Ốm nghén trong thai kỳ: Triệu chứng và cách cải thiện
Ốm nghén thường được coi là nỗi ác mộng của mẹ bầu bởi mẹ bầu thường cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức. Dẫu vậy, không phải mẹ bầu nào cũng ốm nghén và không phải mẹ bầu nào cũng biết cách cải thiện tình trạng ốm nghén để cơ thể mẹ và bé khỏe mạnh hơn. Do vậy, bài viết này sẽ giúp mẹ bầu tìm hiểu về tình trạng ốm nghén và cách cải thiện ốm nghén, giúp mẹ bầu có sức khỏe ổn định trong thời gian đầu thai kỳ.
Ốm nghén là gì?
Ốm nghén hay còn gọi là buồn nôn và nôn khi mang thai là một tình trạng phổ biến trong thời gian đầu khi mang thai. Khoảng 70% phụ nữ mang thai bị ốm nghén. Tình trạng này thường xảy ra vào khoảng tuần thứ 6 của thai kỳ và kéo dài hàng tuần hoặc vài tháng.
Các triệu chứng thường cải thiện trong tam cá nguyệt thứ hai (tuần 13 đến 27 - tức là 3 tháng giữa của thai kỳ). Tuy nhiên, một số phụ nữ ốm nghén trong suốt thai kỳ.
Nguyên nhân gây ốm nghén
Thông thường, các bác sĩ cho rằng ốm nghén là do lượng đường trong máu thấp hoặc sự gia tăng hormone thai kỳ, chẳng hạn như gonadotropin màng đệm ở người (HCG) hoặc estrogen. Tình trạng ốm nghén có thể trở nên tồi tệ hơn do căng thẳng, mệt mỏi, ăn thức ăn gây kích ứng, hoặc say tàu xe.
![Tình trạng ốm nghén có thể trở nên tồi tệ hơn do căng thẳng, mệt mỏi 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Tinh_trang_om_nghen_co_the_tro_nen_toi_te_hon_do_cang_thang_met_moi_e79755f930.jpg)
Triệu chứng ốm nghén
Các triệu chứng ốm nghén bao gồm:
- Nôn hơn 3 lần một ngày.
- Mất nước nghiêm trọng (các dấu hiệu mất nước bao gồm tiểu ít hoặc không tiểu trong suốt cả một ngày, nước tiểu sẫm màu, chóng mặt khi đứng).
- Giảm hơn 2 kg trong thời gian nghén.
- Phụ nữ bị ốm nghén nặng có thể phải nhập viện để được truyền dịch qua đường tĩnh mạch nhằm khôi phục lại lượng nước đã mất hoặc phải dùng thuốc để giảm cảm giác buồn nôn.
![Nôn hơn 3 lần một ngày là triệu chứng đầu tiên của việc ốm nghén 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Non_hon_3_lan_mot_ngay_la_trieu_chung_dau_tien_cua_viec_om_nghen_91c3bf5bd1.jpg)
Cách cải thiện tình trạng ốm nghén
Bạn có thể cải thiện tình trạng ốm nghén của mình bằng các cách sau đây:
- Ăn bánh quy hoặc bánh mì nướng vào buổi sáng để giúp ổn định dạ dày.
- Chia nhỏ bữa ăn thành 5 hoặc 6 bữa mỗi ngày thay vì 3 bữa ăn lớn.
- Tránh thức ăn cay và dầu mỡ. Ăn thực phẩm thanh đạm như chuối, cơm, bánh mì nướng khô, khoai tây nướng, trứng, đậu phụ hoặc sốt táo.
- Ăn đồ ăn nhẹ lành mạnh trong các bữa phụ, chẳng hạn như sữa chua, bơ đậu phộng với lát táo hoặc cần tây, pho mát, sữa hoặc các loại hạt.
- Uống nhiều nước.
- Bổ sung những thực phẩm giảm tình trạng ốm nghén cho mẹ bầu.
- Bổ sung vitamin trong các bữa ăn nhẹ. Nếu vitamin có chứa sắt, hãy uống trước khi đi ngủ.
- Tránh mùi hôi, ánh đèn nhấp nháy, hoặc các trường hợp khiến bạn thấy khó chịu và kích thích cảm giác buồn nôn.
- Pha trà gừng hoặc ăn kẹo gừng.
- Nghỉ ngơi.
- Giữ cho các phòng thông thoáng, bật quạt hoặc thỉnh thoảng ra ngoài để hít thở không khí trong lành.
- Ngửi những mùi hương tươi mát, dễ chịu như chanh, cam, bạc hà.
![Bạn có thể ăn bánh quy để giảm cảm giác buồn nôn 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Ban_co_the_an_banh_quy_de_giam_cam_giac_buon_non_c40532942b.jpg)
Trong trường hợp bạn bị nghén nặng, các bác sĩ có thể kê cho bạn một số loại thuốc sau:
- Vitamin B6 (còn gọi là pyridoxine) và doxylamine. Doxylamine cũng được sử dụng như một chất hỗ trợ giấc ngủ và để điều trị bệnh sốt cỏ khô hoặc các bệnh dị ứng khác.
- Thuốc chống buồn nôn (thuốc chống nôn). Nếu những loại thuốc này không có tác dụng, bác sĩ có thể kê cho bạn các nhóm thuốc khác bao gồm thuốc kháng histamine và thuốc kháng cholinergic. Tuy nhiên, bạn cần phải tuyệt đối tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ nếu dùng các loại thuốc này.
Như vậy, nếu bạn bị ốm nghén trong tam cá nguyệt đầu tiên, đừng quá lo lắng bởi đây là triệu chứng hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn bị ốm nghén quá nặng khiến bạn không thể ăn uống được, hãy đến gặp bác sĩ để có hướng điều trị phù hợp hơn, giúp cải thiện tình trạng và tăng cường sức khỏe cho cả bạn và thai nhi.
Tuyết Linh
Nguồn tham khảo: Cleveland Clinic