Bỏng mắt là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Bỏng mắt bao gồm bỏng ở củng mạc, kết mạc, giác mạc và mí mắt. Bỏng hóa chất , đặc biệt là bỏng liên quan đến giác mạc, được coi là trường hợp cấp cứu nhãn khoa thực sự và cần được đánh giá và can thiệp kịp thời để giảm thiểu tình trạng bệnh tật. Các chấn thương bỏng mắt được phân loại theo tác nhân gây bệnh thành chấn thương hóa chất (ví dụ do axit hoặc kiềm), chấn thương do năng lượng bức xạ (ví dụ như chấn thương do nhiệt, điện hoặc bức xạ cực tím).
Những dấu hiệu và triệu chứng của bỏng mắt
Các dấu hiệu khi bị bỏng mắt có thể bao gồm:
- Đau mắt;
- Đỏ mắt;
- Khó chịu ở mắt;
- Mắt bị rách, loét giác mạc;
- Cảm giác cộm hoặc có vật gì ở mắt;
- Sưng mí mắt;
- Mờ mắt.
Trong trường hợp bỏng nghiêm trọng, người bệnh có thể bị suy giảm thị lực hoặc mất thị lực. Tăng nhãn áp có thể xảy ra nhưng thường chậm trễ trong vài giờ hoặc vài ngày sau.
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh bỏng mắt
Các biến chứng có thể gặp phải khi bị bỏng mắt bao gồm:
- Viêm giác mạc nhiễm trùng;
- Bệnh tăng nhãn áp;
- Loét giác mạc/mô đệm;
- Mất thị lực vĩnh viễn;
- Viêm giác mạc mãn tính và đau mắt;
- Viêm nhãn cầu giao cảm;
- Tụt nhãn áp;
- Đục thủy tinh thể.
Trong trường hợp mất thị lực vĩnh viễn, người bệnh có thể gặp các biến chứng nghiêm trọng khác về sau này. Bao gồm việc dễ gặp các chấn thương, đồng thời ảnh hưởng đến các vấn đề về sức khỏe tinh thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nghiêm trọng của người bệnh.

Khi nào cần gặp bác sĩ?
Ngay khi có chấn thương, tổn thương mắt bởi hóa chất hoặc bởi bức xạ nhiệt, bạn cần xử trí phù hợp ngay tại chỗ và đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để tránh các tổn thương nghiêm trọng, vĩnh viễn ở mắt.
Những ai có nguy cơ mắc phải bỏng mắt?
Tỷ lệ bỏng mắt trên toàn thế giới phần lớn vẫn chưa được biết đến. Mặc dù các nỗ lực nghiên cứu dựa trên các dữ liệu có sẵn, tuy nhiên vẫn có sự khác biệt giữa thực tế và dữ liệu có được. Với các dữ liệu hiện có cho thấy, người lao động ở độ tuổi từ 20 đến 34 có nguy cơ bị tổn thương mắt cao nhất. Tỷ lệ bỏng mắt cũng cao ở nhóm trẻ em trong khoảng từ 1 đến 2 tuổi.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bỏng mắt
Các yếu tố nguy của bỏng mắt bao gồm môi trường sống, môi trường làm việc có tiếp xúc với lửa, nhiệt, hoặc tiếp xúc với hóa chất.
Theo các dữ liệu ghi nhận được, bỏng mắt hoá chất do kiềm (53,6%) thường gặp hơn so với do với bỏng do acid (46,4%). Một số nguồn thông tin khác cho thấy nguy cơ bỏng kiềm nhiều gấp đôi so với bỏng acid. Trong đó, amoniac là nguyên nhân phổ biến trong bỏng kiềm, trong khi acid sulfuric là nguyên nhân phổ biến nhất gây bỏng acid.
Bỏng mắt và phần phụ của mắt có thể được chia thành hai loại, bao gồm bỏng nhiệt và hóa học. Có sự khác biệt quan trọng giữa hai loại bỏng này về đặc điểm tiến triển tổn thương sau khi tiếp xúc với mắt.
Tổn thương mô do bỏng nhiệt nhanh chóng giảm bớt khi người bệnh ngừng tiếp xúc với nhiệt. Các ví dụ phổ biến về các cơ chế này bao gồm bệnh nhân tự thoát khỏi đám cháy nhà, bỏng do vụ nổ hoặc chấn thương do pháo hoa. Do phản xạ chớp mắt và bản chất bảo vệ của phần phụ của mắt, da mí mắt có thể bị tổn thương nhiều nhất do chấn thương do nhiệt. Bỏng nhiệt trực tiếp vào bề mặt mắt thường gây ra chấn thương nông do thời gian tiếp xúc ngắn. Các nguyên nhân phổ biến gây bỏng mắt do nhiệt bao gồm nước nóng, dầu ăn nóng, máy uốn tóc và tiếp xúc với lửa, như trong vụ nổ hoặc hỏa hoạn. Những vết bỏng nhiệt này có thể được xử lý theo dõi giống như các chấn thương giác mạc nông khác.
Trong khi đó, bỏng hóa chất ở mắt cần được xử lý ban đầu tích cực hơn. Tổn thương mô có thể kéo dài và lan sâu hơn vào các cấu trúc mắt miễn là hóa chất vẫn tiếp xúc với mắt và phần phụ của mắt. Do đó, bỏng hóa chất ở mắt cần can thiệp để loại bỏ tổn thương và ngăn ngừa tổn thương liên tục, tiến triển ở mắt và các mô sâu hơn. Bỏng hóa chất có thể xảy ra do tiếp xúc với các vật dụng gia đình hàng ngày như chất tẩy rửa cống hoặc lò nướng, chất tẩy rửa, thuốc tẩy và amoniac. Chấn thương cũng xảy ra khi tiếp xúc với các hóa chất trong công nghiệp như phân bón, axit công nghiệp, kiềm, vôi và xi măng.

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của bỏng mắt
Chế độ sinh hoạt
Để hạn chế diễn tiến của bỏng mắt, bạn cần đưa người bệnh đến bệnh viện ngay, đồng thời thực hiện rửa mắt ban đầu.
Nếu có sẵn dung dịch rửa vô trùng, có thể sử dụng chúng. Tuy nhiên, nước máy thường là lựa chọn duy nhất và sẵn có để rửa mắt. Nên sử dụng nước máy mặc dù chúng có nguy cơ làm phù giác mạc, nhưng hầu như nước máy đáp ứng các yêu cầu cơ bản của dung dịch tưới rửa khẩn cấp.
Và điều quan trọng cần nhấn mạnh là, việc lựa chọn dung dịch rửa mắt không quan trọng bằng thời điểm điều trị. Do đó, hãy ngay lập tức đưa người bệnh đến bệnh viện để được xử trí kịp thời.

Chế độ dinh dưỡng
Nên thực hiện một chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho người bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ để sớm phục hồi tình trạng bỏng mắt.
Phòng ngừa bỏng mắt
Phòng ngừa tích cực bỏng mắt tại nhà bao gồm hạn chế trẻ nhỏ tiếp xúc với hóa chất nguy hiểm. Bảo vệ trẻ em tại nhà để đảm bảo môi trường an toàn cần sự phối hợp của gia đình, và sự hướng dẫn của các nhân viên y tế.
Phòng ngừa tại nơi làm việc cũng giúp ngăn ngừa bỏng mắt bao gồm thiết bị cá nhân bảo hộ (ví dụ như kính, đồ bảo hộ), kiến thức xử lý hóa chất tại nơi làm việc. Đồng thời, luật pháp cũng yêu cầu khả năng khử nhiễm tại chỗ và người lao động cần biết cách sử dụng khi bị phơi nhiễm. Do đó, cần nắm rõ các kỹ thuật khử nhiễm, các vật dụng nguy hiểm tại chỗ làm để tránh xảy ra phơi nhiễm với hóa chất gây tổn thương mắt.
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm bỏng mắt
Chẩn đoán ban đầu về tình trạng bỏng mắt bao gồm việc bác sĩ khai thác thông tin bệnh, tiền sử và bối cảnh trước khi vào viện, nhằm giải quyết các mối đe dọa, giảm thiểu rủi ro cho người chăm sóc.
Bác sĩ có thể cần giải quyết các mối đe dọa tức thời đối với người bệnh như hỗ trợ đường thở, hô hấp, tuần hoàn và tiếp tục đánh giá thêm nếu trạng thái ổn. Nhìn chung, việc chẩn đoán sẽ bao gồm cả xử trí, đánh giá mức độ tổn thương.
Nếu bạn tỉnh táo, bác sĩ sẽ thu thập thông tin về phơi nhiễm với tác nhân hóa học, và đánh giá mức độ tổn thương, bao gồm thực hiện các bước sau:
- Các thông tin cần thu thập có thể bao gồm tiền sử bệnh, thuốc, dị ứng, tiền sử phẫu thuật, bữa ăn gần nhất và kết hợp rửa mắt.
- Sau khi rửa mắt, bác sĩ sẽ đánh giá về tác nhân hóa học gây hại, dùng giấy quỳ đánh giá mức độ pH của nhãn cầu và cấu trúc liên quan.
- Tiếp theo là đánh giá thị lực (nếu có thể) và mức độ tổn thương.
Thông thường, không có các chỉ định hình ảnh học nào cho bỏng mắt. Nếu nghi ngờ có dị vật nội nhãn (ví dụ như chấn thương trong các vụ nổ), chụp cắt lớp vi tính có thể được thực hiện.

Điều trị bỏng mắt
Nội khoa
Trong điều trị bỏng mắt do hóa chất, bước đầu tiên là cần khử nhiễm ngay lập tức và triệt để ở bề mặt mắt và các phần xung quanh. Nếu cần, có thể phải khử nhiễm ở toàn bộ cơ thể, đặc biệt là phần hầu họng để tránh tổn thương do hít phải. Có thể cần phải cởi bỏ quần áo bị ảnh hưởng, cẩn thận để tránh nhiễm hoá chất cho người chăm sóc. Sau khi hoàn thành việc rửa mắt, đảm bảo độ pH của mắt, cần cẩn thận loại bỏ các hạt, chất trong mắt.
Quản lý trong giai đoạn cấp tính từ 0 - 7 ngày và giai đoạn phục hồi sớm từ 8 - 21 ngày, nhằm hướng đến ức chế viêm, thúc đẩy tái tạo biểu mô bề mặt nhãn cầu. Việc điều trị cụ thể sẽ tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh, bao gồm thuốc mỡ kháng sinh tại chỗ, nước mắt nhân tạo, steroid tại chỗ, thuốc giảm đau, kháng sinh toàn thân có thể được sử dụng. Các vết bỏng nghiêm trọng hơn có thể cần đến thuốc sinh học tại chỗ (huyết thanh tự thân, huyết tương giàu tiểu cầu), kính áp tròng điều trị và kháng sinh dự phòng Pseudomonas.
Ngoại khoa
Trong một số trường hợp, cần các tiểu phẫu để rạch mí mắt cho mắt nhắm hoàn toàn, tránh các biến chứng liên quan đến phơi nhiễm. Các tình trạng bỏng mắt nghiêm trọng cũng có thể cân nhắc ghép giác mạc sớm. Các loại ghép giác mạc khác nhau sẽ phụ thuộc vào độ sâu và sẹo giác mạc.