Nhiễm trùng đường ruột do virus và những thông tin cần biết
Nằm trong nhóm bệnh lý tiêu hóa thường gặp, nhiễm trùng đường ruột do virus ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tổng thể, có thể gây ra những biến chứng nặng nề làm giảm chất lượng cuộc sống của bạn. Nguyên nhân gây bệnh thường được xác định là do Rotavirus hoặc Norovirus.
Tổng quan về bệnh nhiễm trùng đường ruột do virus
Dọc theo suốt chiều dài đường ruột của chúng ta, có hệ vi sinh đường ruột bao gồm đa dạng các loại vi khuẩn, virus và nấm. Chúng tồn tại và hoạt động như một hàng rào có lợi cho cơ thể, thông qua việc cạnh tranh về thức ăn, nơi ở và tiêu diệt vi khuẩn gây hại. Bên cạnh đó, hệ vi sinh đường ruột còn giúp hình thành nên đáp ứng miễn dịch.
Khi hệ vi sinh đường ruột bị rối loạn, tức là về số lượng và chất lượng vi sinh vật biến đổi, cơ thể có thể sẽ biểu hiện ra bệnh lý. Nhiễm trùng đường ruột do virus là tình trạng tổn thương tại đường tiêu hóa, nguyên nhân chủ yếu được xác định là do rotavirus và norovirus.
- Norovirus: Virus này xâm nhập vào cơ thể thông qua nguồn nước hoặc thức ăn bị ô nhiễm, có khả năng lây lan từ người nhiễm bệnh sang người khỏe mạnh.
- Rotavirus: Được xác định là tác nhân chính gây ra nhiễm trùng đường ruột do virus ở trẻ em. Virus này thường bám trên các vật dụng hằng ngày, xâm nhập vào cơ thể thông qua tiếp xúc, đưa tay vào miệng.
![Nhiễm trùng đường ruột do virus 01](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nhiem_trung_duong_ruot_do_virus_01_cd884ea33f.jpg)
Tình trạng nhiễm trùng tại đường tiêu hóa do virus có thể xảy ra ở bất kỳ giới tính, độ tuổi hoặc tình trạng sức khỏe nào. Do vậy, việc nhận biết sớm các dấu hiệu nhiễm trùng do virus là rất cần thiết, giúp bạn đọc nhanh chóng đến thăm khám tại các cơ sở y tế và được chăm sóc, điều trị tích cực.
Các dấu hiệu ở bệnh nhân bị nhiễm trùng đường ruột do virus bao gồm:
- Nôn ói.
- Đi ngoài ra phân lỏng.
- Bụng xuất hiện cơn đau.
- Cơ thể sốt cao hoặc ớn lạnh.
- Đau nhức đầu.
- Đi ngoài ra máu.
Dấu hiệu cần can thiệp y tế
Khi được xác định là nhiễm trùng đường ruột do virus, người bệnh cần được chăm sóc y tế để phòng ngừa nguy cơ dẫn đến biến chứng, cũng như thúc đẩy cơ thể hồi phục. Khi xuất hiện các dấu hiệu dưới đây, người bệnh cần mau chóng tìm đến sự chăm sóc y tế từ bác sĩ, bao gồm:
- Sốt cao trên 39 độ.
- Bụng đau ngày càng dữ dội.
- Đi phân lỏng nhiều lần, không kiểm soát (tiêu chảy kéo dài hơn 2 ngày mà không thuyên giảm).
- Xuất hiện dấu hiệu mất nước bao gồm: Khát nước, cơ thể suy nhược, choáng váng, nước tiểu sẫm màu,...
![Nhiễm trùng đường ruột do virus 02](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nhiem_trung_duong_ruot_do_virus_02_8a9c85ed74.jpg)
Ở người trưởng thành có sức đề kháng khỏe mạnh, nhiễm trùng đường ruột do virus thường không gây ra biến chứng. Tuy nhiên, đối với người có hệ miễn dịch yếu như trẻ em hoặc người cao tuổi, nhiễm trùng do virus có thể dẫn đến một số biến chứng sức khỏe nghiêm trọng như suy thận, thiếu máu, rối loạn nhu động ruột, chảy máu trong đường ruột,...
Chẩn đoán và điều trị nhiễm trùng đường ruột do virus
Chẩn đoán
Để chẩn đoán một bệnh lý bất kỳ, ban đầu bác sĩ sẽ thăm khám các biểu hiện lâm sàng, hỏi triệu chứng, tiền sử bệnh và điều tra về yếu tố dịch tễ.
Sau đó, một số các xét nghiệm cận lâm sàng giúp hỗ trợ chẩn đoán bệnh có thể được thực hiện bao gồm chụp hình ảnh, nội soi, xét nghiệm máu, xét nghiệm phân,... tùy theo lời kể của bệnh nhân và đánh giá của bác sĩ.
Điều trị
Tùy thuộc và nguyên nhân và tình trạng bệnh của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định điều trị phù hợp. Trong đó, các hướng điều trị phổ biến ở bệnh nhân nhiễm trùng đường ruột do virus bao gồm:
- Bù nước: Việc bổ sung nước và điện giải giúp bù lại lượng dịch mất đi do nôn ói, tiêu chảy. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng nên được cung cấp các thức ăn dạng lỏng, dễ tiêu hóa và giàu dinh dưỡng như cháo hoặc súp.
- Nghỉ ngơi nhiều: Việc này giúp cơ thể có sức để hồi phục nhanh hơn trong thời gian điều trị.
- Chia nhỏ thành nhiều bữa ăn: Việc chia nhỏ thành nhiều bữa ăn giúp hạn chế áp lực lên hệ tiêu hóa, nhưng vẫn đảm bảo đủ dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể phục hồi.
- Điều trị bằng thuốc kê đơn từ bác sĩ: Khi cần thiết thì bác sĩ có thể chỉ định đơn thuốc cho bệnh nhân nhiễm trùng đường ruột do virus. Tuy nhiên bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ về thời gian và liều lượng dùng thuốc.
Lưu ý: Thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn, không có tác dụng với virus. Do vậy, việc lạm dụng tự ý dùng kháng sinh mà không có chỉ định của bác sĩ, có thể làm tình trạng bệnh nghiêm trọng, kéo dài hơn và tăng khả năng tái phát bệnh.
![Nhiễm trùng đường ruột do virus 03](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/smalls/nhiem_trung_duong_ruot_do_virus_03_138b8fbd7e.jpg)
Phòng ngừa nhiễm trùng đường ruột
Tình trạng nhiễm trùng đường ruột có thể do vi khuẩn hoặc virus gây ra, chủ yếu do lây nhiễm từ nguồn thực phẩm, thức uống hằng ngày. Do vậy để bảo vệ đường tiêu hóa, bạn đọc cần có thói quen ăn uống hợp vệ sinh, cụ thể:
- Vệ sinh tay thật kỹ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với vật nuôi hoặc người bệnh.
- Vệ sinh cá nhân thường xuyên, không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác.
- Sử dụng nguồn nước sạch, nước đun sôi để nguội hoặc nước từ máy lọc nước chuyên dụng.
- Không nên ăn các món ăn được chế biến sống kiểu như tiết canh, gỏi cá, sashimi,...
- Sơ chế kỹ thực phẩm trước khi chế biến, không để lẫn thực phẩm chín và thực phẩm tươi sống với nhau.
- Hạn chế ăn vặt tại các hàng quán vỉa hè được chế biến không đảm bảo vệ sinh.
- Giữ vệ sinh môi trường sống bằng cách thường xuyên giặt chăn, ga, gối, nệm... Vệ sinh và khử trùng các bề mặt virus dễ bám vào như sàn nhà, nhà tắm, nhà vệ sinh, tay nắm cửa.
Bài viết đã cung cấp cho bạn đọc các thông tin liên quan đến tình trạng nhiễm trùng đường ruột do virus. Không chỉ bắt đầu từ việc nhận biết sớm các dấu hiệu bệnh và tích cực điều trị, bạn đọc cần có thói quen ăn uống và sinh hoạt vệ sinh sạch sẽ, nhằm phòng ngừa lây nhiễm virus.