Nhược thị có nên đeo kính không?

Tỷ lệ nhược thị ở Việt Nam là 2-5%. Có lẽ do không phổ biến bằng cận thị và viễn thị nên thuật ngữ “nhược thị” vẫn còn khá xa lạ với mọi người. Tuy nhiên, nhược thị lại là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực ở nước ta. Để giải đáp thắc mắc “Nhược thị có nên đeo kính không”, bài viết này sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cơ bản nhất về nhược thị để có thể chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và mang lại hiệu quả điều trị cao nhất cho bệnh nhân.

Nhược thị là gì?

Nhược thị (Amblyopia) hay còn được gọi là mắt lười là tình trạng tầm nhìn của một trong hai mắt của bạn không phát triển như mong muốn. Nếu không được điều trị, não sẽ học cách bỏ qua hình ảnh phát ra từ mắt yếu hơn. Lâu dần gây ra việc mất thị lực vĩnh viễn ở mắt nhược thị.

Có thể chẩn đoán nhược thị khi thị lực dưới 7/10 hoặc chênh lệch thị lực hai mắt trên 2/10.

Dựa vào nguyên nhân, nhược thị được chia làm hai loại:

  • Nhược thị thực thể: Được chẩn đoán khi xác định được nguyên nhân gây chứng nhược thị như đục thủy tinh thể, sụp mi, các tật khúc xạ, lệch xạ...
  • Nhược thị cơ năng: Bác sĩ chỉ được chẩn đoán là nhược thị cơ năng sau khi đã loại trừ hết các nguyên nhân thực thể gây bệnh nhược thị.

Nguyên nhân dẫn đến nhược thị

Dưới đây là một số nguyên nhân có thể dẫn đến nhược thị:

  • Những bất thường gây cản trở đường đi từ ánh sáng đến võng mạc: Từ ngoài vào trong lần lượt là sụp mi, sẹo giác mạc, đục thủy tinh thể, dịch kính bị tổn thương... Những bất thường này khiến võng mạc không thể nhận được hình ảnh rõ nét của vật, từ đó gây giảm thị lực của mắt.
Nhược thị có nên đeo kính không? 1 Sụp mi nặng có thể gây nhược thị
  • Lác hay còn gọi là lé mắt: Là tình trạng mắt hướng tới hai hướng khác nhau. Một mắt có xu hướng nhìn thẳng, một mắt có xu hướng nhìn vào trong hoặc ra ngoài. Mắt di chuyển vào trong gọi là lác trong, mắt di chuyển ra ngoài gọi là lác ngoài. Lác trong có khả năng bị nhược thị cao hơn lác ngoài. Lác gây ra song thị, do đó não sẽ loại bỏ hình ảnh từ mắt không nhìn thẳng, gây nên chứng nhược thị. Lác mắt có thể là nguyên nhân và cũng có thể là hậu quả của nhược thị.
  • Tật khúc xạ: Bao gồm các tật cận thị, loạn thị và viễn thị. Các tật khúc xạ khiến ảnh của vật không rõ nét trên võng mạc khiến mắt nhìn vật bị mờ, méo mó. Thông thường, chỉ những cận thị mức độ nặng (lớn hơn -6 diop) và viễn thị mức độ nặng (lớn hơn +5 điop) mới có khả năng gây chứng nhược thị.
  • Lệch khúc xạ: Việc hai mắt có độ khúc xạ không đều nhau (độ cận hoặc độ viễn của mắt phải và mắt trái không đều) trong một thời gian dài sẽ khiến ảnh của vật được tạo bởi hai mắt lên võng mạc không đồng đều. Khi ấy, não sẽ loại bỏ tín hiệu bên mắt có ảnh mờ hơn có nghĩa là mắt có độ khúc xạ cao hơn.

Các dấu hiệu nhận biết nhược thị

Người bị chứng nhược thị thường có các biểu hiện như hay nheo mắt, nhắm mắt, nghiêng đầu sang một bên khi nhìn để có thể nhìn vật rõ hơn. Đôi khi nó còn khiến người bệnh bị nhức mắt, mỏi mắt do mắt lành phải điều tiết quá nhiều.

Người bị nhược thị có thể có các biểu hiện của lác mắt. Dựa vào thời điểm trẻ xuất hiện lác mắt để xác định nó là nguyên nhân hay hậu quả của nhược thị. Lác mắt gây nên những vấn đề về thẩm mỹ gây ảnh hưởng đến tâm lý của người bệnh nên việc phẫu thuật để điều trị lác mắt là cần thiết.

Bệnh nhân có thể có tật khúc xạ kèm theo nếu nó là nguyên nhân gây nhược thị.

Khác với các tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị, việc phát hiện bệnh nhược thị khó khăn hơn nhiều do người bệnh có khả năng thích nghi với việc chỉ sử dụng một bên mắt mà vẫn có khả năng nhìn rõ vật. Do đó cần đo thị lực định kỳ nếu bạn có những dấu hiệu của nhược thị, đặc biệt là những người đã mắc các tật khúc xạ thông thường.

Nhược thị có nên đeo kính không?

Nguyên tắc cơ bản của điều trị nhược thị là hạn chế sử dụng mắt lành và kích thích sử dụng mắt nhược thị, đồng thời phối hợp với điều trị triệt để nguyên nhân nếu có. Do đó, để có thể trả lời câu hỏi liệu nhược thị có nên đeo kính không, chúng ta cần tìm được nguyên nhân gây nhược thị.

Nhược thị có nên đeo kính không? 3 Nhược thị có nên đeo kính không?

Sau khi đã xác định được nguyên nhân gây nhược thị, đối với từng nguyên tắc điều trị nhược thị sẽ có những nguyên tắc sử dụng kính khác nhau.

Cải thiện tình trạng nhược thị bằng cách nào?

Hạn chế sử dụng mắt lành

Bác sĩ có thể sử dụng phương pháp bịt mắt hoặc thặng chỉnh kính cho mắt lành để hạn chế sử dụng mắt lành.

  • Phương pháp bịt mắt: Có thể dán băng lên kính mắt hoặc cho bệnh nhân đeo kính bị mờ một bên. Việc đeo kính sẽ giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn so với việc dán băng trực tiếp vào mắt.
  • Thặng chỉnh kính bên lành lên ít nhất +3 diop. Phương pháp này khiến mắt lành chỉ nhìn rõ những vật ở gần, còn nhìn xa bị mờ, nhòe. Do đó khi nhìn xa mắt sẽ buộc phải sử dụng mắt yếu hơn.
Nhược thị có nên đeo kính không? 4 Dán băng lên kính để hạn chế sử dụng mắt lành

Kích thích sử dụng mắt nhược thị để cải thiện tình trạng nhược thị

Để mắt nhược thị được sử dụng tối ưu, đầu tiên bác sĩ phải xác định chính xác được thị lực của mắt và chỉnh kính tối ưu cho bệnh nhân. Bệnh nhân cần đeo kính liên tục để việc sử dụng mắt yếu hơn được tối đa.

Nhược thị do tật khúc xạ nên đeo kính như thế nào?

Việc tìm ra các tật khúc xạ của mắt để điều trị nhược thị là vô cùng quan trọng. Cần đưa bệnh nhân đến cơ sở chuyên khoa để đo thị lực, thậm chí soi đáy mắt để phát hiện các biến chứng do các tật khúc xạ gây ra. Bệnh nhân sẽ được cấp các loại kính tùy thuộc vào tật khúc xạ bị mắc. Việc cấp kính luôn tuân thủ nguyên tắc kích thích sử dụng mắt nhược thị.

Nhược thị có nên đeo kính không? 5
 
Đeo kính cận thị giúp ảnh của vật hiện lên võng mạc
  • Cận thị: Bệnh nhân sẽ được cấp một thấu kính phân kì, giúp ảnh của vật được xuất hiện trên võng mạc rõ nét. Độ cận của kính cần chính xác để mắt nhược thị được sử dụng tối đa.
  • Viễn thị: Mắt kính là một thấu kính hội tụ giúp bệnh nhân nhìn rõ cả vật ở gần và ở xa.
  • Loạn thị: Cấp kỉnh để chỉnh đường đi của ánh sáng đến võng mạc theo các trục khác nhau.

Qua bài viết, Nhà Thuốc Hà An hy vọng đã phần nào giải đáp được câu hỏi:"Nhược thị nên đeo kính không?" của các bạn. Mong rằng bài viết này đã đem đến những thông tin hữu ích về tật nhược thị và những vấn đề liên quan. Đừng quên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa ngay để khám và điều trị nếu thấy bản thân có những dấu hiệu của chứng nhược thị các bạn nhé!

Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp



Chat with Zalo