Viễn thị bao nhiêu độ là nặng?
Viễn thị là tật khúc xạ mắt mà mắt nhìn rõ những vật ở xa nhưng không nhìn rõ những vật ở gần do ảnh của vật không rơi vào võng mạc mà ở sau võng mạc. Nếu không điều trị hiệu quả viễn thị sẽ gây giảm thị lực hoàn toàn. Tuy nhiên hiểu biết của mọi người về viễn thị còn nhiều hạn chế, đặc biệt là mức độ của viễn thị. Bài viết này sẽ giúp trả lời thắc mắc “Viễn thị bao nhiêu độ là nặng?”, đồng thời cũng cấp tới quý đọc giả những kiến thức cơ bản nhất của tật viễn thị.
Nguyên nhân gây viễn thị
Có 2 nguyên nhân chính:
- Do trục trước sau của nhãn cầu quá ngắn trong khi công suất của quang hệ bình thường. Mỗi milimet trục trước sau nhãn cầu ngắn hơn bình thường tương ứng với +3.00 Diop.
- Do công suất của quang hệ thấp trong khi trục trước sau nhãn cầu có chiều dài bình thường. Nó thể hiện ở việc giác mạc có độ cong thấp hơn bình thường (giác mạc dẹt hơn). Với mỗi sự gia tăng bán kính độ cong 1mm gây ra +6.00 diop viễn thị.
Các nguyên nhân dẫn đến hai tình trạng trên:
- Do bẩm sinh trẻ có tình trạng trục nhãn cầu ngắn và giác mạc dẹt.
- Do những biến đổi bất thường giải phẫu trong bào thai và giai đoạn sơ sinh.
- Do thường xuyên nhìn xa khiến thể thủy tinh luôn ở trạng thái giãn (xẹp xuống).
- Do lão hóa thể thủy tinh ở người lớn tuổi, mất tính đàn hồi nên không phồng lên được.
- Các bệnh lý mắc phải: Các chấn thương, bỏng giác mạc gây biến đổi giác mạc, chắp lẹo, đái tháo đường, đục thủy tinh thể, lệch thủy tinh thể.
Viễn thị bao nhiêu độ là nặng?
Độ viễn được xác định bằng cách đi khám bác sĩ chuyên khoa để đo thị lực, soi bóng đồng tử, thậm chí có nhiều trường hợp phải soi bóng đồng tử khi nhỏ liệt điều tiết để đưa ra độ viễn chính xác nhất. Độ viễn thị được viết dưới dạng (+) a, a càng cao thì mắt bị viễn thị càng nặng.
Mức độ viễn thị:
- Nhỏ hơn 1.00 diop: Viễn thị nhẹ. Nếu mắt vẫn đủ thị lực để sinh hoạt hàng ngày mà không phải nheo mắt nhiều, không đỏ mắt, khô mắt có thể không cần đeo kính mà chỉ cần thực hiện các bài tập luyện mắt và bổ sung các thực phẩm tốt cho mắt.
- Từ 1.00 diop đến 4.00 diop: Viễn thị mức độ trung bình. Bắt buộc đeo kính viễn.
- Lớn hơn 4.00 diop: Viễn thị nặng. Độ viễn này là nguyên nhân gây nên tật khúc xạ nhược thị cho mắt.
Việc đánh giá viễn thị là nặng hay nhẹ bạn hoàn toàn có thể hỏi lại bác sĩ thăm khám cho mình để có được kết quả chính xác hơn.
Biến chứng của tật viễn thị
Viễn thị nặng nếu không được điều trị kịp thời, hiệu quả sẽ gây ra nhiều biến chứng, trong đó hai biến chứng hay gặp là lác và nhược thị.
- Lác mắt: Do trẻ viễn thị bị mất cân bằng giữa điều tiết và quy tụ nên khiến mắt bị lác trong.
- Khi viễn thị mức độ nặng có độ viễn > 4.00 diop sẽ gây tình trạng nhược thị khiến mắt giảm thị lực nghiêm trọng, thậm chí mất thị lực nếu không điều trị kịp thời. Việc điều trị nhược thị khó khăn hơn rất nhiều so với viễn thị. Do đó cần đưa trẻ đến khám sớm để điều trị viễn thị và tái khám thường xuyên theo lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi sát sao tình trạng viễn thị của mắt.
Các phương pháp điều trị viễn thị
Có 2 phương pháp điều trị viễn thị phổ biến: Đeo kính và Phẫu thuật.
Lựa chọn kính cho người viễn thị
Đeo kính: Kính gọng hoặc kính áp tròng. Kính dành cho bệnh nhân viễn thị là kính hội tụ giúp cho ảnh của vật tập trung trên võng mạc mắt. Từ đấy giúp mắt nhìn vật được rõ ràng hơn.
Cần lựa chọn kính có độ viễn chính xác và nên chọn kính có độ chiết xuất cao và chống ánh sáng xanh, chống chói, chống thấm nước. Hiện nay có rất nhiều kính tại các cửa hàng đáp ứng các tiêu chí trên. Tuy nhiên việc chọn kính cần có đơn của bác sĩ để có thể chọn được kính có độ viễn chính xác nhất.
Khi đeo kính viễn thị bạn cũng nên chú ý mắt nếu khó nhìn hơn, hay mỏi mắt thì đi khám lại ngay, hoặc nếu không có gì bất thường cũng nên đi khám lại sau 3 tháng theo hẹn. Độ viễn của mắt có thể nặng lên mà bạn không chú ý.
Phẫu thuật tật viễn thị
Phẫu thuật là phương pháp điều trị viễn thị khỏi hoàn toàn mà không cần đeo kính. Hiện nay, phẫu thuật ngày càng được ưa chuộng hơn bởi sự phát triển của các phương pháp phẫu thuật ngày càng hiện đại, đạt hiệu quả điều trị cao.
Điều kiện để mổ viễn thị:
- Đủ tuổi phẫu thuật > 18 tuổi.
- Thị lực phát triển ổn định để đảm bảo sẽ không gây tái viễn sau phẫu thuật.
- Giác mạc mắt không bị bất thường như sẹo giác mạc, giác mạc hình chóp và giác mạc phải có độ dày vừa đủ.
- Người bệnh không có các bệnh mạn tính như đái tháo đường, nhiễm trùng...
Hiện nay các phẫu thuật mắt đều là sử dụng bằng tia laser. Hai phẫu thuật chính được sử dụng là Photo Refractive Keratectomy (PRK) và LASIK.
- PRK: Với phương pháp này Phẫu thuật viên sẽ lấy lớp biểu mô giác mạc, sau đó dùng tia laser để tác động lên bề mặt giác mạc để làm thay đổi độ cong giác mạc.
- LASIK: Bác sĩ sẽ tạo một vạt giác mạc rồi lật lên, sau đó sử dụng laser để tác động lên phần nhu mô của giác mạc, cuối cùng đậy vạt giác mạc lại.
Viễn thị nên ăn thực phẩm gì?
Bệnh nhân bị viễn thị sẽ không phải kiêng thực phẩm gì cả mà vẫn bổ sung đủ theo tháp dinh dưỡng. Đặc biệt nên bổ sung thêm những thực phẩm giàu vitamin A, E, B tốt cho mắt.
- Các thực phẩm chứa nhiều vitamin A giúp có thể kể đến: Gan động vật, lòng đỏ trứng gà, dầu cá, các loại của quả có màu đỏ như cà chua, đu đủ, cà rốt, xoài, gấc...
- Vitamin B có nhiều trong chuối, bí ngô, khoai lang, hạt điều, các loại đậu, thịt nạc...
- Vitamin E có nhiều trong rau xanh, thịt, cá hồi, tôm, dầu oliu, hạnh nhân, quả bơ...
Như vậy, qua bài viết này bạn đọc đã có những hiểu biết về mức độ viễn thị và các biến chứng có thể gặp khi bị viễn thị. Do đó ngay khi có triệu chứng nhìn các vật ở gần mờ, nhìn vật ở xa rõ hãy tới ngay bác sĩ chuyên khoa để khám và điều trị, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
Nhà Thuốc Hà An hi vọng rằng bài viết trên đã mang đến những thông tin hữu ích cho quý độc giả về viễn thị và giải đáp câu hỏi "Viễn thị bao nhiêu độ là nặng?". Đừng quên theo dõi trang web của Nhà Thuốc Hà An để nhanh chóng tiếp cận những kiến thức bổ ích về y học và đời sống nhé!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp