Viêm lỗ chân lông trẻ em có nguy hiểm không? Chữa trị như thế nào?
Viêm nang lông là một bệnh da liễu khá phổ biến ở trẻ em, nhất là khi trời nắng nóng, độ ẩm cao, mặc quần áo chật không thấm khô mồ hôi,... Viêm lỗ chân lông trẻ em có thể tự hết trong vài tuần mà không cần điều trị y tế.
Viêm lỗ chân lông trẻ em là gì?
Viêm lỗ chân lông là một bệnh nhiễm trùng xảy ra ở trong nang lông của trẻ. Đó là một túi nhỏ trong lớp biểu bì của da có chức năng kiểm soát sự phát triển của lông và tóc. Ở trẻ em, viêm lỗ chân lông thường xảy ra trên các bộ phận của cơ thể bị ma sát chẳng hạn như da tay chân, lưng và mông. Ma sát do quần áo và mồ hôi có thể làm tắc nghẽn và kích ứng các nang lông. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi để các mầm bệnh có trên bề mặt da dễ dàng xâm nhập vào bên trong và gây viêm nhiễm.
![Viêm lỗ chân lông trẻ em có nguy hiểm không? Chữa trị như thế nào? 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/viem_lo_chan_long_tre_em_co_nguy_hiem_khong_chua_tri_nhu_the_nao_1_9c521429aa.jpeg)
Nguyên nhân gây ra bệnh viêm lỗ chân lông
Viêm lỗ chân lông ở trẻ em thường xảy ra do một trong những nguyên nhân sau:
- Di truyền: Ba mẹ bị viêm lỗ chân lông có nguy cơ lây bệnh cho trẻ.
- Do trẻ chưa được vệ sinh cơ thể sạch sẽ: Vệ sinh cá nhân hàng ngày là điều quan trọng đối với cả người lớn và trẻ nhỏ. Nếu da không sạch sẽ có nguy cơ bụi bẩn tích tụ trong lỗ chân lông, làm tắc nghẽn và gây ra phản ứng viêm trên lỗ chân lông. Ở trẻ nhỏ, việc tắm rửa, vệ sinh da hàng ngày cần phải được chú ý hơn.
- Vào mùa hè là thời điểm các bé thường đi bơi ở các công viên nước, bể bơi công cộng. Nếu hồ bơi không được vệ sinh thường xuyên theo tiêu chuẩn, trẻ em tắm ở hồ bơi có thể mắc một số bệnh ngoài da trong đó có bệnh viêm nang lông.
- Việc sử dụng một số loại thuốc mỡ làm tắc nghẽn nang lông của trẻ.
- Các bệnh về tuyến bã nhờn, trẻ còn quá nhỏ, hoạt động của tuyến bã nhờn chưa ổn định nên nếu tiết nhiều dầu sẽ gây bít tắc lỗ chân lông và gây viêm nhiễm.
- Một số trẻ có nguy cơ bị viêm nang lông cao hơn những trẻ khác trong các trường hợp sau trẻ bị chàm hoặc bị mụn trứng cá. Trẻ phải dùng kháng sinh quá lâu, trẻ có vết thương hở, nhiễm trùng da, trẻ bị tiểu đường, suy giảm hệ miễn dịch,...
Triệu chứng viêm lỗ chân lông trẻ em
Khi trẻ em bị viêm nang lông, có thể gặp một số triệu chứng sau:
- Các nang lông sưng lên, phát ban nhỏ, thường có màu đỏ hoặc trắng.
- Các nốt ban này có thể chứa mủ, dễ vỡ ra và sau đó đóng vảy.
- Viêm nang lông thường gây ngứa ngáy, thậm chí đau đớn. Đặc biệt khi bệnh đã gây nhiễm trùng thì biểu hiện này càng rõ ràng hơn.
- Bất kỳ vùng nào trên cơ thể cũng có thể bị viêm nang lông nhưng những vùng ẩm ướt có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, đặc biệt là vùng nách, bẹn, mông và bộ phận sinh dục.
- Lông quăn dưới da: Đây cũng là một trong những triệu chứng của bệnh viêm nang lông. Lông không mọc thẳng trên da như bình thường mà cuộn vào trong. Các bậc cha mẹ hãy chú ý quan sát cơ thể trẻ để nhận biết sớm các triệu chứng bệnh và điều trị viêm nang lông.
![Viêm lỗ chân lông trẻ em có nguy hiểm không? Chữa trị như thế nào? 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/viem_lo_chan_long_tre_em_co_nguy_hiem_khong_chua_tri_nhu_the_nao_2_9d71518f4a.jpeg)
Cách điều trị viêm lỗ chân lông trẻ em
Đối với trường hợp nhẹ
Ở mức độ viêm lỗ chân lông nhẹ, ba mẹ có thể cải thiện tình trạng bệnh cho trẻ ngay tại nhà
- Tắm rửa cho trẻ hàng ngày: Trẻ bị viêm nang lông nên tắm thường xuyên để giữ vệ sinh cơ thể. Điều này có thể giúp hạn chế tình trạng ngứa ngáy, ngăn ngừa bội nhiễm, giúp nang lông nhanh lành hơn. Mẹ có thể dùng các loại sữa tắm dành cho bé. Dùng khăn mềm lau khô người cho trẻ. Tránh gãi mạnh và tắm nước nóng cho trẻ.
- Duy trì độ ẩm: Viêm nang lông ở trẻ em có thể gây ngứa dữ dội hơn khi làn da khô. Do đó, giữ ẩm cho da của trẻ có thể giúp làm giảm các triệu chứng. Hãy nhớ rằng chỉ nên chọn những sản phẩm được thiết kế riêng cho trẻ.
- Ba mẹ nên khuyến khích trẻ uống nhiều nước hơn. Ngoài nước lọc ba mẹ nên cho trẻ uống nước hoa quả, nước canh, nước luộc rau. Đây là một nguồn rất giàu vitamin và khoáng chất.
- Mặc quần áo rộng rãi và thoải mái cho trẻ giúp vùng da bị thương khô ráo, không bị ma sát và tốc độ tái tạo da nhanh hơn. Các mẹ nên lựa chọn chất liệu mỏng, thoáng mát và có khả năng thấm hút cao. Thay quần áo cho trẻ thường xuyên, đặc biệt là sau khi trẻ tập thể dục hoặc ra nhiều mồ hôi. Quần áo và khăn tắm của trẻ em nên được giặt riêng, phơi dưới ánh nắng mặt trời để loại bỏ nấm và vi khuẩn.
Đối với trường hợp nặng
Trường hợp da bị viêm nặng, ba mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện da liễu khám và điều trị phù hợp. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc điều trị như sau:
- Thuốc kháng sinh: Nhóm thuốc này được sản xuất dưới dạng uống hoặc bôi ngoài da.
- Thuốc trị nấm: Nếu có nguy cơ bị nấm, hãy liên hệ với bác sĩ để có lời khuyên dùng thuốc trị nấm để ức chế sự phát triển của mầm bệnh.
- Thuốc NSAID: Tác dụng chống viêm nang lông và giảm đau.
- Thuốc kháng histamine: Nhóm thuốc này có hiệu quả giảm ngứa nhanh chóng, giúp bé cảm thấy thoải mái hơn.
- Khi bệnh chuyển sang mãn tính, bệnh viêm da này sẽ khó điều trị hơn. Nếu trẻ không đáp ứng với thuốc, bác sĩ có thể cân nhắc một số phương pháp như liệu pháp ánh sáng, triệt lông vĩnh viễn bằng laser, tiểu phẫu nếu da có mụn nhọt quá to.
![Viêm lỗ chân lông trẻ em có nguy hiểm không? Chữa trị như thế nào? 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/viem_lo_chan_long_tre_em_co_nguy_hiem_khong_chua_tri_nhu_the_nao_3_0830a8de57.jpeg)
Nhìn chung, bệnh viêm lỗ chân lông trẻ em nếu được điều trị sớm sẽ giúp da nhanh lành và hạn chế để lại sẹo trên da. Tùy vào tình trạng của bé và nguyên nhân gây viêm nang lông mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Do đó, nếu trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, hãy đưa trẻ đến trung tâm y tế chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn cách điều trị tốt nhất.
Cao Hiếu
Nguồn tham khảo: Tổng hợp