Bướu huyết thanh: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị


Bướu huyết thanh là tình trạng da đầu trẻ mới sinh bị sưng (phù nề) do tác động của quá trình sinh nở gây ra. Đây là tình trạng tạm thời và vô hại, thường không cần điều trị.

Những dấu hiệu và triệu chứng của bướu huyết thanh

Bướu huyết thanh có dấu hiệu và triệu chứng như sau:

  • Màu đỏ sẫm hơn hoặc bầm tím trên vùng bị sưng;
  • Vùng sưng tấy sờ vào có cảm giác mềm;
  • Vết sưng kéo dài xuống hai bên đầu.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh bướu huyết thanh

Các biến chứng tiềm ẩn của bướu huyết thanh bao gồm:

  • Rụng tóc: Một số trẻ bị rụng tóc ở vị trí sưng tấy. Áp lực kéo dài ở đường âm đạo trong khi sinh nở tác động lên da đầu của em bé có thể làm tổn thương mô, gây rụng tóc tạm thời. Trong một số trường hợp hiếm, vết sẹo hình thành trên da đầu, dẫn đến rụng tóc vĩnh viễn.
  • Vàng da sơ sinh: Sưng và bầm tím có thể làm tăng nồng độ bilirubin trong máu, dẫn đến vàng da, vàng mắt và sẽ cải thiện theo thời gian.
  • Sẹo da đầu.
  • Nhiễm trùng ở bướu.
 Bướu huyết thanh là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bướu huyết thanh 4
Vàng da sơ sinh là biến chứng hiếm gặp của bướu huyết thanh

Mặc dù một số biến chứng này có thể tự khỏi nhưng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ vì một số tình trạng có thể gây tổn thương vĩnh viễn nếu không được điều trị. Ví dụ, những trường hợp vàng da nặng không được điều trị có thể gây ra bệnh vàng da nhân và tổn thương não. Kernicterus xảy ra khi bilirubin tích tụ trong não, gây điếc, bại não và/hoặc các khuyết tật suốt đời khác.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp trẻ mau chóng hồi phục sức khỏe.

Những ai có nguy cơ mắc phải bướu huyết thanh?

Có 2% đến 33% tỷ lệ em bé sinh ra bị bướu huyết thanh. Bướu huyết thanh thường xảy ra nhất trong quá trình sinh nở qua đường âm đạo. Trường hợp sinh mổ gây ra tình trạng sưng tấy này rất hiếm khi xảy ra.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bướu huyết thanh

Các yếu tố làm tăng nguy cơ gây ra bướu huyết thanh bao gồm:

  • Quá trình chuyển dạ tích cực kéo dài.
  • Khi hỗ trợ sinh nở cần phải hút chân không hoặc dùng kẹp. Sinh qua đường âm đạo có sự hỗ trợ của chân không là yếu tố nguy cơ đáng kể nhất dẫn đến tổn thương da đầu hơn là dùng kẹp.
  • Thai nhi có trọng lượng lớn (khoảng 4kg).
  • Thời gian em bé di chuyển qua đường âm đạo kéo dài.
  • Cơn gò chuyển dạ giả (cơn co Braxton Hicks).
  • Em bé ngồi thấp trong ống sinh một thời gian dài trước khi sinh.
  • Mang thai lần đầu.
  • Vỡ ối sớm trước khi có các cơn co thắt đều đặn dẫn đến giãn cổ tử cung (bắt đầu chuyển dạ).
 Bướu huyết thanh là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bướu huyết thanh 6
Cơn gò chuyển dạ giả cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến bướu huyết thanh

Nguyên nhân dẫn đến bướu huyết thanh có thể do trước khi em bé được sinh ra hoặc trong khi sinh.

Nguyên nhân trước khi sinh

Nguyên nhân trước khi sinh thường do vỡ ối sớm. Thai nhi phát triển trong túi ối (túi chứa đầy dịch bên trong tử cung, bao bọc thai nhi). Khi đến ngày dự sinh, màng ối này thường vỡ ra, hiện tượng này thường được gọi là vỡ ối. 

Tuy nhiên, nếu màng ối vỡ và dịch tiết ra sớm, túi ối không còn khả năng hỗ trợ đầu của thai nhi nữa. Điều này khiến đầu của thai nhi phải chịu nhiều áp lực hơn từ xương chậu và có thể khiến dịch tích tụ bên dưới da đầu.

Nguyên nhân trong quá trình sinh nở

Bướu huyết thanh thường xảy ra do sinh nở kéo dài, tăng áp lực đè lên đầu trẻ sơ sinh. Sinh thường qua đường âm đạo là thao tác dùng lực đẩy trẻ sơ sinh qua đường âm đạo. Tuy nhiên, điều này có thể khiến đầu trẻ sơ sinh trở thành điểm chịu áp lực chính trong quá trình sinh nở. Áp lực thường do thành âm đạo, cổ tử cung và/hoặc tử cung của người mẹ.

Mặc dù bất kỳ em bé nào cũng có thể bị bướu huyết thanh trong khi sinh nhưng một số yếu tố nhất định có thể làm tăng nguy cơ. Ví dụ, áp lực lên đầu thường lớn hơn ở những trẻ có cân nặng khi sinh cao hơn (trẻ sơ sinh có trọng lượng lớn) hoặc những trẻ sinh trễ hơn ngày dự sinh.

Đôi khi bướu huyết thanh hình thành do bác sĩ vội vàng thực hiện quá trình sinh nở hoặc do dùng dụng cụ hỗ trợ sinh nở như máy hút chân không hoặc kẹp.

 Bướu huyết thanh là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bướu huyết thanh 5
Sinh thường qua ngã âm đạo là yếu tố nguy cơ cao bị bướu huyết thanh

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bướu huyết thanh

Chế độ sinh hoạt:

  • Vết sưng của bướu huyết thanh có thể tự biến mất, tuy nhiên trong quá trình sưng tấy, hạn chế tiếp xúc và chạm vào vết sưng. Không làm cho vết sưng bị vỡ ra.
  • Người mẹ trong quá trình mang thai cần phải đi khám thai định kỳ để đánh giá nguy cơ trẻ sinh ra bị bướu huyết thanh.

Chế độ dinh dưỡng: Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Phương pháp phòng ngừa bướu huyết thanh hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Khám thai định kỳ để đánh giá tình trạng nước ối hoặc thời gian dự sinh, các cơn chuyển dạ giả… từ đó lựa chọn phương pháp sinh nở phù hợp.
  • Thận trọng khi sử dụng dụng cụ hút chân không hoặc kẹp trong quá trình hỗ trợ sinh nở cho người mẹ.

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bướu huyết thanh

Tình trạng bướu huyết thanh có thể được xác định ngay sau khi đứa trẻ được sinh ra bằng cách thực hiện chẩn đoán phân biệt, so sánh các triệu chứng chung của hai hoặc nhiều tình trạng để tìm ra nguyên nhân chính xác. Tình trạng u máu đầu có đặc điểm khá giống bướu huyết thanh, do đó cần phải xác định loại trừ tình trạng này. Trong một số trường hợp, các bác sĩ cũng có thể chẩn đoán bướu huyết thanh ở thai nhi bằng siêu âm.

Bướu huyết thanh có thể được đánh giá ngay từ giai đoạn đầu của chuyển dạ bằng cách kiểm tra âm đạo thông qua siêu âm. Khi đánh giá tình trạng phù nề trên da đầu của trẻ sơ sinh, bác sĩ xem liệu vết phù nề có vượt qua đường giữa xương sọ hay không (loại trừ với u máu đầu). Xung quanh vùng sưng tấy cũng có thể xuất hiện vết bầm tím, đốm xuất huyết và vết bầm máu. Khi sờ vào vùng phù nề, khối đó sẽ có cảm giác mềm, nhão và dao động. 

Chẩn đoán bướu huyết thanh thường được thực hiện chỉ bằng khám thực thể. Đánh giá và sờ nắn da đầu là một phần quan trọng trong đánh giá ban đầu của trẻ sơ sinh.

Phương pháp điều trị bướu huyết thanh hiệu quả

Hầu hết các trường hợp bướu huyết thanh sẽ tự khỏi và không cần điều trị. Đa số trẻ sơ sinh sẽ hồi phục hoàn toàn vài ngày sau khi sinh nhưng trong một số trường hợp, bác sĩ cần dẫn lưu dịch tích tụ bên dưới da đầu để giảm sưng tấy cho trẻ.

Nếu đầu trẻ sơ sinh bị bầm tím, trẻ cũng có nguy cơ bị vàng da. Hầu hết các trường hợp vàng da đều tự khỏi, nhưng có thể cần điều trị trong những trường hợp nặng. Trẻ sơ sinh bị vàng da có thể được điều trị bằng cách truyền máu và trị liệu bằng ánh sáng trước khi tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.

 Bướu huyết thanh là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bướu huyết thanh 7
Nâng đỡ nhẹ nhàng đầu trẻ để hạn chế va chạm mạnh bướu huyết thanh



Chat with Zalo