Thai 24 tuần nặng bao nhiêu là chuẩn? Lưu ý mẹ bầu cần biết trong giai đoạn này
Khám thai ở tuần 24 rất quan trọng vì thời gian này trong một số trường hợp đặc biệt, bé có thể chào đời sớm. Ở tháng thứ 6 thai kỳ, thai nhi sự thay đổi ở mọi mặt. Cùng tìm hiểu “thai 24 tuần nặng bao nhiêu là chuẩn” qua bài viết dưới đây của Hà An Pharmacy!
Mang thai 24 tuần mẹ bầu sẽ có những thay đổi như thế nào?
Khi bước sang tháng thứ 6 thai kì, cơ thể mẹ đã thay đổi rất nhiều về cả bên trong và bên ngoài.
Tóc mẹ bầu dày hơn, óng ả và mượt mà
Tóc mẹ dày hơn không phải tự nhiên mọc thêm mà là do sự thay đổi hormone trong cơ thể làm cho tóc ít rụng hơn, mọc dày hơn. Thời gian mang thai 24 tuần mái tóc mẹ rất đẹp, dày, mượt mà, óng ả. Khoảng thời gian này mẹ bầu hãy tận hưởng mái tóc này vì sau khi sinh xong tóc sẽ rụng thưa bớt.
Mẹ bầu sẽ khó vận động, di chuyển hơn
Mang thai 24 tuần, cân nặng của mẹ bầu cũng tăng lên rất nhiều, bụng to hơn khó khăn trong di chuyển. Việc tập thể dục không ảnh hưởng đến mẹ và bé nhưng cần chú ý cơ thể không nên tập khi thấy quá mệt và dừng lại khi có dấu hiệu chóng mặt, hơi khó thở và đau.
Cơ thể nặng nề nên mẹ bầu cũng nên tránh tập những bài tập cần sự thăng bằng vì mẹ rất dễ mất thăng bằng.
Khi bầu tháng thứ 6, cân nặng của mẹ bầu cũng tăng lên đáng kể. Nhiều mẹ bầu thắc mắc: “Thai 24 tuần mẹ tăng bao nhiêu cân là phù hợp, không làm thai nhi quá bé hay quá to gây khó khăn cho việc sinh nở và phát triển của bé?”. Dưới đây là thông tin Hà An Pharmacy đem đến giúp các mẹ bầu trả lời thắc mắc trên:
Trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, mẹ bầu nghén khá nhiều nên nhiều mẹ không tăng cân hay tăng nhẹ khoảng 2 kg.
Bước vào 3 tháng tiếp theo và 3 tháng cuối thai kỳ:
- Với phụ nữ có cân nặng đạt tiêu chuẩn trước khi mang thai, nên duy trì tăng 0,4 kg/tuần.
- Với phụ nữ nhẹ cân hơn mức bình thường, cần tăng duy trì 0,5kg/tuần.
- Với phụ nữ thừa cân trước khi mang thai, cần hạn chế mức độ tăng cân chỉ nên tăng 0,3kg/tuần.
Vậy chúng ta có thể hiểu là, 3 tháng đầu thai kỳ, phụ nữ sẽ tăng 1 - 2 kg, 3 tháng tiếp tăng 4 - 5 kg và 3 tháng cuối sẽ tăng 5 - 6 kg.
Hiện tượng táo bón
Thai 24 tuần tuổi khá lớn nên gây chèn ép các cơ quan bên cạnh như đại trực tràng. Sự thay đổi này của hệ tiêu hóa khiến mẹ khó chịu, mất khá nhiều thời gian dành cho việc đi đại tiện.
Để hạn chế hiện tượng táo bón, mẹ bầu cần bổ sung ít nhất 2 lít nước/ngày, ăn nhiều đu đủ, khoai lang, rau lang, rau mồng tơi… giúp dễ nhuận tràng. Bên cạnh đó, vận động nhẹ nhàng hỗ trợ quá trình nhu động ruột của mẹ.
Ngoài ra, khi mang thai đến tuần thứ 24, đỉnh tử cung của mẹ bầu có thể cách dây rốn khoảng 5cm, da đã bắt đầu rạn có thể hơi ngứa đặc biệt vùng bụng do vùng da ở đây căng lên. Mẹ bầu có thể đau bụng dưới, đau lưng, lông tóc có thể dài hơn… Mẹ bầu có thể dùng kem dưỡng ẩm hoặc lotion cho cơ thể thường xuyên để giảm cảm giác ngứa ngáy và giảm rạn da.
Thai 24 tuần nặng bao nhiêu là chuẩn?
“Thai nhi 24 tuần nặng bao nhiêu là chuẩn” là câu hỏi của rất nhiều mẹ bầu. Cùng tìm hiểu với nhà thuốc nhé!
Thai nhi 24 tuần tuổi có kích thước khoảng 32cm như một bắp ngô nếp. Cân nặng thai nhi 24 tuần tuổi nặng từ 0,6 - 0,7kg. Thời điểm này, da của bé đã căng ra nhiều do kích thước cũng như cân nặng tăng lên nhưng trông vẫn rất “mỏng manh” do lớp mỡ dưới da còn chưa phát triển.
Đến thời điểm 6 tháng, bé phát triển rất nhanh, có những lúc nghỉ ngơi xen kẽ với hoạt động. Và thường sẽ di chuyển nhiều hơn vào ban đêm. Bên cạnh đó, qua những chuyển động nhịp nhàng, đều đặn ở tử cung mà mẹ có cảm nhận được hiện tượng bé nấc cục.
Não bé cũng bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Các bộ phận khác như phổi cũng bắt đầu có khả năng sản sinh surfacrant làm phổi phồng lên cung cấp đầy đủ oxy cho cơ thể bé khi chào đời.
Một số lưu ý về chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng cho mẹ bầu để đảm bảo cân nặng
Chế độ dinh dưỡng
Dinh dưỡng cho mẹ bầu là vấn đề vô cùng quan trọng cần phải đảm bảo đủ 4 nhóm chất:
- Tinh bột có trong gạo, bún, phở, mì, khoai, ngô…
- Chất đạm được cung cấp từ thịt, cá, cua, tôm, đậu, đỗ…
- Chất béo lành mạnh có nhiều ở dầu, lạc, vừng, mỡ…
- Và các vitamin, chất xơ và khoáng chất trong rau củ quả.
Lưu ý, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cần được chú trọng cho thai nhi, tuyệt đối không nên dùng thực phẩm chưa được nấu chín hay không có nguồn gốc.
Để cân nặng tăng hợp lý mà vẫn đủ dưỡng chất, mẹ bầu cần được bổ sung các vitamin và các dưỡng chất thiết yếu dành cho mẹ và thai nhi, bao gồm:
- Vitamin A, B, C, D, E, K: Bổ sung thông qua thực phẩm chứa nhiều nhóm chất này mỗi ngày.
- Canxi: Canxi nhiều trong sản phẩm sữa, váng sữa, sữa chua, trứng…
- Acid folic: Chất này rất quan trọng đối với quá trình phát triển của hệ thần kinh. Axit folic có trong nhiều rau xanh đậm, súp lơ…
- Protein: Cung cấp đầy đủ protein sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tạo máu, tạo xương, cơ ở bé.
- Sắt: Đủ sắt sẽ giúp hạn chế tình trạng thiếu máu, giúp dễ dàng vận chuyển oxy, tạo máu và có nhiều ở trứng gà, thịt đỏ, gan lợn gà…
- Kẽm: Kẽm có nhiều ở cá, thịt gia cầm và sữa. Kẽm là chất vi lượng cần thiết để đảm bảo cân nặng cũng như kích thước vòng đầu của bé. Đồng thời kẽm còn đóng vai trò quan trọng trước và sau sinh.
- Iot và omega-3 cũng rất cần thiết cho bé.
Ngoài ra để tránh mất nước, táo bón đồng thời ảnh hưởng đến túi nước ối, thai phụ cần bổ sung ít nhất 8 ly nước lọc hay nước trái cây hằng ngày.
Chế độ sinh hoạt
Mẹ bầu cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Phụ nữ mang thai nên tránh làm việc trên cao hay ngâm mình lâu dưới nước. Và nên chú trọng thời gian nghỉ ngơi hợp lý, không làm việc quá sức phù hợp với sức khỏe của bản thân.
- Vận động nhẹ nhàng, tránh ngồi một chỗ cả ngày.
- Ngủ đủ giấc ít nhất 8 tiếng một ngày, kèm thêm ngủ trưa.
- Giữ tinh thần lạc quan, thoải mái, tránh lo âu phiền muộn.
- Đảm bảo môi trường sống, ở, làm việc sạch sẽ, tránh bụi bẩn, khói thuốc lá.
Trên đây là những giải đáp thắc mắc về câu hỏi: “Thai 24 tuần nặng bao nhiêu là chuẩn?” của Hà An Pharmacy. Hi vọng những thông tin trên sẽ đem lại cho mẹ bầu một thời gian mang bầu an toàn và sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh.
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp