Ù tai mắt mờ gặp trong bệnh lý gì?
Ù tai mắt mờ là triệu chứng có thể gặp ở nhiều bệnh như vấn đề ở tai, thần kinh hay bệnh lý toàn thân. Các bệnh thông thường được nghi ngờ đầu tiên nên kể đến là viêm tai giữa, viêm tai trong, u não, cơn thiếu máu cục bộ,...
Ù tai mắt mờ là dấu hiệu của bệnh gì?
Viêm tai giữa
Nhiễm trùng tai ngoài, tai giữa và tai trong thường do vi rút gây ra. Hầu hết các bệnh nhiễm trùng bên ngoài (do bơi lội) và tai giữa (viêm tai giữa) có thể được điều trị tại nhà bằng các biện pháp như chườm ấm để giảm đau tai, nhỏ thuốc và vệ sinh tai cơ bản.
Các triệu chứng của viêm tai ngoài và viêm tai giữa bao gồm đau tai từ nhẹ đến nặng, chảy mủ từ tai, sưng và đỏ tai, một vài trường hợp sẽ gặp suy giảm thính giác tạm thời. Nhiễm trùng tai giữa và trong có thể gây sốt và các vấn đề về giữ thăng bằng cơ thể. Hầu hết các bệnh nhiễm trùng tai ngoài và tai giữa không cần dùng kháng sinh. Nhiễm trùng tai trong nên được điều trị bởi bác sĩ chuyên về các vấn đề về tai và thính giác.
Viêm tai trong
Viêm tai trong là tình trạng viêm mê đạo tai (một phần của tai có vai trò giữ thăng bằng cơ thể và thính giác). Viêm mê đạo thường liên quan đến nhiễm vi rút ở tai trong. Các triệu chứng của bệnh viêm mê đạo là đau tai hoặc chảy mủ tai, khó giữ thăng bằng và đi lại, ù tai, chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa và mắt mờ. Nhiễm vi rút liên quan đến viêm mê đạo rất dễ lây lan, di ổ nhiễm trùng sang vị trí khác.
Kháng sinh có thể được chỉ định để điều trị nhiễm trùng tai trong, làm giảm các triệu chứng viêm tai trong như ù tai, mắt mờ chóng mặt và buồn nôn, đồng thời giúp giảm đau tai. Khi gặp các triệu chứng viêm tai trong cần tới bác sĩ chuyên khoa để thăm khám kịp thời bạn nhé!
Bệnh đái tháo đường có thể gây ù tai mắt mờ
Bệnh đái tháo đường là một bệnh lý mãn tính, bản chất là sự tăng lượng glucose trong máu và biến chứng tiểu đường có thể gây ảnh hưởng mọi cơ quan.
Các triệu chứng bao gồm khát nước quá mức, đi tiểu thường xuyên, sụt cân, mệt mỏi và nước tiểu có mùi bất thường. Hay có thể nhớ một cách cơ bản 4 triệu chứng của đái tháo đường type 2 là ăn nhiều - uống nhiều - đái nhiều - gầy nhiều.
Hầu hết mọi người không biết mình mắc bệnh tiểu đường loại 2 cho đến khi họ làm xét nghiệm máu định kỳ. Những trường hợp đái tháp đường type 2 tiến triển từ lâu sẽ có hiện tượng ù tai và mắt mờ do bệnh võng mạc tiểu đường, đục thủy tinh thể,… Các lựa chọn điều trị bao gồm sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, chế độ ăn kiêng và các thay đổi lối sống khác.
Cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA, Mini-Stroke)
Khi một phần não bị mất nguồn cung cấp máu, do cục máu đông hoặc tắc mạch, cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA, đột quỵ nhỏ) có thể xảy ra. Khi có cơn thiếu máu não, một phần não không được cung cấp đủ dinh dưỡng sẽ xuất hiện các khiếm khuyết thần kinh như lú lẫn, hôn mê và mất chức năng ở một bên cơ thể, các dấu hiệu của liệt dây thần kinh sọ gây ra ù tai, mắt mờ, nuốt kém và liệt mặt,...
Nếu các triệu chứng không được giải quyết, rất có thể xảy ra tình trạng đột quỵ não. Các yếu tố nguy cơ đối với TIA bao gồm bệnh mạch máu, hút thuốc, huyết áp cao, cholesterol cao và bệnh tiểu đường. Việc điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của TIA và thời gian từ khi khởi phát tới khi can thiệp xử trí.
Khối u trong não gây chèn ép
Khi một khối u phát triển trong não, thường sẽ là lành tính nhưng khi khối u to lên sẽ gây chèn ép lên các bộ phận xung quanh, khối u não vị trí góc cầu tiểu não thường sẽ chèn ép lên dây thần kinh VII, dây thần kinh VIII gây hiện tượng mắt mờ và ù tai. Đa số u não là lành tính nhưng bệnh nhân sau khi phẫu thuật phải lấy bệnh phẩm làm giải phẫu bệnh mới khẳng định được u lành hay ác tính để có phác đồ điều trị tiếp theo. Với những khối u có kích thước lớn, bệnh nhân cần được phẫu thuật lấy bỏ khối u càng sớm càng tốt vì nếu phát triển ngày một lớn hơn thì sẽ chèn ép vào nhiều vị trí quan trọng có thể gây hôn mê, thậm chí tử vong.
Làm gì khi bị ù tai mắt mờ?
Tùy vào nguyên nhân gây ra ù tai mắt mờ mà có những cách điều trị khác nhau, điều quan trọng ù tai mắt mờ chỉ là triệu chứng, khi giải quyết được nguyên nhân mới có thể cải thiện tình trạng này. Bạn nên đến thăm khám ở các cơ sở y tế để có chẩn đoán và cách điều trị chính xác nhất. Một số phương pháp cải thiện tình trạng ù tai mắt mờ thường được áp dụng:
Chế độ ăn lành mạnh, khoa học: Một chế độ ăn tốt sẽ giúp bạn tăng sức đề kháng, đẩy lùi bệnh tật, giảm thiểu các triệu chứng ù tai, mắt mờ. Một chế độ dinh dưỡng tốt bao gồm đủ 4 nhóm dưỡng chất:
- Tinh bột: Gồm ngũ cốc và khoai củ là thức ăn cung cấp năng lượng chính, phổ biến là gạo, ngô,...
- Chất béo: Sử dụng phối hợp các loại thực phẩm là mỡ và dầu. Nên sử dụng dầu thực vật vì trong đó có nhiều acid béo không no cần thiết cho hệ thần kinh.
- Protein hay đạm: Chủ yếu là thịt, cá, trứng, sữa,... Sử dụng các đạm có chất lượng cao như sữa bò, trứng, cá, các loại thịt gia súc hoặc gia cầm.
- Vitamin cần thiết và các khoáng chất thiết yếu: Các loại rau quả giàu vitamin A,C,... các khoáng chất như sắt, calci,... Thực phẩm nhiều sắt như gan, thịt có màu thẫm. Thực phẩm giàu kẽm: Lòng đỏ trứng, tôm, cua, cá,... Thực phẩm giàu vitamin C: Cam, xoài, rau xanh, súp lơ,...
Chế độ sinh hoạt khoa học :
- Tập thể dục thể thao thường xuyên tối thiểu 30 phút mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần, chú ý các động tác tập vùng cổ vai gáy.
- Thời gian ngủ hợp lý: Hạn chế thức đêm muộn và ngủ đủ 7-8 tiếng một ngày. Buổi trưa nên ngủ tầm 30 phút để cơ thể được thư giãn, nghỉ ngơi.
- Luôn giữ tinh thần thoải mái, tham gia các hoạt động giải trí khi gặp căng thẳng, stress trong công việc.
- Hạn chế sử dụng thực phẩm không có lợi cho sức khỏe như: Rượu, bia, chất kích thích, thuốc lá, cafe,…
Ù tai mắt mờ là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau. Bạn không nên bỏ qua các triệu chứng về mắt và tai vì có thể ẩn giấu sau nó là bệnh lý nguy hiểm cần can thiệp sớm, hãy đi khám bác sĩ để có hướng điều trị đúng đắn. Với bài viết trên đây, Hà An Pharmacy hy vọng đã mang lại thông tin hữu ích tới bạn đọc để chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp