Trẻ bị tắc tuyến lệ có tự khỏi không?
Tắc tuyến lệ là hiện tượng gây ra tình trạng ướt mắt, chảy nước mắt, đôi khi có gỉ mắt ở người bệnh. Tắc tuyến lệ có thể do bẩm sinh hay mắc phải sau chấn thương và xuất hiện ở một hoặc cả hai bên mắt.
Tìm hiểu chung về tuyến lệ và chứng tắc tuyến lệ
Tuyến lệ là gì?
Tuyến lệ có kích thước chỉ bằng hạt đậu, hình tròn dẹt được hình thành từ trong hệ xương của đôi mắt. Đây là một tuyến ngoại tiết bắt đầu từ rãnh mũi và mắt nằm phía trên nhãn cầu, giữa mầm mũi ngoài, mầm hàm trên. Ở mỗi người, bên trên và dưới trong mỗi khoang mắt đều có tuyến lệ.
Tuyến lệ đóng vai trò cung cấp nước mắt nhằm giữ ẩm và bôi trơn cho bề mặt mắt và màng của mí mắt. Nước mắt còn hỗ trợ giảm ma sát và loại bỏ bụi, dị vật, mảnh vụn ra khỏi mắt để tránh gây viêm và nhiễm trùng.
Tuyến lệ đóng vai trò rất quan trọng đối với mắt
Tắc tuyến lệ là gì?
Tắc tuyến lệ là bệnh lý thường xảy ra khi hệ thống dẫn lưu nước mắt bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn. Khi đó, nước mắt không thể toát ra ngoài mà ngập trong các ống lệ, gây ra triệu chứng chảy nước mắt sống làm cho mắt bị nhiễm trùng.
Tắc tuyến lệ không chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ, bệnh cũng hay gặp ở người lớn. Tắc tuyến lệ ở trẻ nhỏ thường gặp là tắc tuyến lệ bẩm sinh. Tình trạng này xuất hiện ở lứa tuổi rất sớm ở các bé vừa mới sinh ra đến khoảng 1 - 3 tháng tuổi.
Tắc tuyến lệ ở người lớn thường là tắc tuyến lệ mắc phải. Có thể lúc sinh ra người đó không bị tắc tuyến lệ nhưng trong quá trình trưởng thành gặp chấn thương hay viêm nhiễm tại mắt gây ra điều bất thường và mô sẹo có thể làm tắc ống dẫn nước mắt.
Bên cạnh đó còn có một dạng tắc tuyến lệ khác xuất hiện do chùng nhão cơ vòng mi mắt. Bệnh này thường thấy ở những người cao tuổi và cũng là một dạng tắc tuyến lệ mắc phải.
Có nhiều nguyên nhân gây tắc tuyến lệ như: Bẩm sinh, tuổi tác, mắt bị viêm hay nhiễm trùng, dị dạng sọ mặt, các khối u, polyp mũi hoặc tác dụng phụ của phương pháp xạ trị và các thuốc hóa trị ung thư.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đên tắc tuyến lệ ở trẻ
Đối tượng dễ bị tắc tuyến lệ
Ai cũng có thể gặp phải tình trạng tắc tuyến lệ. Tuy nhiên, bệnh thường xuất hiện phổ biến ở các nhóm đối tượng sau:
- Trẻ sơ sinh;
- Người gặp tình trạng sưng, nhiễm trùng mắt;
- Người có khối u hoặc chấn thương mũi;
- Phụ nữ lớn tuổi;
- Người bị viêm mắt mãn tính;
- Người có bệnh tăng nhãn áp;
- Người đã trải qua các cuộc phẫu thuật về mắt, mí mắt, giải phẫu xoang hoặc mũi.
Khi bị tắc tuyến lệ có tự khỏi không?
Với trường hợp tắc tuyến lệ bẩm sinh
Có khoảng 20% trẻ vừa ra đời bị tắc tuyến lệ bẩm sinh. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cũng không nên quá lo lắng vì đa số các trường hợp này sẽ tự khỏi khi bé được 1 tuổi.
Liệu pháp điều trị đơn giản nhất là massage, day nắn vùng góc trong mắt, nơi có túi lệ, kết hợp với dùng kháng sinh nhỏ mắt. Đa số các trường hợp tuyến lệ sẽ thông hoàn toàn khi trẻ được áp dụng điều trị bằng cách này.
Khi trẻ được 2 - 3 tháng tuổi, nếu tình trạng chảy nước mắt vẫn không hết thì các bác sĩ có thể bơm rửa và thông ống lệ giúp nước mắt của bé lưu thông tốt hơn xuống mũi. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng: Lúc trẻ được 4 - 6 tháng tuổi là thời gian tốt nhất để thông lệ đạo cho trẻ. Hiệu quả điều trị của phương pháp này sẽ giảm đi khi trẻ lớn hơn và sau 1 năm tuổi. Lúc này, trẻ thường phải chờ đợi để có thể làm phẫu thuật, tạo nên đường thông tuyến lệ mới.
Có đến 20% trẻ vừa ra đời bị tắc tuyến lệ
Trường hợp tắc tuyến lệ mắc phải
Ở người lớn, các nhiễm trùng tại mắt, tình trạng sưng nề, chấn thương hoặc khối u sẽ gây ra tắc tuyến lệ. Để phục hồi khả năng dẫn nước mắt, người bệnh có thể cần phẫu thuật để tạo nên đường dẫn nước mắt mới, từ mắt sang mũi. Phẫu thuật sẽ giúp cho bệnh nhân hết chảy nước mắt, đồng thời hết viêm nhiễm cũng như mủ, chất nhầy ở túi lệ.
Nếu không thể mổ tạo đường thông được, phương pháp cắt bỏ túi lệ có thể được chỉ định để loại trừ ổ viêm tại mắt, tránh các biến chứng xấu gây áp-xe túi lệ.
Chẩn đoán và điều trị tắc tuyến lệ
Chẩn đoán
Để chẩn đoán bệnh tắc tuyến lệ, bác sĩ sẽ thăm hỏi về các triệu chứng, tiến hành khám mắt và làm một số xét nghiệm sau:
- Kiểm tra hệ thống dẫn lưu nước mắt.
- Dùng một dung dịch muối bơm rửa và thăm dò hệ thống dẫn lưu nước mắt.
- Thực hiện các xét nghiệm hình ảnh của mắt như X-quang, chụp CT, MRI để tìm ra vị trí và nguyên nhân gây tắc nghẽn.
Phương pháp điều trị
Phương pháp điều trị tắc tuyến lệ thường được chọn lựa dựa trên nguyên nhân gây bệnh. Đặc biệt trong một số trường hợp, bác sĩ cũng cần áp dụng nhiều cách chữa khác nhau. Những phương pháp điều trị tắc tuyến lệ phổ biến bao gồm:
- Làm giãn điểm lệ.
- Nong, thăm dò và rửa. Kỹ thuật này hay được áp dụng cho trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi không thể tự mở tuyến lệ hoặc người trưởng thành bị tắc tuyến lệ một phần.
- Dùng thuốc kháng sinh nếu nguyên nhân gây tắc tuyến lệ là do viêm nhiễm. Thuốc kháng sinh có thể dưới dạng nhỏ mắt hoặc thuốc viên.
- Trong trường hợp nguyên nhân gây tắc tuyến lệ là do chấn thương vùng mặt, các bác sĩ có thể đề nghị bạn chờ thêm một thời gian đến khi vết thương đã lành để xem liệu tình trạng bệnh có cải thiện hay không.
- Massage túi lệ và ống dẫn lưu nước mắt.
- Giãn chỗ tắc nghẽn thông qua ống thông có bóng.
- Đặt stent hoặc luồn ống thông.
- Phẫu thuật mở thông túi lệ.
Phương pháp điều trị tắc tuyến lệ ở trẻ được dựa trên nguyên nhân của bệnh
Các trường hợp tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh, tuyến lệ có thể tự khai thông mà không cần điều trị. Còn với người bị tắc tuyến lệ bệnh hoàn toàn có thể chữa được nếu phát hiện sớm. Do đó, nếu trẻ em trong gia đình có biểu hiện tắc tuyến lệ cũng không nên quá lo lắng mà cần đến bệnh viện để bác sĩ xác định nguyên nhân gây bệnh. Từ đó đưa ra các phương án điều trị phù hợp với lứa tuổi và tình trạng tắc tuyến lệ đang mắc phải.
Minh QA
Nguồn: Tổng hợp