Rối loạn kinh nguyệt khi đang cho con bú
Chắc hẳn nhiều chị em mới làm mẹ sẽ bỡ ngỡ, đôi khi có phần lo lắng vì kinh nguyệt của mình bị rối loạn khi trong giai đoạn cho con bú. Cùng Hà An Pharmacy giải đáp thắc mắc này nhé.
Định nghĩa kinh nguyệt và sự rối loạn kinh nguyệt
Kinh nguyệt xảy ra khi trứng không được thụ tinh, lớp niêm mạc tử cung bị bong ra theo một chu kỳ làm chảy máu từ buồng tử cung ra ngoài âm đạo. Trong thời gian cho con bú ở năm đầu tiên (có người kéo dài đến 2 năm đầu tiên) thì kinh nguyệt của người mẹ không ổn định, thường thay đổi thất thường không theo một chu kỳ cố định, có tháng có tháng không, có tháng chu kỳ ngắn, có tháng chu kỳ dài, lượng máu kinh và màu sắc cũng thay đổi, kèm theo đau bụng, đau thắt lưng.
Theo nghiên cứu và khảo sát thì có đến 35-40% người mẹ sau sinh sẽ có kinh nguyệt sau 1,5 tháng sau sinh và gần 60% còn lại chu kỳ kinh nguyệt sẽ rơi vào 5-6 tháng sau sinh. Người mẹ cho con bú sẽ có chất prolactin trong sữa tiết ra làm cho vòng kinh chậm hơn.
Chu kỳ kinh nguyệt, lượng máu kinh thay đổi là một trong những dấu hiệu của rối loạn kinh nguyệt
Kinh nguyệt bị rối loạn khi cho con bú có nguy hiểm không?
Rối loạn kinh nguyệt sẽ làm cho chu kỳ hành kinh của người mẹ thất thường, lượng máu kinh cũng không đều, khi nhiều, khi ít, ngay cả màu sắc cũng thay đổi, lúc đen lúc nâu sẫm, cũng có lúc đỏ tươi. Tuy nhiên, nếu không kèm theo các dấu hiệu như ngứa ngáy tại âm đạo, có mùi hôi, đau bụng, đau rát khi sinh hoạt vợ chồng thì đây được xem là hiện tượng rối loạn bình thường, không đáng lo ngại.
Các bác sĩ phụ sản đã cho biết rằng nếu cho con bú mẹ hoàn toàn thì sẽ giúp mẹ vô kinh và không có thai ngoài ý muốn, nhưng nếu có hiện tượng rối loạn kinh nguyệt thì cần phải theo dõi để sử dụng các biện pháp tránh thai phù hợp, tránh trường hợp có thai ngoài ý muốn vì kinh nguyệt không ổn định rất khó theo dõi. Tuy nhiên, nếu rối loạn kinh nguyệt trong hai năm đầu mà không đi kèm các dấu hiệu bất thường như đã nêu ở trên thì không nên lo lắng, còn sau thời gian đó, tình trạng rối loạn vẫn tiếp diễn thì tốt nhất nên đi đến các bệnh viện uy tín để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh kéo dài gây nguy hiểm cho sức khỏe người mẹ cũng như ảnh hưởng đến vấn đề sinh sản sau này.
Đau bụng được xem là một trong những dấu hiệu nguy hiểm của rối loạn kinh nguyệt
Làm thế nào để nhận biết kinh nguyệt bị rối loạn khi cho con bú
Các dấu hiệu nhận biết khi bạn bị rối loạn kinh nguyệt như sau:
- Máu kinh có màu sắc khác thường, hay bị vón cục màu đen hay nâu sẫm, chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày.
- Mất kinh khá lâu sau sinh có thể kéo dài từ 1-1,5 năm.
- Thường xuyên đau bụng dữ dội trong thời gian hành kinh.
- Ngứa ngáy, đau rát vùng kín, có mùi hôi ở vùng kín khi hành kinh.
- Đau nhức đầu vú thường xảy ra ở mẹ có nhiều sữa, em bé không bú kịp nhưng đừng nhầm lẫn với đau nhức đầu vú do rối loạn kinh nguyệt vì ngoài hiện tượng đau nhức còn đi kèm sưng phồng ở đầu vú.
Rối loạn kinh nguyệt khi cho con bú là một hiện tượng khá bình thường do dưỡng chất dung nạp vào cơ thể bây giờ đã phân chia thành hai phần: Một phần nuôi cơ thể người mẹ và một phần tạo ra sữa cho bé bú. Bên cạnh đó, những người mẹ phải chăm con một mình mà không có sự giúp sức gia đình, người thân, hoặc phải gánh gồng kinh tế thì dễ rơi vào trầm cảm, tiêu cực cũng ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.
Nếu có những dấu hiệu rối loạn kinh nguyệt nguy hiểm đến sức khỏe, cần phải tới bệnh viện để các bác sĩ thăm khám và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, tránh dây dưa làm ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng sữa mẹ và cả công cuộc nuôi con bằng sữa mẹ.
Đau nhức đầu vú thường xảy ra ở mẹ có nhiều sữa
Chữa rối loạn kinh nguyệt khi cho con bú
Để có kinh nguyệt ổn định, chu kỳ mỗi tháng trung bình từ 28-35 ngày là điều mà bất kỳ phụ nữ nào cũng mong muốn, có được điều đó thì các mẹ cần lưu ý những điều sau:
- Tăng cường, bổ sung dinh dưỡng, có lối sống khoa học, ngủ đủ giấc.
- Loại bỏ căng thẳng, stress bằng cách nhờ chồng, người thân san sẻ bớt công việc và chăm con.
- Tránh xa các chất kích thích như rượu bia, duy trì lối sống lành mạnh.
- Áp dụng các biện pháp tránh thai phù hợp.
- Luyện tập thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày.
- Luôn thăm khám sức khỏe theo định kỳ.
Tăng cường sức khỏe bằng dinh dưỡng là một trong những phương pháp chữa rối loạn kinh nguyệt hiệu quả
Với những chia sẻ về việc rối loạn kinh nguyệt khi cho con bú thì hy vọng các mẹ đã có cái nhìn tổng quát hơn, hiểu rõ hơn và có biện pháp điều trị cũng như chăm sóc cơ thể nếu rơi vào tình trạng trên.
Hoàng Trang
Nguồn tổng hợp