Tìm hiểu về hiện tượng dây rốn bám màng ở thai nhi
Mang thai là quá trình đòi hỏi người mẹ phải cẩn thận trong việc giữ gìn sức khoẻ. Nếu gặp phải bất kỳ hiện tượng lạ nào xảy ra, thì buộc thai phụ phải đến cơ sở y tế để kịp thời thăm khám. Dây rốn bám màng chính là bệnh nguy hiểm với thai nhi mà bất kỳ mẹ bầu nào cũng phải quan tâm. Vậy căn bệnh này trầm trọng ra sao? Điều trị thế nào cho hiệu quả?
Hiện tượng dây rốn bám màng là gì?
Dây rốn đảm nhiệm vai trò vô cùng quan trọng, nó chính là bộ phận gắn kết bánh nhau vào tử cung, từ đó vận chuyển dinh dưỡng, oxy và máu từ mẹ sang thai nhi. Dây rốn còn vận chuyển chất thải và máu thiếu oxy từ thai nhi sang mẹ để đưa ra ngoài. Có thể khẳng định rằng, dây rốn đảm bảo cho thai nhi phát triển an toàn trong bụng mẹ.
![Tìm hiểu từ A đến Z về hiện tượng dây rốn bám màng 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/day_ron_bam_1_47ca7f9141.jpg)
Dây rốn bám màng chính là hiện tượng dây rốn bám vào rìa màng nhau hoặc màng ối, thay vì phải bám vào giữa bánh nhau. Đồng nghĩa với việc các mạch máu của thai nhi phải tự hoạt động mà không có sự bảo vệ của bánh nhau khi kết nối tại dây rốn. Khi hiện tượng này xảy ra, việc tiếp nhận oxy và hấp thu dinh dưỡng của thai nhi bị ảnh hưởng.
Theo các chuyên gia nhận định, nguyên nhân gây ra hiện tượng này chưa thể xác định cụ thể, nhưng một số đối tượng sau đây có nguy cơ cao mắc phải khi mang thai:
- Phụ nữ mang thai khi lớn tuổi.
- Phụ nữ mang thai đôi và có chung bánh nhau.
- Mẹ bầu mắc bệnh nhau tiền đạo hay mạch máu tiền đạo.
- Phụ nữ mang thai bằng thụ tinh ống nghiệm.
- Phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ.
- Phụ nữ có thói quen hút nhiều thuốc lá.
Thai nhi bị dây rốn bám màng có nguy hiểm không?
Hiện tượng bất thường này của dây rốn khi mang thai chính là biến chứng thai nghén nguy hiểm. Bệnh này làm thai nhi chỉ hấp thu được khoảng 30% chất dinh dưỡng từ người mẹ, dẫn đến suy dinh dưỡng bào thai, sinh non hay thậm chí là thai lưu.
Nếu khi sinh ra, trẻ có chỉ số Apgar thấp thì buộc phải được chăm sóc đặc biệt. Với những ai mang thai đôi, cả hai thai nhi có nguy cơ cao bị hạn chế tăng trưởng.
Dây rốn bám màng không chỉ gây hại cho thai nhi mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của thai phụ. Phụ nữ mang thai khi gặp hiện tượng này rất dễ bị nén hoặc vỡ mạch máu cuống rốn.
Trong khi chuyển dạ, thai phụ có màng ối bị dây rốn bám vào phải mổ lấy thai khẩn cấp để đưa thai nhi ra ngoài. Một số người mang thai khác còn có thể bị xuất huyết khi chuyển dạ, đe doạ tính mạng của người mẹ.
![Tìm hiểu từ A đến Z về hiện tượng dây rốn bám màng 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/day_ron_bam_2_63e505bc01.jpg)
Cách phát hiện, điều trị và phòng tránh dây rốn bám màng
Sau khi đã hiểu rõ được dây rốn bám màng là gì, chúng ta cùng tham khảo cách phát hiện, điều trị và phòng tránh tình trạng này:
Cách phát hiện
Hiện tượng màng ối bị dây rốn bám vào được phát hiện càng sớm sẽ càng tốt cho sức khoẻ cả mẹ và thai nhi. Lúc này bác sĩ sẽ chủ động lên phương án theo dõi thai nhi cho phù hợp và chuẩn bị trước các tình huống xử lý cấp cứu.
Thời điểm dễ phát hiện bệnh nhất là vào lúc siêu âm trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba. Tuy nhiên một số phụ nữ có thể được phát hiện sớm hơn nhờ đi kiểm tra thai định kỳ.
Trong quá trình mang thai, nếu mẹ bầu bắt gặp các bất thường như chảy máu âm đạo thì nên đến cơ sở y tế để kiểm tra ngay. Với công nghệ siêu âm màu hiện đại ngày nay, các bác sĩ dễ dàng phát hiện dây rốn bám màng chính xác đến 99%.
Điều trị
Cách tốt nhất để đảm bảo an toàn cho cả thai nhi lẫn thai phụ lúc này là siêu âm thường xuyên và theo dõi chặt chẽ nhịp tim thai. Khi người phụ nữ có dấu hiệu chuyển dạ bằng những cơn co tử cung, bác sĩ lập tức chỉ định mổ lấy thai khẩn cấp.
Bởi nếu chậm trễ, dây nhau có thể bị đứt, nguy cơ chảy máu buồng ối sẽ xảy ra dẫn đến nguy hiểm cho tính mạng thai nhi và người mẹ.
![Tìm hiểu từ A đến Z về hiện tượng dây rốn bám màng 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/day_ron_bam_3_47dde0fb3a.jpg)
Phòng tránh
Bởi bệnh chưa thể xác định rõ nguyên nhân nên không có một chỉ dẫn đặc biệt nào để phòng tránh biến chứng thai nghén này. Dù vậy, các bác sĩ khoa sản cho rằng việc người mẹ thực hiện nghiêm túc lịch trình khám thai sẽ là cách phát hiện bệnh sớm và hiệu quả nhất.
Các mẹ bầu nên dành thời gian để theo dõi sát sao sức khỏe của cả mẹ và thai nhi, cũng như thực hiện đúng chỉ dẫn của bác sĩ trong quá trình mang thai. Hãy xét nghiệm sàng lọc dị tật thai nhi theo đúng khuyến cáo của bác sĩ. Trong chế độ ăn uống, bổ sung thực phẩm lành mạnh và hạn chế ăn chất béo, đường, muối.
Lúc mang thai, ngay cả khi phát hiện hiện tượng màng ối có dây rốn bám vào, mẹ bầu cũng không nên lo lắng mà hãy tuân thủ nghiêm ngặt chỉ dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không tin vào các phương pháp chữa bệnh truyền miệng nào mà không có chỉ định của bác sĩ chuyên môn.
Lúc thăm khám thai định kỳ, hãy chọn cơ sở y tế uy tín có máy móc siêu âm hiện đại. Bởi các biến chứng thai nghén rất khó phát hiện bằng kỹ thuật thông thường và hầu như chúng chẳng biểu hiện gì ra bên ngoài để người mẹ cảm nhận được.
Trên đây là những chia sẻ về bệnh dây rốn bám màng. Hy vọng sau khi đọc bài viết, bạn có thể hiểu hơn về hiện tượng này và có cho mình những sự chuẩn bị cần thiết trước và trong khi mang thai để luôn “mẹ tròn con vuông”.
Bảo Thanh
Nguồn tham khảo: Vinmec