Tìm hiểu về bệnh tổ đỉa ở trẻ sơ sinh

Với người lớn bệnh tổ đỉa có thể không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, đối với trẻ sơ sinh, các nốt mụn mọc lên càng nhiều sẽ gây ra tình trạng ngứa, quấy khóc liên tục, bỏ bú mẹ, làm giảm sức đề kháng của bé, tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn tấn công trẻ.

Bệnh tổ đỉa là gì?

Bệnh tổ đỉa hay chàm tổ đỉa là một dạng của bệnh chàm - Eczema, xảy ra do tình trạng viêm nhiễm dưới lớp thượng bì của da. Bệnh được đặc trưng bởi những đám mụn nước mọc sâu dưới da, dày, cứng, khó vỡ. Các đám mụn này chủ yếu tập trung ở bàn chân, bàn tay, các ngón, kẽ ngón, gây cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Bệnh có tính chất dai dẳng, tái đi tái lại nhiều lần, có thể tiến triển tới mạn tính, nhất là đối với trẻ sơ sinh đang có hệ miễn dịch yếu và làn da non nớt.

Tìm hiểu về bệnh tổ đỉa ở trẻ sơ sinh 1 Bệnh tổ đỉa gây nhiều mụn nước trên da

Dấu hiệu mắc tổ đỉa ở trẻ sơ sinh

Các dấu hiệu dễ dàng nhận biết bệnh tổ đỉa ở trẻ sơ sinh có thể kể đến như là:

  • Nổi mụn nước: Hầu như mụn sẽ mọc sâu dưới da, một số ít sẽ nổi cộm lên bề mặt da. Mụn cứng chắc, ban đầu có thể khó vỡ, mọc thành từng đám, từng cụm hoặc nằm rải rác. Sau một khoảng thời gian các nốt mụn này sẽ xẹp và để lại lớp vảy vàng cộm trên bề mặt da. Đôi khi bệnh sẽ gây đau và nóng rát cho trẻ.
  • Vị trí: Mụn mọc xung quanh các kẽ ngón tay, ngón chân, tập trung ở khu vực lòng bàn tay, bàn chân, một số ít có thể thấy được ở mu bàn chân, bàn tay.
  • Ngứa, rát: Trẻ khó chịu vì ngứa ngáy liên tục do mụn nước. Vì vậy, trẻ sẽ thường gãi cào khiến các nốt mụn vỡ ra làm bệnh lây lan ra các vùng da xung quanh.
  • Da đỏ tấy: Xuất hiện khi trẻ gãi mạnh. Nếu thường xuyên ma sát mạnh sẽ dẫn tới lở loét và tổn thương tại chỗ.
  • Nổi mụn mủ và viêm đỏ: Do trẻ gãi cào mạnh khiến da xuất hiện những tổn thương nặng hơn.
  • Tay chân có thể sưng tấy và phù nề.
  • Sốt: Thường thấy khi trẻ trở nặng, mắc bội nhiễm gây ra ứ mủ đau nhức kèm sốt cao và co giật.
  • Quấy khóc, bỏ bú.

Các triệu chứng có thể biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào yếu tố gây bệnh và tình trạng sức khỏe của trẻ.

Tìm hiểu về bệnh tổ đỉa ở trẻ sơ sinh 2 Bệnh tổ đỉa ở trẻ sơ sinh gây nổi mụn nước

Nguyên nhân gây bệnh tổ đỉa ở trẻ sơ sinh

Có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ được cho là có liên quan đến việc trẻ mắc tổ đỉa. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến có thể kể đến:

Tổ đỉa ở trẻ sơ sinh do yếu tố di truyền 

Các chuyên gia cho rằng bệnh tổ đỉa hay chàm tổ đỉa có tính di truyền theo thế hệ. Thống kê cho thấy có tới 8% trẻ sinh ra nhiễm tổ đỉa nếu trước đó người mẹ mắc bệnh này. Tỷ lệ này lên tới 41% nếu cả bố và mẹ đều nhiễm bệnh.

Chính vì thế yếu tố di truyền là một nguyên nhân đáng lưu tâm đối với việc mắc bệnh tổ đỉa ở trẻ trơ sinh. Bệnh sẽ dễ bùng phát nếu gặp những tác nhân thích hợp.

Dị ứng gây bệnh tổ đỉa ở trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh có cơ địa dị ứng sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh ngoài da hơn, các loại dị ứng có thể gặp như là:

  • Dị ứng thời tiết: Thường thấy bệnh tổ đỉa bùng phát khoảng thời gian giao mùa.
  • Dị ứng thực phẩm: Một số loại thực phẩm như trứng, sữa, tôm, cá... gây dị ứng là những yếu tố nguy cơ khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn.
  • Dị ứng với lông động vật, phấn hoa, nguồn nước ô nhiễm.
  • Sử dụng sữa tắm và dầu gội không phù hợp.

Chữa tổ đỉa ở trẻ sơ sinh

Thông thường bệnh tổ đỉa ở trẻ có thể giảm nhẹ sau 3 - 5 tuần nếu không có tác động mạnh. Tuy nhiên việc gãi cào, ma sát mạnh vào vùng da đang tổn thương sẽ gây những triệu chứng nghiêm trọng hơn, làm vết thương khó lành.

Điều trị tổ đỉa ở trẻ sơ sinh chủ yếu làm giảm bớt các triệu chứng, hạn chế sự khó chịu cho trẻ, ngăn ngừa viêm nhiễm và nâng cao chất lượng cuộc sống. Giải pháp chủ yếu là dùng thuốc kết hợp các biện pháp chăm sóc và phòng ngừa thích hợp.

Thuốc điều trị tổ đỉa ở trẻ sơ sinh

Phụ huynh cần tham khảo ý kiến và tuân theo chỉ định của bác sĩ trước khi dùng bất cứ loại thuốc Tây Y nào. Sẽ tùy vào tình trạng bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc tương ứng:

  • Dung dịch bạc nitrat 0,5%: Sử dụng để làm dịu vùng da tổn thương, giảm viêm, nhiễm trùng do dung dịch có khả năng sát khuẩn tốt.
  • Dung dịch Milian hoặc tím Methyl 1%.
  • Thuốc kháng Histamin: Do ức chế các chất trung gian hóa học gây viêm nên giúp làm giảm nhẹ triệu chứng ngứa lâu ngày.
  • Thuốc bôi Corticoid: Được dùng khi bệnh trở nên quá nặng và không còn sự lựa chọn khác. Corticoid có tác dụng chống viêm mạnh, giảm ngứa rát, mẩn đỏ nhưng cũng đồng thời gây ra các tác dụng phụ khác như khô da, dị ứng... Lạm dụng Corticoid còn có thể dẫn tới nhiễm trùng và thậm chí là hoại tử cho trẻ. Phụ huynh nên tuân thủ theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
  • Một số nhóm thuốc khác: Sử dụng thuốc hạ sốt Paracetamol khi trẻ có dấu hiệu sốt cao, thuốc kháng sinh được chỉ định khi có tình trạng bội nhiễm xuất hiện...

Mẹo chữa tổ đỉa cho trẻ sơ sinh tại nhà

Các mẹo chữa tổ đỉa dân gian mang tính an toàn, chỉ phù hợp với tình trạng bệnh nhẹ, đang ở giai đoạn đầu hoặc mới tái phát.

  • Sử dụng lá chè xanh: Lá chè xanh có công dụng kháng viêm tốt, giúp giảm ngứa và tổn thương ngoài da. Có thể dùng lá chè xanh tươi, rửa thật sạch, nấu nước tắm cho bé.
  • Sử dụng lá trầu không: Trầu không có tác dụng sát khuẩn cao, giảm đau hiệu quả. Nên rửa sạch, vò nát rồi nấu sôi, dùng làm nước ngâm rửa tay chân cho trẻ mỗi ngày. Có thể dùng bã đắp nhẹ lên vùng da bị mụn.
  • Lá lốt: Cách làm tương tự khi sử dụng lá trầu không. Dùng rửa chân tay mỗi ngày sẽ giúp cải thiện các triệu chứng của trẻ.
  • Ngoài ra có thể sử dụng gừng tươi cắt lát, pha nước ấm dùng ngâm chân tay.
Tìm hiểu về bệnh tổ đỉa ở trẻ sơ sinh 3 Lá trầu không tươi chữa tổ đỉa ở trẻ sơ sinh

Chăm sóc trẻ sơ sinh mắc tổ đỉa

Dưới đây là một số cách chăm sóc trẻ sơ sinh khi trẻ mắc tổ đỉa:

  • Giữ cơ thể trẻ sạch sẽ, khô thoáng.
  • Sử dụng sữa tắm gội dịu nhẹ, phù hợp với làn da của trẻ sơ sinh.
  • Vệ sinh cho trẻ nhẹ nhàng, tránh chà sát mạnh sẽ khiến vết mụn bong tróc, tổn thương và lây lan ra vùng da xung quanh.
  • Sử dụng khăn sạch, mềm mại để lau người cho trẻ.
  • Giữ môi trường xung quanh luôn khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát.
  • Tránh cho trẻ tiếp xúc với các tác nhân dị ứng.

Bệnh tổ đỉa ở trẻ sơ sinh là bệnh lành tính, mặc dù không quá nguy hiểm nhưng kéo dài dai dẳng, dễ chuyển thành mạn tính. Vì vậy các bậc phụ huynh cần phát hiện và xử lý kịp thời để không dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Hy vọng thông qua bài viết này có thể mang tới thông tin hữu ích cho quý độc giả. Chúc các bạn nhiều sức khỏe và hãy theo dõi trang web của Nhà Thuốc Hà An để cập nhật những tin tức sức khỏe mới nhất nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp



Chat with Zalo