Xăm môi ăn bún đậu mắm tôm được không?
Bún đậu mắm tôm là món ăn ưa thích của hầu hết mọi người, nhất là các tín đồ chuộng vị mắm. Tuy nhiên, sau khi xăm môi bạn cần kiêng rất nhiều loại thực phẩm để vết thương nhanh lành, và màu môi không bị ảnh hưởng hoặc gây ra bất kỳ biến chứng nào. Do đó, nhiều chị em "nghiện" món này cũng lo lắng không biết có ăn được sau khi xăm môi không. Ở bài viết này, chúng ta sẽ đi tìm lời giải cho câu hỏi "Xăm môi ăn bún đậu mắm tôm được không?"
Xăm môi là phương pháp làm đẹp như thế nào?
Về cơ bản, xăm môi là phương pháp thẩm mỹ giúp cải thiện khuyết điểm, màu sắc cho đôi môi. Phương pháp này không chỉ giúp khắc phục hiệu quả tình trạng môi thâm, xỉn, nhợt nhạt, thiếu sức sống, không đều màu mà còn giúp điều chỉnh môi cân xứng và đồng đều hơn. Từ đó, giúp che đi các khuyết điểm cũng như những sẹo xấu trên môi. Nhờ vậy mà sau khi xăm môi, các chị em “lười” tô son vẫn cho đôi môi quyến rũ, tươi tắn và xinh đẹp.
![Vì sao lại lựa chọn phương pháp xăm môi?](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/hoi_dap_xam_moi_an_bun_dau_mam_tom_duoc_khong_2_b48d247681.png)
Lý do cần kiêng cữ sau xăm môi
Ngày nay, công nghệ xăm môi đã được phát triển hiện đại hơn. Người ta chỉ sử dụng cây kim xăm có đầu siêu nhỏ, siêu sắc để đi mực. Vì thế sẽ hạn chế tối đa tình trạng đau, sưng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, lớp thượng bì của môi cũng bị tổn thương bởi đầu kim, tạo thành những vết thương nhỏ li ti. Do đó, sau khi xăm, môi vẫn cần thời gian lành thương và hồi phục. Bạn vẫn phải tuân thủ các lưu ý chăm sóc môi sau phun đúng cách để đảm bảo việc lên màu như mong muốn.
![Lý do cần kiêng cữ sau xăm môi](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/hoi_dap_xam_moi_an_bun_dau_mam_tom_duoc_khong_3_afb8b61593.png)
Thông thường, kỹ thuật viên và bác sĩ thẩm mỹ sẽ khuyên nên kiêng cữ ăn uống, chăm sóc môi trong vòng 7-10 ngày sau xăm để tránh những tổn thương không đáng có, giúp môi phục hồi và lên màu đẹp. Đây được xem là khoảng thời gian kiêng cữ sau xăm môi. Vậy xăm môi nên ăn gì và không ăn gì? Có ăn được mắm tôm không? Chúng ta cùng theo dõi phần tiếp theo.
Xăm môi ăn bún đậu mắm tôm được không?
Để giải đáp chi tiết này, chúng ta cần xem xét nguyên liệu của món ăn này có thành phần nào dễ gây kích ứng, hoặc dị ứng hay không. Thành phần chính của món bún đậu mắm tôm gồm bún, đậu hũ, thịt lợn và mắm tôm.
Trong đó, bún, đậu hũ, thịt lợn đều là những thành phần lành tính, giàu dinh dưỡng có thể cân bằng dinh dưỡng sau xăm môi. Đồng thời, bổ sung đa dạng dinh dưỡng còn giúp cho quá trình lành thương diễn ra nhanh chóng và môi lên màu đẹp cũng như căng mọng hơn.
Tuy nhiên, mắm tôm lại thuộc nhóm thực phẩm không nên ăn sau khi xăm:
- Dễ gây kích ứng da môi: Môi phun cần phải tránh hải sản vì chúng có thể khiến môi bị sưng nề và không lên màu chuẩn. Mắm tôm lại có thành phần từ tôm và cá - loại hải sản sở hữu tính tanh cực cao nên sau khi ăn sẽ khiến cho khuôn miệng bị phù nề.
- Tổn thương niêm mạc môi: Mắm tôm dùng lượng muối để ủ vô cùng lớn, khoảng 700 đến 800g cho 1 lít mắm. Môi mới vừa phun xăm sẽ có phần da mỏng, thế nên nếu để môi tiếp xúc với đồ ăn quá mặn sẽ làm niêm mạc bị tổn thương. Hậu quả khiến đôi môi bị ngứa, đau nhức, sưng tấy hoặc có thể là viêm loét.
- Nguồn vi khuẩn cao: Mắm tôm được ủ trong bể mắm hoặc chum, vại lớn trong nhiều tháng để lên men. Quá trình này sẽ sinh ra rất nhiều vi khuẩn. Những người bụng yếu hay có vấn đề về hệ tiêu hóa sẽ bị ảnh hưởng. Đồng thời, nếu sau xăm môi ăn mắm tôm, lượng vi khuẩn lớn sẽ theo những khe hở chui vào trong môi gây ra nhiễm khuẩn khiến môi nhiễm trùng, biến dạng, viêm loét, thậm chí là hoại tử.
- Chứa protein “lạ”: Nghiên cứu đã chỉ ra rằng mắm tôm có chứa nhiều protein “lạ”. Khi ăn vào, để bảo vệ cơ thể, hệ miễn dịch sẽ sản sinh ra các chất chống lại protein “lạ”. Quá trình này khiến vết thương hở trên môi vừa xăm bị mưng mủ, nhiễm trùng.
- Khiến màu môi loang lỗ: Mắm tôm có nhiều peptide nên khi tiếp xúc với mực trong môi sẽ khiến cho màu mực bị loang lỗ. Từ đó màu môi không lên đều và đẹp. Đồng thời, hoạt chất peptide còn phá vỡ liên kết mực xăm môi, làm cho thời gian duy trì màu chỉ kéo dài được từ 7 đến 9 tháng. Ngoài ra, khi ăn mắm tôm, mọi người sẽ vắt chanh hay quất vào nước chấm. Chanh và quất giàu acid hữu cơ, sự kết hợp này sẽ càng khiến mực bị loang màu mạnh.
![Xăm môi ăn bún đậu mắm tôm được không?](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/hoi_dap_xam_moi_an_bun_dau_mam_tom_duoc_khong_4_894e2408ce.png)
Xăm môi cần kiêng mắm tôm bao lâu?
Thời gian trung bình cần kiêng là khoảng 2 - 3 tuần để lớp da chết trên môi bong tróc ra hết, lúc này lớp da mới được thay thế dần ổn định và lên màu đều thì có thể ăn uống bình thường. Vì thế, bạn chỉ cần kiêng không ăn bún đậu mắm tôm, hoặc các món ăn chế biến từ mắm trong khoảng thời gian này sau xăm là được. Tuy nhiên, thời gian lành da môi chính xác sẽ còn được tùy thuộc vào khả năng hồi phục của từng người.
Trên đây là một số thông tin giải đáp về xăm môi ăn bún đậu mắm tôm được không, hy vọng mọi người nắm được và kiêng cữ đúng cách để quá trình xăm môi lên màu đẹp và không biến chứng.
Thy Võ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp