Trẻ bị rối loạn tiêu hóa nên ăn gì? Lời khuyên từ chuyên gia
Hầu hết các bậc cha mẹ đều biết chế độ dinh dưỡng đặc biệt quan trọng với trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Chăm sóc trẻ bị rối loạn tiêu hóa cần đặc biệt chú trọng chế độ ăn uống. Nhưng không phải bậc cha mẹ nào cũng biết trẻ bị rối loạn tiêu hóa nên ăn gì? Nếu bạn cũng là một trong số đó, tìm hiểu ngay bé bị rối loạn tiêu hóa nên ăn gì theo lời khuyên từ chuyên gia!
Trẻ bị rối loạn tiêu hóa nên ăn gì?
Trẻ sơ sinh
Một nghiên cứu cho thấy có đến gần 50% trẻ dưới 1 tuổi từng bị rối loạn tiêu hóa. Trẻ sơ sinh bị rối loạn tiêu hóa thường có các biểu hiện như nôn trớ (không phải nôn trớ sinh lý), đi ngoài nhiều lần trong ngày, có thể sốt nhẹ... Những biểu hiện này đều dẫn đến tình trạng mất nước, mất điện giải.
Tuy nhiên, trẻ sơ sinh không thể uống nước, nước trái cây hay các loại oresol. Mẹ có thể bù nước và điện giải cho bé bằng cách tăng cường cho bú đối với những trẻ bú mẹ hoàn toàn. Nếu bé bị đầy bụng, chán ăn, mẹ có thể chia nhỏ cữ bú và giảm thời gian bú mỗi lần.
Nếu uống sữa công thức, trẻ rối loạn tiêu hóa nên ăn gì? Mẹ có thể tạm thời đổi sang dòng sữa không chứa đường lactose (free lactose). Đường ruột cần đủ enzyme lactase để tiêu hóa đường lactose. Khi trẻ bị tiêu chảy do rối loạn tiêu hóa, enzyme lactase thiếu hụt nên không thể tiêu hóa đường lactose. Khi không được tiêu hóa, chúng trở thành tác nhân gây đầy hơi, buồn nôn và khiến tình trạng tiêu chảy thêm trầm trọng.
![trẻ bị rối loạn tiêu hóa nên ăn gì 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/tre_bi_roi_loan_tieu_hoa_an_gi_1_475045d32a.jpeg)
Đối với trẻ ăn dặm
Với trẻ đang trong giai đoạn ăn dặm, cách chế biến thức ăn, lượng thức ăn, tỷ lệ các chất không phù hợp cũng tăng áp lực cho hệ tiêu hóa còn non yếu của bé. Loại thức ăn phù hợp nhất cho bé lúc này là:
- Thức ăn được chế biến mềm, cắt nhỏ để trẻ dễ ăn, dễ tiêu.
- Thức ăn đa dạng đảm bảo cung cấp đủ các nhóm chất đạm, chất béo, chất đường bột, vitamin và khoáng chất. Tỷ lệ các chất phải hợp lý. Trong các chất, chất béo được tiêu hóa chậm nhất. Thịt đỏ khó tiêu hơn thịt trắng. Khi chế biến đồ ăn cho trẻ, mẹ nên ưu tiên dùng thịt trắng.
- Nếu trẻ vẫn ăn dặm kết hợp uống sữa, mẹ nên tạm thời đổi sang dòng sữa không chứa đường lactose.
- Trong thời điểm này, mẹ không nên cho bé ăn các loại thực phẩm mới mà trước đây bé chưa từng thử qua. Hệ tiêu hóa vốn đang “nhạy cảm” của bé dễ “phản ứng” ngay lập tức với những “kẻ lạ mặt”.
- Nếu cần thiết, mẹ có thể cho bé ngừng tập ăn dặm cho đến khi hệ tiêu hóa ổn định trở lại.
![trẻ bị rối loạn tiêu hóa nên ăn gì](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/tre_bi_roi_loan_tieu_hoa_an_gi_3_082f2773a5.jpg)
Trẻ trên 1 tuổi bị rối loạn tiêu hóa nên ăn gì?
Hầu hết các bé trên 1 tuổi đều có thể sử dụng đa dạng các loại thực phẩm như người lớn. Hệ tiêu hóa của bé lúc này đã ổn định hơn nhưng vẫn có đến 40% trẻ em từ 1 - 2 tuổi bị chứng rối loạn tiêu hóa “làm phiền”. Lúc này, khi xây dựng thực đơn cho bé mẹ có thể sử dụng các thực phẩm sau:
Các loại trái cây
- Chuối có tác dụng bù đắp lượng kali và các chất điện phân bị thiếu hụt khi trẻ nôn trớ, tiêu chảy hoặc sốt.
- Dứa chứa enzyme Bromelain giúp phân hủy nhanh các protein khó tiêu, mangan hỗ trợ chuyển hóa chất béo và tinh bột.
- Táo với lượng chất xơ hòa tan và không hòa tan dồi dào giúp giảm táo bón.
- Rối loạn tiêu hóa có thể khiến trẻ biếng ăn, mẹ cần lựa chọn thực phẩm kỹ càng.
Các loại rau
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, lựa chọn tốt nhất cho bé lúc này là các loại rau màu xanh đậm như cải xanh, súp lơ, cải kale, rau muống, rau ngót... Các loại rau xanh đậm thường chứa đường sulfat quinovose – thức ăn lý tưởng cho lợi khuẩn trong đường ruột. Khi tăng sinh lợi khuẩn, hệ tiêu hóa sẽ dần ổn định và khỏe mạnh trở lại.
Các loại thịt, cá
Thịt đỏ (gồm thịt bò, thịt heo, thịt trâu, thịt cừu, thịt dê...) khó tiêu hơn thịt trắng (gồm thịt gia cầm, các loại cá). Khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa, mẹ có thể ưu tiên các món chế biến từ thịt trắng giúp hệ tiêu hóa của bé hoạt động nhẹ nhàng hơn.
Các loại tinh bột
Với trẻ bị táo bón, ngũ cốc nguyên hạt như: Yến mạch, gạo lứt, lúa mạch, lúa mì… là lựa chọn tốt nhất. Nhưng mẹ cũng cần đặc biệt lưu ý, một số trẻ bị rối loạn tiêu hóa do dị ứng gluten - một loại protein có trong lúa mạch và lúa mì. Nếu con cũng mắc chứng dị ứng này, mẹ cần loại lúa mì, lúa mạch ra khỏi thực đơn.
Men hoặc cốm vi sinh
Men vi sinh tiêu hóa hoặc cốm vi sinh bổ sung “đội quân” lợi khuẩn cho đường ruột. Những sản phẩm này rất hữu ích trong trường hợp hệ tiêu hóa bị loạn khuẩn. Khi số lượng lợi khuẩn và hại khuẩn đạt tỷ lệ 85% : 15%, hệ tiêu hóa của bé sẽ “mượt mà” trở lại.
![trẻ bị rối loạn tiêu hóa nên ăn gì](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/tre_bi_roi_loan_tieu_hoa_an_gi_2_0694a59a53.jpg)
Trẻ bị rối loạn tiêu hóa không nên ăn gì?
Ngoài những món nên ăn, cũng có nhiều loại thức ăn người yếu bụng nên tránh. Khi bé bị rối loạn tiêu hóa, mẹ không nên cho bé ăn:
- Các loại đồ ăn chiên rán, chứa nhiều dầu mỡ.
- Các loại đạm và chất béo khó tiêu hóa.
- Các loại đồ ăn chứa nhiều gia vị cay, nóng.
- Các loại đồ ăn chế biến sẵn như: Xúc xích, nem chua rán, thịt xông khói...
- Các loại thực phẩm nhiều đường như: Bánh kẹo, sữa có đường và các chế phẩm từ sữa (ngoại trừ sữa chua không đường).
- Các loại nước ngọt, đồ uống có gas.
Các loại đồ ăn kể trên vốn đều là những món khoái khẩu và là cám dỗ lớn đối với mọi đứa trẻ. Nhưng đáng tiếc là chúng lại khiến tình trạng rối loạn tiêu hóa của trẻ thêm trầm trọng. Vì vậy, mẹ nên kiên quyết loại chúng ra khỏi thực đơn của trẻ khi hệ tiêu hóa còn chưa ổn định.
Trẻ bị rối loạn tiêu hóa nên ăn gì là vấn đề khiến các bậc cha mẹ “đau đầu” nhất khi đường ruột của bé “đỏng đảnh”. Nhưng tin rằng, với một chế độ ăn uống khoa học, mẹ sẽ giúp bé sớm đẩy lùi những khó chịu do rối loạn tiêu hóa gây ra.
Thanh Hương
Nguồn tham khảo: Tổng hợp