Tổ đỉa bội nhiễm: Nguyên nhân, biểu hiện và cách chữa trị

Vậy thực sự tổ đỉa bội nhiễm có biểu hiện và cách chữa trị như thế nào? Hãy cùng Nhà Thuốc Hà An tìm hiểu những kiến thức ngay sau đây nhé.

Nguyên nhân gây tổ đỉa bội nhiễm

Tổ đỉa là một dạng viêm da khá phổ biến do nấm gây ra, vùng da tổn thương hình thành các nốt mụn nước sâu khó vỡ, thường tập trung ở bàn tay, bàn chân, gây ngứa rất khó chịu. Tổ đỉa bội nhiễm là tình trạng tổ đỉa có vi khuẩn xâm nhập qua các vết xước (thường do gãi ngứa nhiều) trên da gây nhiễm khuẩn và xuất hiện mụn mủ.

Tổ đỉa bội nhiễm: Nguyên nhân, biểu hiện và cách chữa trị 1 Tổ đỉa bội nhiễm với các mụn mủ

Tổ đỉa bội nhiễm là một thể của bệnh tổ đỉa nói chung. Ngành y học hiện đại đã có nhiều tiến bộ nhưng nguyên nhân gây bệnh tổ đỉa thì vẫn chưa biết rõ. Tuy nhiên theo một số nghiên cứu, bệnh xảy ra có thể liên quan đến một số yếu tố sau:

  • Do di truyền: Những người bệnh có người thân trong gia đình (bố, mẹ, ông bà,…) mắc bệnh tổ đỉa thì nguy cơ mắc bệnh thường cao hơn bình thường. Theo thống kê, có khoảng 50% trường hợp bệnh có yếu tố di truyền.
  • Do vi khuẩn: Thường gặp là liên cầu, vi khuẩn Proteus,… Những vi khuẩn này mang nhiều độc tố kích thích gây bệnh ngoài da như tổ đỉa và một số bệnh về da khác.
  • Nhiễm nấm: Tổn thương do tổ đỉa thường xuất hiện ở vùng da chân bị nhiễm nấm. Các vi nấm sẽ ăn mòn gây hư hại các tế bào sừng làm da suy yếu, dễ bị kích thích bởi các tác nhân như tiếp xúc với dị nguyên hoặc khi có ma sát.
  • Dị ứng: Những người có da nhạy cảm thường bị tác động bởi hóa chất có trong các sản phẩm tẩy rửa. Khi tình trạng này xảy ra, hệ miễn dịch của cơ thế có xu hướng tăng sản xuất kháng thể IgE - là yếu tố hoạt hóa các tế bào tiền viêm, giải phóng các chất trung gian hóa học vào lớp niêm mạc và da. Đây chính là một yếu tố quan trọng gây ra tổ đỉa.
  • Sức đề kháng: Những người có bệnh lý mạn tính làm suy yếu hệ miễn dịch dẫn đến giảm hoặc không còn khả năng kháng lại virus, vi khuẩn – các tác nhân thường gây bệnh qua da. Một số bệnh thường gây ra suy giảm sức đề kháng cơ thể như: Bệnh lý gan thận, HIV, đái tháo đường,…
  • Tâm lý: Trường hợp bị lo lắng, căng thẳng kéo dài cũng có thể làm suy giảm sức đề kháng tạo điều kiện để các tác nhân dễ xâm nhập gây bệnh.
  • Thuốc: Việc lạm dụng các thuốc điều trị bệnh hay dùng nhiều mỹ phẩm thường xuyên nhưng không đúng cách có thể khiến hàng rào bảo vệ của da bị ảnh hưởng tạo điều kiện cho các dị nguyên tấn công vào sâu bên trong da gây bệnh.
  • Các nguyên nhân khác: Thay đổi thời tiết, rối loạn nội tiết, tiếp xúc thường xuyên với kim loại, tình trạng tăng tiết mồ hôi tay, chân,…

Biểu hiện của tổ đỉa bội nhiễm

Thường các biểu hiện không đặc trưng. Đa số những thay đổi bên ngoài da diễn ra âm thầm đến khi người bệnh tự nhận thấy vùng da bị tổ đỉa có hiện tượng bong tróc, có dịch hoặc chảy dịch và không có dấu hiệu hồi phục thì bệnh đã bước vào giai đoạn bội nhiễm.

Tổ đỉa bội nhiễm: Nguyên nhân, biểu hiện và cách chữa trị 2 Tổ đỉa bội nhiễm chảy dịch vàng

Một số biểu hiện thường gặp:

  • Một hoặc một số vùng da ngứa rát hoặc nóng rát từ bên trong ra ngoài.
  • Nhiều mụn nước nhỏ mọc tại các vị trí như tay, chân,…
  • Mụn nước dần trở nên cứng, có mủ vàng và tập trung thành mảng.
  • Sắc tố vùng da bệnh giảm dần, có xu hướng thâm sạm.
  • Các vùng da bệnh dần khô lại, bong tróc, bị dày sừng, và xuất hiện dấu hiệu chàm hóa.
  • Thường xuyên xảy ra những cơn ngứa với các mức độ khác nhau từ âm ỉ đến dữ dội.

Bệnh gây ngứa nhiều phải gãi làm các mụn nước tổ đỉa vỡ ra, vùng da bệnh lúc này dễ bị viêm nhiễm và hình thành mủ. Khi bội nhiễm nghiêm trọng, vùng da bệnh thường xuyên chảy nhiều dịch vàng và gây đau rát. Đây cũng chính là những dấu hiệu ban đầu tổ đỉa bị chàm hóa.

 Tổ đỉa bội nhiễm có nguy hiểm không?

Tùy vào mức độ bội nhiễm mà người bệnh sẽ có các tiên lượng khác nhau. Nhìn chung, việc không được chẩn đoán và điều trị đúng sẽ khiến người bệnh phải đối mặt với các nguy cơ:

  • Biến dạng móng: Tình trạng bội nhiễm lây sang các khe móng chân, tay làm các vùng này bị viêm, sưng, nhiễm trùng, thậm chí biến dạng với các mức độ khác nhau. 
  • Sẹo vĩnh viễn: Tổn thương nhiều các vùng da bội nhiễm dẫn đến tình trạng tổn thương nặng, ăn sâu vào các tế bào của da. Hậu quả là sau điều trị các triệu chứng đau, ngứa khỏi nhưng trên da vẫn tồn tại những vết sẹo khó phục hồi. Một số trường hợp hiếm gặp sẹo sâu ở các vùng khớp làm tổn thương hệ thần kinh vận động có thể làm cho người bệnh gặp khó khăn khi cử động, làm việc. 
  • Viêm mô tế bào: Các ổ viêm có thể tấn công đến các cấu trúc sâu của da. Nếu không được điều trị sớm sẽ có thể gây ra viêm mô tế bào.
  • Nhiễm trùng máu: Là biến chứng nguy hiểm và đáng sợ nhất. Do các ổ viêm ăn sâu vào hệ thống mạch máu, một loạt các virus, vi khuẩn, nấm… cũng theo đó phân tán vào máu và đi khắp cơ thể. Hậu quả cuối cùng là gây ra các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, viêm màng não, suy tim,… có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

Do vậy, người bệnh khi bị tổ đỉa bội nhiễm cần chủ động đi khám để được phát hiện và điều trị sớm.

Tổ đỉa bội nhiễm: Nguyên nhân, biểu hiện và cách chữa trị 3 Thuốc bôi tại chỗ điều trị tổ đỉa bội nhiễm

Chữa trị tổ đỉa bội nhiễm

Có nhiều phương pháp khác nhau dùng để chữa trị tổ đỉa như điều trị đông y hoặc tây y. Tuy nhiên, khi đã bị tổ đỉa bội nhiễm tốt nhất bệnh nhân cần nhận được sự thăm khám và điều trị của bác sĩ, bởi nếu tự điều trị không đúng cách có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng khó lường.

Thông thường, bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị bằng một số thuốc, cơ bản gồm kháng sinh bôi tại chỗ, thuốc kháng viêm, giảm ngứa, giảm đau. Ngoài ra, có thể có thuốc kháng nấm như ketoconazole, cotrimoxazole,… Tùy vào mức độ bội nhiễm mà liều lượng thuốc, đường dùng và thành phần thuốc phải dùng có thể khác nhau.

Như vậy, tổ đỉa không phải là bệnh lý nguy hiểm nhưng nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng dẫn đến tổ đỉa bội nhiễm thì việc chữa trị sẽ vừa tốn nhiều thời gian, vừa phục hồi chậm hơn, thậm chí có thể đe dọa tính mạng khi có biến chứng nhiễm khuẩn huyết hoặc để lại những di chứng vĩnh viễn như sẹo gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tâm lý của người bệnh. Vì vậy, việc chữa trị kịp thời, đúng cách là hết sức quan trọng.

Hy vọng những chia sẻ trên đây từ Nhà Thuốc Hà An đã giúp bạn có thêm được hiểu biết về tổ đỉa bội nhiễm để bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe của bản thân.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp



Chat with Zalo