Quáng gà khi mang thai ảnh hưởng thế nào đến thai phụ?

Quáng gà là bệnh lý chiếm tỉ lệ không nhỏ ở Việt Nam hiện nay. Đối với người bình thường, quáng gà đã gây nhiều hạn chế trong học tập, công tác và sinh hoạt, thế nhưng quáng gà khi mang thai lại càng khó khăn nhiều hơn. Vậy người bị quáng gà khi mang thai có nguy cơ gì và cần chú ý điều gì? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây bạn nhé!

Quáng gà khi mang thai là gì?

Quáng gà khi mang thai được biểu hiện bằng sự suy giảm thị lực nhìn xa trong thai kỳ, thường tái phát khi mang thai nhiều lần và có thể kéo dài sang thời kỳ hậu sản. Khả năng thích ứng với ánh sáng yếu của mắt phụ thuộc vào việc tế bào võng mạc tạo ra sắc tố thụ cảm ánh sáng là rhodopsin và điều này cần sự tham gia của vitamin A. Sự thiếu hụt vitamin A dẫn đến việc thích nghi chậm với ánh sáng yếu, và dần dẫn đến bệnh quáng gà.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, tỷ lệ quáng gà khi mang thai trên toàn cầu ở những nhóm dân cư có nguy cơ thiếu vitamin A là 7,8%.

Quáng gà khi mang thai ảnh hưởng thế nào đến thai phụ? Quáng gà khi mang thai không phải là tình trạng hiếm gặp

Nguyên nhân gây quáng gà khi mang thai

Quáng gà khi mang thai xảy ra thường là do sự thiếu hụt vitamin A. Nguyên nhân thiếu vitamin A ở bà bầu bao gồm:

  • Khẩu phần ăn bị thiếu hụt vitamin A: Phụ nữ trong thời gian thai kỳ có nhu cầu vitamin A cao hơn bình thường từ 10-20%, với mức khuyến nghị là 800 mcg/ngày. Vì vậy việc duy trì khẩu phần ăn giống như trước khi mang thai sẽ dẫn đến việc thiếu hụt vitamin A.
  • Các bệnh nhiễm khuẩn: Một số bệnh như sởi, viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới hay tiêu chảy. Vitamin A tham gia vào quá trình bảo vệ cơ thể ở bệnh sởi hay viêm nhiễm đường hô hấp; trong khi tiêu chảy khiến cho vitamin A cũng như các chất dinh dưỡng khác thoát ra ngoài qua phân và nước tiểu.
  • Các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như bệnh Celiac, xơ gan, các bệnh liên quan đến tuyến tụy,… khiến khả năng hấp thụ vitamin A bị sụt giảm.
  • Nhiễm ký sinh trùng: Do giun đũa làm giảm khả năng hấp thụ vitamin A.

Ngoài ra, tình trạng quáng gà khi mang thai có thể là do nguyên nhân chính ở mắt, kết hợp với tình trạng thiếu hụt vitamin A trong thời gian thai kỳ gây nên: Cận thị, bệnh tăng nhãn áp, đang sử dụng thuốc điều trị tăng nhãn áp làm co đồng tử, đục thủy tinh thể,…

Dấu hiệu quáng gà khi mang thai

Nhìn chung, triệu chứng của quáng gà khi mang thai giống với triệu chứng của quáng gà thông thường:

  • Khó khăn khi di chuyển trong phòng với ánh sáng yếu.
  • Khó khăn khi lái xe ra khỏi nhà khi trời đã tối, đồng thời có tâm lý sợ khi phải lái xe ra khỏi nhà trong thời gian này.
  • Khó khăn trong việc nhận dạng khuôn mặt của mọi người hay các đồ vật trong điều kiện ánh sáng yếu.
  • Mất nhiều thời gian để có thể nhìn được trong phòng tối khi vừa từ nơi có ánh sáng đủ. Và ngược lại, mất nhiều thời gian để có thể thích nghi với điều kiện ánh sáng đủ khi vừa từ phòng tối ra.

Tuy nhiên để biết rằng mình có đang bị quáng gà khi mang thai hay không, bạn cần đến khám các bác sỹ về mắt và sản khoa để họ có thể kiểm tra trực tiếp và có kết luận chính xác nhất về tình trạng, cũng như nguyên nhân gây ra quáng gà khi mang thai.

Quáng gà khi mang thai ảnh hưởng thế nào đến thai phụ 2 Mẹ bầu cần được chăm sóc, quan tâm và tìm gặp bác sĩ nếu có bất thường gì xảy ra

Điều trị quáng gà khi mang thai

Sau khi được thăm khám và chẩn đoán về tình trạng nhãn khoa của mình, bạn cần tuân thủ tốt kế hoạch điều trị mà các bác sĩ đã đặt ra. Việc điều trị quáng gà khi mang thai phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh:

  • Đối với nguyên nhân do bệnh ở mắt gây ra như cận thị, đục thủy tinh thể,… bạn cần điều trị bằng cách đeo kính cận hoặc thực hiện các phẫu thuật cần thiết. Cần lưu ý tham khảo bác sỹ sản khoa khi thực hiện các can thiệp phẫu thuật vì nó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
  • Đối với nguyên nhân do bệnh nhiễm trùng, ký sinh trùng, bệnh đường tiêu hóa: Tham khảo ý kiến của bác sỹ sản khoa khi có sử dụng thuốc để điều trị các bệnh này, vì các thuốc có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
  • Đối với nguyên nhân do thiếu hụt vitamin A: Bệnh nhân cần bổ sung vitamin A theo đúng phác đồ của bác sỹ, tránh việc gây dư thừa vitamin A cũng gây ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển thai nhi, có thể là sảy thai.

Phòng ngừa quáng gà khi mang thai

Việc bổ sung vitamin A trong thời kỳ mang thai là hết sức cần thiết. Không chỉ giúp việc phòng ngừa quáng gà khi mang thai, nó còn đảm bảo dinh dưỡng cần thiết để quá trình phát triển của thai nhi diễn ra bình thường. Lượng vitamin A khuyến nghị cho phụ nữ mang thai là 800 mcg/ngày.

Cách tốt nhất để ngăn ngừa sự thiếu hụt vitamin A là thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng và giàu chất dinh dưỡng. Vitamin A được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm như:

  • Sữa;
  • Cà chua;
  • Gan;
  • Cá hồi;
  • Các loại rau củ màu vàng như khoai lang, cà rốt, bí,…
  • Các loại rau màu xanh như rau bina, súp lơ xanh,…
  • Một vài thực phẩm chế biến sẵn như ngũ cốc, nước trái cây,…

Nếu bạn được chẩn đoán là thiếu vitamin A, hãy bổ sung thêm bằng việc sử dụng viên vitamin A đường uống cho đến khi tình trạng này được khắc phục.

Quáng gà khi mang thai ảnh hưởng thế nào đến thai phụ 3 Dinh dưỡng là vấn đề quan trọng cần chú ý với bà bầu bị quáng gà

Cũng trong thời gian thai kỳ này, cố gắng tăng cường sức khỏe bằng cách dung nạp thêm các vi chất khác, giữ gìn sức khỏe, tập luyện với cường độ phù hợp nhằm tăng cường sức đề kháng, tránh việc mắc các bệnh nhiễm trùng có thể gây ra tình trạng thiếu hụt vitamin A. Cân nhắc việc tẩy giun trước thời gian mang thai dự tính ít nhất 3 tháng để tránh ảnh hưởng đến thai kỳ.

Với những bạn đang có sẵn tình trạng về nhãn khoa, hãy tuân thủ đúng theo tiến trình điều trị của bác sỹ nhãn khoa về việc đeo kính. Cân nhắc sử dụng kính râm để bảo vệ mắt khỏi tia cực tím, tránh gây tổn thương thêm về mắt.

Và điều cuối cùng vô cùng quan trọng, bạn hãy đi khám chuyên khoa mắt trong mỗi lần khám thai định kỳ để họ có thể phát hiện được các vấn đề liên quan, cũng như đưa ra các phác đồ phù hợp cho bạn.

Thông qua bài viết này, Nhà Thuốc Hà An hy vọng gửi tới quý bạn đọc những thông tin hữu ích để giải đáp thắc mắc về bệnh lý quáng gà khi mang thai. Nhà Thuốc Hà An luôn sẵn sàng đồng hành cùng tất cả các quý bạn đọc cách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp



Chat with Zalo