Viêm da dị ứng thời tiết có chữa hết không?

Dị ứng thời tiết xuất phát từ nhiều yếu tố, chẳng hạn như thay đổi nhiệt độ nóng - lạnh, độ ẩm ảnh hướng đến sự phát triển của dị nguyên nấm mốc, hay có thể là từ sự thay đổi nồng độ phấn hoa trong không khí… Tùy mức độ bị ảnh hưởng mà bệnh nhân sẽ có các biểu hiện khác nhau, bao gồm da mẩn đỏ, ngứa, nổi mề đay,...

Tổng quan về viêm da dị ứng thời tiết

Viêm da dị ứng thời tiết khiến bề mặt da chúng ta bị viêm nhiễm hoặc nổi mẩn gây ngứa ngáy, ít nhiều làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của bệnh nhân cũng như gây mất thẩm mỹ khiến người bệnh cảm thấy tự ti khi ra ngoài.

Nguyên nhân gây viêm da dị ứng thời tiết

Nguyên nhân chính khiến tình trạng dị ứng, viêm da này xuất hiện chính là sự thay đổi thời tiết. Nhiệt độ, không khí hoặc độ ẩm đột nhiên tăng cao hoặc giảm xuống thấp sẽ kéo theo nguy cơ mắc bệnh viêm da dị ứng thời tiết khá cao.

Viêm da dị ứng thời tiết có chữa hết không? 1 Viêm da dị ứng thời tiết khiến bề mặt da chúng ta bị viêm nhiễm hoặc nổi mẩn gây ngứa ngáy.

Theo các chuyên gia, khi thời tiết thay đổi nhưng phản ứng của não bộ không xảy ra kịp thời cũng như cơ chế điều hòa nhiệt độ của cơ thể không thể thích nghi ngay lập tức sẽ dẫn đến những phản ứng của cơ thể trước sự thay đổi này, trong đó bao gồm hiện tượng thường gặp là viêm da, dị ứng,…

Thống kê cho thấy, ai cũng có thể bị dị ứng do thay đổi thời tiết, bất kể độ tuổi lẫn giới tính, Những người có cơ địa nhạy cảm trước những chuyển biến của khí hậu càng cần phải cẩn trọng hơn.

Viêm da dị ứng thời tiết có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, trong đó tay, chân hoặc mặt thường là những nơi thường xuyên bị viêm nhiễm, mẩn đỏ nhất. Ngoài ra, những khu vực tiết nhiều mồ hôi cũng rất dễ bị dị ứng khi thời tiết thay đổi bất ngờ.

Nhận biết tình trạng viêm da dị ứng thời tiết

Dù viêm da dị ứng xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng triệu chứng của bệnh này khá giống nhau và thường xuất hiện sau khi thời tiết thay đổi bất thường hay vào những ngày trời quá nóng/lạnh…

Người bệnh sẽ thấy xuất hiện nốt ban đỏ li ti trên bề mặt da, cảm giác ngứa ngáy, khó chịu vô cùng. Càng gãi, các nốt ban đỏ này lại càng lan rộng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày.

Ngoài ra, một số trường hợp còn có hiện tượng da chuyển màu sẫm, có khi bị sưng hoặc đau rát ở những khu vực da mỏng và nhạy cảm (vùng vai, gáy hoặc cổ,…). Thời điểm thời tiết hanh khô, làn da ở một số bệnh nhân trở nên khô hơn, nhiều trường hợp bong tróc nghiêm trọng gây mất thẩm mỹ, khiến người bệnh tự ti khi để lộ vùng da dị ứng, viêm nhiễm.

Viêm da dị ứng thời tiết có chữa hết không? 2 Viêm da dị ứng thời tiết có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu trên cơ thể.

Những dạng viêm da dị ứng thời tiết phổ biến

Tùy vào cơ địa mà mỗi người sẽ bị dị ứng vào những ngày trời trở nóng hay thời điểm lạnh giá. Tuy nhiên, tỷ lệ người bệnh đối mặt với tình trạng viêm da, dị ứng trong thời điểm giao mùa là cao hơn cả. Nếu không chăm sóc cẩn thận, làn da sẽ trở nên nhạy cảm và dễ bị dị ứng, viêm nhiễm trước sự thay đổi nhỏ của thời tiết.

Phần lớn bệnh nhân sẽ đối mặt với viêm da dị ứng trong ngày hè, nắng nóng, oi bức. Vào thời điểm này, tuyến mồ hôi hoạt động nhiều hơn, các loại bụi bẩn, bụi mịn làm tổn thương làn da, tạo điều kiện để vi khuẩn xâm nhập, tấn công làn da, gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như nổi mẩn, ngứa ngáy, da chuyển màu sẫm, cảm giác sưng, rát. Do đó, bạn lưu ý giữ vệ sinh cho làn da được thoáng mát, sạch sẽ, nhất là sau khi tham gia hoạt động thể thao, vận động tiết ra nhiều mồ hôi.

Cũng nhiều trường hợp bệnh nhân bị viêm da dị ứng thời tiết lạnh khi nhiệt độ giảm mạnh cộng thêm độ ẩm không khí thấp khiến làn da nhạy cảm hơn. Lúc này, da sẽ có hiện tượng khô ráp, bong tróc, nứt nẻ nghiêm trọng.

Để giải quyết tình trạng này, các bạn có thể tham khảo và sử dụng sản phẩm dưỡng ẩm cho da trong mùa đông nhé! Vì làn da của chúng ta vốn rất nhạy cảm nên bạn hãy ưu tiên lựa chọn sản phẩm với bảng thành phần lành tính, không gây dị ứng.

Viêm da dị ứng thời tiết có nghiêm trọng không?

Đầu tiên, phải nói ngay rằng viêm da dị ứng thời tiết là bệnh lành tính, các triệu chứng bệnh sẽ dần thuyên giảm sau từ vài giờ cho đến vài ngày. Hơn nữa, đây là bệnh xuất phát từ cơ địa bên trong của bản thân người bệnh nên không có khả năng lây nhiễm cho những người xung quanh. Vì thế, bạn có thể yên tâm việc tiếp xúc với người bị viêm da dị ứng thời tiết hoàn toàn không có gì phải e ngại bị lây nhiễm. 

Viêm da dị ứng thời tiết có chữa hết không? 4 Viêm da dị ứng thời tiết là bệnh lành tính, các triệu chứng bệnh sẽ dần thuyên giảm.

Bệnh ở mức độ nhẹ, nếu chú ý chăm sóc sẽ không gây tổn thương cho da. Tuy nhiên, một số trường hợp tình trạng ngứa ngáy, mẩn đỏ trên bề mặt da không có dấu hiệu thuyên giảm. Khi bị tổn thương trong thời gian dài, da người bệnh sẽ có nguy cơ bội nhiễm và hình thành những vết sẹo xấu xí trên bề mặt. Nặng nề hơn là người bệnh còn đối mặt với những biến chứng xấu, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, chẳng hạn như tình trạng khó thở, tụt huyết áp, suy tim

Nếu trong vài ngày bệnh không có dấu hiệu được cải thiện, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để bác sĩ chuyên khoa kiểm tra và điều trị.

Phòng ngừa viêm da dị ứng thời tiết 

So với người bình thường, những người có cơ địa dị ứng trước đó như dị ứng thức ăn, dị ứng thuốc, phấn hoa… hoặc người mắc các bệnh như viêm da tiếp xúc, viêm mũi dị ứng, hen phế quản sẽ có nguy cơ cao bị dị ứng thời tiết hơn.

Để chữa viêm da dị ứng thời tiết, bác sĩ có thể sẽ tùy theo nguyên nhân, mức độ và cơ địa từng người mà chỉ định các loại thuốc như thuốc kháng histamin, thuốc kháng thụ thể H2, doxepin, Prednisolone, Corticoid…

Song song với dùng thuốc, bệnh nhân cũng cần chú ý đến lối sống, chế độ sinh hoạt. Ngay cả việc nắm được những loại thực phẩm người dị ứng thời tiết cần kiêng gì cũng đóng vai trò quan trọng giúp điều trị hiệu quả căn bệnh này.

Viêm da dị ứng thời tiết có chữa hết không? 3 Ăn nhiều rau củ quả, trái cây có chứa nhiều vitamin C, uống nhiều nước để điều hòa cơ thể.

Dưới đây là những thói quen cần duy trì để phòng ngừa viêm da dị ứng thời tiết:

  • Tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể bằng cách uống nhiều loại nước ép trái cây. Bổ sung đầy đủ vitamin và các dưỡng chất cần thiết là biện pháp chống lại những tác nhân gây dị ứng từ môi trường bên ngoài.
  • Tránh/hạn chế tối đa việc hút thuốc lá, thức uống có cồn như bia rượu, tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, khói bụi, phấn hoa.
  • Luôn giữ nhiệt độ ổn định cho cơ thể, tránh tình trạng thay đổi nhiệt độ đột ngột.
  • Ăn nhiều rau củ quả, trái cây có chứa nhiều vitamin C, uống nhiều nước để điều hòa cơ thể. Nếu cần thiết có thể tư vấn bác sĩ để bổ sung thêm những thuốc bổ chứa vitamin B1, B6, B12.
  • Thường xuyên luyện tập thể dục một cách hợp lý để tăng cường sức đề kháng.
  • Hạn chế việc tiết mồ hôi, giữ vệ sinh da sạch sẽ, thông thoáng.
  • Vào thời điểm giao mùa, nhất là vào đầu mùa đông cần chú ý mặc ấm và giữ ấm cho những bộ phận nhạy cảm như đầu, cổ...
  • Nếu phát hiện có dấu hiệu dị ứng sẩn ngứa trên da thì cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ những nơi bị dị ứng và thăm khám y tế ngay khi có dấu hiệu bất thường.
  • Tránh gãi hoặc ma sát mạnh trên da vì dễ dẫn đến nhiễm trùng hoặc viêm da. Chọn mặc quần áo mỏng nhẹ, mềm mại và dễ thấm mồ hôi nhằm giúp cho da hạn chế bị cọ xát và dị ứng không thể lan rộng khắp cơ thể.
  • Chú ý kiêng ăn những loại thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, nhộng, đậu phộng.

Hoàng Lam

Nguồn tham khảo: Tổng hợp



Chat with Zalo