Ù tai sau khi bị COVID có nguy hiểm không?

Hiện nay, nhờ sự vào cuộc chỉ đạo sát sao của Chính Phủ, vacxin COVID đã phủ khắp đất nước Việt Nam, tỷ lệ người mắc triệu chứng nặng khi nhiễm COVID chỉ chiếm tỉ lệ rất thấp. Đa số các ca nhiễm COVID biểu hiện bệnh ở mức độ nhẹ.

Tuy nhiên, các triệu chứng sau nhiễm COVID lại khá đa dạng, tác động lên nhiều cơ quan và gây ảnh hưởng chất lượng sống, cũng như mang lại nhiều lo lắng, hoang mang cho người mắc.

Vì sao có hiện tượng ù tai sau khi bị COVID?

Ù tai sau khi bị COVID là sự xuất hiện của tiếng kêu lạ, tiếng ồn mà người bệnh nghe từ trong tai họ chứ không phải thực sự xuất hiện ở môi trường bên ngoài, có thể hai bên tai hoặc một bên, có thể xuất hiện cùng lúc, hoặc từ bên này sang bên kia. Tiếng ồn được mô tả giống như tiếng ve kêu, tiếng chuông reo, tiếng o o, tiếng rít,…

Ù tai sau khi bị COVID có nguy hiểm không 1 Ù tai sau khi bị COVID là tình trạng không hiếm gặp và vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu tìm cách điều trị hiệu quả

Theo thống kê của nghiên cứu gần đây, tỷ lệ người sau nhiễm SARS-CoV-2 bị ù tai là 14,6%, tỉ lệ bị giảm thính lực là 6%. Cơ chế gây ù tai sau nhiễm COVID chưa được nghiên cứu cụ thể. Rõ ràng đây là dịch bệnh mới và còn rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng chỉ ra một số nguyên nhân chính gây hiện tượng ù tai sau khi bị COVID như sau:

Cơ chế thứ nhất

Cơ chế đáp ứng tự miễn gây nên. Sau nhiễm SARS-CoV-2, các virus trở thành kháng nguyên lạ với cơ thể, khởi động quá trình miễn dịch để chống lại virus. Khi phản ứng miễn dịch xảy ra quá mức, cơ thể giải phóng ồ ạt các yếu tố gây viêm (các cytokines).

Ngoài tấn công virus, các phản ứng viêm quá mức còn xảy ra tại nhiều cơ quan khác. Ở hệ thống thính giác, các cytokines gây nên phản ứng viêm tại phần nội dịch và ngoại dịch trong các ống bán khuyên, ốc tai. Ù tai sẽ xuất hiện do quá trình trên làm giảm sự dẫn truyền âm thanh, và làm rối loạn chuyển động của chu trình dịch thể trong tai.

Cơ chế thứ hai

Virus SARS-CoV-2 còn trực tiếp tác động vào các dây thần kinh tiền đình ốc tai qua các synap thần kinh (đầu mút nối các dây thần kinh nối với nhau), làm gián đoạn, giảm sự dẫn truyền, tiếp nhận âm thanh từ ngoại vi về trung ương để thùy thái dương của não bộ xử lý.

Một số cơ chế khác 

  • Do sự tắc các mạch máu nhỏ nuôi dưỡng cho tai: Virus SARS-CoV-2 cũng có thể làm tăng quá trình đông máu, tạo các cục máu đông, gây tắc mạch máu nhỏ trong đó có các động mạch cấp máu cho tai.
  • Do căng thẳng tâm lý kéo dài liên quan đến thời gian cách ly xã hội dài ngày và sự lo lắng để tránh lây nhiễm.
  • Do quá trình điều trị COVID: Sử dụng một số thuốc gây hại cho ốc tai, gây ù tai, giảm thính lực như: Hydrochloroquin, Azithromycin, Ivermectin,…
Ù tai sau khi bị COVID có nguy hiểm không 2 Ù tai sau khi bị COVID không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống người mắc

Ù tai sau mắc COVID có nguy hiểm không?

Ù tai gây ra khá nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người mắc. Nó làm người bệnh rất khó chịu, không tập trung trong công việc và học tập, giảm năng suất lao động. Hơn nữa ù tai còn khiến bạn khó nghỉ ngơi thư giãn, dễ rơi vào căng thẳng mệt mỏi. Càng lo lắng, stress thì tình trạng ù tai sẽ càng tăng lên.

Ù tai kéo dài còn làm bạn mất ngủ vì càng ở trong không gian yên tĩnh, bạn càng dễ cảm nhận tiếng ù tai hơn. Nguy hiểm hơn, nếu tình trạng trên kéo dài, khả năng nghe cũng bị ảnh hưởng, làm giảm thính lực, thậm chí có thể gây điếc hoàn toàn.

Ù tai hậu COVID còn khiến các triệu chứng khác của người bệnh sau mắc COVID trở nên nặng hơn như tình trạng mất ngủ, rối loạn lo âu, mất vị giác, đau đầu, chóng mặt,…

Một số triệu chứng hậu COVID khác

Các triệu chứng hậu COVID đang là vấn đề được quan tâm và gây ảnh hưởng không nhỏ đến người bệnh như:

  • Khó thở, ho khan kéo dài, hụt hơi.
  • Đau tức ngực, cảm giác nặng ngực.
  • Mất mùi, vị kéo dài.
  • Mệt mỏi kéo dài, giảm sức lao động, đau mỏi người.
  • Giảm trí nhớ, rối loạn giấc ngủ,…
  • Rối loạn lo âu, trầm cảm,…
  • Da liễu: Rụng tóc, viêm da, loét da,…
  • Tiêu hóa: Tiêu chảy, chán ăn,…
Ù tai sau khi bị COVID có nguy hiểm không 3 Điều trị triệu chứng hậu COVID vẫn đang là vấn đề nóng trong ngành Y tế hiện nay 

Làm thế nào chữa trị ù tai sau COVID?

Triệu chứng ù tai hậu COVID chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu, tuy nhiên theo nghiên cứu của các nhà khoa học có một số biện pháp hỗ trợ giảm triệu chứng ù tai mang lại hiệu quả. Thực tế đây chỉ là biện pháp điều trị triệu chứng, giảm cảm giác khó chịu cho người mắc. Để điều trị hậu COVID cần có thời gian, kiên nhẫn và quan trọng là tâm lý thoải mái để điều trị, tránh hoang mang, lo lắng.

Cách điều trị ù tai khác nhau ở mỗi người dựa trên mức độ khó chịu nó gây ra và thời điểm nó gây khó chịu cho người bệnh.

  • Đối với những người ở mức độ nhẹ và chỉ thỉnh thoảng bị làm phiền bởi hiện tượng này, việc tìm kiếm các công cụ để đánh lạc hướng tâm trí của mình khỏi chứng ù tai có thể hữu ích, chẳng hạn như tập trung vào một sở thích hoặc hoạt động. 
  • Đối với người chỉ bị làm phiền khi đi ngủ vào ban đêm, sử dụng một ứng dụng để nghe âm thanh của mưa hoặc sóng biển sẽ giúp bạn dễ ngủ hơn. Thiền cũng có ích trong giảm tiếng ù tai do đặt hết sự tập trung vào hơi thở. Hàng ngày, bạn nên tập thiền trong 15 đến 30 phút, tập trung vào hơi thở, về với bản thể tồn tại, bỏ hết các suy nghĩ muộn phiền. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái và quên đi tiếng ù.
  • Đối với những người bị ảnh hưởng dai dẳng vì chứng ù tai, bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám, can thiệp kịp thời. Các bác sĩ sẽ tiến hành hỏi khám bệnh, làm các xét nghiệm như nội soi tai mũi họng,… nhằm xác định mức độ, tình trạng bệnh. Không thể loại trừ trường hợp triệu chứng ù tai đó không phải là hội chứng hậu COVID mà do nguyên nhân khác gây ra. Tùy vào mức độ bệnh khác nhau, bạn sẽ được sử dụng thuốc khác nhau theo chỉ định của bác sĩ.

Bên cạnh các biện pháp trên, hãy tích cực thành lập xây dựng một lối sống khỏe mạnh, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc, không thức khuya, thực hiện chế độ dinh dưỡng hậu COVID để cùng nâng cao sức khỏe, đó cũng là biện pháp giúp chúng ta cùng đẩy lùi các triệu chứng ù tai sau khi bị COVID hữu hiệu.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp



Chat with Zalo