các vấn đề về xương. Chụp CT năng lượng kép là một phương pháp chụp CT đặc biệt có thể xác định chính xác bệnh gout với hình ảnh sự lắng đọng tinh thể urat quanh khớp.
- Siêu âm: Siêu âm giúp đánh giá cấu trúc mô mềm bên trong và xung quanh khớp của bạn.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI đặc biệt hữu ích trong việc phát hiện các tổn thương ở các mô mềm như dây chằng, gân, sụn và cơ.
Nếu nghi ngờ có tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng, bác sĩ có thể phải xét nghiệm máu và đôi khi chọc dịch khớp để xác định nguyên nhân. Ngoài ra nếu bác sĩ nghi ngờ bạn có nguy cơ mắc các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến, bác sĩ sẽ đề nghị các xét nghiệm chuyên sâu để chẩn đoán chính xác.
Phương pháp điều trị cứng khớp
Cách tốt nhất để tìm ra phương pháp điều trị phù hợp với bạn là tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Bác sĩ có thể chẩn đoán và đề xuất phương pháp điều trị thích hợp để giảm bớt tình trạng cứng khớp và ngăn ngừa các triệu chứng khác mà bạn có thể gặp phải. Dưới đây là một số biện pháp mà bác sĩ có thể đề xuất để điều trị cứng khớp:
- Thuốc giảm đau: Thuốc giảm đau không steroid như Naproxen và Ibuprofen thường được sử dụng để điều trị đau khớp.
- Chườm lạnh hoặc chườm nóng: Chườm lạnh sẽ làm giảm sưng khớp, còn chườm nóng sẽ làm thư giãn gân cơ.
- Corticosteroid: Có thể giúp giảm sưng và viêm. Tuy nhiên, thuốc này chỉ nên uống khi được sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ.
- Vật lý trị liệu và tập thể dục: Giúp cải thiện khả năng vận động và duy trì cân nặng khỏe mạnh, từ đó có thể làm giảm cứng khớp.
- Glucosamine sulfate: Dùng Glucosamine sulfate như thuốc bổ sung có thể làm giảm đau và cứng khớp.
![Cứng khớp: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 6](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/cung_khop_6_a895e46edd.jpg)
Nếu cứng khớp của bạn có liên quan đến tình trạng tự miễn như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vẩy nến hoặc viêm cột sống dính khớp, bác sĩ có thể khuyên bạn nên dùng một số loại thuốc như DMARD hoặc thuốc sinh học. Những loại thuốc này có thể giúp làm giảm phản ứng tự miễn trong cơ thể từ đó giảm viêm và cứng khớp.
Nếu cứng khớp do bệnh gout, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc colchicine hoặc allopurinol giúp bạn giảm đau, giảm nồng độ axit uric trong máu.