Bệnh Scheuermann là gì? Những điều cần biết về bệnh Scheuermann
Bệnh Scheuermann còn được gọi là Scheuermann kyphosis, hay gù lưng vị thành niên, là một tình trạng liên quan đến độ cong bất thường của cột sống. Bệnh liên quan đến cả thân đốt sống và đĩa đệm cột sống và được đặc trưng bởi sự lệch về phía trước lớn hơn hoặc bằng 5 độ ở 3 thân đốt sống liền kề trở lên. Bệnh Scheuermann loại I liên quan đến cột sống ngực, trong khi loại II liên quan đến cả cột sống ngực và thắt lưng. Bệnh Scheuermann thường biểu hiện bằng biến dạng cột sống và đau ngực bán cấp ở thanh thiếu niên. Việc điều trị bao gồm điều chỉnh lối sống, các bài tập giãn cơ và dùng thuốc chống viêm không steroid. Ngoài ra, nẹp lưng được chỉ định cho trường hợp bệnh nặng và can thiệp phẫu thuật được chỉ định cho những người bệnh bị gù cột sống ở mức độ nặng hơn, có các khiếm khuyết về thần kinh hoặc đau nhiều và dai dẳng.
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Scheuermann
Bệnh thường được phát hiện khi người thân của người bệnh nhận thấy họ thòng vai hoặc có tư thế rất xấu; người bệnh có thể than mỏi và đau lưng, cơn đau thường tăng dần theo thời gian. Trong một số trường hợp, người bệnh Scheuermann cũng bị vẹo cột sống, một loại biến dạng cột sống khác, không hiếm gặp ở thanh thiếu niên. Trong chứng vẹo cột sống, cột sống người bệnh sẽ cong sang bên phải hoặc trái.
Người ta ước tính có khoảng 1/3 số người mắc bệnh Scheuermann cũng mắc chứng vẹo cột sống.
Đau lưng là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh Scheuermann, đặc biệt là ở giai đoạn đầu, Scheuermann loại II gây đau nhiều hơn. Vị trí đau có thể nằm ở phần cao nhất của đường cong gù. Những người mắc bệnh Scheuermann cũng có thể bị căng cơ hamstring.
Trong những trường hợp gù lưng nghiêm trọng, độ cong của cột sống quá lớn đến mức làm giảm không gian bên trong khoang ngực, nó có thể gây hạn chế khả năng dãn nở của lồng ngực, dẫn đến cản trở chức năng của phổi và tim.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh Scheuermann
Các biến chứng tiềm ẩn:
- Biến dạng cột sống tiến triển gây mất thẩm mỹ;
- Đau lưng mạn tính;
- Khiếm khuyết thần kinh/ép tủy sống.
Biến chứng sau phẫu thuật:
- Viêm khớp giả (biến chứng phổ biến nhất);
- Đau dai dẳng.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn hoặc người thân của bạn nhận thấy có bất kỳ triệu chứng nào ở cột sống như nêu trên, bạn nên đến gặp bác sĩ sớm để được thăm khám và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm bệnh Scheuermann sẽ giúp giảm nguy cơ tăng nặng và hạn chế biến chứng của bệnh.
Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh Scheuermann?
Tỷ lệ hiện mắc bệnh Scheuermann khoảng 1% đến 8% tại Hoa Kỳ. Tỷ lệ nam: nữ ít nhất là 2:1. Trong đó độ tuổi được chẩn đoán phổ biến nhất ở thanh thiếu niên 12 – 17 tuổi. Hiếm khi được chẩn đoán ở trẻ em dưới 10 tuổi.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh Scheuermann
Có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Scheuermann, bao gồm:
- Các bệnh về cột sống, tủy sống hoặc mô liên kết;
- Nhiễm trùng, bao gồm cả bệnh lao cột sống;
- Chấn thương cột sống;
- Tư thế xấu.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh Scheuermann
Nguyên nhân chính xác của bệnh Scheuermann vẫn chưa được nhận biết rõ ràng và đầy đủ. Như đã đề cập trước đó, yếu tố di truyền được cho là góp phần vào sự phát triển của tình trạng này, mặc dù cách thức di truyền vẫn chưa rõ ràng.
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh Scheuermann
Chế độ sinh hoạt:
Người bệnh Scheuermann có thể tham khảo một số chế độ sinh hoạt sau đây để hỗ trợ quá trình điều trị và giảm triệu chứng:
- Tập thể dục và rèn luyện: Bài tập giãn cơ và tăng cường cơ bụng, cơ lưng và cơ chân có thể giúp cải thiện sự ổn định và hỗ trợ cột sống. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia về bài tập phù hợp và tránh các động tác gây căng thẳng lưng.
- Duy trì tư thế đúng: Đảm bảo bạn ngồi và đứng với tư thế đúng, hỗ trợ lưng và giữ cho cột sống thẳng. Tránh tư thế cong lưng hoặc gập người quá nhiều.
- Điều chỉnh môi trường làm việc: Đối với những người phải ngồi lâu, hãy sử dụng ghế có hỗ trợ lưng tốt và đặt một gối ở lưng để giữ cột sống thẳng. Nếu làm việc lâu, hãy sử dụng thảm đệm để giảm áp lực lên cột sống.
- Giảm tải lực: Tránh những hoạt động có tải nặng hoặc tác động lớn đến lưng như nâng vật nặng hoặc các hoạt động như cưỡi ngựa. Đặc biệt, tránh những cử động gập cột sống quá mức.
- Dụng cụ hỗ trợ: Trong một số trường hợp, việc sử dụng dụng cụ hỗ trợ như nẹp định hình hoặc băng cố định lưng có thể giúp hỗ trợ và giảm triệu chứng.
Ngoài ra, luôn lưu ý và tuân thủ theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để điều trị và quản lý tình trạng Scheuermann một cách hiệu quả.
Chế độ dinh dưỡng:
Ăn một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh và cung cấp đủ nước cho cơ thể có thể hỗ trợ tăng cường sức khỏe của xương và nâng cao sức khỏe tổng thể. Canxi có trong sữa và rau xanh có thể giúp tránh loãng xương. Vitamin D đảm bảo sự hấp thụ canxi thích hợp vào cơ thể và có thể được lấy từ thực phẩm như lòng đỏ trứng và cá béo. Tham khảo ý kiến bác sĩ để xem bạn có cần bổ sung những chất này hay không.
Axit béo omega-3 có thể giúp giảm đau và viêm. Quả óc chó và hạt chia là nguồn cung cấp axit béo omega-3 tuyệt vời. Cắt giảm thực phẩm chế biến sẵn và có đường nhiều vì chúng có thể làm nặng thêm tình trạng viêm và có thể gây tăng cân, gây thêm căng thẳng cho cột sống của bạn.
Mặc dù dinh dưỡng không thể điều trị được bệnh Scheuermann nhưng kiểm soát tốt chế độ ăn uống có thể hỗ trợ tối đa hóa dinh dưỡng và tăng cường sức khỏe nói chung.

Phương pháp phòng ngừa bệnh Scheuermann hiệu quả
Thật không may, bạn không thể làm gì để ngăn ngừa bệnh Scheuermann vì bệnh có tính chất di truyền. Điều tốt nhất bạn có thể làm là phát hiện sớm và điều trị càng sớm càng tốt.
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh Scheuermann
Đầu tiên, cần nghi ngờ bệnh ở những người có vấn đề dáng bộ như thòng vai hoặc xuất hiện các cơn đau bất thường hoặc không giải thích được nguyên nhân ở lưng.
Bác sĩ thường sẽ xem xét tiền căn, bệnh sử của người bệnh và tiền căn gia đình của họ. Tiền căn gia đình có thể tiết lộ liệu cha mẹ hoặc người thân khác có mắc bệnh này hay không. Ngoài ra, bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám cột sống. Họ có thể yêu cầu người bệnh di chuyển hoặc cúi xuống để quan sát biên độ vận động của cột sống.
Để chẩn đoán đầy đủ tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ cần phải chụp X-quang cột sống. Để xác nhận chẩn đoán bệnh Scheuermann, bác sĩ cần quan sát độ cong của cột sống lớn hơn 40 – 45 độ và hình nêm lớn hơn hoặc bằng 5 độ ở ba đốt sống liền kề trở lên.

Phương pháp điều trị bệnh Scheuermann hiệu quả
Việc điều trị bệnh Scheuermann có thể khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Khi lựa chọn phương án điều trị, bác sĩ sẽ xem xét các yếu tố như:
- Tuổi;
- Giới tính;
- Mức độ nghiêm trọng của gù lưng;
- Biên độ vận động của cột sống.
Đối với một số người bệnh, điều trị nội khoa có thể hữu ích. Một số lựa chọn có thể bao gồm:
- Nẹp lưng, giúp bổ sung hỗ trợ cho cột sống và có thể giúp hướng dẫn sự phát triển cột sống theo đúng hướng;
- Dùng NSAIDs để giảm đau;
- Kéo giãn cơ và tập vật lý trị liệu;
- Thực hiện các thay đổi lối sống như điều chỉnh tư thế.
Nếu các phương pháp điều trị nội khoa bảo tồn không hiệu quả hoặc gù lưng nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị can thiệp phẫu thuật. Phẫu thuật thường là phẫu thuật hợp nhất cột sống để điều chỉnh các đốt sống bất thường.
