Thời điểm vàng để bổ sung vitamin đúng cách cho cơ thể
Tùy thuộc vào thể trạng của mỗi người mà chế độ bổ sung vitamin cũng khác nhau. Có rất nhiều loại vitamin, nhưng phổ biến hơn cả đó là vitamin A, B6, B12, Vitamin E, K, PP và axit folic. Để biết rõ hơn cách sử dụng và lưu ý với từng loại vitamin bạn hãy theo dõi các thông tin quan trọng dưới đây nhé!
Vai trò của vitamin đối với sức khỏe
Mặc dù vitamin không có tác dụng cung cấp năng lượng cho cơ thể, chúng chỉ chiếm một phần rất nhỏ nhưng là những chất không thể thay thế được.
Vitamin có 2 nhóm: Một là nhóm vitamin tan trong nước (như vitamin nhóm B: B2,B3,B4, và vitamin C) khi được đưa vào cơ thể sẽ hòa tan nhanh và thải qua đường nước tiểu
Nhóm 2 là nhóm vitamin tan trong dầu (như vitamin D, A, E, K) tức là trong môi trường chất béo thì cơ thể mới hấp thu được, nếu chúng ta đưa vào cơ thể không đúng cách thì sẽ có nguy cơ dư thừa và ngộ độc.
Với vai trò là chất xúc tác, vitamin giúp đồng hóa và chyển đổi nguồn dinh dưỡng trong thức ăn, tạo năng lượng cần thiết cho hoạt động sống của các tế bào. Ngoài ra, một số vitamin còn có thể bảo vệ tế bào khỏi bị tấn công bởi các gốc tự do và tham gia bảo vệ cơ thể chống nhiễm trùng, khử độc và sửa chữa các cấu trúc bị tổn thương.
Lưu ý cần nhớ để bổ sung vitamin đúng cách
Thực tế cơ thể con người cũng có thể tạo ra được một lượng nhỏ vitamin nhưng không đủ cho nhu cầu hàng ngày của cơ thể. Tuy nhiên khi cơ thể khỏe mạnh, có nguồn dinh dưỡng đầy đủ thì chúng ta không nhất thiết phải bổ sung vitamin dưới hình thức thuốc. Việc bổ sung chỉ cần thiết khi: nhu cầu về vitamin của cơ thể tăng cao, rối loạn hấp thu vitamin từ ruột, nguồn dinh dưỡng không bảo đảm đủ nhu cầu.
Vitamin A (retinol)
Vitamin A thuộc nhóm vitamin tan trong dầu có tác dụng rất lớn đối với sức khỏe. Bổ sung vitamin A sẽ giúp tăng cường thị lực, nâng cao hệ miễn dịch, bổ trợ cho xương và đặc biệt giảm chứng khô mắt, quáng gà. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả khi sử dụng vitamin A bạn hãy lưu ý kỹ những ghi nhớ sau:
Lưu ý khi dùng vitamin A:
- Không kết hợp vitamin A với các chế phẩm retinoid. Hai thành phần này khi kết hợp với nhau sẽ tạo ra độc tính rất nguy hiểm.
- Không uống đồng thời vitamin A với các loại thuốc như neomycin, cholestyramin, parafin lỏng vì sẽ khiến cơ thể giảm khả năng hấp thụ vitamin A.
![7 lưu ý cần nhớ khi bổ sung vitamin 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/7_luu_y_can_nho_khi_bo_sung_vitamin_2_97ba5a18c9.jpg)
Vitamin B6 (pyridoxine)
Vitamin B6 (pyridoxine) giúp ngăn ngừa các triệu chứng đau đầu, co giật, thiếu máu, bong da. Ngoài việc bổ sung trực tiếp vitamin B6 bạn cũng có thể bổ sung bằng cách tiêu thụ thực phẩm giàu vitamin B6. Điển hình như thịt, cá, ngũ cốc, rau, trái cây.
Lưu ý khi dùng vitamin B6: Tuyệt đối không uống đồng thời vitamin B6 với levodopa hoặc phenytoin. Vì thành phần của vitamin B6 sẽ ức chế hoạt động làm giảm tác dụng của hai loại thuốc này.
Vitamin B12
Vitamin B12 cũng thuộc nhóm vitamin tan trong nước hay còn có tên gọi khác là cobalamin. Bổ sung vitamin B12 là điều nên làm để có một cơ thể khỏe mạnh. Nhất là hệ thần kinh và não bộ.
Theo nhiều nghiên cứu vitamin B12 tham gia vào quá trình trao đổi chất, tạo thêm năng lượng cơ thể. Đồng thời tạo ra hồng cầu khỏe mạnh giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu máu,
Nhất là với người già, uống vitamin B12 sẽ hạn chế được triệu chứng giảm trí nhớ do bệnh Alzheimer. Dù vậy, theo khuyến nghị của các chuyên gia liều dùng vitamin B12 tùy thuộc theo thể trạng và độ tuổi của từng người. Tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung vitamin B12 cho cơ thể nhé.
![7 lưu ý cần nhớ khi bổ sung vitamin 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/7_luu_y_can_nho_khi_bo_sung_vitamin_4_1_82c8acf3a7.jpg)
Lưu ý khi dùng vitamin B12:
Không kết hợp uống cùng các loại thuốc như chloramphenicol, acid aminosalicylic, colchicine, metformin. Vì những loại thuốc này kết hợp cùng sẽ làm giảm khả năng hấp thụ của vitamin B12.
Một số tác dụng phụ nếu uống vitamin B12 quá liều đó là đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, tức ngực, phát ban,.. Nếu nhận thấy một trong các dấu hiệu trên bạn hãy nhanh chóng liên hệ Cơ sở Y tế gần nhất nhé.
Bảo quản vitamin B12 nên để ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp từ mặt trời. Không được để vitamin B12 ở nơi ẩm ướt vì sẽ ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm.
Vitamin E (tocopherol)
Vitamin E thuộc nhóm vitamin tan trong dầu có tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ các tế bào và mô của cơ thể. Bổ sung vitamin E sẽ giúp ngăn ngừa bệnh lý xơ vữa động mạch, bệnh Alzheimer và các bệnh ung thư khác.
Lưu ý cần nhớ khi dùng vitamin E:
Liều dùng khuyến nghị của một người trưởng thành đó là 100 – 400 IU vitamin E/ngày. Nếu dùng quá mức quy định này sẽ dẫn tới nhiều tác dụng phụ. Điển hình như đau đầu, buồn nôn, phát ban ở dạng nhẹ, tiêu chảy, suy nhược cơ thể, dễ bầm tím hoặc chảy máu. Khi thấy xuất hiện một trong các triệu chứng trên bạn hãy ngưng dùng vitamin E ngay. Đồng thời thăm khám tại bệnh viện càng sớm càng tốt để phòng ngừa các biến chứng nghiêm trọng.
![7 lưu ý cần nhớ khi bổ sung vitamin 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/7_luu_y_can_nho_khi_bo_sung_vitamin_5_8e6575dde0.jpg)
Bên cạnh đó, vì vitamin E tan trong dầu nên để cơ thể hấp thụ dưỡng chất tối ưu bạn hãy cân đối chế độ ăn uống có nhiều dầu mỡ. Nhất là với phụ nữ sau 30 tuổi có làn da khô, da bị lão hóa, xuống sắc nên bổ sung vitamin E hàng ngày. Cách dùng có thể là uống hoặc bôi trực tiếp lên da.
Mặt khác, vitamin E tuy có công dụng rất tốt cho cơ thể. Nhưng chúng ta không nên vì thế mà quá lạm dụng chúng. Chỉ nên bổ sung theo thể trạng bản thân, dùng trong 1-2 tháng để phát huy tối đa hiệu quả nhé.
Vitamin K (phytomenadione, menaquinone)
Vitamin K đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông máu của cơ thể. Ngoài cách bổ sung trực tiếp bạn có thể bổ sung vitamin K bằng cách thực phẩm giàu vitamin K như rau lá xanh, gan hoặc thịt.
Tuy nhiên, liều lượng bổ sung vitamin K cần cân đối theo độ tuổi và giới tính. Cụ thể:
- Nam trên 19 tuổi Liều lượng là 120 mcg/ ngày.
- Nữ trên 19 tuổi liều lượng là 90 mcg/ ngày.
- Phụ nữ có thai liều lượng là 90 mcg/ ngày.
- Trẻ em từ 0 - 6 tháng đầu đời liều lượng là 2 mcg/ ngày.
- Phụ nữ đang cho con bú liều lượng là 90 mcg/ ngày
- Trẻ nhỏ từ 7 - 12 tháng liều lượng là 2.5 mcg/ ngày.
- Trẻ từ 1 - 4 tuổi liều lượng là 30 mcg/ ngày.
- Trẻ nhỏ từ 9 - 13 tuổi liều lượng là 60 mcg/ ngày.
Bên cạnh đó, nếu có tiền sử bị bệnh về máu, gan, thận, túi mật hoặc bệnh đái tháo đường thì hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung vitamin K.
![7 lưu ý cần nhớ khi bổ sung vitamin 4](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/7_luu_y_can_nho_khi_bo_sung_vitamin_6_ca9a6941c3.jpg)
Một số tác dụng phụ có thể gặp khi uống vitamin K đó là chán ăn, sưng phù gan, vàng da, khó thở, thở không đều, nuốt khó, phát ban,... Khi thấy một trong số những triệu chứng trên bạn hãy thăm khám tại Cơ sở Y tế gần nhất nhé.
Vitamin PP (niacin)
Vitamin PP thuộc nhóm vitamin tan trong nước. Chúng có trong các loại thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa, rau xanh, ngũ cốc. Vitamin PP đóng vai trò quan trọng trong quá trình tạo năng lượng và sản sinh axit béo.
Cơ thể được cung cấp đủ vitamin PP sẽ ngăn ngừa triệu chứng viêm da, suy nhược cơ thể và tiêu chảy.
Tuy vậy, cũng tương tự như các vitamin khác, bổ sung vitamin PP bạn cần lưu ý những điều sau:
Không uống cùng lúc với nhóm thuốc statin (Simvastatin, Lovastatin). Bởi vì các loại này thuốc này khi kết hợp cùng vitamin PP sẽ gây ra hội chứng tiêu cơ vân. Tiêu cơ vân nếu nặng cơ thể dẫn tới nguy cơ suy thận cấp rất nguy hiểm.
Bên cạnh đó, không uống vitamin PP cùng với thuốc điều trị cao huyết áp vì sẽ gây ra triệu chứng đỏ bừng mặt và làm huyết áp hạ quá mức.
Không kết hợp vitamin PP với thuốc chống đông máu (warfarin, dicoumarol…) sẽ khiến máu chảy nhiều hơn.
Axit folic
Axit folic hay có tên gọi khác là vitamin B9 thuộc nhóm vitamin tan trong nước. Chúng được tìm thấy trong rau củ, ngũ cốc, gan và thịt.
Axit folic giúp ích cho quá trình tạo máu và tổng hợp axit nucleic của cơ thể. Nhất là với phụ nữ có thai bổ sung kịp thời axit folic sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ dị tật ống thần kinh ở em bé. Đồng thời giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới hồng cầu.
![7 lưu ý cần nhớ khi bổ sung vitamin 5](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/7_luu_y_can_nho_khi_bo_sung_vitamin_7_7bccb0315c.jpg)
Lưu ý khi dùng axit folic:
Không bổ sung vitamin B9 (axit folic) cùng với thuốc tránh thai hoặc sulfasalazin vì sẽ giảm khả năng hấp thụ axit folic trong cơ thể.
Không kết hợp cùng lúc axit folic với thuốc chống co giật như phenytoin hoặc thuốc cotrimoxazol vì sẽ làm giảm khả năng điều tri bệnh.
Như vậy, trên đây là những lưu ý khi bổ sung vitamin cho cơ thể. Bạn hãy ghi nhớ thật kỹ đế phát huy tối đa hiệu quả của từng loại vitamin nhé. Chúc bạn luôn khỏe mạnh và có cuộc sống viên mãn!
Nga Tần
Nguồn: Tổng hợp