Sự khác biệt giữa cuồng nhĩ và rung nhĩ không phải ai cũng biết
Phân biệt cuồng nhĩ và rung nhĩ đóng một vài trò vô cùng quan trọng trong việc đưa ra chẩn đoán cũng như phác đồ điều trị thích hợp. Vậy rung nhĩ và cuồng nhĩ là gì? Dấu hiệu nhận biết ra sao? Phương pháp điều trị các dạng rối loạn nhịp tim này như thế nào? Theo dõi bài viết dưới đây để có câu trả lời chính xác bạn nhé.
Tổng quan về cuồng nhĩ và rung nhĩ
Thông thường, nhịp tim được tạo ra bởi các tín hiệu điện xuất phát từ một vùng của tim được gọi là nút xoang, sau đó lan tỏa lần lượt đến các vùng khác của tim giúp cho hoạt động của các buồng tim diễn ra đồng bộ và hiệu quả.
Trên lâm sàng, các bác sĩ thường phân biệt rung nhĩ và cuồng nhĩ thông qua điện tim. Đường biểu diễn điện tim của sóng co bóp từ hai nhĩ trong cuồng nhĩ là dạng răng cưa mẻ, nhịp thất có thể đều còn trong rung nhĩ là một đường lăn tăn không đều. Vậy cuồng nhĩ và rung nhĩ là gì?
Rung nhĩ là một dạng rối loạn nhịp tim, xảy ra khi các tín hiệu điện xuất hiện nhanh hơn bình thường. Trong rung nhĩ, tâm nhĩ nhận các tín hiệu điện vô tổ chức và hỗn loạn. Các vùng của tâm nhĩ hoạt động không đồng bộ với tần số nhanh khiến cho hai tâm nhĩ phải và trái gần như không co bóp đồng thời cũng không phối hợp với tâm thất. Một phần các tín hiệu điện này được dẫn truyền xuống tâm thất khiến cho nhịp tim nhanh và không đều.
Trên thực tế, nhịp tim dao động trong khoảng 60 - 100 nhịp/phút được coi là bình thường. Còn đối với bệnh nhân rung nhĩ thì nhịp tim có thể sẽ dao động trong khoảng 100 - 175 nhịp/phút.
Tương tự như rung nhĩ, cuồng nhĩ cũng là một dạng của rối loạn nhịp tim, xảy ra do rối loạn hoạt động điện ở tâm nhĩ. Khác với rung nhĩ thì các tín hiệu điện là có tổ chức.
Trong cuồng nhĩ, nhịp tim bất thường xuất phát từ các buồng trên của tim, khiến cho tâm nhĩ đập 250 - 350 nhịp/phút. Điều này dẫn đến tình trạng tâm thất đập nhanh theo, có thể là 150 nhịp/phút hoặc hơn.
![Sự khác biệt giữa cuồng nhĩ và rung nhĩ không phải ai cũng biết 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/su_khac_biet_giua_cuong_nhi_va_rung_nhi_khong_phai_ai_cung_biet_1_e73ab74c85.jpg)
Dấu hiệu nhận biết rung nhĩ và cuồng nhĩ
Người bệnh bị rung nhĩ hoặc cuồng nhĩ có thể không gặp phải bất cứ triệu chứng nào. Nếu có thì các triệu chứng của cuồng nhĩ và rung nhĩ cũng tương tự nhau. Do vậy, rất khó để nhận biết bạn đang bị rung nhĩ hay cuồng nhĩ thông qua các triệu chứng lâm sàng.
Một số triệu chứng của cuồng nhĩ và rung nhĩ người bệnh có thể gặp phải bao gồm:
- Tim đập nhanh, mạch không đều;
- Đau tức ngực, có thể có đánh trống ngực;
- Hụt hơi, chóng mặt, thậm chí là ngất xỉu;
- Suy nhược và mệt mỏi;
- Tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và đột quỵ.
Các chuyên gia tim mạch chỉ ra rằng: Các triệu chứng của rung nhĩ thường nghiêm trọng hơn cuồng nhĩ, do vậy mà khả năng hình thành cục máu đông và đột quỵ ở người bệnh rung nhĩ thường cao hơn so với cuồng nhĩ.
![Sự khác biệt giữa cuồng nhĩ và rung nhĩ không phải ai cũng biết 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/su_khac_biet_giua_cuong_nhi_va_rung_nhi_khong_phai_ai_cung_biet_2_0e907aecf5.jpg)
Biến chứng của cuồng nhĩ và rung nhĩ
Đối với bệnh cuồng nhĩ, nếu không phát hiện và điều trị sớm có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến các biến chứng như:
- Hình thành cục máu đông: Việc tim hoạt động không hiệu quả sẽ khiến cho máu đọng lại ở tâm nhĩ từ đó làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Cục máu đông này di chuyển từ tim vào máu có thể gây tắc nghẽn động mạch và dẫn đến đột quỵ.
- Bệnh cơ tim và suy tim: Tim đập nhanh trong thời gian dài có thể khiến chức năng của tim bị suy giảm, từ đó tăng nguy cơ phát triển bệnh cơ tim.
Trong khi đó, bệnh nhân rung nhĩ có thể gặp phải các biến chứng như:
- Đột quỵ: Khi bị rung nhĩ, thay vì co bóp mạnh thì tâm nhĩ rung lên. Do vậy chỉ đẩy được một lượng máu vừa phải vào tâm thất. Tâm nhĩ hoạt động không hiệu quả dẫn đến ứ trệ dòng lưu thông trong buồng tim, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông - căn nguyên của đột quỵ.
- Bệnh cơ tim: Rung nhĩ khiến tâm thất đập nhanh hơn, nhịp đập quá nhanh, thời gian nghỉ giữa các nhịp đập giảm khiến cho tâm thất không được đổ đầy máu và hoạt động co bóp của cơ tim bị giảm hiệu quả. Thêm vào đó, nhịp tim nhanh trong thời gian dài có thể khiến chức năng của cơ tim bị suy giảm và dẫn đến bệnh cơ tim do nhịp nhanh.
- Suy tim: Rung nhĩ có thể khiến người bệnh bị suy tim và làm tình trạng suy tim sẵn có của người bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
- Giảm trí nhớ: Các nghiên cứu chỉ ra rằng, người bị rung nhĩ có trí nhớ kém hơn so với người bình thường và đặc biệt chứng sa sút trí tuệ cũng trở nên phổ biến hơn ở các bệnh nhân bị rung nhĩ.
![Sự khác biệt giữa cuồng nhĩ và rung nhĩ không phải ai cũng biết 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/su_khac_biet_giua_cuong_nhi_va_rung_nhi_khong_phai_ai_cung_biet_3_8b285cfebd.jpg)
Phương pháp chẩn đoán rung nhĩ và cuồng nhĩ
Để chẩn đoán cuồng nhĩ, các bác sĩ có thể chỉ định người bệnh tiến hành các cận lâm sàng như:
- Siêu âm tim: Phương pháp này sử dụng sóng siêu âm để khảo sát cấu trúc cũng như chức năng của tim. Siêu âm tim cũng giúp đo lưu lượng máu qua tim và mạch máu để đánh giá xem hoạt động của tim có bị suy yếu hay không.
- Điện tâm đồ: Phương pháp này ghi lại các hoạt động điện của tim tại một thời điểm. Kết quả điện tâm đồ ghi nhận được các rối loạn nhịp tim và điều này là vô cùng cần thiết để các bác sĩ đưa ra chẩn đoán cũng như định hướng phác đồ điều trị.
- Máy theo dõi Holter ECG giúp bác sĩ theo dõi hoạt động điện tim trong tối thiểu 24 giờ.
- Khảo sát điện sinh lý: Các bác sĩ sẽ tiến hành luồn một hoặc nhiều ống thông từ các tĩnh mạch đùi vào tim sau đó đưa các điện cực vào để theo dõi các tín hiệu điện trong buồng tim ở các vị trí khác nhau. Phương pháp này thường được thực hiện kết hợp với triệt phá ổ loạn nhịp trong điều trị triệt để cuồng nhĩ.
Đối với rung nhĩ, ngoài các cận lâm sàng như cuồng nhĩ thì các bác sĩ có thể chỉ định người bệnh làm thêm một số cận lâm sàng để tìm ra nguyên nhân gây rung nhĩ hoặc để chẩn đoán bệnh, cụ thể:
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm cận lâm sàng này giúp các bác sĩ loại trừ các vấn đề liên quan đến tuyến giáp hoặc phát hiện các bất thường trong máu có thể gây rung nhĩ.
- Máy ghi sự kiện (event monitoring): Tương tự như Holter ECG nhưng thiết bị này chỉ ghi lại hoạt động của tim ở một số thời điểm nhất định.
- Nghiệm pháp gắng sức: Nghiệm pháp này bao gồm đạp xe đạp tĩnh hoặc chạy bộ trên máy chạy bộ nhằm đánh giá hoạt động của tim khi gắng sức.
- Chụp X-quang phổi giúp các bác sĩ đánh giá tình trạng tim phổi.
![Sự khác biệt giữa cuồng nhĩ và rung nhĩ không phải ai cũng biết 4](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/su_khac_biet_giua_cuong_nhi_va_rung_nhi_khong_phai_ai_cung_biet_4_0b386b9874.jpg)
Điều trị rung nhĩ và cuồng nhĩ
Việc chẩn đoán sớm bệnh tim mạch cũng như điều trị tim mạch kịp thời sẽ giảm thiểu nguy cơ gặp các biến chứng sức khỏe nguy hiểm.
Đối với điều trị cuồng nhĩ và rung nhĩ, mục tiêu điều trị của hai dạng rối loạn nhịp tim này là khôi phục nhịp tim trở lại bình thường và ngăn ngừa hình thành cục máu đông. Các phương pháp điều trị rung nhĩ và cuồng nhĩ phổ biến đó là:
- Sử dụng thuốc: Các thuốc thường được chỉ định trong điều trị cuồng nhĩ và rung nhĩ bao gồm thuốc chẹn kênh canxi, thuốc chẹn beta, thuốc chuyển đổi nhịp tim trở lại bình thường, thuốc chống đông để ngăn ngừa huyết khối trong tim cũng như dự phòng đột quỵ.
- Sốc điện: Phương pháp này giúp chuyển nhịp tim bất thường về nhịp xoang bình thường. Sốc điện thường được sử dụng trong các tình huống khẩn cấp nhằm điều chỉnh nhịp tim bất thường khi người bệnh bị mất ý thức, tụt huyết áp hoặc ngất xỉu. Ngoài ra, người bệnh cuồng nhĩ và rung nhĩ có thể được thực hiện sốc điện theo chương trình để chuyển nhịp xoang theo chỉ định của bác sĩ.
- Triệt đốt loạn nhịp qua ống thông: Sử dụng năng lượng sóng cao tần để phá hủy các ổ loạn nhịp bên trong tim.
- Cắt bỏ nút nhĩ thất: Phương pháp này sử dụng sóng cao tần để phá hủy nút nhĩ thất. Sau khi cắt bỏ nút nhĩ thất, người bệnh cần được gắn máy tạo nhịp tim để có thể duy trì nhịp tim đều đặn.
![Sự khác biệt giữa cuồng nhĩ và rung nhĩ không phải ai cũng biết 5](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/su_khac_biet_giua_cuong_nhi_va_rung_nhi_khong_phai_ai_cung_biet_5_75ef0ef9e7.jpg)
Trong bài viết này, Hà An Pharmacy đã giúp bạn phân biệt hai dạng rối loạn nhịp tim là cuồng nhĩ và rung nhĩ. Hy vọng, với những chia sẻ trên đây, bạn đọc sẽ có cái nhìn chính xác hơn về vấn đề tim mạch này. Để ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm, hãy chủ động phòng ngừa bệnh tim mạch bạn nhé.
Xem thêm: